Hà Vũ
- VOA
12/02/2020
Ngày
11/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO loan báo là dịch bệnh do virus corona mới
gây ra, được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12
năm ngoái, được chính thức đặt tên là “COVID-19” .
Tổ chức này
cho biết thêm là hiện có 42.708 ca lây nhiễm tại Trung Quốc với 1.017 người thiệt
mạng. Trong khi đó 393 ca lây nhiễm khác được xác nhận tại
24 nước trên toàn thế giới với một người thiệt mạng bên ngoài Trung Quốc là tại
Philippines.
Chính phủ Mỹ kể từ ngày 29/1/2020 đã bắt đầu thuê
bao các chuyến bay để di tản công dân Mỹ ra khỏi Vũ Hán. Hành khách trên các
chuyến bay này một số được đưa đến Căn cứ Không quân Miramar của Thủy quân Lục
chiến tại San Diego. Số khác được đưa đến Căn cứ Không quân Lackland tại San
Antonio, Texas.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC cho
biết thêm là Phi trường Eppley tại Omaha, Nebraska, cũng là điểm đến của công
dân Mỹ di tản từ Vũ Hán.
Sau khi đến các phi trường này, hành khách trên các
chuyến bay sẽ được kiểm tra xem có nhiễm virus corona, tên mới là COVID-19, hay không
và sẽ được cách ly 14 ngày tại những khu vực riêng biệt, tránh tiếp xúc với
binh sĩ tại căn cứ cho đến khi có dấu hiệu an toàn.
Trước nguy cơ dịch bệnh ngày càng lây lan từ Trung
Quốc và chưa có dấu hiệu lên đến đỉnh điểm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành những
qui định mới, kiểm soát chặt chẽ những chuyến bay từ Trung Quốc hay có ghé qua
Trung Quốc. Những chuyến bay này bắt buộc phải đáp xuống một trong số 11 phi
trường Mỹ, theo chỉ định.
Luật
sư di trú Khanh Phạm có văn phòng tại Texas cho VOA biết: “Phi trường đầu tiên là phi trường JFK John F.
Kennedy ở New York. Thứ hai là phi trường Atlanta ở Geogia. Thứ ba là Chicago O’Hare ở Illinois. Thứ tư là phi trường San Francisco ở
California. Thứ năm là phi trường Seatle Tacoma ở tiểu bang Washington. Kế tiếp
là các phi trường Los
Angeles ở California và phi trường Honolulu ở Hawaii. Và sau này Sở Di trú có đưa
ra 4 phi trường mới nữa là Dallas ở
Texas, Newark ở New Jersey, Dulles ở vùng ngoại ô Washington D.C,
và Detroit ở tiểu bang Michigan.
Và khi qua hải quan thì có máy dò nhiệt độ để xem hành khách có bị nóng sốt hay
không.”
Luật sư Khanh Phạm cho biết thêm là việc hành khách
có được vào Mỹ hay không ngoài việc được kiểm tra tại 11 phi trường chỉ định,
còn tùy thuộc vào việc hành khách có quốc tịch Mỹ hay chỉ là thường trú nhân hoặc
có các loại visa khác như du lịch, du học hay làm việc…
“Quý vị có quốc tịch, 14 ngày vừa qua nếu quý vị có đi qua tỉnh Hồ Bắc
thì quý vị bắt buộc phải bị cách ly hoàn toàn 14 ngày để coi quý vị có mắc bệnh
hay không. Nếu quý vị có quốc tịch mà quý vị không đi qua tỉnh Hồ Bắc nhưng quý
vị có đi qua Trung Quốc nói chung, bất cứ nơi đâu ở trên Trung Quốc, thì lúc
quý vị vào nước Mỹ tại 1 trong 11 phi trường đó thì trước tiên Sở Di trú xem
quý vị có triệu chứng bị bệnh hay không. Nếu quý vị không có triệu chứng bị bệnh,
họ sẽ cho quý vị về nhà nhưng 14 ngày kế tiếp họ nói quý vị phải ở nhà, tự cách
ly ở nhà chớ không phải cách ly ở bệnh viện. Quý vị không được đi ra ngoài.
Trong 14 ngày đó, nếu quý vị bị bệnh, lúc đó quý vị phải vào bệnh viện.”
Luật sư Khanh Phạm nhấn mạnh:
“Quan trọng hơn nữa là nếu quý vị không phải là người có quốc tịch Mỹ, có
nghĩa là quý vị xin visa đi du lịch, xin visa đi làm, quý vị có thẻ xanh hay
đang đi du học mà nếu quý vị có đi qua Trung Quốc thì Mỹ tạm thời không cho nhập
cảnh vào nước Mỹ.”
Vào dịp Tết Canh Tý 2020 vừa qua, nhiều người Việt
Nam tại Mỹ về Việt Nam ăn Tết và gần đây đã lần lượt về Mỹ để trở lại với công
việc thường ngày.
Bà Út, nhân viên một văn phòng kế toán tại Virginia,
đi và về bằng một hãng hàng không của Nhật Bản và ghé Tokyo trước khi đáp xuống
phi trường Dulles ở vùng ngoại ô Washington D.C. Bà cho biết là ở Việt Nam nhất
là tại phi trường Tân Sơn Nhất ai cũng đeo khẩu trang và phi trường vắng hơn
trước chỉ bằng một phần ba trước khi có dịch bệnh, nhưng tại phi trường Dulles
không có ai đeo khẩu trang cả và việc kiểm tra dịch bệnh cũng không gắt gao như
mọi người tưởng.
“Lúc mình vô mình đưa hộ chiếu scan thì ông security (an ninh) hỏi là khi
đi Việt Nam về có ghé China không, mình không là thôi. Còn trong đoàn em đi có
mấy người có ghé China thì bị giữ lại. Giữ lại không biết đưa đi xét nghiệm hay
đi đâu thì không biết. Còn Việt Nam về thì họ không nói gì hết,” bà Út chia sẻ.
Ông Phương cũng là một cư dân Virginia vừa từ Việt
Nam quay lại Mỹ sau kỳ nghỉ Tết. Ông về bằng hãng hàng không Cathay Pacific của
Hong Kong, có ghé Hong Kong. Ông cho biết tại phi trường ở Việt Nam hầu như
100% mang khẩu trang, từ những người quét dọn, người bán hàng, cho đến tiếp
viên hàng không, nhưng về đến phi trường Dulles của Mỹ tình hình khác hẳn.
“Ra khỏi máy bay đa số cũng đều bỏ khẩu trang và khi đến hải quan thì
100% bỏ khẩu trang vì người Mỹ không có ai mang khẩu trang cả,” ông nói.
Ông Phương nói thêm là không thấy nhân viên ở phi
trường Mỹ cầm dụng cụ đo thân nhiệt của các hành khách đi trên chuyến bay như
thường thấy ở Châu Á, nhưng vẫn thấy có thủ tục kiểm soát đề phòng khủng bố.
“Nhưng có điều đặc biệt là kỳ này khi tôi vô thì an ninh kêu mình ngó để
chụp hình khuôn mặt, tôi nghĩ đó là ‘facial recognition’ (nhận dạng gương mặt).”
Để đối phó với dịch bệnh ‘COVID-19’, Tổ chức Y tế Thế
giới triệu tập một hội nghị hai ngày tại Geneva, bắt đầu từ 11/2, với sự tham dự
của hơn 400 khoa học gia trên toàn thế giới để thảo luận về cách thức kiểm soát
dịch bệnh bùng phát cũng như các phương thuốc chữa trị và chủng ngừa.
Trong khi đó tại Trung Quốc, ông Zhong Nanshan, một
nhà dịch tễ học nổi tiếng đồng thời là cố vấn hàng đầu của chính quyền Trung Quốc
đặc trách dịch bệnh, nói với Reuters rằng ông nghĩ dịch bệnh ‘COVID-19’ có thể
lên đến cao điểm vào giữa hay cuối tháng 2 trước khi giảm bớt.
Tân Hoa Xã loan tin các Bộ của chính phủ Trung Quốc
phối hợp với công ty quốc doanh Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc đã phát
triển và đưa ra một ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp người sử dụng có
thể kiểm tra được mức rủi ro nhiễm khuẩn, biết được mình đang gần những người
đã xác nhận bị bệnh hay bị nghi lây nhiễm virus corona gây tử vong này.
No comments:
Post a Comment