J.B Nguyễn Hữu Vinh
February 16, 2020
Hãng tin AFP ngày 11 Tháng Hai, 2020, đưa tin: Bộ
Ngoại Giao Philippines cho biết đã gửi đến sứ quán Mỹ tại Manila thông báo về
việc hủy bỏ Hiệp Ước Thăm Viếng Quân Sự với Mỹ (Visiting Forces Agreement –
VFA).
Theo đó, Mỹ sẽ có thời gian 180 ngày để hoàn tất việc
chấm dứt bản thỏa thuận được ký từ năm 1998 cho phép Mỹ đưa các đơn vị quân đội
qua Philippines để tham gia tập trận chung hay giúp đỡ chống khủng bố. Ông
Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa
rằng: “Tổng thống sẽ không xem xét bất cứ
đề nghị nào từ chính phủ Mỹ nhằm cứu vãn VFA.”
Truyền thông quốc tế không chú ý quá nhiều về vụ việc
này, dù đây là một động thái đe dọa có ảnh hưởng đến chiến lược, chính sách của
Hoa Kỳ tại vùng Châu Á, Thái Bình Dương.
Đặc biệt, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã không tỏ
ra việc coi đây là vấn đề quá quan trọng. Từ Tòa Bạch Ốc ngày 12 Tháng Hai ông
Trump nói rằng ông không quan tâm việc này, thậm chí, việc Philippines hủy bỏ bản
thỏa thuận này, còn là cơ hội cho Mỹ đỡ chi tiêu một lượng tiền lớn vào đó.
Đây là một bước tiếp gây sốc của tổng thống
Philippines kể từ khi ông lên cầm quyền tại đất nước này vào ngày 6 Tháng Năm,
2016.
Ông Duterte nổi tiếng với những phát ngôn trên cương
vị tổng thống nhưng sặc mùi chợ búa và thiếu văn hóa, kể cả đối với các nguyên
thủ quốc gia và lãnh đạo tôn giáo. Ông Duterte không chỉ đã làm cả thế giới
kinh ngạc về lối nói năng văng mạng của mình, mà còn cả những hành động bạo lực
trong chính sách đối nội, những thay đổi được coi là ngược chiều trong chính
sách đối ngoại đối với các nước khác có liên hệ, nhất là những nước lớn có ảnh
hưởng như Trung Quốc, Nga, Mỹ.
Về đối nội, kể từ khi lên cầm quyền tại Philippines,
thi hành một chính sách tàn sát bất chấp luật pháp với hàng ngàn người với cái
cớ “chống tệ nạn ma túy,” chính quyền Duterte đã làm cả thế giới phải e ngại và
lên tiếng về việc vi phạm nghiêm trọng quyền con người tại đây khi cho bắn bỏ
không qua xét xử bất cứ những ai mà tự cảnh sát hoặc người dân cho rằng đó là tội
phạm liên quan đến ma túy.
Chỉ trong ba năm cầm quyền đầu tiên, ông Duterte đã
cho bắn bỏ số người lên đến 6,600 không qua xét xử, đa số đó là dân nghèo không
có khả năng tự vệ và đây được cho là con số thấp hơn nhiều so với thực tế.
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án các chính sách của
ông Duterte vi phạm nhân quyền. Tháng Tám, 2016, hai chuyên viên nhân quyền
Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ thị của ông Duterte cho cảnh sát và người dân tiêu
diệt nghi phạm ma túy “kích động bạo lực và giết chóc, và là tội ác theo luật
quốc tế.”
Chính điều này đã góp phần gây sóng gió trong quan hệ
giữa Hoa Kỳ và Philippines bằng việc mới đây chính phủ Mỹ đã không cấp thị thực
vào Mỹ cho thượng nghị sĩ Philippines là Dela Rosa. Ông Dela Rosa nói, ông tin
rằng nguyên nhân rất có thể vì những cáo buộc về tình trạng giết các nghi phạm
ma túy không thông qua xét xử trong thời gian ông làm cảnh sát trưởng
Philippines từ Tháng Bảy, 2016, đến Tháng Tư, 2018.
Tức tối trước việc này, ngày 23 Tháng Giêng, 2020,
hãng tin Reuters đưa tin rằng ông Duterte nói: “Nếu quý vị không sửa sai, tôi sẽ
hủy bỏ thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA). Tôi sẽ làm điều đó… Tôi
cho chính quyền (Philippines) và chính phủ Mỹ thời hạn một tháng từ bây giờ.”
Và khi chưa đến thời hạn một tháng, Duterte quyết định hủy bỏ bản thỏa thuận thể
hiện một sự giận dữ không thể kiềm chế.
Kể từ khi lên cầm quyền tại Philippines, ông Duterte
đã thi hành nhiều đường lối hoàn toàn khác với các tiền nhiệm của mình, gây
sóng gió không chỉ trong nước mà cả trong khu vực cũng như trên bình diện thế
giới.
Nếu như chính phủ tiền nhiệm là cựu Tổng Thống
Benigno Aquino III đã cố gắng trong mọi nỗ lực của mình để đưa Trung Quốc ra
Tòa Trọng Tài thường trực ở The Hague (Hòa Lan) và tòa án này đã bác bỏ yêu
sách “đường lưỡi bò” hết sức vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, thì chính quyền
Duterte đã có nhiều hành động ngược lại.
Chính sách của Duterte sau khi lên cầm quyền đã đưa
đến một Philippines thụ động và mơ màng những khoản tiền từ những lời hứa của
Trung Quốc. Hẳn nhiên, điều đó liên hệ rất cơ bản với việc tuyên bố, xác định
chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Trong chuyến đi của ông Duterte tới Bắc Kinh, Chủ Tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị Manila hãy “để sang bên phán quyết trọng
tài,” “để sang bên tuyên bố chủ quyền của quý vị” và đề nghị hai bên khai thác
chung dầu khí trong vùng tranh chấp, nghĩa là trong vùng Philippines tuyên bố
chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế.
Tháng Giêng, 2018, Philippines đã chấp thuận ký biên
bản ghi nhớ về khai thác dầu khí chung với Trung Quốc và được hứa hẹn chia phần
với tỷ lệ 60/40.
Hãng Reuters bình luận rằng, việc chấp nhận khai
thác chung dầu khí tại khu vực đặc quyền kinh tế này, nghĩa là đã coi như hợp
pháp hóa tuyên bố của bên kia, thậm chí là việc từ bỏ quyền chủ quyền của
Philippines.
Cũng trong chính sách đối ngoại, trong khi ngày càng
hăng hái đẩy mối quan hệ với Hoa Kỳ lên căng thẳng, ông Duterte đã hướng sang
không chỉ Trung Quốc mà cả với Nga. Ông Duterte tuyên bố: “Nếu tôi không thể có được vị thế đáng tin cậy từ Mỹ, tôi có thể có được
điều này từ chính phủ Nga và Trung Quốc.”
Điều này cũng không có gì là lạ, khi mà các chính
sách, cách hành động của ông Duterte ngày càng theo xu hướng bạo lực, độc tài
và hành xử bất chấp văn hóa văn minh thì đất dụng võ sẽ là Nga và Trung Quốc là
điều dễ hiểu. Ở những đất nước đó, một chế độ độc tài và tàn bạo đối với nhân
dân mình luôn sẽ tìm được tiếng nói chung.
Trở lại với chính quyền Donald Trump, việc
Philippines tuyên bố hủy bỏ bản thỏa thuận VFA đã không khiến ông Trump quan
tâm. Hẳn nhiên, trong chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ, một bản thỏa thuận với
Philippines bị hủy bỏ không đủ sức để làm nghiêng cán cân của vị thế chính trị,
quân sự cũng như có thể làm thay đổi trầm trọng chiến lược của Mỹ tại khu vực.
Tuy nhiên, với Philippines thì khác.
Bản thỏa thuận này được ký vào năm 1998, có hiệu lực
từ năm 1999 tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến,
máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines,
tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo… Mỗi
năm, có 300 hoạt động bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.
Trong điều kiện, hoàn cảnh mà Philippines và cả khu
vực đang ngày càng phải căng thẳng đối phó với những mối đe dọa và chính sách
bành trướng của Bắc Kinh lên các vùng biển đảo, các vùng lãnh thổ khác nhau, bản
thỏa thuận đã phần nào có tác dụng bảo vệ an ninh hữu hiệu cho Philippines trước
những âm mưu bành trướng này.
Việc Philippines xé bỏ bản thỏa thuận, trong điều kiện
là một đất nước yếu thế về kinh tế cũng như mọi mặt trước Trung Quốc – một gã
khổng lồ về kinh tế và đầy những tham vọng và âm mưu toan tính bẩn thỉu – thì
đó là một hành động tự sát đối với chủ quyền quốc gia.
Và điều này, chính đất nước và người dân Philippines
sẽ phải chịu hậu quả.
Bởi chính họ đã chọn ra một cá nhân làm tổng thống của
mình từ một gã vốn đã nổi tiếng từ khi còn nhỏ với một quá khứ ngỗ ngược, học
hành kém cỏi nhưng đầy chất giang hồ và đặc biệt là thiếu thứ hết sức cần thiết
cho một chính khách: Văn hóa ứng xử.
Phải chăng, đây là đòn nắn gân Mỹ của ông Duterte, một
người vốn nổi tiếng hay văng mạng trong ngôn từ và hành động dù là tổng thống của
một đất nước, nhưng đòn nắn gân này đã nhầm đối tượng? (J.B Nguyễn Hữu
Vinh)
No comments:
Post a Comment