Saturday, April 5, 2025

LIỆU MỸ CÓ "QUỴT" NỜ TRUNG QUỐC? (Minh Phương / RFI)

 



Liệu Mỹ có “quỵt” nợ Trung Quốc ?

Minh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 04/04/2025 - 12:21

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250404-li%E1%BB%87u-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-qu%E1%BB%B5t-n%E1%BB%A3-trung-qu%E1%BB%91c

 

Đối mặt với mức nợ công khổng lồ 36.000 tỷ đô la, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại thử nghiệm nhiều biện pháp trên quy mô toàn cầu. Mở màn là quyết định đánh thuế xuất khẩu của “cả thế giới”, từ đồng minh cho tới kẻ thù, chính quyền Trump dường như còn đang suy tính tới việc không trả tiền cho các chủ nợ, trong đó có Trung Quốc. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ý tưởng này được ông Trump và các cộng sự “thử nghiệm”? 

 

HÌNH :

(Ảnh ghép) Hình ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump trên tờ một trăm đô la tại một bài đăng trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở New York, Mỹ, ngày 21/01/2025. AP - Seth Wenig

 

Chuyên gia kinh tế Alain Naef tại trường ESSEC Business School của Pháp nhận định trên tờ The Conversation, rằng sớm muộn, chính quyền của tổng thống Trump sẽ nhận thấy rằng việc tăng thuế quan, dù có thể làm tăng nguồn thu cho ngân sách, nhưng cũng sẽ tạo ra không ít hệ luỵ, từ bất ổn thị trường, trả đũa thương mại đến lạm phát phi mã. Do vậy mà gần đây, ông Trump đã úp mở về một đề xuất mới : không trả một số khoản nợ công của Hoa Kỳ. Cụ thể, hãng tin Bloomberg dẫn lời người đứng đầu Nhà Trắng, cho biết : “Đội ngũ của Elon Musk chịu trách nhiệm cải thiện hiệu quả chính phủ đã phát hiện những bất thường khi xem xét dữ liệu của bộ Tài Chính Mỹ, và điều này có thể khiến Hoa Kỳ bỏ qua một số khoản thanh toán.” 

 

Theo kinh tế gia Naef, thuật ngữ “bỏ qua một số khoản thanh toán” là một cách nói giảm nhẹ của việc xem xét vỡ nợ có chọn lọc, tức là chọn lựa có chủ ý để trả cho một số chủ nợ, nhưng không trả cho các chủ nợ khác. Điều này rõ ràng sẽ giúp làm giảm nợ công nhưng đây cũng là một ý tưởng đầy rủi ro vì nó đe doạ tới niềm tin của các quốc gia và doanh nghiệp vào trái phiếu chính phủ Mỹ và vào đồng đô la. Ông Naef đặt câu hỏi : “Ai lại muốn mua trái phiếu chính phủ khi nó có thể biến thành đống giấy vụn, tùy theo tâm trạng của người đứng đầu quốc gia?

 

 

Trung Quốc, chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ 

 

Trước hết xin nhắc lại rằng nợ công hay nợ quốc gia là tổng tất cả các khoản tiền mà Nhà nước đi vay để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách. Phần lớn các khoản vay này đến từ việc Nhà nước phát hành trái phiếu để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các quốc gia khác mua, và nước phát hành cam kết trả lại gốc và lãi vào một thời điểm trong tương lai. 

 

Tính đến nay, nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã vượt qua 36 nghìn tỷ đô la, và theo dự báo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), mức nợ có thể đạt 50 nghìn tỷ đô la trong vòng một thập kỷ tới. Kinh tế gia Brad Setser, từng làm việc tại bộ Tài Chính Hoa Kỳ, thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, trên mạng xã hội Threads, cho biết, hơn một nửa số người nắm giữ nợ công của Mỹ – những người sở hữu trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ – là các cá nhân hoặc doanh nghiệp Mỹ và họ có thể sẽ được miễn trừ (thanh toán nợ) trong trường hợp vỡ nợ. Vậy đâu là những chủ nợ còn lại ? Hai chính phủ đứng đầu danh sách là Nhật Bản và Trung Quốc. Theo Reuters, Nhật Bản hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, với hơn 1 nghìn tỷ đô la, theo sau là Trung Quốc (768 tỷ đô la) và Vương quốc Anh (765 tỷ đô la). Ngoài ra còn có thể kể tới một số nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu như Ireland, Bỉ, Pháp, Đức. 

 

Nhật Bản là một đồng minh quan trọng của Mỹ nên có thể sẽ thoát được cảnh bị “quỵt” nợ. Mặc dù chính quyền Trump không còn mấy hảo tình với châu Âu, nhưng mối liên minh địa chính trị giữa Liên Âu và Mỹ vẫn có thể giúp châu Âu được loại khỏi nguy cơ này. Vậy sẽ còn lại Trung Quốc, vốn được coi như đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện nay. 

 

Trung Quốc đang nắm giữ khoảng 4% trái phiếu Mỹ lưu hành trên thị trường. Mặc dù con số này nghe có vẻ thấp, nhưng nó vẫn là một khoản tiền đáng kể. Quan trọng hơn là Trung Quốc còn đang có hơn 700 tỷ đô la dự trữ ngoại hối chính thức, và con số này có thể còn lớn hơn khi tính đến các dự trữ không chính thức. Các tổ chức và công ty cổ phần Nhà nước của Trung Quốc, như ngân hàng và các doanh nghiệp lớn, có thể còn nắm giữ số tiền cao hơn.

 

 

Bắc Kinh đã đi trước một bước 

 

Cần phải biết rằng đây không phải lần đầu tiên chính quyền tổng thống Trump suy tính tới việc không trả nợ cho Bắc Kinh. Trước đó vào năm 2019, khi ông Nicolas Maduro tái đắc cử tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân và tổ chức hỗ trợ cho chính phủ Caracas. Sau đó trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về dân chủ tại Venezuela, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó là Bolton đã đe doạ rằng nếu Trung Quốc và Nga tiếp tục hỗ trợ chế độ Maduro, Washington sẽ không trả nợ cho hai nước này. 

 

Đứng trước mối đe dọa Mỹ, Nga và Trung Quốc luôn có sự chuẩn bị. Nga đã bán hết các trái phiếu Mỹ của mình trước khi mở cuộc xâm lược Ukraina vì Matxcơva biết rõ rằng rủi ro của một cuộc vỡ nợ có chọn lọc hoặc một cuộc tấn công tài chính là quá lớn. Tương tự như vậy, trước khi các cộng sự của Donald Trump bắt đầu hành động, Bắc Kinh đã sớm bán dần số trái phiếu Mỹ. Chuyên gia Brad Setser chỉ ra trên Threads rằng dù không rõ chính xác số trái phiếu Trung Quốc đã bán nhưng các giao dịch qua Euroclear ở Bỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan rằng số lượng trái phiếu Mỹ mà Bắc Kinh sở hữu đã giảm đi nhiều. Nếu như hồi năm 2014, Trung Quốc sở hữu 18% trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, thì đến hiện tại, con số này chỉ còn 4%. Kinh tế gia Alain Naef tin rằng Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh việc bán trái phiếu Mỹ trong tương lai. 

 

 

Hậu quả nào cho nước Mỹ ? 

 

Ông Alain Naef cho biết ngay trong các sách giáo khoa về kinh tế vĩ mô, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn luôn được định nghĩa là tài sản có sẵn an toàn nhất. Do vậy, việc Washington thực hiện vỡ nợ có chọn lọc có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế và các chính phủ nước ngoài đang nắm giữ các trái phiếu này đặt câu hỏi về tính đáng tin cậy của hệ thống tài chính Mỹ. Và kết cục là tổng thống Trump sẽ khiến các quan hệ với các chủ nợ quan trọng trở nên căng thẳng. 

 

Hơn nữa, nếu trái phiếu Mỹ, tài sản được cho là an toàn này không còn an toàn nữa, các chủ đầu tư sẽ phải ngay lập tức tìm nơi trú ẩn khác, nhưng đó lại không phải là một điều dễ dàng. Vậy nên điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện tại tình hình vẫn chưa đến mức như vậy, nhưng nếu chính quyền Trump quyết định thử nghiệm biện pháp này như cách mà họ đang làm với thuế quan, hậu quả sẽ nghiêm trọng và tức thì hơn rất nhiều. 

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - HOA KỲ - THUẾ QUAN

Hà Nội họp khẩn sau khi Trump thông báo áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam

 

ĐIỂM BÁO

« Liberation Day » của Trump : Ngày giải phóng hay ngày áp bức ?

 

PHÂN TÍCH

Cuộc chiến thuế quan toàn cầu : Những ẩn ý của chính quyền Trump






No comments: