Thursday, April 17, 2025

CAMPUCHIA MUỐN GÌ TRONG CHUYẾN THĂM CỦA ÔNG TẬP CẬN BÌNH? (BBC News Tiếng Việt)

 



Campuchia muốn gì trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình?

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 4 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c62znq7lv7eo

 

Campuchia đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ tài chính lớn hơn từ Trung Quốc, đặc biệt là cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhân dịp Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm nước này vào ngày 17/4, kết thúc chuyến công du ba nước Đông Nam Á, Reuters dẫn lời một người phát ngôn của chính phủ Campuchia.

 

Quốc gia này - một trong các nhà xuất khẩu quần áo và giày dép lớn sang Mỹ - đã bị Tổng thống Donald Trump áp mức thuế đối ứng lên đến 49%, thuộc hàng cao nhất trên toàn cầu, trước khi phần lớn các khoản thuế này được tạm hoãn đến tháng Bảy.

 

Phnom Penh cũng là đối tác thân thiết của Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào các dự án trong đó có đường sá và sân bay, và là chủ nợ lớn nhất của Campuchia.

 

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hợp tác, gồm cả phát triển cơ sở hạ tầng," ông Meas Soksensan, người phát ngôn Bộ Tài chính Campuchia, nói với Reuters trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Phnom Penh.

 

Lúc đó, ông trả lời câu hỏi liệu Campuchia có kỳ vọng Bắc Kinh sẽ công bố hỗ trợ tài chính cho dự án kênh đào dài 180km - dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng nhất của nước này hay không.

 

Trong một bài báo được đăng vào sáng 17/4 trên truyền thông Campuchia, ông Tập Cận Bình kêu gọi Phnom Penh phản đối "chủ nghĩa bá quyền" và "chủ nghĩa bảo hộ", lặp lại thông điệp ông đã gửi trước đó trong tuần này tới Việt Nam và Malaysia trong hai chặng đầu tiên của chuyến công du.

 

Ông Tập - người được đặt tên cho một con đường ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh - đã liệt kê các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc đã thực hiện tại Campuchia, mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương, nhưng không đề cập đến dự án cụ thể mới nào trong bài viết của mình.

 

Chính phủ Campuchia cho biết Trung Quốc sẽ cấp vốn cho Kênh đào Phù Nam Techo, con kênh nối từ sông Mekong, đoạn gần thủ đô Phnom Penh, đến bờ biển Vịnh Thái Lan.

 

Mục đích của kênh đào là lấy nước từ vùng đồng bằng sông Cửu Long - là khu vực dễ bị ảnh hưởng - và giảm bớt lượng hàng hóa mà Campuchia phải vận chuyển qua các cảng biển Việt Nam.

 

Trung Quốc cho đến nay chưa đưa ra cam kết tài chính công khai nào cho dự án, trong khi Phnom Penh đã thay đổi tuyên bố về sự tham gia của Trung Quốc từ việc chi trả 100% xuống còn 49% tổng chi phí, ước tính 1,7 tỷ đô la, gần 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Campuchia.

 

Chuyến thăm Campuchia của ông Tập Cận Bình là một phần của chuyến công du được lên kế hoạch từ lâu, được xem là một "chiến dịch quyến rũ" ở Đông Nam Á, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thuế quan của Mỹ.

 

Trước đó, ông đã thăm Malaysia, và trước đó nữa là Việt Nam - quốc gia đã bày tỏ lo ngại về Kênh đào Phù Nam Techo.

 

Bắc Kinh không ký kết các khoản vay mới nào cho Campuchia trong năm ngoái, theo dữ liệu chính thức từ chính phủ Campuchia, một sự tương phản rõ rệt so với những năm trước đây khi nước này cho Campuchia vay hàng trăm triệu đô la.

 

Sự sụt giảm tài trợ diễn ra khi Trung Quốc giảm đầu tư ra nước ngoài nói chung trong bối cảnh khó khăn kinh tế trong nước và lo ngại về các dự án không thành công.

 

Trung Quốc và Campuchia liên tục tuyên bố họ là những người bạn "sắt son", bất chấp các căng thẳng gần đây về các trung tâm lừa đảo ở Campuchia, thường do các băng đảng Trung Quốc điều hành và nhắm vào công dân Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d13d/live/96ddec80-1b52-11f0-a455-cf1d5f751d2f.jpg.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni vào hôm 17/4

 

Trước khi ông Tập Cận Bình đến, Campuchia cho biết họ đã trục xuất một số "tội phạm Trung Quốc", bao gồm cả người từ Đài Loan, về Trung Quốc, một động thái khiến Đài Bắc tức giận.

 

Trong bài báo được đăng trên truyền thông Campuchia trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình kêu gọi Campuchia trấn áp các hoạt động tội phạm như lừa đảo trực tuyến.

 

Đầu tháng Tư, hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung tại một căn cứ hải quân mới được mở rộng trên bờ biển Campuchia, một cơ sở mà Mỹ lo ngại có thể trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

 

Khi xe chở ông Tập lăn bánh từ sân bay đến nơi hội kiến với các nhà lãnh đạo, hai bên đường rợp bóng cờ Trung Quốc tung bay trong tiếng reo hò chào đón của người dân, theo những thước phim trên mạng xã hội.

 

Một nhà ngoại giao phương Tây trú tại Campuchia bình luận về chuyến thăm:

 

"Ngập tràn cờ xí, vô số biên bản ghi nhớ và những màn thể hiện tình bạn thắm thiết, nhưng có lẽ nội dung thực tế thì lại chẳng bao nhiêu," ngụ ý về những thỏa thuận hợp tác mang tính hình thức thường được ký kết trong các chuyến thăm cấp cao.

 

 





No comments: