Cánh
cửa nào tiếp theo cho sư Minh Tuệ và tăng đoàn?
Trần Hạ Vi | Báo Tiếng Dân
09/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/09/canh-cua-nao-tiep-theo-cho-su-minh-tue-va-tang-doan/
Đoàn
sư Minh Tuệ đã qua Batam, Indonesia ngày 2/4/2025. Nhưng từ hôm đó đến nay đoàn
sư đã không được đi bộ hành, trừ hai lần: Lần một vào đêm 2/4 từ bến phà về
trung tâm Phật học cách đó 7km, lần thứ hai vào ngày 6/4 từ trung tâm Phật học
sang một ngôi chùa gần đó. Cả hai lần đều có cảnh sát Indonesia tháp tùng.
Đã
có rất nhiều thông tin đồn đoán tại sao đoàn không được bộ hành, những giấy tờ
chính quyền Indonesia đòi hỏi như thế nào, những thông tin và mâu thuẫn giữa
các tình nguyện viên (TNV), và nghi ngờ đã có những hoạt động chống phá đoàn
như giai đoạn khi ở Thái Lan v.v… Doanh nhân Thân Thành Vũ, người nhận là đã hỗ
trợ đoàn nhiệt tình khi ở Malaysia, hoặc là đã không thể giúp được giấy tờ ở
Indonesia, hoặc là đã không đủ quan tâm nữa. Hiện tại tăng đoàn lâm vào cảnh
limbo, không tiến không lùi.
Giữa
những luồng thông tin trái chiều và dư luận tranh cãi lẫn nhau, tôi có một cuộc
nói chuyện với vài người bạn về tương lai của đoàn sư Minh Tuệ như thế nào. Sẽ
có những cánh cửa nào mở ra cho họ?
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/04/1-16-1024x740.jpg
Ảnh:
Đoàn bộ hành của sư Thích Minh Tuệ ở Thái Lan. Nguồn: Nguyễn Văn Phước.
Nếu
cuối cùng Indonesia không cho tăng đoàn đi bộ hành thì có lẽ họ cũng chỉ thăm
được một số chùa Phật ở Indonesia rồi đến hạn visa phải rời khỏi đất nước này.
Đi đâu nữa lại là một ẩn số. Singapore có thể không phải chọn lựa tốt vì với luật
lệ nghiêm khắc của Singapore, để đoàn được đi bộ và nghỉ ở nhà hoang, đất trống
có thể là một điều rất khó xin phép. Chưa kể có được nhập cảnh Singapore không
cũng là một câu hỏi lớn, vì tuy Singapore miễn thị thực 30 ngày cho người mang
hộ chiếu Việt Nam nhưng họ phải chứng minh có tiền, có vé máy bay rời khỏi
Singapore v.v…
Philippines
là một chọn lựa khác, cũng không cần phải xin visa trước và có thể nhập cảnh dễ
hơn Singapore, nhưng liệu cảnh limbo ở Indonesia có diễn ra ở Philippines
không, chúng ta cũng không chắc chắn. Indonesia là đất nước Hồi giáo lớn nhất
thế giới, với Phật giáo chỉ chiếm 0.7% dân số, còn Philippines thì chủ yếu theo
đạo Công giáo và tỷ lệ dân theo Phật giáo thấp, dưới 0.5% dân số. Tất nhiên,
quy định của Philippines có thể khác Indonesia, nhưng dễ dàng hơn hay khó khăn
hơn lại là điều chưa biết được.
Trong
khi đoàn ở Malaysia, sau khi phỏng vấn và trò chuyện với thầy Minh Tuệ, ông
Trương Minh Quân ở Úc đã phát nguyện dùng tài sản bản thân để làm visa đưa cả
đoàn sang Úc bộ hành. Và ông cũng kêu gọi ký một thỉnh nguyện thư gì đó cần
10,000 chữ ký để việc này có thể tiến hành. Bạn hỏi tôi chuyện xin visa Úc này
có khả thi không thì hiện tại tôi nghĩ là không. Một bộ giấy tờ xin visa Úc của
người Việt Nam khá phức tạp, cần có xác nhận của chính quyền địa phương, có xác
nhận về việc làm, thu nhập, xác nhận số dư tài khoản và nộp giấy tờ chứng minh
các tài sản khác (sổ đỏ, sổ hồng, v.v… nếu có), cơ bản là chính phủ Úc phải cảm
thấy an tâm là bạn có tài sản, có công ăn việc làm ở Việt Nam để bạn sẽ quay về,
chứ không tìm cách trốn ở lại Úc.
Quy
trình xin visa vào các nước phát triển khác (Anh, Mỹ, Canada, v.v…) cũng gần
tương tự. Xin visa cho một mình sư Minh Tuệ đã là một vấn đề rất lớn (và có thể
không làm được), còn xin visa cho cả tăng đoàn mấy mươi người, thêm một số tình
nguyện viên nữa thì gần như là điều bất khả thi. Nên, theo ý kiến của tôi, chuyện
xin visa đi Úc có lẽ chưa thể nghĩ đến.
Có
ý kiến của một vị sư ở Mỹ, tên là Thích Minh Tánh, rằng có thể mua một hộ chiếu
hay visa quyền lực cho sư Minh Tuệ đi đâu cũng được, chi phí có thể lên tới mấy
triệu đô Mỹ. Tôi không biết visa quyền lực ông ấy nói là visa gì, và có quyền lực
tới đâu. Theo hiểu biết khiêm tốn của tôi thì hoàn toàn không có cái hộ chiếu
hay visa đó. Nếu sư ấy muốn nói tới thẻ vàng (Golden card) của Trump đang rao
bán 5 triệu đô Mỹ/ thẻ thì đó cũng chỉ là một tấm thẻ cư trú ở Mỹ, và người nhận
thẻ không cần phải đầu tư vào Mỹ nhưng lâp tức có quyền cư trú tại Mỹ và sau một
khoảng thời gian nhất định sẽ được nhập tịch Mỹ, tức là, có bỏ ra 5 triệu đô la
Mỹ cũng không có một tấm hộ chiếu Mỹ ngay lập tức. Có ai sẽ bỏ ra 5 triệu đô la
Mỹ cho sư Minh Tuệ không, hiện tại tôi nghĩ là không, và nếu có sư cũng không
nhận. Còn cả tăng đoàn hơn 30 người, thì chắc chắn là không rồi. Nên, giải pháp
này, cũng có thể xin để qua một bên.
Tất
nhiên tăng đoàn có thể xin visa Ấn Độ và lập tức bay sang Ấn Độ. Nếu xin e-visa
thì được ở Ấn Độ 3 tháng, còn xin visa dán (như loại sư Minh Tuệ đang có) thì
được ở Ấn Độ 6 tháng, nhưng sau đó phải ra khỏi Ấn Độ 6 tháng sau thì mới được
vào thêm một lần nữa. Hiện tại hình như chỉ có năm sư trong tăng đoàn, kể cả sư
Minh Tuệ, có visa Ấn Độ, còn lại thì không, nhưng có thể làm khá nhanh. Đó cũng
là một hướng mà mọi người có thể nghĩ đến.
Tất
nhiên, sư Minh Tuệ cũng có visa Bangladesh và mọi người có thể đi bộ ở
Bangladesh qua Ấn Độ, tuy nhiên, Bangladesh cũng là một đất nước Hồi giáo, và
tình hình bộ hành khó khăn ở Indonesia chắc gì đã không lặp lại ở Bangladesh.
Vậy,
sư Minh Tuệ, sau khi đến Ấn Độ (giả dụ là sẽ đến Ấn Độ sau khi ở Indonesia) thì
có trở về Việt Nam không? Hoặc sẽ tiếp tục ở nước ngoài dưới visa du lịch? Hoặc
sẽ xin ‘tị nạn’?
Khi
tôi nêu vấn đề này ra, một số người bạn tôi nói, sư Minh Tuệ khó mà trở về Việt
Nam (rất ngộ nghĩnh là khi tôi hỏi ChatGPT nó cũng nghĩ như vậy), vì có lẽ
GHPGVN sẽ thích sư Minh Tuệ không ở trong nước nữa để không còn tầm ảnh hưởng với
Phật tử Việt Nam.
Một
người bạn khác của tôi nói, “nhưng sư cũng không thể tị nạn được”, lý do đơn giản
là nếu sư “tị nạn”, tức là chính quyền Việt Nam không cho sư thực hành tu tập ở
Việt Nam sao. Còn ở nước ngoài với visa du lịch mãi thì cũng không khả thi vì
visa du lịch vào các nước miễn visa thì cũng chỉ có một số lần nhất định, và việc
tăng đoàn có được cấp visa lại ở những nước họ đã đi qua, chưa hẳn là một điều
chắc chắn, vì ở nước nào nhân viên hải quan cũng có quyền quyết định không cấp
visa cho những người không có bằng chứng rõ ràng sẽ rời nước họ (có tiền, có
booking khách sạn/ nhà nghỉ, có vé đi một nước khác chẳng hạn).
Làm
visa tôn giáo thì cũng là một khó khăn vì sư Minh Tuệ không thuộc về GHPGVN,
cũng không tu tập tại một ngôi chùa nào ở Việt Nam để họ có thể làm giấy giới
thiệu, xác nhận, làm cơ sở để xin visa tôn giáo dài hạn hơn ở những nơi khác. Tất
nhiên, khó không có nghĩa là không thể, chỉ nêu lên một số khó khăn về mặt giấy
tờ thủ tục và hành trình mà những tình nguyện viên, cũng như tăng đoàn đang đối
mặt và cân nhắc trong những quyết định kế tiếp của mình.
Có
ý kiến cho rằng, sư Minh Tuệ nên tạm biệt hết các sư đi theo, không cho ai đi
theo nữa, kể cả Phật tử và các sư khác, và chuyển sang ẩn tu, vừa có thời gian
tu tập cho bản thân để nhanh tinh tấn, vừa không phải giải quyết tất cả những vấn
đề nhiêu khê do một tăng đoàn mấy chục người mang lại. Như vậy, sư sẽ nổi tiếng
và an toàn. Nhưng như thế là đòi hỏi sư phải từ bỏ hạnh đầu đà, chuyển sang ẩn
tu. Và câu hỏi kế tiếp là “ẩn tu ở đâu bây giờ, để có thể ở lâu dài?”
Trong
những náo loạn muôn trùng câu hỏi, giải pháp khả thi và không khả thi, và nghi
vấn đó, một người bạn của tôi nói “đừng áp dụng tiêu chuẩn người thường cho
người tu hành“. Tôi nghĩ nghĩ rồi thấy bạn ấy nói đúng. Sư Minh Tuệ đã nói
“thân con còn được sống ngày nào con tu ngày đó, lỡ mai chết rồi không tu được
nữa” và không hề sợ hãi cái chết, chỉ một lòng tu đạo. Sư Minh Tuệ đã phát
nguyện tu thành chánh đẳng chánh giác thì những khó khăn gian khổ, đi đâu, ở
đâu, đói rách, bệnh tật, nghịch duyên, quốc tịch nào, v.v… đều không có gì quan
trọng cả. Tùy duyên đi. Nếu kiếp này tu không thành chánh quả thì kiếp sau tu
tiếp.
Theo
kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa thì một vị Bồ Tát muốn tu thành Phật
(Chánh Đẳng Giác) phải trải qua ba a tăng tỳ kiếp và 100,000 đại kiếp, trong đó
một ‘a tăng tỳ kiếp’ là vô số kiếp, một thời gian vô cùng dài không thể đếm được.
Xin ghi chú là tôi không hề nghĩ sư Minh Tuệ là Phật sống, sư vẫn đang trên đường
tu tập và đang ở a tăng tỳ kiếp bao nhiêu hay khoảng nào ở a tăng tỳ kiếp thì
tôi không biết, chỉ biết là sư đang nghiêm mật tu tập cố gắng thành Phật.
Đến
đây, hãy để cho tôi nói về một nhân vật khác một chút. Osho (1931-1990) là một
nhà huyền môn và một nhà tâm linh người Ấn Độ thế kỷ 20. Ông rất nổi tiếng với
những bài giảng về thiền, về rất nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo và tâm
linh và là người sáng tạo ra phương pháp “Thiền động”. Osho không ràng buộc vào
một tôn giáo truyền thống nào nhưng ông nhấn mạnh vai trò của Thiền. Theo bài
giảng của ông, Thiền là sự kết hợp của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ và triết lý Đạo
giáo của Lão Tử ở Trung Quốc, nên có điểm ưu việt của cả hai hệ thống tư tưởng
này, như một đứa con lai thừa hưởng gene trội của cả cha lẫn mẹ. Tư tưởng của
Osho, vì vậy, cũng chứa đựng triết học và tư tưởng Phật giáo.
Trong
quyển tự truyện của mình, Osho nói là khi thiền định, ông đã thấy được bao
nhiêu kiếp sống và tu tập trước đây của mình, và ở kiếp liền trước, ông đã tu tập
gần đến chứng quả và cần phải trải qua một thử thách tâm linh kéo dài 21 ngày
nhưng ông đã bị ám sát 3 ngày trước khi hết thời hạn đó. Và vì 3 ngày còn thiếu
này mà trong kiếp này ông đã mất 21 năm để chứng ngộ. Osho chứng ngộ vào ngày
21/3/1953 khi ông mới 21 tuổi.
Bạn
hỏi tôi có tin vào câu chuyện Osho đã tu qua bao nhiêu kiếp đó không, thì tôi
tin. Vì không cách gì một con người hai mươi mấy tuổi có thể có được tầm hiểu
biết thấu suốt cực kỳ sâu rộng về tôn giáo và tâm linh như vậy, chỉ có thể là một
tích lũy qua rất nhiều kiếp tu tập. Nếu tin vào Osho, nếu tin vào kinh điển Phật
giáo, thì để tu thành Phật phải qua vô số kiếp, và sự giác ngộ chỉ có thể đến từ
miên mật tu hành qua một thời gian rất dài. Còn như thế nào là “đủ”, đến khi
nào là ‘chứng ngộ’, thì chư thiên có cách tính toán của chư thiên, Phật Trời sẽ
soi chiếu và chứng giám, hà tất bận lòng với những toan tính nhỏ hẹp tầm thường
đầy tham sân si của chúng sinh trần thế.
Do
đó, kết luận lại, theo tôi nghĩ, sư Minh Tuệ đã tu, đang tu và sẽ tu. Những chướng
ngại sư trải qua, sẽ phải trải qua, chướng ngại này qua đi sẽ có chướng ngại mới
xuất hiện. Sư có thành Phật trong kiếp này hay trong nhiều kiếp sau nữa lại là
chuyện chúng ta không thể biết được. Người tu hành chân chính luôn có chư thiên
hỗ trợ nhưng cũng đồng thời phải vượt qua nhiều kiếp nạn và chiến thắng tham
sân si của bản thân.
Hãy
cầu nguyện cho sư Minh Tuệ và tăng đoàn tiếp tục được thực hiện bước đường tu tập
của mình, nhưng cũng đừng quá quan tâm tiểu tiết những chuyện cãi nhau, đánh
nhau, nghi ngờ, rối loạn, lộn xộn của tăng đoàn. Mỗi người, qua quan sát hành
trình sư Minh Tuệ có thể soi chiếu vào chính bản thân mình và học được một điều
gì đó, tu tập thêm được một bước nào đó, một vài ngày gì đó, cũng là phúc phận
cho mỗi người chúng ta. Cuối cùng thì, sẽ có một cánh cửa nào đó mở ra, đúng thời
điểm cần thiết. Đoàn tu đi đến đâu, không đi đến đâu, hãy là, tùy duyên đi… Mọi
sự tốt đẹp. A di đà Phật!
No comments:
Post a Comment