Wednesday, April 23, 2025

TRUNG QUỐC và VAI TRÒ TRONG CÔNG CUỘC DỰNG XÂY QUÂN ĐỘI CỦA BẮC VIỆT (Vũ Quí Hạo Nhiên / Luật Khoa tạp chí)

 



 

Trung Quốc và vai trò trong công cuộc dựng xây quân đội của Bắc Việt

Vũ Quí Hạo Nhiên

22/04/2025

https://luatkhoa.com/2025/04/trung-quoc-va-vai-tro-trong-cong-cuoc-dung-xay-quan-doi-cua-bac-viet/

 

 

https://luatkhoa.com/wp-content/uploads/2025/04/Xay-dung-quan-doi-Ho-Chi-Minh-1536x864.jpg

Ảnh bìa sách: The University Press of Kentucky.

 

Trong thời gian chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam, có thể nói không ngoa là miền Bắc sống sót nhờ viện trợ Trung Quốc và Liên Xô. Tuy nhiên, số công trình nghiên cứu về viện trợ Trung Quốc cho Việt Nam không nhiều.

 

Trong thời gian chiến tranh, những nguồn viện trợ này được (hay “bị”) các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và phương Tây nói chung theo dõi kỹ càng, nhưng khi chiến tranh chấm dứt, sự theo dõi này giảm hẳn. Nếu tính về phía nghiên cứu lịch sử, nhiều độc giả người Việt có thể đã đọc cuốn China and the Vietnam Wars, 1950–1975 (tạm dịch: Trung Quốc và Chiến tranh Việt Nam, 1950–1975) xuất bản năm 2000 của Qiang Zhai (Trạch Cường).

 

Bài này giới thiệu một cuốn sách nữa cùng đề tài viện trợ Trung Quốc cho Việt Nam, nhưng đào sâu hơn về khía cạnh quân sự, và đi chi tiết về những sự giúp đỡ cụ thể, là cuốn Building Ho’s Army: Chinese Military Assistance to North Vietnam (tạm dịch: Công cuộc xây dựng quân đội của Hồ Chí Minh: Viện trợ quân sự từ Trung Quốc cho miền Bắc Việt Nam) của Xiaobing Li (Lý Tiểu Binh) xuất bản năm 2019.

 

Li hiện là giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Trung tâm Oklahoma (University of Central Oklahoma – UCO). Ông có vợ người Việt Nam, và là một cựu quân nhân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

 

Cuốn sách này không chỉ dựa vào tài liệu mà còn dựa vào các hồi ký và lịch sử truyền khẩu do Giáo sư Li phỏng vấn, từ phía Trung Quốc, phía Việt Nam, cũng như phía các nước khác như Hoa Kỳ, Liên Xô. 

 

Li khẳng định Mao Trạch Đông có tư tưởng “chống đế quốc Mỹ” thật. Việc chống Mỹ có hai khía cạnh, một là Mao cho rằng Mỹ muốn bao vây Trung Quốc về quân sự, và hai là Mao tin rằng Liên Xô không giúp được gì trong vấn đề ấy. Mao học bài học này khi gặp mặt Stalin năm 1949 và Stalin nói thẳng thừng là Trung Quốc phải tự lo lấy chuyện của mình (Li, trang 42).

 

Nếu các đời tổng thống Hoa Kỳ vận động ủng hộ miền Nam Việt Nam là “con bài domino” cần phải giữ vững, thì Mao cũng có thuyết domino của ông. Khi nhìn tới sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Nam Hàn, Nhật, Okinawa, Philippines, Đài Loan, và đảo Guam, Mao cho rằng Việt Nam là mắt xích cuối cùng của chuỗi đó (trang 155). Ông cảnh cáo giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc về nguy cơ bị bao vây, và do đó Trung Quốc cần giúp miền Bắc Việt Nam.

 

Nhất là khi miền Bắc đó do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Độc giả Việt Nam có lẽ đã biết nhiều về mối thâm giao giữa Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Trung Quốc, như Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông. Khi quyết định hỗ trợ Việt Minh, Mao “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp lại tình hữu nghị” (trang 15).

 

Ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa mới thành lập ngày 1/10/1949, Hồ Chí Minh đã chủ động đề nghị giúp đỡ. Ngày 6/10, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới 5 ngày tuổi, Hồ Chí Minh gửi hai phái đoàn qua Bắc Kinh xin viện trợ, một nhóm đi đường thủy, một nhóm đi đường bộ (trang 40-41). Sự chu đáo này cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc trong mắt Hồ Chí Minh đến thế nào.

 

Viện trợ đó suýt nữa đã không có. Mao và Chu khi đó đang ở Moscow, Lưu Thiếu Kỳ chấp chánh. Khi Hồ Chí Minh đưa ra con số tương đương 10 triệu đô-la Mỹ, Lưu đưa ra bàn trước Bộ Chính trị; đa số muốn từ chối. Nhưng khi Lưu điện cho Mao, Mao trả lời là phải giúp Việt Minh. Bộ Chính trị theo Mao, đổi ý. Từ đó, Lưu lập ra Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc, trong sách viết tắt là CMAG (Chinese Military Advisory Group) và bổ nhiệm Wei Guoqing (Vi Quốc Thanh, 1913-1989) đứng đầu (trang 48-49). Vi sau này làm lớn, ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Giải phóng quân, và là một trong số ít các ủy viên Bộ Chính trị không bị thanh trừng trong cả Cách mạng Văn hóa lẫn sự sửa sai của Đặng Tiểu Bình.

 

Dưới con mắt của Giáo sư Li, Đoàn Cố vấn là lý do Việt Minh thắng cuộc. Ông liệt kê số viện trợ quân sự trong 6 năm đầu: 155.000 súng nhỏ, 58 triệu viên đạn, 4.630 pháo, 1.08 triệu đạn pháo, 840.000 lựu đạn, 1.200 xe, 1,4 triệu bộ đồng phục, 14.000 tấn lương thức, và 26.000 tấn nhiên liệu. Riêng trong bốn năm 1950 tới 1954, viện trợ Trung Quốc cho Việt Minh lên tới 43,2 tỷ đô la Mỹ (trang 61, trích dẫn văn khố Bộ Ngoại thương Trung Quốc).

 

Nhưng hơn thế nữa, trong thời gian 1950-1956, Đoàn Cố vấn biến đội quân Việt Minh thành một quân đội có tổ chức, có chiến lược, có tính chuyên môn (trang 6).

 

Chương 3 của sách viết về Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong, nay là Sư đoàn Bộ binh 308, Quân đoàn 12). Năm 1950, Bộ Tư lệnh tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây, và Quân Đoàn 4 Trung Quốc được giao nhiệm vụ xây dựng Đại đoàn 308 (trang 64). Quân 13 thuộc Quân đoàn 4 thiết lập một chương trình huấn luyện. 

 

Tháng 5/1950, hai trung đoàn của sư đoàn 308 là trung đoàn 88 và 102 lên đường đi Trung Quốc qua ngả Hà Giang. Hơn 12.000 bộ đội đi tới Vân Nam, nơi đã có sẵn chỗ ăn ở. Mỗi người được cho giày mới, quân phục mới, và một súng trường hoặc súng ngắn (trang 66). Cuộc huấn luyện bắt đầu bằng lý thuyết, tập võ, và tập bắn (trang 67). Các sĩ quan chỉ huy được huấn luyện từng cá nhân, mỗi sĩ quan được ghép với một sĩ quan Trung Quốc cùng mức chỉ huy. Đại tá Cao Văn Khánh, sư phó 308, được ghép với Wu Xiaomin (Ngô Hiểu Mẫn), sư phó sư đoàn 37 quân 13 của Trung Quốc. (Id.) Sau 3 tháng huấn luyện, sư đoàn 308 trở về Việt Nam, có hơn 30 sĩ quan huấn luyện của Trung Quốc theo họ về nước tiếp tục cố vấn. (Id.) 

 

Về nước chỉ vài tháng sau đó, tháng 9-10/1950, Sư đoàn 308 đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 ở Cao Bằng. Sư đoàn 308 là đơn vị tấn công quân Pháp ở Đông Khê, đánh phục kích, bao vây, và đánh bại. Nhờ chiến thắng này, viện trợ Trung Quốc có đường đi vào miền Bắc Việt Nam.

 

Tướng Trung Quốc Chen Geng (Trần Căng, 1903-1961) có mặt tại chỗ và, theo Giáo sư Li, là người cố vấn tấn công vào Đông Khê (trang 77-78). Khi tình hình trở nên bi quan trong mắt tướng Võ Nguyên Giáp, Chen Geng là người đánh giá quân Việt Minh đang thắng và ngăn tướng Giáp rút quân (trang 78-80). Ông này là chỉ huy trưởng Quân Đoàn 2 Trung Quốc, từng kinh qua chiến tranh chống Nhật và chiến tranh Triều Tiên, từng góp phần tái tổ chức Quân đội Trung Quốc, như ông làm cho Quân đội Việt Minh.

 

Tất cả những chi tiết này đều không có trong các tài liệu được công bố từ phía Việt Nam. Các trang mạng về Sư đoàn 308, Trung đoàn 102, Trung đoàn 88 (còn gọi là Trung đoàn Tu Vũ – “được Bác Hồ đặt tên” theo một bài viết trên trang mạng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhưng nay không truy cập được nữa), đều không nhắc đến những chi tiết này. Chiến dịch Biên giới Thu Đông được cho là do “Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo”.

 

Tất cả những chi tiết về Điện Biên Phủ, chiến tranh Nam-Bắc cũng vậy, sách kể ra nhiều sự giúp đỡ của Trung Quốc, kể cả sự góp mặt trực tiếp của nhân sự Trung Quốc. Nhưng phía Việt Nam làm lơ như không có.

 

Đó có lẽ là lý do có ít nghiên cứu lịch sử về viện trợ Trung Quốc cho Việt Nam trong thời gian từ sau năm 1950. Hầu hết các phe liên quan, từ Trung Quốc, Việt Nam, và cả Nga hậu Xô-viết, đều giấu kín những dữ liệu này. Tới nay, chỉ có Trung Quốc là tương đối cởi mở công bố, chắc hẳn vì họ là phe cho đi, nên nhu cầu giấu diếm không cao như của phía xin-nhận.

 

Vì vậy, cuốn sách Building Ho’s Army là một đóng góp đáng kể cho việc tìm hiểu quan hệ Trung Quốc Việt Nam thời gian trước khi rạn nứt năm 1979.

 

 

=======================

Đọc thêm:

 

Nhà báo ẩn danh và cuộc đàn áp phải lãng quên

https://luatkhoa.com/2025/02/nha-bao-an-danh-va-cuoc-dan-ap-phai-lang-quen/

 

Khi lịch sử được “Đảng hóa”

https://luatkhoa.com/2025/03/khi-lich-su-duoc-dang-hoa/






No comments: