Amanda
Nguyễn và cuốn hồi ký của hy vọng
Apr
15, 2025
https://www.luatkhoa.com/2025/04/amanda-nguyen-va-cuon-hoi-ky-cua-hy-vong/
Đừng
bao giờ từ bỏ hy vọng.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2025/04/Amanda-Nguy-n.jpg
Ảnh
bìa sách: AUWA Books. Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.
Amanda
Ngọc Nguyễn vừa trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày
14/4/2025. [1] Trên chuyến bay NS-31 mang phi hành đoàn toàn nữ của hãng
hàng không vũ trụ tư nhân Blue Origin còn có ca sĩ Katy Perry, kỹ sư Aisha
Bowe, nhà sản xuất phim Kerianne Flynn, cùng hai nhà báo Gayle King và Lauren
Sánchez. [2]
Trong
cuốn sách “Saving Five: A Memoir of Hope” (tạm dịch: Gửi tuổi
lên năm: Cuốn hồi ký của hy vọng), Amanda Nguyễn kể lại cuộc đời mình – một nạn
nhân bị cưỡng hiếp, biến tổn thương thành sức mạnh, biến câm lặng thành tiếng
nói có khả năng làm thay đổi luật pháp một quốc gia.
Bay
vào vũ trụ có lẽ không phải đích đến cuộc đời, nhưng chắc hẳn là một cột mốc
đáng tự hào trên hành trình sống và đấu tranh của Amanda Nguyễn.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2025/04/k87HiEmKXrZbCjVQ96kA2o-1200-80.png.webp
Amanda
Nguyễn lơ lửng trong khoang tàu. Nguồn ảnh: Blue Origin.
Trước
khi tham gia chuyến bay, Amanda là nhà hoạt động dân quyền, doanh nhân xã hội,
người sáng lập Rise – tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền lợi của nạn nhân của bạo
lực tình dục.
Cô
tốt nghiệp Đại học Harvard, làm thực tập sinh tại NASA, sau đó làm việc tại Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ và được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2019. [3] Cô là người khởi xướng và chấp bút cho đạo luật về quyền của nạn
nhân bị tấn công tình dục được thông qua với sự ủng hộ tuyệt đối tại Quốc hội Mỹ.
[4] Năm 2022, cô được TIME vinh danh là một trong những “Phụ nữ của năm”. [5]
Dù
thành công của cô chẳng liên quan gì tới Việt Nam, cuộc đời và nỗ lực của cô lại
chứa đựng nhiều bài học đáng giá cho mọi người.
Hồi
ký từ vực sâu của ký ức
Cuốn sách mở đầu bằng một hình ảnh vừa yên bình vừa
tàn khốc: Amanda Nguyễn trở lại ký túc xá Kirkland House của Đại học Harvard
sau khi bị cưỡng hiếp. [6] Không gian thật quen thuộc, tường gỗ bóng loáng, màn
nhung đỏ thẫm, và lò sưởi cổ kính.
Mọi
thứ như một sân khấu sang trọng đối lập hoàn toàn với thực tại đau đớn cô đang
phải đối mặt. Cô viết “bốn mươi bước chân đi từ cổng tới phòng giờ đây như một
vực sâu,” rằng chỉ riêng việc bước vào căn phòng của chính mình thôi cũng khó
như leo đỉnh Everest.
Amanda
không kể chuyện như một nhân vật chính trong bi kịch, mà như một người sống thật
trong từng giây phút hậu sang chấn. Trong phim, nhân vật có thể cắt cảnh sang
đoạn hồi phục. Trong đời thật, bạn phải thay băng bó, giặt quần áo, và vật lộn
với những câu hỏi không lời giải.
Người
bạn cùng nhà tên Alex đến phụ giặt ga giường, không đem tới lời động viên hào
nhoáng nào, chỉ nói: “Trong đời thực, người hùng sẽ giặt ga trải giường cùng bạn.”
Cô
viết lại trải nghiệm hậu chấn thương với sự tỉ mỉ đáng kinh ngạc: từ chiếc vòng
đeo tay bệnh viện vẫn còn trên cổ tay, đến những tờ giấy dày đặc thủ tục pháp
lý mà cô cầm chặt, cả cảm giác bị sốc choáng đến việc không dám bước vào phòng
một mình.
Amanda
cũng không giấu giếm những khoảnh khắc tự vấn, những lần cô tin rằng mình có lỗi,
dù lý trí biết rõ rằng “hiếp dâm là hiếp dâm là hiếp dâm là hiếp dâm”. Câu hỏi
“Tại sao?” cứ lặp lại trong đầu suốt 168 tiếng – 10.080 phút, cho đến khi cô nhận
ra: không có câu trả lời nào cả. Câu hỏi ấy không thể được giải đáp từ một thế
giới hợp lý, bởi hành động đó không có logic. “Tôi không phải kẻ hiếp dâm. Vì vậy
tôi không thể hiểu,” cô viết.
Cô
xé vội một trang giấy trong cuốn sổ, ghi nhanh dòng chữ: “Không bao giờ không
bao giờ không bao giờ bỏ cuộc.” Và đó là khởi đầu cho cả hành trình của cô sau
này. Không phải một quyết định lớn lao ngay lập tức, mà là một lời nhắc để còn
tồn tại qua từng giờ phút, để không từ bỏ chính mình.
Từ
khoảnh khắc đó, cuốn sách đưa độc giả vào những khung cảnh dị thường: nơi cửa
hàng kem J.P. Licks sáng rực, cô ngồi im lặng bên ly socola nóng, cảnh giặt đồ,
cắt cà chua, nấu mâm cơm, v.v. trở thành những biểu tượng đầy sức nặng cho hành
trình tự chữa lành.
Như
nhà phê bình Sylvia Brownrigg viết đánh giá trên The New York Times, Saving
Five đồng thời là một hồi ký cá nhân và một tài liệu hoạt động chính
trị. [7] Những chương sách như “How to Survive the Immediate Aftermath of a
Rape: A Guide” (tạm dịch: Cẩm nang vượt qua hậu quả tức thời của một vụ hiếp
dâm) liệt kê chi tiết các loại thuốc, thủ tục bệnh viện, và các quy định pháp
lý.
Những
phần viết này phản ánh một hệ thống vừa có thiện chí, vừa vô cảm. Chính những sự
bất cập, như việc các bằng chứng trong vụ hiếp dâm sẽ bị tiêu hủy sau sáu
tháng, đã khiến Amanda cảm thấy “bị phản bội lần thứ hai” và thôi thúc cô trở
thành nhà hoạt động. Tác giả mô tả lại sự phi lý và lạnh lùng của bộ máy hành
chính bằng giọng văn sắc bén, xen lẫn giễu cợt và quyết liệt.
Cuốn
hồi ký không phải chỉ để kể về một cơn ác mộng đã xảy ra, mà để cho thấy điều
gì có thể xảy ra sau đó: người sống sót được lắng nghe, được tin tưởng, và có
thể tự tin kể lại câu chuyện của mình. Đó là một cuốn sách không né tránh sự thật
tàn nhẫn, nhưng đồng thời dệt nên một hình mẫu hy vọng, khi vết thương không biến
mất mà được biến đổi.
Amanda
không viết sách theo tuyến tính thời gian mà đan xen các giai đoạn: từ tuổi thơ
sống với người cha bạo hành, những năm tháng đại học và cú sốc bị cưỡng hiếp,
cho đến hành trình vận động chính sách dẫn tới sự ra đời của đạo luật thay đổi
toàn diện cách nước Mỹ đối xử với nạn nhân.
Đó
là một hành trình nội tâm đầy chất thơ, nơi ấy Amanda trò chuyện với những
phiên bản trẻ hơn của chính mình: 5 tuổi, 15 tuổi, 22 tuổi. Cùng nhau, họ băng
qua sa mạc, tới ngọn hải đăng, và lênh đênh trên con tàu cũ. Đây không chỉ là
liệu pháp hình ảnh, mà là nỗ lực khôi phục trọn vẹn nhân phẩm đã vỡ nát của
mình.
Trong
một đoạn văn ẩn dụ tuyệt đẹp, cô viết: “How can a dried-up leaf smooth itself
back to life? It can’t. But it can transform. With the right heat, even a leaf
can become a spark.” (tạm
dịch: Có cách nào để một chiếc lá khô trở nên tươi tắn trở lại? Không thể.
Nhưng nó có thể biến đổi. Ở nhiệt độ thích hợp, chiếc lá đó sẽ trở thành một
tia lửa.)
Một
đời đấu tranh từ tổn thương
Năm
2013, khi còn là sinh viên tại Đại học Harvard, Amanda Nguyễn bị cưỡng hiếp. [8] Cô không khởi tố ngay lập tức vì biết
mình không có đủ thời gian và nguồn lực để theo đuổi một vụ kiện pháp lý kéo
dài nhiều năm. Khi được cảnh sát thông báo rằng thời hiệu truy tố cho tội cưỡng
hiếp tại bang Massachusetts là 15 năm, Amanda quyết định sẽ nộp đơn khi bản
thân đã sẵn sàng.
Cô
đã thực hiện việc lấy mẫu pháp y (rape kit), nhưng sau đó nhận ra rằng nếu
không chính thức trình báo vụ việc, bộ mẫu này có thể bị tiêu hủy sau sáu tháng
(trừ khi nạn nhân nộp đơn xin gia hạn). Điều đáng nói là Amanda không hề được
hướng dẫn cách thực hiện thủ tục này. Với cô, đây là một hệ thống bị lỗi, vừa
phi lý về mặt hành chính, vừa tàn nhẫn về mặt tinh thần, vì thủ tục gia hạn này
buộc người sống sót sau biến cố phải một lần nữa đối mặt với chấn thương.
Từ
trải nghiệm của bản thân và những câu chuyện tương tự từ các nạn nhân khác,
cùng thống kê thực tế cho thấy một phần ba phụ nữ bị hiếp dâm sẽ có ý định tự tử,
Amanda nhận ra hệ thống pháp lý hiện hành hoàn toàn không đủ để bảo vệ quyền lợi
của người bị hại. Cô quyết định tạm gác lại sự nghiệp dang dở mà bắt đầu hành động.
Tháng
11/2014, cô thành lập tổ chức Rise, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền
cho người sống sót sau bạo lực tình dục. Trong hai năm đầu, Amanda điều hành tổ
chức trong thời gian rảnh và kêu gọi tài trợ thông qua GoFundMe.
Tháng
7/2015, Amanda gặp Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của bang New Hampshire để vận động cho một dự luật bảo vệ quyền của nạn nhân ở cấp
liên bang. [9]
Đến
tháng 2/2016, dự luật do Amanda soạn thảo được Shaheen trình lên Quốc hội Hoa Kỳ. [10] Amanda hợp tác với các
nền tảng như Change.org và trang giải trí Funny or Die để vận
động chữ ký và gây sức hút lớn trên truyền thông. Đến tháng 10/2016, bản kiến
nghị trên Change.org nhận về hơn 100.000 chữ ký. [11]
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2025/04/25cong-web-superJumbo.jpg
Amanda
Nguyễn ở cuộc họp báo với Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley và Cal Walsh tại
Điện Capitol, ngày 23/5/2016, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật của cô. Ảnh:
Zach Gibson/The New York Times.
Dự
luật được Thượng viện thông qua vào tháng 5/2016 và Hạ viện thông qua vào tháng
9 cùng năm, với sự nhất trí tuyệt đối ở cả hai viện. Tháng 10 năm đó, Tổng thống
Barack Obama ký ban hành Sexual Assault Survivors’ Rights
Act (tạm dịch: Đạo luật Quyền của Nạn nhân bị xâm hại tình dục). [12]
Luật này đảm bảo rằng bằng chứng trong các bộ lấy mẫu pháp y sẽ được lưu trữ miễn
phí trong suốt thời hiệu truy tố, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp
thông tin rõ ràng cho nạn nhân.
Từ
thành công đó, Amanda tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn nước Mỹ, thúc đẩy
luật này được áp dụng tại cả 50 tiểu bang, đồng thời đưa mô hình đến Nhật Bản
và nhiều quốc gia khác. Năm 2017, thống đốc bang California ký thông qua đạo luật tương tự. [13] Từ một vụ việc
cá nhân, Amanda đã vận động thành công để nước Mỹ phải thay đổi luật. Cô không
chỉ bảo vệ người sống sót, mà còn truyền cảm hứng để họ lên tiếng.
Saving
Five không
chỉ là một cuốn hồi ký về sống sót sau biến cố, mà là một bản đồ chỉ lối cho bất
kỳ ai từng rơi vào bóng tối, dẫn đường cho họ cách vượt qua nỗi đau, và biến nó
thành hành động. Amanda Nguyễn đã giữ lời hứa viết trên tờ giấy nháp “Never
never never give up”, và bằng cuốn sách này, cô giúp người khác
cũng có thể làm điều đó.
Cuốn
sách không chỉ là món quà gửi tặng cho cô bé Amanda Nguyễn lúc lên năm tuổi, mà
còn là lời nhắc nhở bản thân và lời nhắn nhủ đầy cảm hứng gửi tới những phận
người ngoài kia vẫn đang phải chịu đựng những thiệt thòi trong cuộc sống.
------------------
Đọc
thêm:
Nữ
quyền, đa nguyên pháp luật và hiếp dâm
Phụ nữ Hàn Quốc đấu tranh
chống lại bất công như thế nào?
Phá
vỡ nhị nguyên giới có gây nên rắc rối cho xã hội?
No comments:
Post a Comment