Kẹt
trong lịch sử: ảo tưởng thắng cuộc
Nguyên Việt - Saigon Nhỏ
26
tháng 4, 2025
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/ket-trong-lich-su-ao-tuong-thang-cuoc/
(Hình:
Nguyên Việt)
Tháng
Tư, những con đường kẹt cứng người và xe. Những dòng người túa ra phố, những biểu
ngữ tung hô, những lời ca chiến thắng huyên náo. Thành phố như một vết thương
cũ được phủ lên một lớp sơn mới hàng năm. Nhưng đâu đó giữa tiếng còi xe bức bối
và những bước chân lơ ngơ trong ngày lễ, có một thứ kẹt cứng hơn bất kỳ ngã tư
nào, đó chính là tâm thức lịch sử.
Không
phải ai cũng nhận thức rằng trong sự tưng bừng đó, tồn tại một khoảng lặng âm
thầm — như vết vôi nứt trên mảng tường xám. Một cảm giác bất an không tên, một
câu hỏi chưa bao giờ được hỏi: Chúng ta đã thực sự chiến thắng điều gì?
Mắc
kẹt trong ảo tưởng chiến thắng là khi ngỡ rằng ta hạ được một chính thể đồng
nghĩa với thống nhất lòng người. Ngỡ rằng đàn áp tiếng nói của bên thua cuộc là
được đồng thuận, là sự giải phóng cho vết thương chiến tranh. Ngỡ rằng một ngày
lễ với tiếng nhạc, với cờ hoa, có thể thay thế cho cuộc đối thoại trung thực và
khó khăn mà lẽ ra dân tộc phải có với chính lịch sử của mình.
Ảo
tưởng chiến thắng không những ngăn cản một quốc gia đối diện với sự đổ vỡ; nó
bóp nghẹt cả những mầm sống mới cần được tưới tẩm bởi sự thật và tình người.
Trong
ánh hào quang được thêu dệt, người ta dễ quên rằng hòa bình không phải là im tiếng
súng, mà là chữa lành vết thương lòng. Vì chiến tranh kết thúc bằng bạo lực,
nhưng hòa bình chỉ bắt đầu bằng lòng thành thiết. Và lòng thành, không thể có
khi người ta còn mắc kẹt trong sự tự tôn và phủ nhận.
Bởi
vậy, cái kẹt xe ngày 30 Tháng Tư không chỉ là câu chuyện giao thông. Nó là hình
ảnh phóng chiếu của sự bế tắc tinh thần: Mắc kẹt trong ký ức bị phong kín, kẹt
trong những bài ca chỉ hát nửa phần sự thật, kẹt trong những niềm tự hào gồng
mình mà không còn chạm được vào lòng người.
Và
hệ lụy của việc mắc kẹt trong ảo tưởng chiến thắng chính là tâm lý mệt mỏi,
hoài nghi, không biết tin vào đâu. Một thế hệ lớn lên giữa tiếng ca khải hoàn
nhưng vẫn tìm cách rời bỏ quê hương. Một xã hội trong đó niềm tin bị thay thế bằng
nỗi sợ hãi, sáng tạo bị thay thế bằng tuân phục, và lòng yêu nước biến thành những
khẩu hiệu rỗng tuếch.
Tiếp
đến là ở đất nước, khi lịch sử bị biến thành công cụ tuyên truyền, xã hội sẽ
thiếu sự tự phê và tái sinh. Chính quyền sẽ ngày càng xa rời người dân. Những vết
thương không bao giờ được thừa nhận sẽ âm ỉ trong lòng dân tộc, bào mòn tình
đoàn kết thực sự mà một quốc gia cần có để đối diện với những thử thách lớn hơn
trong tương lai.
Cuối
cùng, tương lai ấy bị đẩy vào một vòng lặp vô tận, sự chia rẽ được chuyền tay
cho những thế hệ kế tiếp. Những ảo tưởng cũ được sửa soạn thành những ảo tưởng
mới. Và mỗi năm, trong tiếng còi xe ngột ngạt ngày 30 Tháng Tư , ta lại thấy một
dân tộc tự chúc mừng mình vì một chiến thắng mà mình chưa bao giờ thực sự hóa
giải.
Vì
sao lại mắc kẹt? Bởi vì hóa giải lịch sử cần lòng dũng cảm. Bởi vì đối diện với
sự thật đau đớn khó hơn nhiều so với việc dựng lên một giấc mơ chung. Bởi vì
nói lời xin lỗi và tha thứ — không phải bằng miệng mà bằng hành động — đòi hỏi
một tấm lòng lớn hơn cả chính nghĩa, chiến thắng, hay quyền lực.
Chúng
ta mắc kẹt, vì chúng ta sợ. Sợ nhìn thấy những sai lầm. Sợ thừa nhận rằng vết
thương chiến tranh không phải chỉ do “bên kia” gây ra. Sợ mất đi “tính chính
danh” được nuôi dưỡng suốt nhiều thập kỷ từ một chiến thắng đã hóa thành huyền
thoại.
Nhưng
thực ra, chỉ khi ta dám nhìn thẳng vào sự thật, mới có thể tìm thấy phẩm giá
đích thực.
Phẩm
giá không nằm trong chiến thắng hay thất bại. Nó nằm trong khả năng nhận lỗi,
tha thứ, và tái sinh.
30
Tháng Tư — Kẹt xe.
30
Tháng Tư — Kẹt giữa lịch sử.
30
Tháng Tư — Kẹt trong ảo tưởng chiến thắng.
Một
thành phố không những cần những con đường rộng hơn để thông xe. Một dân tộc
không chỉ cần những tượng đài lớn hơn để phô trương. Cái cần nhất là một tâm hồn
rộng lớn hơn, để bao dung quá khứ, chữa lành hiện tại và mở ra một tương lai
không còn lặp lại những vết đau cũ.
Ngày
nào chưa đả thông được cái kẹt ấy, thì 30.4 mãi mãi chỉ là một lễ hội trên những
vết thương chưa kịp khép miệng.
Bởi,
chiến tranh kết thúc trong tiếng súng. Hòa bình chỉ bắt đầu trong sự thành thật
với lịch sử.
No comments:
Post a Comment