50 năm kết thúc chiến
tranh: Đại sứ Ted Osius kể về công cuộc hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam
BBC News Tiếng Việt
18
tháng 4 2025
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cm25vpmr5qdo
Đã
50 năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và 30 năm hai nước bình thường
hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ – từ cựu thù – nay đã trở thành Đối tác Chiến lược
Toàn diện, sau một hành trình gian nan và nhiều nỗ lực.
Nhà
ngoại giao Ted Osius, người đảm nhận vai trò Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ
2014-2017
Cựu
Đại sứ Mỹ Ted Osius chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng sau mỗi
cuộc chiến, hòa giải là điều cần thiết bởi đó là cách quan trọng để cả hai bên
– Mỹ và Việt Nam – có thể cùng nhau bước tiếp về phía trước.
"Tôi
đã viết cuốn Nothing Is Impossible: America's Reconciliation with
Vietnam (Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam) về tiến
trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam. Cuốn sách không chỉ kể về thời gian tôi làm
đại sứ, mà còn là câu chuyện về những người hùng đi đầu trong công cuộc hòa giải
– cả phía Mỹ lần phía Việt Nam – những người đã nỗ lực không ngừng để hai cựu
thù trở thành đối tác.
"Thực
sự đã có những con người rất dũng cảm từ cả hai phía, họ chấp nhận rủi ro rất lớn
để gắn kết hai nước lại với nhau. Và điều họ đã làm là xây dựng nên một mối
quan hệ đối tác – một mối quan hệ mà tôi tin rằng dựa trên nền tảng của sự tôn
trọng và tin tưởng lẫn nhau."
Trong
cuốn sách của Osius, nhiều cái tên được nhắc đến và chính họ đã truyền cho ông
nguồn cảm hứng để tiếp tục góp phần vào tiến trình hòa giải.
Đó
là các thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry, cả hai đều là cựu chiến binh
trong Chiến tranh Việt Nam nhưng đã chọn gác lại quá khứ để cùng nhau thúc đẩy
việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong việc giải quyết vấn
đề tù binh và người mất tích trong chiến tranh (POW/MIA).
Ông
Pete Peterson (trái), đại sứ Mỹ tại Việt Nam đầu tiên sau chiến tranh, và Thượng
nghị sĩ John McCain (phải) tham quan nhà tù tại trung tâm Hà Nội vào ngày 1
tháng 6 năm 1993. Nhà tù này từng có biệt danh là "Hanoi Hilton", nơi
McCain và Peterson từng bị giam giữ thời Chiến tranh Việt Nam.
Đó
là cựu chiến binh, đồng thời là cựu tù binh Pete Peterson, người đầu tiên giữ
cương vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hơn hai thập kỷ sau khi vị đại sứ cuối cùng
trước đó, Graham Martin, rời Sài Gòn bằng trực thăng vào cuối tháng 4/1975.
Peterson từng bị giam 6 năm rưỡi tại nhà tù Hỏa Lò sau khi máy bay ông bị bắn
rơi gần Hà Nội năm 1966.
Đó
là đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, ông Lê Văn Bàng, người đã chứng kiến toàn bộ
quá trình đàm phán bình thường hóa đầy thăng trầm trong quan hệ giữa hai quốc
gia Việt Nam - Hoa Kỳ.
Đó
là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, vị bộ trưởng ngoại giao
mà ông Osius đánh giá là "vĩ đại", người đã chấp nhận rủi ro lớn để
đưa hai nước xích lại gần nhau.
Cựu
Đại sứ Ted Osius nói với BBC rằng phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng niềm
tin giữa hai quốc gia vốn khác biệt về mặt chính trị nhưng Việt Nam và Mỹ đã
làm được.
"Và
tôi nghĩ điều đó đã cho thế giới thấy rằng: hoàn toàn có thể để hai quốc gia từng
là kẻ thù trở thành bạn bè và đối tác thân thiết nếu họ học cách hành động cùng
nhau."
No comments:
Post a Comment