Wednesday, April 23, 2025

BA TÔN GIÁO ĐÁNG CHÚ Ý TRƯỚC THỀM ĐẠI LỄ VESAK 2025 (Huệ Nhã / Luật Khoa tạp chí)

 



 

3 tin tôn giáo đáng chú ý trước thềm Đại lễ Vesak 2025

Huệ Nhã   -  Luật Khoa tạp chí

21/04/2025

https://luatkhoa.com/2025/04/3-tin-ton-giao-dang-chu-y-truoc-them-dai-le-vesak-2025/  

 

HÌNH : https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/Vesak-2025-1-1536x864.jpg

Nguồn ảnh: Sun World Ba Den Mountain, VnExpress, VGP News, Tibet.net, Báo Lao Động. Đồ họa: Thiên Tân / Luật Khoa.

 

Trước thềm Đại lễ Vesak 2025, có ba sự kiện lớn liên quan đến Phật giáo xảy ra trong nước, gồm một báo cáo, một cái chết bí ẩn và một bức thư gây tranh cãi.

 

Đại lễ Vesak 2025 – một trong những Phật giáo quốc tế lớn nhất – sẽ được tổ chức ở TP. HCM từ ngày 6 – 8/5. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) là đơn vị đăng cai tổ chức.

 

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tháng trước thềm Đại lễ Vesak (từ ngày 25/3 đến nay), có ba sự kiện liên quan đến Phật giáo thu hút dư luận:

 

1.    Báo cáo về tự do tôn giáo tại Việt Nam của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố.

 

2.    Một cao tăng Tây Tạng chết bí ẩn tại TP. HCM – nơi chuẩn bị đăng cai Đại lễ Vesak.

 

3.    Lá thư của Thích Nhật Từ gửi Giáo hội Phật giáo Sri Lanka.

 

 

Đại lễ Vesak 2025 chuẩn bị khai mạc ở TP. HCM

 

Theo báo cáo của GHPGVN, Đại lễ Liên Hợp Quốc Vesak năm 2025 dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 6 – 8/5, tại TP. HCM, với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì hòa bình thế giới”.

 

Sự kiện này được đánh giá là dịp quan trọng để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, từ đó, tạo cầu nối giao lưu giữa các cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới.

 

·        Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức chính tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM (cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Bên cạnh đó, chương trình đại lễ còn diễn ra ở các địa điểm khác như: Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP. HCM), khu du lịch Sun World Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), v.v.

 

·        Dự kiến, thành phần tham dự Đại lễ Vesak 2025 gồm 1.500 đại biểu quốc tế từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ và 1.500 đại biểu trong nước.

 

·        Chương trình của Đại lễ Vesak gồm nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý là lễ cung rước xá lợi Đức Phật về tôn trí tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP. HCM), từ ngày 2 – 8/5. Sau đó, xá lợi được tiếp tục cung rước đến các địa điểm khác như chùa Quán sứ (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam) trước khi được đưa trở về Ấn Độ.

 

·        Đến nay, GHPGVN đã tổ chức xong các ban chuyên môn phục vụ các chương trình của sự kiện, cũng như kiện toàn cơ sở vật chất và gửi thư mời đại biểu tham gia.

 

·        Đại lễ Vesak nhằm tôn vinh ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là Đản sinh (sinh ra) – Thành đạo (thành Phật) – Niết bàn (mất đi). Tên gọi “Vesak” bắt nguồn từ tháng Vesakha theo lịch cổ Ấn Độ, tương ứng với ngày trăng tròn Tháng Năm dương lịch.

 

·        Năm 1999, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận Vesak là ngày lễ quốc tế. Đến nay, Đại lễ Vesak đã tổ chức được 20 lần trên toàn thế giới, trong đó có bốn lần (bao gồm sự kiện năm nay) diễn ra ở Việt Nam.

 

Báo cáo của USCIRF về tự do tôn giáo tại Việt Nam

 

Ngày 25/3, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo thường niên, trong đó, bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam” và cho rằng mức độ đàn áp đang có xu hướng “leo thang”.

 

·        Theo báo cáo, USCIRF tiếp tục đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách các “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo (CPC). Đây là cấp độ cảnh báo cao nhất về vi phạm tự do tôn giáo. Việt Nam từng bị đề xuất đưa vào danh sách này vào năm 2022.

 

·        USCIRF đánh giá tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục ở “mức thấp” và đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt đối với các cộng đồng tôn giáo không đăng ký hoặc độc lập với nhà nước.

 

·        USCIRF cho rằng chính quyền Việt Nam đã tăng cường kiểm soát hoạt động tôn giáo thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước hậu thuẫn, thậm chí dùng các tổ chức này để giám sát, gây áp lực hoặc loại bỏ các nhóm tôn giáo đối lập.

 

·        USCIRF đề nghị Việt Nam sửa đổi lại các văn bản luật liên quan hoạt động tôn giáo, như Nghị định 95/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 30/3/2024), do có nhiều quy định được cho là “rất mơ hồ” và có thể bị lạm dụng để hạn chế quyền tự do tôn giáo.

·        Tổ chức này còn khuyến nghị Chính phủ Mỹ xem xét việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dựa trên mức độ cải thiện về tình hình tự do tôn giáo trong nước.

 

 

Ngay sau báo cáo, phía Chính phủ Việt Nam và GHPGVN đã phản đối mạnh mẽ.

 

·        Ngày 8/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã ra thông cáo bác bỏ các cáo buộc trong báo cáo của USCIRF.

 

·        Một bài viết dẫn lời của Hòa thượng Thích Thanh Chính, thuộc GHPGVN, cảnh báo rằng báo cáo này của USCIRF “gây bất lợi cho những nỗ lực củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ”.

Sư Thanh Chính cho rằng Mỹ đã “can thiệp trắng trợn” vào công việc nội bộ của Việt Nam và GHPGVN.

 

·        Ngày 3/4, Báo Công an Nhân dân đăng tải bài viết để phản bác các cáo buộc của USCIRF, cho rằng những nhận định là thiếu căn cứ và sai lệch, đồng thời khẳng định Việt Nam đã không ngừng cải thiện quy định, mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo.

Trong đó, các cấp chính quyền luôn quan tâm đến các sự kiện tôn giáo, ví dụ như Đại lễ Phật Đản Vesak 2025 sắp tới do GHPGVN tổ chức đăng cai, v.v. Do đó, USCIRF cần “nghiêm túc đánh giá lại”.

 

 

Cái chết bí ẩn của một cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM

 

Tulku Hungkar Dorje (hay Trulku Hungkar Dorjee) – một vị Lạt ma Tây Tạng – vừa qua đời tại TP. HCM hồi cuối tháng Ba mà không rõ nguyên nhân.

Sự việc này đã dấy lên làn sóng phản đối từ cộng đồng Tây Tạng lưu vong và nhiều tổ chức quốc tế. Các bên đang yêu cầu Việt Nam điều tra minh bạch về cái chết của ông.

 

HÌNH : https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/AD_4nXeRfvcUZLU_akuXefbjQ9U_JTrXHZufhuIhkC299eHDKTcy79sbp7UVjPaFpaGczyAJBfajvP_ggn2MJMII15EZUcctRYvAeljaQwxzNIlCmiwvlZvaUNVkyThYTIskMip_jZyFUGdtZosrMzz1YAkeyUKPt8FWDQvMKCXFoZyFaycSS.png

Hungkar Dorje Rinpoche thăm và hoằng pháp tại Việt Nam năm 2018. Nguồn: nguoiphattu.com.

 

·        Ông Dorje sinh năm 1969 tại châu Golog, tỉnh Thanh Hải, Tây Tạng và là trụ trì của Tu viện Lung-ngon.

 

·        Theo thông tin từ Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), ông Dorje đã tị nạn ở Việt Nam từ tháng 9/2024. Trước đó, ông bị chính quyền Trung Quốc thẩm vấn vì không đón tiếp nồng hậu Panchen Lama do Bắc Kinh bổ nhiệm.

 

·        Hiện vẫn chưa rõ ông Dorje đã làm gì kể từ khi sang Việt Nam từ tháng 9/2024. Tuy nhiên, đến ngày 25/3, ông bị bắt giữ tại một nơi lưu trú ở TP. HCM, trong một chiến dịch được cho là có sự phối hợp giữa công an Việt Nam và mật vụ Trung Quốc. Vài ngày sau thì ông qua đời, hưởng dương 56 tuổi.

 

·        Đến ngày 1/4, Văn phòng Hành chính của Tu viện Lung-ngon – đơn vị do chính phủ Trung Quốc điều hành – đã cho các bên liên quan thấy giấy chứng tử của ông Hungkar Dorje, tuy nhiên họ không cho sao chụp giấy tờ.

 

·        Ngày 5/4, năm nhà sư từ Tu viện Lung-ngon cùng với một số quan chức Trung Quốc đã đến Việt Nam để nhận thi thể của ông và đưa về Tây Tạng.

Tuy nhiên, nhóm này đã bị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam từ chối cho tham dự một cuộc họp liên quan đến quá trình xử lý thi thể trong cùng ngày.

 

·        Theo tờ Tibetan Review, vào đêm 18/4, thi thể của ông Dorje được chuyển từ bệnh viện đến một cơ sở hỏa táng gần đó dưới sự giám sát chặt chẽ của hơn 70 nhân viên an ninh Trung Quốc và Việt Nam.

Các nhà sư đến từ Tu viện Long-ngon chỉ được phép nhìn mặt ông Dorje lần cuối trong vài phút ngắn ngủi.

 

“Panchen Lama” là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng.

Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng thì Panchen Lama được xem là lãnh đạo tinh thần cao cấp thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Vào năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận một đứa trẻ sáu tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima là “hóa thân đời thứ 11” của Panchen Lama.

Trung Quốc ngay sau đó đã bắt cóc cậu bé này và “tái sinh” một Panchen Lama khác. Tuy nhiên, hầu như người Tây Tạng và cộng đồng Phật giáo quốc tế không công nhận vị này.

 

 

Dư luận yêu cầu Thích Nhật Từ lên tiếng về lá thư gửi Giáo hội Phật giáo Sri Lanka

 

GHPGVN và Thích Nhật Từ đang bị cộng đồng yêu cầu lên tiếng xác minh liệu lá thư được gửi ra nước ngoài để cáo buộc Thích Minh Tuệ có phải của Thích Nhật Từ hay không.

 

·        Ngày 15/4, theo RFA Tiếng Việt, đoàn của Thích Minh Tuệ gặp “kiếp nạn” khi dừng chân tại một ngôi đền Phật giáo Sri Lanka.

Người tu sĩ của ngôi đền, tự xưng là thuộc Giáo hội Phật giáo Sri Lanka, gọi các thành viên đoàn là “giả tu”, yêu cầu đoàn rời đi và báo cảnh sát.

Vị tu sĩ này còn đọc một văn bản để chứng minh cho hành động này của ông.

Trong hai ngày sau đó, giới chức địa phương tiếp tục gây khó khăn cho Thích Minh Tuệ và đoàn bộ hành.

·        Tại Việt Nam, cộng đồng mạng đồng loạt chia sẻ văn bản mà vị tu sĩ của ngôi đền ở Sri Lanka.

Đáng chú ý, văn bản này có chữ ký của Thích Nhật Từ với chức danh “Trưởng ban” và có đóng dấu “Ban Phật giáo Quốc tế thuộc GHPGVN – Chi hội TP. HCM”.

Thời gian gửi văn bản vào ngày 13/4, từ TP. HCM. Bên nhận là Giáo hội Phật giáo tại Sri Lanka.

Văn bản này đưa ra các cáo buộc Thích Minh Tuệ giả danh tu sĩ, có âm mưu lập giáo phái riêng, gây rối trật tự công cộng và liên lạc với các thế lực chống đối ở nước ngoài để bôi nhọ chính phủ Việt Nam, chia rẽ Phật giáo trong nước.

Thư cũng đề nghị giới chức Sri Lanka “ngăn chặn” đoàn bộ hành của Thích Minh Tuệ và không cấp thị thực cho các thành viên trong đoàn.

 

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/AD_4nXf1C0HGyvexzOg4PlRHOFKNbz7ErdvonldMT2SRysC5kFfTsQG-UzMT6xC3tVk3mTwtMgYVteT1UGFx1F_3xDs4D6RcuuIBXrnVBVUabDXx-Fh1YidrIGXncYFmWHGJ__thON3mvIS2nuugUt9ozkMkeyUKPt8FWDQvMKCXFoZyFaycSS.png 

Mặt sau văn bản gửi đến Giáo hội Phật giáo Sri Lanka. Nguồn: Nguyễn Xuân Diện.

 

·        Ngày 17/4, Thích Minh Tuệ đã trả lời từng cáo buộc đưa ra về ông. Ông khẳng định mình không hề vi phạm pháp luật và cũng không có ý định lập giáo phái riêng. Đồng thời, ông nói “không sân hận” với người đã vu khống mình và chúc người đó sớm thành Phật.

 

·        Dù văn bản trên đã lan truyền rộng rãi nhưng đến nay, cả Hòa thượng Thích Nhật Từ và GHPGVN vẫn chưa lên tiếng xác minh hay phủ nhận về tính xác thực của nội dung văn bản và chữ ký.

 

·        Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 ở Hà Tĩnh. Ông xuất gia vào năm 2015, nhưng không tu tập cố định tại chùa nào. Năm 2018, Thích Minh Tuệ bắt đầu chuyến bộ hành khất thực khắp Việt Nam. Vào giữa năm 2024, ông trở thành một “hiện tượng”. Vào tháng 12/2024, ông cùng đoàn chính thức bộ hành sang Ấn Độ. Hiện đoàn đang ở Sri Lanka.

 

·        Về Hòa thượng Thích Nhật Từ, ông tên thật là Trần Ngọc Thảo, sinh năm 1969 tại TP. HCM, là một trong những gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Ông được biết đến rộng rãi qua các buổi giảng pháp phát trực tiếp tại chùa Giác Ngộ cũng như với vai trò là tác giả, dịch giả của hơn 70 đầu sách về Phật học. Ông cũng là giảng sư tại nhiều cơ sở đào tạo Phật giáo.

Thích Nhật Từ còn đại diện GHPGVN tham dự nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế, trong đó có lễ khánh thành trường Đại học Kelaniya, tại Sri Lanka vào tháng 2/2024. Ông được tổng thống nước này tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển của trường.

Các trang thông tin Phật giáo ở Việt Nam nói ông có năm bằng tiến sĩ danh dự ở nước ngoài. Ông cũng được nhiều tổ chức Phật giáo trong nước lẫn quốc tế trao tặng nhiều giải thưởng, bằng khen.

Hiện nay, Hòa thượng Thích Nhật Từ là trụ trì của các chùa Giác Ngộ (TP. HCM), Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), Tượng Sơn (Hà Tĩnh), Linh Xứng (Thanh Hóa).

Ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong GHPGVN. Cụ thể:

(1) Ở cấp trung ương: ủy viên Hội đồng Trị sự; phó ban Phật giáo Quốc tế; phó ban Giáo dục; phó viện trưởng kiêm tổng thư ký Viện Nghiên cứu Phật học.

(2) Tại TP. HCM: phó trưởng Ban Trị sự, trưởng ban Phật giáo Quốc tế; phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

 

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/AD_4nXdVWMyo6tSl1a8hrp3IN14PoSVEwgTirK6-fVOs2ttPbZa_2PhLLtUJQHCIoAXPxetc0uGsZ8fzvHnvWE9MdJxO-nR0D5R8K0uZ2ul_ebIY88W1f15NDD3ruokwm2UmdUuvvc-q6DaxlhkdCZg4O4EkeyUKPt8FWDQvMKCXFoZyFaycSS.png

Buổi pháp thoại của Hòa thượng Thích Nhật Từ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM năm 2023. Nguồn: vbu.edu.vn.

 

·        Vào ngày 29/3, Báo Giác ngộ đã đăng tải lại văn bản của Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan, thông tin về “nhóm bộ hành khất thực ăn mặc giống tu sĩ”. Văn bản này được ban hành ngày 13/2, trùng với thời điểm đoàn Thích Minh Tuệ đang bộ hành tại Thái Lan.

 

·        Trước đó, vào năm 2024, GHPGVN từng có văn bản thông báo rằng Thích Minh Tuệ không phải người của giáo hội. Tuy nhiên, Thích Minh Tuệ cũng tự thừa nhận rằng mình không phải sư, mà chỉ là người học Phật.

 

===============================================

Đọc thêm:

 

Toàn cảnh: Cái chết bí ẩn của cao tăng Tây Tạng ở TP. HCM
Huệ Nhã     12/04/2025

 

 .

Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo chưa thống nhất cho Sun Group cung rước xá lợi Phật?

Huệ Nhã     29/03/2025

 

.

Từ Thích Trí Quang đến Thích Minh Tuệ: Số phận nhà sư Việt Nam

Luật Khoa tạp chí      25/02/2025

 

 

 



No comments: