Phạm Thị
Hoài dịch
11/02/2020
Trong số những người đồng ký tên bức thư ngỏ sau đây
có hai giáo sư nổi tiếng từ hai trường đại học danh giá: Trương Thiên Phàm
(Zhang Qianfan, 张千帆) của Đại học Bắc
Kinh, một trong những học giả đầu đàn về luật hiến pháp tại Trung Quốc, và Hứa
Chương Nhuận (Xu Zhangrun,许章润) của Đại học Thanh
Hoa, người cách đây không lâu đã gây chấn động với bài tiểu luận đặc sắc, trực
tiếp phê phán chính sách của Tập Cận Bình “Nỗi
sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta hiện nay”. Cả hai ông, cũng như một
số học giả khác, đều nhiều lần thẳng thắn lên tiếng về các vấn đề chính trị xã
hội khi đang thành đạt với sự nghiệp chuyên môn và giữ những cương vị cao trong
môi trường hàn lâm ở Trung Quốc.
Người
dịch
***
Ngày 6 tháng 2 năm 2020, bác sĩ Lí Văn Lượng, người
thổi còi cảnh báo 2019-nCoV, đã qua đời giữa ôn dịch ở Vũ Hán. Ông cũng là một
nạn nhân của sự áp chế ngôn luận. Người dân Trung Quốc rất đau lòng và vô cùng
thương tiếc.
Virus corona chủng mới có thể hoành hành ở Vũ Hán và
khắp Trung Quốc vì các nhà đương cục đã đàn áp ngôn luận và sự thật. Giữa mùa lễ
hội truyền thống tối hỉ, ức vạn người lâm cảnh cách li và sợ hãi, toàn dân đang
bị quản thúc tại gia. Cả xã hội và nền kinh tế bị đình đốn. Ít nhất 637 đồng
bào của chúng ta cho đến nay đã thiệt mạng và hàng triệu người ở thành phố Vũ
Hán và tỉnh Hồ Bắc bị kỳ thị, xua đuổi, lưu ly thất sở trong giá lạnh và không
nơi nương tựa.
Khi thảm kịch này mới bùng phát đầu tháng Một, bác
sĩ Lí và bảy chuyên viên y tế khác đã bị cảnh sát cảnh cáo vô căn cứ. Nhân phẩm
của họ quá bé mọn trước bạo quyền của cảnh sát chống lại tự do ngôn luận. Ba
mươi năm nay, người Trung Quốc đã từ bỏ tự do để đổi lấy an toàn, để giờ đây
lún vào một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, bất an hơn bao giờ hết. Một thảm
họa nhân đạo đang cận kề. Toàn bộ phần còn lại của thế giới đang lùi xa khỏi
Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn sự lây lan của virus, khiến Trung Quốc rơi vào
tình trạng cô lập toàn cầu chưa từng thấy.
Tất cả những điều đó là cái giá phải trả cho việc từ
bỏ tự do và áp chế ngôn luận. Mô hình Trung Quốc đang trở thành phao bọt. Song
các nhà chức trách vẫn đang lo khóa miệng dân hơn lo ngăn chặn dịch bệnh. Tòa
án nhân dân tối cao và các cơ quan hành chính đã vượt quyền hạn, thực thi tình
trạng khẩn cấp mà không công khai tuyên bố. Họ đã sử dụng việc kiểm soát dịch bệnh
như một cái cớ để tước đoạt bất hợp pháp những quyền được hiến pháp bảo trợ của
công dân như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại và quyền sở hữu tư nhân.
Đã đến lúc những điều đó phải kết thúc. Không thể có
an toàn nếu không có tự do ngôn luận. Nhân danh các công dân, chúng tôi đề xuất
năm yêu cầu chính sau đây:
1. Chúng tôi yêu cầu lấy ngày 6 tháng Hai là Ngày Tự
do Ngôn luận Quốc gia (Ngày Lí Văn Lượng).
2. Chúng tôi yêu cầu, kể từ hôm nay, người dân Trung
Quốc phải được hưởng quyền tự do ngôn luận quy định tại điều 35 trong hiến
pháp.
3. Chúng tôi chủ trương, kể từ hôm nay, không một
công dân Trung Quốc nào còn bị bất kỳ một bộ máy chính quyền hoặc một tổ chức
chính trị uy hiếp chỉ vì phát ngôn chính kiến, và không một thế lực chính trị
hay một bộ máy chính quyền nào được phép xâm phạm quyền tự do hội họp và tự do
truyền thông của công dân. Chính quyền phải lập tức chấm dứt việc kiểm duyệt
các mạng xã hội, việc chặn hay xóa các tài khoản tại đó.
4. Chúng tôi hy vọng, người dân Vũ Hán và Hồ Bắc được
đối xử công bằng và mọi bệnh nhân nhiễm virus corona toàn quốc phải được hưởng
sự chăm sóc y tế kịp thời, thích đáng và hiệu quả.
5. Chúng tôi kêu gọi Quốc hội triệu tập ngay hội nghị
khẩn cấp để ngăn chặn việc phiên họp dự định vào năm nay có thể bị một thế lực
chính trị bãi bỏ phi pháp, và thảo luận lập tức vấn đề bảo vệ quyền tự do ngôn
luận của công dân. Hãy thực thi hiến pháp, bắt đầu từ hôm nay, bắt đầu từ tự do
ngôn luận!
Chúng tôi hoan nghênh mọi người cùng góp chữ ký,
liên tục cập nhật và mãi mãi rộng mở.
Đồng
ký tên:
Cựu sinh viên Đại học Nhân dân: Lỗ Nan, Ngô Tiểu
Quân, Tần Vị, Điền Trọng Huân
Giáo sư luật, Đại học Bắc Kinh: Trương Thiên Phàm
Giáo sư luật, Đại học Thanh Hoa: Hứa Chương Nhuận
Học giả độc lập: Tiếu Thục, Quách Phi Hùng
Cựu sinh viên Đại học Địa chất: Vương Tây Xuyên
Nguồn: Bản
tiếng Trung và Bản
tiếng Anh
No comments:
Post a Comment