Tuesday, February 11, 2020

'VIRUS CORONA VŨ HÁN, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU & CÁC DỊCH BỆNH TRONG TƯƠNG LAI (Nguyễn Trang Nhung)




Chủ Nhật, 02/09/2020 - 14:21 — NguyenTrangNhung

'The Wuhan Coronavirus, climate change and future epidemics' ('Virus Corona Vũ Hán, biến đổi khí hậu và các dịch bệnh trong tương lai') là tiêu đề của một bài viết đáng chú ý trên Time của tác giả Yustin Worland vào ngày 6/2 vừa qua.[1]

Dơi – Vật chủ trung gian khả nghi của nCoV (Nguồn: Andreas Trepte)

Như Worland viết, không có bằng chứng nào cho thấy biến đổi khí hậu đã kích hoạt loại virus này (gọi tắt là nCoV) nhảy từ động vật sang người, cũng như không có bằng chứng nào cho thấy hành tinh ấm hơn giúp nó lây lan.

Tuy nhiên, Worland cũng viết, có một điều khá rõ ràng rằng biến đổi khí hậu có thể làm tăng các dịch bệnh trong tương lai được gây ra bởi virus và các mầm bệnh khác.

Điều trên không phải là quan điểm hay suy đoán của Worland – cây bút chuyên về năng lượng và môi trường của Time – mà là điều các nhà khoa học đã cho thấy qua các nghiên cứu của mình cách đây nhiều thập kỷ.

Năm 1992, một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã nêu một số cách mà biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.[2]

Năm 1996, một nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cảnh báo rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự xuất hiện và tái xuất của các bệnh truyền nhiễm.[3] 

Theo nghiên cứu này, các bệnh do muỗi truyền, bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết và bệnh não do virus, nằm trong số các bệnh nhạy cảm nhất với khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc truyền bệnh bằng cách thay đổi phạm vi địa lý của vật chủ trung gian, tăng tỷ lệ sinh sản, cắn đốt và rút ngắn thời gian ủ bệnh. 

Nhiệt độ mặt nước biển tăng và mực nước biển dâng có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm và độc tố liên quan đến nước, chẳng hạn ngộ độc dịch tả và động vật có vỏ. Ngoài ra, các yếu tố khác liên quan đến biến đổi khí hậu như suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch biến đổi cũng khiến con người nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm hơn.

Cũng trong năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới đã xuất bản một cuốn sách dài 300 trang về chủ đề này, xem xét một loạt mối liên hệ giữa khí hậu và sức khỏe, đồng thời lưu ý rằng các liên kết là phức tạp và đa yếu tố.[4]

Nói chung, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học hiểu rằng biến đổi khí hậu có thể sẽ thay đổi cách lây lan của bệnh tật, và nhiều giả thuyết về mối liên hệ này đang được họ kiểm nghiệm theo thời gian thực.[5]

Một mối liên hệ đã được giải thích là nhiệt độ trong thế giới tự nhiên tăng làm cho hiệu quả của hệ thống miễn dịch của con người giảm đi. Worland đã diễn giải điều này một cách dễ hiểu như sau:

·         Cơ thể chúng ta là những cỗ máy chống lại bệnh tật đáng kinh ngạc. Khi một mầm bệnh vào cơ thể, chúng ta thường bị sốt, và nhiệt độ cơ thể nóng lên do sốt giúp ngăn chặn các loại xâm nhập không mong muốn. Sốt kích thích hệ thống miễn dịch và sức nóng tạo ra môi trường mà mầm bệnh khó tồn tại.

·         Khi mầm bệnh tiếp xúc với nhiệt độ tăng dần trong thế giới tự nhiên, chúng trở nên được chuẩn bị tốt hơn để tồn tại ở nhiệt độ cao trong cơ thể người. [Điều này cũng có nghĩa hệ thống miễn dịch khó chống đỡ với mầm bệnh hơn.]

Liên quan đến cơ chế trên là khái niệm vùng hạn chế nhiệt (thermal restriction zone) – là sự khác biệt giữa nhiệt độ cơ bản cao của động vật có vú và nhiệt độ môi trường – có tác dụng bảo vệ chúng.[6] 

Vùng hạn chế nhiệt của động vật có vú nói chung và của con người nói riêng có thể bị xâm phạm bởi các mầm bệnh mới xuất hiện do biến đổi khí hậu, mà loài nấm mới Candida auris gây bệnh ở người trong nghiên cứu của Casadevall và các cộng sự vào năm 2019 vừa qua là một ví dụ.[7]

nCoV đang lan truyền hiện nay khác với Candida auris vì nhiều lý do, nhưng vật chủ trung gian khả nghi của nó – dơi – là một ví dụ về mối liên hệ giữa nhiệt độ và cách lây lan của các bệnh truyền nhiễm.[8]

Giống như con người, dơi là động vật có vú duy trì nhiệt độ cơ thể ấm để bảo vệ chúng khỏi bệnh tật. Nhưng trong khi dơi có thể thường xuyên tăng nhiệt độ cơ thể lên khoảng 40,6 độ C, nhiệt độ cơ thể chúng ta thường là 37 độ C và tăng lên vài độ C khi chúng ta sốt. Điều này có nghĩa là dơi sẽ được bảo vệ bởi thân nhiệt trước mầm bệnh tốt hơn con người khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.[9] 

Chúng ta có thể đồng ý với Worland rằng, ngày nay chúng ta biết nhiều hơn so với trước đây về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh tật, song còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết, chẳng hạn, khi băng Bắc Cực tan chảy, các mầm bệnh nào sẽ được giải phóng vào bầu khí quyển và chúng ta có thể chống lại chúng không?

Trong khi các nhà khoa học tìm kiếm các câu trả lời cho những điều chúng ta chưa biết, thái độ mà chúng ta nên có là quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu, và hành động mà chúng ta nên có là góp phần làm chậm lại sự nóng lên toàn cầu, bởi nếu không như vậy, chúng ta sẽ tiến nhanh hơn tới các mầm bệnh mới.

----------------

Chú thích:

[1][2] The Wuhan Coronavirus, Climate Change, and Future Epidemics
https://time.com/5779156/wuhan-coronavirus-climate-change

[3] Global Climate Change and Emerging Infectious Diseases
https://yamanetwork.com/yournals/yama/article-abstract/394508

[4][5] Như [1]

[6][7] On the Emergence of Candida auris: Climate Change, Atoles, Swamps, and Birds
https://mbio.asm.org/content/10/4/e01397-19

[8][9] Như [1]







No comments: