Sunday, February 9, 2020

VIỆT NAM MUỐN CÙNG CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á CHỐNG VIRUS CORONA (VOA Tiếng Việt)




NỘI DUNG :
.
VOA Tiếng Việt
.
Người Việt Online
.
Người Việt Online
.
=================================================
09/02/2020

Việt Nam mới bày tỏ mong muốn phối hợp với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của chủng virus Corona mới (nCoV).

Chính phủ Việt Nam cho biết rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn như vậy trong cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 4/2.

Ông Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời “đánh giá cao chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh chóng, đồng bộ để ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh lan rộng” đồng thời bày tỏ “tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và với năng lực ngành y tế đã được minh chứng, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng ngăn chặn thành công dịch bệnh này”.

Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, trang Facebook chính thức của ông Widodo ngày 4/2 không đề cập tới cuộc điện đàm cũng như đề xuất của Thủ tướng Phúc, nhưng có đề cập tới việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu vì virus Corona, cũng như việc Indonesia tổ chức sơ tán hơn 230 công dân nước này khỏi thành phố Vũ Hán.


Cổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Widodo, Thủ tướng Phúc đã “bày tỏ đánh giá cao Indonesia là một trong những nước đã triển khai nhanh các biện pháp ngăn ngừa bệnh dịch, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus nCoV”.

Tin cho hay, lãnh đạo Việt Nam và Indonesia cho rằng “các nước thành viên của ASEAN cần chủ động phối hợp, điều phối hành động của mỗi quốc gia theo đúng tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của ASEAN năm nay, nhằm tìm ra các giải pháp chung, chia sẻ trách nhiệm đối phó với dịch bệnh chung của khu vực”.

“Các nước ASEAN đã có kinh nghiệm quý trong phối hợp đối phó với dịch SARS năm 2003, do đó cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực đối phó với dịch nCoV lần này”, thông báo của chính phủ Việt Nam có đoạn.

Việt Nam hiện đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng như là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Theo ông Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh “đã gửi thư đến các nước ASEAN” để nêu đề xuất trên.

Trong thư của ông Minh, tin cho hay, Việt Nam “đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự... và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN”.

Philippines, một thành viên của ASEAN, là nơi mới đây ghi nhận một trường hợp tử vong đầu tiên vì virus Corona ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo được cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời cho biết “hoàn toàn tán thành và đánh giá cao các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc”.

Ông Widodo và ông Phúc được cho là đã nhất trí “tăng cường sự phối hợp không chỉ trong ASEAN mà còn giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân các nước ASEAN bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là đối với những người còn kẹt ở vùng dịch”.


Tới ngày 4/2, tin cho hay, Việt Nam và Campuchia vẫn còn công dân ở tâm dịch Vũ Hán, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại trên toàn thế giới về virus đã làm hàng trăm người chết.

Thủ tướng Hun Sen từng thông báo rằng Campuchia sẽ không sơ tán sinh viên và các nhà ngoại giao khỏi Trung Quốc, dẫn tới những lời chỉ trích rằng ông Hun Sen không hành động đủ mạnh để giúp công dân, theo Reuters.

Trong khi đó, Cục Lãnh sự Việt Nam hôm 26/1 cho biết rằng “17 lưu học sinh Việt Nam và người nhà đang ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đều trong tình trạng sức khỏe và tâm lý ổn định”.

Tin cho hay, Đại Sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc “đã hướng dẫn các biện pháp xử lý ứng phó với dịch bệnh, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để gia hạn visa trong trường hợp quá hạn với 1 công dân Việt Nam, đi du lịch bị mắc kẹt tại Hồ Bắc”.

Hôm 6/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại một cuộc họp báo rằng Việt Nam “sẵn sàng đưa công dân ở vùng có dịch về nước khi cần thiết”.

Bà Hằng khẳng định rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam “đang nỗ lực cao nhất để thực hiện việc này trong thời gian sớm nhất".

*
.
VOA Tiếng Việt
10/02/2020

Thủ tướng Singapore hôm 8/2 nói rằng nỗi sợ hãi gây nguy hại hơn là sự lây lan của virus Corona, theo Reuters.

Ông Lý Hiển Long lên tiếng như vậy một ngày sau khi Singapore nâng mức cảnh báo về virus Corona lên mức màu cam giống như lần xảy ra dịch SARS năm 2003, khiến dân chúng đổ xô đi siêu thị mua sạch hàng hóa về để tích trữ.

“Không cần thiết phải hoảng loạn. Chúng tôi không phong tỏa thành phố hoặc nhốt mọi người ở nhà”, ông Lý nói, theo Reuters.

“Chúng tôi có nguồn cung ứng dồi dào, vì thế không cần phải tích trữ mỳ tôm, thực phẩm đóng hộp hay giấy vệ sinh như một số người đã làm ngày hôm qua”.

Tin cho hay, Singapore đã xác nhận 33 trường hợp nhiễm virus Corona và một số trường hợp không liên quan tới việc đi tới Trung Quốc, nơi hơn 800 người đã tử vong.

Ông Lý nói thêm rằng nếu các trường hợp tiếp tục tăng và tỷ lệ tử vong vẫn thấp, chính phủ có thể khuyến khích những người có các triệu chứng nhẹ nghỉ ngơi ở nhà thay vì tới bệnh viện, để cho các nhân viên y tế tập trung vào những ca bệnh nặng.

Tin cho hay, virus Corona đã lan sang ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây nhiễm cho hơn 330 người, khiến nhiều nước phải tiến hành các biện pháp phòng chống.

------------------------------------------
.
Người Việt Online
February 9, 2020

HỒNG KÔNG (NV) – Hàng ngàn hành khách bị kẹt trên một du thuyền ở Hồng Kông trong năm ngày qua đã được phép rời tàu hôm Chủ Nhật, 9 Tháng Hai, sau khi 1,800 người thuộc thủy thủ đoàn được thử nghiệm và không thấy ai bị nhiễm virus Corona.

Các giới chức y tế Hồng Kông nói rằng thủy thủ đoàn và khoảng 2,000 hành khách trên tàu nay không còn bị biện pháp biệt lập, vốn được đưa ra do có lo ngại rằng một số nhân viên tàu có thể bị nhiễm virus từ chuyến hải hành trước đó và lây lan cho người mới lên tàu.

Chiếc World Dream chở theo ba hành khách Trung Quốc tới Việt Nam trong thời gian từ ngày 19 đến ngày 24 Tháng Giêng và sau đó ba hành khách này được phát giác là bị nhiễm virus Corona.

Khi tàu này đến Hồng Kông hôm Thứ Tư, 5 Tháng Hai, thì bị lệnh biệt lập, không cho lên bờ.

Giới chức y tế Hồng Kông ra lệnh thử nghiệm toàn thể thủy thủ đoàn, nhưng hành khách thì không cần vì không có tiếp xúc với ba người Trung Quốc mắc bệnh kia trong chuyến đi hồi Tháng Giêng.

Virus Corona được thấy trước tiên ở thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc hồi Tháng Mười Hai năm ngoái. Cho đến nay, virus đã gây bệnh cho hơn 37,200 người ở lục địa và ít nhất là 36 người ở Hồng Kông.

Hành khách và thủy thủ đoàn trên chiếc World Dream đã dự trù phải ở trên tàu cho tới ngày Thứ Ba. Tuy nhiên người đứng đầu y tế cảng Hồng Kông, ông Leung Yiu-hong, hôm Chủ Nhật nói rằng “tất cả các kết quả thử nghiệm đã có vào trưa nay và đều âm tính.”
Tất cả gần 4,000 người trên tàu đều không phải tự biệt lập sau khi rời khỏi tàu, cũng theo ông Leung. (V.Giang)

------------------------------------------
.
Người Việt Online
February 9, 2020

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Hôm 9 Tháng Hai, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Đắc Tài, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa cho hay 1,046 du khách Trung Quốc qua Việt Nam du lịch theo tour, hiện đang bị kẹt lại tỉnh này do lệnh ngừng bay giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ông Tài nói thêm rằng các công ty lữ hành “đang liên hệ với các hãng hàng không để xin cấp phép chuyến bay đưa số du khách này về lại Trung Quốc.”

Một nhóm du khách Trung Quốc tại Nha Trang. (Hình: Tuổi Trẻ)

Con số nêu trên khiến công luận ngờ vực vì chỉ mới mấy ngày trước, hôm 2 Tháng Hai, theo thống kê của công an xuất nhập cảnh, lượng người Trung Quốc còn ở Khánh Hòa được ghi nhận lên đến 5,361 người, gồm 520 người là nhà đầu tư, lao động người làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, 4,841 người còn lại là du khách tự do hoặc đi theo tour trọn gói.

Thời điểm đó, các báo nhà nước loan báo lệnh ngưng các chuyến bay giữa Trung Quốc và Việt Nam của Cục Hàng Không Việt Nam “đã có hiệu lực từ hôm 1 Tháng Hai.”

Du khách Trung Quốc tại phi trường Cam Ranh trước khi có lệnh cấm bay. (Hình: Zing)


Nay theo tiết lộ của ông Tài được báo Tuổi Trẻ dẫn lại thì lệnh cấm bay này trên thực tế là “không triệt để,” vì một số chuyến bay chở du khách Trung Quốc từ Khánh Hòa về nước sau hôm 1 Tháng Hai “vẫn được cấp phép bay.”

“Những chuyến bay này chỉ chở khách Trung Quốc về, còn khi bay về lại Việt Nam thì bay rỗng, phi cơ được tiêu độc khử trùng theo quy định, phi hành đoàn được kiểm tra và giám sát y tế,” ông Nguyễn Đắc Tài nói.

Không rõ các hãng hàng không nào được hưởng “ngoại lệ” khi thực hiện các chuyến bay này, nhưng chắc chắn đó là hãng hàng không của Việt Nam. Vì cũng theo lời ông Tài, Bộ Ngoại Giao CSVN đã có công hàm thỏa thuận với phía Trung Quốc rằng nếu địa phương nào có lượng người Trung Quốc bị “kẹt lại” lớn do dịch Corona thì Bắc Kinh sẽ điều phi cơ đến đưa về nước nhưng đến nay chuyện này chưa diễn ra tại Khánh Hòa.

Theo báo Zing, Hãng Hàng Không Vietnam Airlines mới đây đã gửi công văn hỏa tốc để cảnh báo Sở Y Tế tỉnh Khánh Hòa về hai vị du khách đến từ Trịnh Châu, Trung Quốc từng du lịch ở Nha Trang được xác nhận nhiễm virus Corona khi về nước vào cuối Tháng Giêng. Trong vụ này, có đến 268 người ở thành phố biển được ghi nhận “có tiếp xúc gần” với hai người Trung Quốc, gồm nhân viên hai khách sạn, khách lưu trú, thông dịch viên, hướng dẫn viên, tài xế… Hiện 165 người trong số đó đã bị nhà chức trách tiến hành cách ly ở nhà họ và lập hồ sơ theo dõi tình trạng sức khỏe.

Theo báo Thanh Niên, trước khi bệnh dịch virus Corona lan sang Việt Nam, ước tính mỗi ngày Nha Trang tiếp đón khoảng 6,500 du khách Trung Quốc, mỗi vị khách lưu lại thành phố này trong khoảng 3 – 4 ngày nên người ta có thể bắt gặp “hai vạn người nói tiếng Trung” trên các đường phố Nha Trang. (N.H.K)






No comments: