Sunday, April 27, 2025

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ : CUỘC ĐỜI VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Thiên Trường / Luật Khoa tạp chí)

 



Giáo hoàng Phanxicô: Cuộc đời và các hoạt động đối với Việt Nam

Thiện Trường   |   Luật Khoa tạp chí

 25/04/2025

https://luatkhoa.com/2025/04/giao-hoang-phanxico-cuoc-doi-va-cac-hoat-dong-doi-voi-viet-nam/

 

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/image-11.png

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Giáo hoàng Phanxicô. Nguồn ảnh: TTXVN.

 

Vào ngày 13/3/2013, một giọng nói từ ban công chính của Nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican vang lên: “Habemus Papam” – Chúng ta đã có Giáo hoàng. Không lâu sau, một giáo sĩ của Giáo hội Công giáo, khoác trên mình chiếc áo chùng trắng, xuất hiện, vẫy tay, và mỉm cười với các tín đồ tại quảng trường thánh Phêrô (Peter).

 

Ông là Giáo hoàng Phanxicô (Francis), vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Roma, người lãnh đạo gần 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới.

 

Giáo hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17/12/1936, tại Buenos Aires, Argentina, trong một gia đình di dân gốc Ý. Cha mẹ ông có năm người con. Cha của ông là Mario Jose Bergoglio, một công nhân đường sắt; mẹ ông là Regina Maria Sivori, một người nội trợ.

 

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hóa học, ông quyết định đi tu và trở thành linh mục Dòng Chúa Giêsu.

 

Đến ngày 27/6/1992, ông được bổ nhiệm làm tổng giám mục phụ tá, rồi tổng giám mục phó và trở thành tổng giám mục Tổng Giáo phận Buenos Aires vào ngày 28/2/1998.

 

Ngày 21/2/2001, Giáo hoàng Gioan Phaolô (John Paul) II vinh thăng ông trở thành hồng y. Trước đó, Giám mục Jorge Mario Bergoglio nổi tiếng về sự khiêm tốn, mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết Giáo hội và dấn thân cho công bằng xã hội.

 

Trong cương vị tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires, Giám mục Jorge Mario Bergoglio thường xuyên đi lại bằng xe buýt, tự nấu ăn, sống trong căn phòng nhỏ, và thường xuyên thăm hỏi những người bệnh tật, nghèo khổ.

 

Vào ngày 13/3/2013, ông trở thành vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Roma và là vị giáo hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là Phanxicô (vị thánh của người nghèo khổ).

 

Ông qua đời vào ngày 22/4/2025, chỉ sau lễ Phục sinh một ngày, là ngày lễ quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo.

 

Trải qua hơn 12 năm trị vì, Giáo hoàng Phanxicô trở thành một giáo hoàng có dấu ấn đặc biệt trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

 

Sau đây là những dấu ấn hoạt động của Giáo hoàng Phanxicô với Việt Nam.

 

 

Quan hệ Việt Nam – Vatican được nâng cấp

 

Ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cuộc gặp với Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican. Tại cuộc họp, hai bên nhất trí ký kết “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. [1]

 

Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 20 phút, ông Thưởng đã gặp Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin.

 

Đây là kết quả qua 10 phiên họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh, đặc biệt là phiên họp thứ 10 vào ngày 31/3/2023 tại Vatican.

 

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/image-9-1024x576.png

Cuộc gặp giữa Việt Nam và Vatican vào ngày 27/7/2023. Nguồn ảnh: Vatican News.

 

Từ trước đến nay, dù ở thời Pháp thuộc, Việt Nam Cộng hòa, hay Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì hai bên chưa bao giờ đạt được mối quan hệ ngoại giao chính thức.

Trước năm 1975 tại miền Nam, quan hệ cao nhất giữa Việt Nam Cộng hòa và Tòa Thánh chỉ dừng ở mức khâm sứ. Sau năm 1975, chính quyền yêu cầu Khâm sứ Tòa Thánh rời Sài Gòn, chấm dứt sự có mặt của đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam. [2]

 

Còn tại miền Bắc, hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao vào ngày 17/8/1959, khi chính quyền trục xuất linh mục Terence O’Driscoll lúc đó đang tạm thời đảm nhiệm chức vụ quyền Khâm Sứ và tịch thu Tòa Khâm sứ cho đến ngày nay. [3]

 

Mãi đến năm 2011, chính quyền mới cho phép Tòa Thánh bổ nhiệm một vị đại diện không thường trú đến Việt Nam là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.

 

Đến ngày 21/5/2018 thì Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, thay thế Tổng Giám mục Leopoldo Girelli.

 

Ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam. [4]

 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã từng khẳng định: “Mức quan hệ của Việt Nam với Tòa Thánh Vatican hiện nay dưới mức Sứ thần nhưng trên Khâm sứ.” [5] Vì vậy, chức danh Đại diện thường trú vẫn không có tư cách ngoại giao chính thức.

 

 

Bổ nhiệm 28 giám mục người Việt Nam và vinh thăng một hồng y

 

Một trong các quyền của giáo hoàng là bổ nhiệm giám mục coi sóc một giáo phận. 

 

Giáo luật Hội thánh Công giáo tại Điều 337, Triệt 1, nêu rõ: “Giáo hoàng tự do bổ nhiệm các giám mục hoặc là phê chuẩn các giám mục đã được bầu lên một cách hợp pháp.” Điều này có nghĩa rằng không một ai có quyền bổ nhiệm giám mục trừ giáo hoàng.

 

Trải qua hơn 12 năm trị vì, Giáo hoàng Phanxicô liên tục bổ nhiệm 28 giám mục người Việt Nam cho giáo hội Công giáo trong và ngoài nước.

 

Cụ thể có 22 giám mục được tấn phong đang hoạt động tại Giáo hội Công giáo Việt Nam bao gồm: Nguyễn Văn Viên – giám mục phụ tá Giáo phận Vinh (2013), Nguyễn Hữu Long – giám mục chính tòa Giáo phận Vinh (2013), Trần Văn Toản – giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên (2014), Huỳnh Văn Hai – giám mục chính tòa Giáo phận Vĩnh Long (2015), Nguyễn Hùng Vị – giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum (2015), Nguyễn Hồng Sơn – giám mục chính tòa Giáo phận Bà Rịa (2016), Đỗ Mạnh Hùng – giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiết (2016), Nguyễn Văn Mạnh – giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt (2017), Đỗ Văn Ngân – giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc (2017), Nguyễn Anh Tuấn – giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh (2017), Nguyễn Đức Cường – giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa (2018), Đỗ Quang Khang – giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh (2021), Hoàng Minh Tiến – giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa (2022), Đặng Văn Cầu – giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình (2022), Bùi Công Trác – giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn (2023), Kiều Công Tùng – giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm (2023), Lê Tấn Lợi – giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ (2023), Huỳnh Văn Sỹ – giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang (2023), Nguyễn Huy Bắc – giám mục chính tòa Giáo phận Buôn Ma Thuột (2024), Nguyễn Tuấn Anh – giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc (2024), Vũ Công Viện – giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội (2024), và Nguyễn Quang Đĩnh – giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa (2025).

 

Ngoài ra còn sáu giám mục người Việt đang hoạt tại các giáo hội Công giáo ngoài nước bao gồm: Nguyễn Thế Phương – giám mục Kamloops, Canada (2016), Nguyễn Thái Thành – giám mục phụ tá Orange, Hoa Kỳ (2017), Trần Văn Nhàn – giám mục phụ tá Atlanta, Hoa Kỳ (2023), Phạm Minh Cường – giám mục phụ tá San Diego, Hoa Kỳ (2023), Nguyễn Xuân Thinh – giám mục phụ tá Melbourne, Úc (2025), và Hoàng Hữu Thư – đại diện Tông tòa Địa phận Viên Chăn, Lào (2025).

 

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/image-10.png

Giáo hoàng Phanxicô với hàng giáo phẩm Việt Nam trong chuyến Ad Limina năm 2018. Nguồn ảnh: Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

Ngày 4/1/2015, Giáo hoàng Phanxicô đã công bố danh sách 20 tân hồng y của Giáo hội Công giáo, trong đó có Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, giám mục chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội. [6] Ông là hồng y thứ sáu người Việt Nam.

 

Vào thời điểm đó, Hồng y Nguyễn Văn Nhơn đã 78 tuổi, vẫn còn nằm trong số các vị hồng y đủ tiêu chuẩn bầu giáo hoàng. Tuy nhiên chỉ hai năm sau khi đã quá 80 tuổi, ông không còn trong danh sách hồng y cử tri để bầu giáo hoàng. Điều này đồng nghĩa sẽ không có một hồng y cử tri người Việt nào nằm trong danh sách bầu giáo hoàng sắp tới.

 

 

Tiếp kiến nhiều lãnh đạo Việt Nam nhất

 

Mọi người thường ấn tượng về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican trong thời kỳ trị vì của Giáo hoàng Phanxicô. Tuy nhiên ít ai biết đến ông là giáo hoàng có kỷ lục tiếp kiến nhiều lãnh đạo, nguyên thủ Việt Nam nhất từ trước đến nay.

 

Cụ thể, Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10/2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (tháng 10/2018), và gần đây nhất là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 7/2023). [7]

 

Trước đó vị tiền nhiệm của ông là Giáo hoàng Benedict (Biển Đức) XVI chỉ tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 1/2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 12/2009), và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013).

 

 

Thiết lập Giáo phận Hà Tĩnh

 

Vào ngày 22/12/2018, Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập giáo phận mới là Hà Tĩnh, tách ra từ Giáo phận Vinh, và bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Thái Hợp làm giám mục tiên khởi. Đây cũng là giáo phận thứ 27 của Giáo hội Công giáo Việt Nam. [8]

 

Đến ngày 19/3/2021, Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Anh Tuấn làm giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh, thay thế Giám mục Nguyễn Thái Hợp đến tuổi nghỉ hưu. Hai năm sau, Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Anh Tuấn làm giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh cho đến ngày nay.

 

                                                           ***

 

Trong suốt hơn 12 năm, Giáo hoàng Phanxicô đã để lại dấu ấn sâu sắc bằng đời sống khiêm nhường, hướng đến đến người nghèo nghèo khổ ở bên lề xã hội, dấn thân không mệt mỏi cho công lý, hoà bình và cả phẩm giá con người.

 

Thời đại Giáo hoàng Phanxicô có lẽ là một trong những thời đại nhiều dấu ấn nhất không chỉ riêng với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

 

Sự ra đi của Giáo hoàng Phanxicô chắc chắn sẽ để lại niềm tiếc nuối sâu sắc không chỉ trong lòng giáo dân Công giáo, mà còn với nhiều người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trong giây phút này, cộng đồng tín hữu vẫn luôn nuôi dưỡng hy vọng về một kỷ nguyên mới dưới thời vị Giáo hoàng kế nhiệm – khi quan hệ Việt Nam và Vatican có thể vươn tới những tầm cao mới.

 

Trên chuyến bay trở về Roma từ thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, Giáo hoàng Phanxicô từng hóm hỉnh chia sẻ rằng: “Đức Gioan XXIV sẽ thăm Việt Nam.” [9] Dù là lời nói đùa hay một gợi mở về tương lai, đó chắc chắn là điều mà hàng triệu tín hữu Công giáo Việt Nam mong đợi ở vị giáo hoàng tiếp theo.

 

--------------------

Đọc thêm:

 

Trăm năm quan hệ Việt Nam - Vatican và những vấn đề bạn nên biết

 

Khi Giáo hội Công giáo La Mã chống án tử hình

 

Ủy ban Đoàn kết Công giáo: Khi nhà tu không theo nhà Chúa

 





No comments: