Tuesday, April 15, 2025

HARVARD SẼ KHÔNG TUÂN THEO YÊU CẦU CỦA CHÍNH QUYỀN TRUMP (Alvin Powell   |   Harvard Gazette)

 



Harvard sẽ không tuân theo yêu cầu của chính quyền Trump

Alvin Powell   |   Harvard Gazette

Dương Lệ Chi biên dịch

15/04/2025

https://baotiengdan.com/2025/04/15/harvard-se-khong-tuan-theo-yeu-cau-cua-chinh-quyen-trump/

 

HÌNH : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/04/1-44-1024x576.jpg

GS Alan Garber, Chủ tịch trường Harvard (phải) và Trump. Nguồn: The Australian

 

Ông Garber nói rằng, những thay đổi do chính phủ thúc đẩy “không theo luật pháp. Trường đại học [Harvard] sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc không từ bỏ các quyền hiến định của mình”.

 

 

Hôm thứ Hai [ngày 14-4-2025], trường Đại học Harvard đã bác bỏ các yêu cầu từ chính quyền Trump, điều này có thể ảnh hưởng tới việc mất 9 tỷ đô la tiền tài trợ nghiên cứu, trường lập luận rằng những thay đổi do chính quyền thúc đẩy vượt quá thẩm quyền hợp pháp của chính quyền và xâm phạm cả quyền độc lập và quyền hiến định của trường đại học này.

 

Chủ tịch Harvard Alan Garber viết trong một thông điệp gửi đến cộng đồng: “Trường đại học sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc từ bỏ các quyền hiến định của mình. Không chính quyền nào – bất kể đảng nào nắm quyền – có thể ra lệnh cho các trường đại học tư thục được phép giảng dạy điều gì, họ có thể tuyển dụng và thuê ai, và họ có thể theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu và điều tra nào“.

 

Thông điệp của ông Garber đưa ra để phản hồi bức thư được chính quyền Trump gửi tới trường tối thứ Sáu [ngày 11-4-2025], nêu rõ các yêu cầu mà trường Harvard sẽ phải đáp ứng để duy trì mối quan hệ tài trợ với chính phủ liên bang. Những yêu cầu này bao gồm “kiểm soát” các chương trình học thuật và các khoa, cùng với việc kiểm soát các quan điểm của sinh viên, giảng viên và nhân viên, cũng như những thay đổi đối với cơ cấu quản lý và hoạt động tuyển dụng của trường đại học.

 

Khoản tiền 9 tỷ đô la đang được chính phủ xem xét, bao gồm 256 triệu đô la hỗ trợ nghiên cứu cho Harvard, cộng với 8,7 tỷ đô la cam kết trong tương lai cho trường đại học và một số bệnh viện nổi tiếng, trong đó có bệnh viện Mass General, Viện Ung thư Dana-Farber và Bệnh viện Nhi Boston. Tối thứ Hai [ngày 14-4-2025], chính quyền Trump thông báo rằng, họ sẽ đóng băng 2,2 tỷ đô la tiền tài trợ và 60 triệu đô la trong các hợp đồng của trường Harvard.

 

Chính quyền Trump đã chỉ trích cách Harvard xử lý các cuộc biểu tình của sinh viên, liên quan đến cuộc chiến ở Gaza. Họ cáo buộc rằng trường đại học này không bảo vệ đầy đủ cho sinh viên Do Thái trong khuôn viên trường khỏi sự phân biệt đối xử và quấy rối bài Do Thái, vi phạm Mục VI của Đạo luật Dân quyền năm 1964.

 

Ông Garber nhấn mạnh rằng, trường Harvard vẫn cam kết chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, bao gồm thông qua một loạt các biện pháp trong khuôn viên trường, được thực hiện trong 15 tháng qua. Ngoài ra, ông cho biết, trường đại học đã tuân theo phán quyết của Tối cao Pháp viện, chấm dứt việc tuyển sinh có sự phân biệt chủng tộc và đã nỗ lực mở rộng sự đa dạng về trí tuệ và quan điểm tại trường Harvard.

 

Ông Garber cho biết, mục tiêu của trường trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái sẽ “không đạt được bằng cách khẳng định quyền lực, tách khỏi luật pháp, để kiểm soát việc giảng dạy và học tập ở trường Harvard và chỉ đạo cách chúng tôi phải hoạt động như thế nào. Công việc giải quyết những thiếu sót của chúng tôi, thực hiện các cam kết của chúng tôi và hiện thực hóa các giá trị của chúng tôi là nhiệm vụ của chúng tôi để xác định và thực hiện như một cộng đồng”.

 

Harvard chỉ là một trong số hàng chục trường học bị chính quyền Trump nhắm đến trong những tuần gần đây. Tháng trước, Bộ Giáo dục đã gửi thư cho 60 trường đại học, gồm trường ĐH Columbia, Northwestern, Đại học Michigan và Tufts, đe dọa sẽ thực hiện các hành động bắt buộc vì không tuân theo các điều khoản chống sự phân biệt đối xử trong Đạo luật Dân quyền năm 1964. Chính quyền [Trump] đã thực hiện thêm một bước nữa là đóng băng nguồn tài trợ nghiên cứu của một số tổ chức.

 

Quan hệ đối tác nghiên cứu và đổi mới mạnh mẽ giữa các trường đại học, chính phủ liên bang và ngành công nghiệp tư nhân có từ Thế chiến thứ II. Nghiên cứu do chính phủ hậu thuẫn được tiến hành tại các trường học trên khắp cả nước đã dẫn đến vô số khám phá, thiết bị, phương pháp điều trị và những tiến bộ khác giúp định hình thế giới hiện đại. Máy tính, robot, trí tuệ nhân tạo, vaccine và phương pháp điều trị các căn bệnh nguy hiểm đều bắt nguồn từ nghiên cứu do chính phủ tài trợ, từ phòng thí nghiệm và thư viện đến ngành công nghiệp, tạo ra các sản phẩm, công ty và việc làm mới.

 

Hồi tháng 3, một báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận United for Medical Research, cho thấy, mỗi đô la nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia (NIH) tài trợ — đơn vị tài trợ lớn nhất cho nghiên cứu y sinh học của đất nước — tạo ra 2,56 đô la hoạt động kinh tế. Chỉ riêng trong năm 2024, NIH đã trao 36,9 tỷ đô la tiền tài trợ nghiên cứu, tạo ra 94,5 tỷ đô la hoạt động kinh tế và hỗ trợ 408.000 việc làm, theo báo cáo.

 

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai, Daniel P. Gross, phó giáo sư khoa quản trị kinh doanh tại Đại học Duke và là đồng tác giả của một bài báo nghiên cứu gần đây của NBER về mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thập niên giữa chính phủ Hoa Kỳ và giáo dục đại học, cho biết, việc cắt giảm tài trợ nghiên cứu từ các trường đại học sẽ là “thảm họa” đối với sự đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ.

 

Các trường đại học là một phần không thể thiếu của hệ thống đổi mới hiện đại của Hoa Kỳ, đến mức hệ thống này sẽ không thể tồn tại nếu không có họ”, ông Gross là người đã giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard trước khi chuyển đến Duke, nói.

 

George Q. Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard, nói rằng, y sinh học từ lâu phụ thuộc vào mối quan hệ đối tác chặt chẽ với chính phủ liên bang, một mối quan hệ đã mang lại lợi ích trong việc cứu sống người Mỹ. Ông lưu ý rằng, chỉ trong tháng này, [giáo sư] Joel Habener của Trường Y [ĐH Harvard] đã được trao Giải thưởng Đột phá cho công trình nghiên cứu của ông về chất GLP-1, công trình nghiên cứu này đã tìm ra chất chống lại bệnh tiểu đường và béo phì. Ông Daley cũng trích dẫn công trình chuyển đổi về sức khỏe tim mạch, liệu pháp miễn dịch ung thư và nhiều tình trạng khác.

 

Ông nói: “Khi chúng ta nhìn lại 70 năm quan hệ đối tác đó, nó đã mang lại lợi nhuận tuyệt vời cho các khoản đầu tư mà chính phủ đã thực hiện. Thực tế là chúng ta có Harvard, MIT và tất cả các bệnh viện đặc biệt này, đó là nam châm thu hút đầu tư mạo hiểm và giờ đây chúng ta có cơ sở hạ tầng nghiên cứu dược phẩm được đưa vào cộng đồng của chúng ta. Tất cả những điều này là viên ngọc quý trên vương miện của ngành khoa học sinh học Hoa Kỳ“.

 

Ông nói thêm rằng, mối đe dọa đối với khoa học là một vấn đề lớn, thậm chí còn lớn hơn trong kỷ nguyên cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc.

 

Daley nói: “Có vẻ như nó tự hủy hoại và gây tổn hại cho nền kinh tế và cho vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm. Cảm giác như cái búa giáng xuống theo cách đe dọa đến một thứ vốn có trong vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ và cuối cùng là khả năng cạnh tranh kinh tế của chúng ta với những nước như Trung Quốc, nơi đang đầu tư rất, rất nhiều vào công nghệ sinh học“.

 

Trong thông điệp gửi đến cộng đồng, ông Garber nhấn mạnh những đóng góp của nghiên cứu đại học đối với tiến bộ khoa học và y tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy độc lập và học bổng.

 

Tự do tư tưởng và tìm tòi, cùng với cam kết lâu dài của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp theo những cách quan trọng cho một xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ quyền tự do đó”, ông nói.

 

 

 

 

No comments: