14/02/2020
Sau khi thay đổi cách chẩn đoán - định bệnh, so với
ngày 12 tháng này, số người nhiễm chủng mới của virus Corona gây viêm đường hô
hấp cấp (vừa được định danh lại là COVID-19) của ngày 13 tại tỉnh Hồ Bắc –
Trung Quốc đã tăng khoảng mười lần và số người chết tăng gấp đôi!
Không chỉ dư luận Trung Quốc mà dư luận quốc tế tiếp
tục rúng động! Việt Nam cũng thế! Nếu Việt Nam cũng thay đổi cách chẩn đoán – định
bệnh, số người nhiễm COVID-19 sẽ là bao nhiêu, liệu có còn chỉ là 16 (số liệu
tính đến ngày 13 tháng 2) và sau xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc)
sẽ còn bao nhiêu khu vực cần cô lập?..
***
Tờ Công an nhân dân vừa có một bài lên án việc đưa
thông tin, nêu ý kiến có tính chất cá nhân về COVID-19 là “vô lương” vì
“lợi dụng dịch bệnh để chống phá đảng, nhà nước” trong khi “toàn bộ hệ
thống chính trị đang tích cực vào cuộc phòng, chống dịch” và “thực tế chứng
minh, việc xử lý dịch bệnh đã đạt được những kết quả rất tích cực” (1).
Cứ theo cách lập luận của tờ Công an nhân dân thì
dân chúng “cần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện để phòng tránh” những thông
tin, ý kiến phi chính thức trên mạng xã hội, “gây ra tâm lý hoang mang, bất ổn
trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trong
việc phòng chống dịch”. Cũng vì vậy, có lẽ cần xét xem tâm lý hoang mang, cảm
giác bất ổn đến từ đâu? “Đối tượng” nào tạo ra tình trạng này để giúp đảng, nhà
nước xử lý thích đáng.
***
Sau khi đọc hàng loạt thông tin trên các cơ quan
truyền thông chính thức, giống như nhiều người, Ngọc Vinh nêu thắc mắc: Thế
này là… thế nào? Ngày 10 tháng 2, tờ Tiền Phong loan báo, ở TP.HCM có 2.100 người
vì nghi nhiễm COVID-19 nên bị giám sát, cách ly tại nơi cư trú. Ngày 11 tháng
2, VnExpress khẳng định, tại TP.HCM không còn ca nào nghi nhiễm COVID-19. Còn tờ
Người Lao Động cho biết, riêng tại quận Bình Tân của TP.HCM đang theo dõi 1.024
người đến từ vùng có dịch (2)…
Sơn Lôi (xã đầu tiên ở Việt Nam bị cô lập để phòng
ngừa COVID-19 lây lan), vốn chỉ có một người từng đến Vũ Hán và được xem là
nguyên nhân khiến mười người trong xã lây nhiễm COVID-19. “Đối tượng” nào gây “hoang mang”
gieo rắc tâm trạng “bất an” trong xã hội khi nhiều người Trung Quốc, vốn đang bị
cách ly để phòng ngừa COVID-19 lây lan vẫn có thể tự do tới lui đủ mọi nơi, kể
cả thay đổi nơi cư trú đã được chỉ định và hệ thống chính trị, hệ thống công
quyền cùng làm ngơ (3)? Chẳng lẽ người sử dụng mạng xã hội không có quyền
bày tỏ sự bất bình về tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền, kể cả chia sẻ nhận thức về nguyên nhân kiểu như
Le Van Hien: Công an phải lo bắt phản động bảo vệ đảng, làm gì còn thời
gian, sức lực canh giữ người nghi nhiễm COVID-19 (4)?
Rồi khi đặc điểm dịch bệnh nói chung và dịch viêm đường
hô hấp cấp do COVID-19 gây ra như đã biết mà Giám đốc Sở Y tế TP.HCM còn phát
hành một công văn đề nghị Sở Giáo dục “chỉ đạo giáo viên ngoài nhiệm
vụ dạy học phải chú ý quan sát để phát hiện dấu hiệu học sinh bị nhiễm
COVID-19”, đồng thời tư vấn: Chỉ đóng cửa tạm thời một lớp nếu
trong vòng bảy ngày có hai đứa trẻ trở lên bị nhiễm COVID-19. Chỉ đóng cửa tạm
thời một trường nếu có từ hai lớp trở lên có trẻ bị nhiễm COVID-19 (5)…
thì chẳng lẽ những chỉ trích như chỉ trích của Khách Huyền Đao về việc “Đặt
cược bằng sinh mạng của con cái người khác”, dồn hết trách nhiệm vào giáo
viên, buộc họ kiêm quản cả vai trò của hệ thống y tế lẫn hệ thống công quyền là
“vô lương” hơn nỗ lực chứng tỏ “toàn bộ hệ thống chính trị đang tích
cực vào cuộc phòng, chống dịch” (6)?
Làm sao giữ để “uy tín của đảng, nhà nước”
không bị “xâm hại nghiêm trọng” khi “toàn bộ hệ thống chính trị đang
tích cực vào cuộc phòng, chống dịch” mà ngay cả những bệnh viện lớn, quan
trọng như Bệnh viện Từ Dũ ở TP.HCM cũng phải tổ chức tự may khẩu trang để dùng
nhằm tiết kiệm khẩu trang đúng tiêu chuẩn của ngành y tế “cho mục đích
chuyên môn, nhất là khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật trong phòng mổ và khi
phải tiếp xúc đông người trong phòng khám hoặc khu vực tiếp nhận bệnh nhân”
(7)? Trong khi chỉ một tuần và chỉ tính riêng cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất
đã có hơn 36 tấn khẩu trang được xuất cảng, chủ yếu là qua Trung Quốc (8)!
Trong bối cảnh như thế, “đối tượng” nào mà dân chúng Việt Nam “cần cảnh
giác, tỉnh táo nhận diện”? “Đối tượng” nào “làm suy
giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trong việc phòng chống dịch”?
Dẫu các cơ quan hữu trách trấn an “đang chuẩn bị
nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn nhằm bổ sung, đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu
trang trong giai đoạn hiện nay” (9) nhưng chẳng lẽ những tâm sự như Nhàn Lê
– một bác sĩ: Bản thân tôi không tin vào loại vải được gọi là diệt khuẩn.
Trong y khoa chỉ có cồn sát trùng và lò hấp nhiệt là hai cách thường dùng –
cũng là “vô lương”? Lẽ nào cảnh báo của Nhàn Lê: Rất nhiều người
vẫn cho trẻ con chạy tung tăng trong chung cư mà không biết nếu có một người
nhiễm virus đang trong thời gian ủ bệnh hắt xì trong thang máy, mấy đứa nhỏ bám
vào, cho tay vào miệng là xong. Cho rằng dịch tận Trung Quốc nhưng không biết
chỉ trong một ngày, người từ vùng dịch có thể bay đến Việt Nam và chỉ cần đứng
cạnh 15 giây mà họ há miệng là đã có thể bị lây – là “gây ra tâm lý
hoang mang, bất ổn trong xã hội” (10)?
***
Xuân Sơn Võ – một bác sĩ – vừa đưa lên trang
facebook của ông năm đề nghị: Sử dụng các biện pháp mạnh hơn, cứng rắn
hơn để kiểm soát những người đến từ vùng dịch, kể cả cấm nhập cảnh, giám sát chặt
chẽ quá trình cách ly, xử lý bất cứ vi phạm cách ly nào của bất cứ ai, đến từ bất
cứ quốc gia nào.
Cho học sinh tiếp tục nghỉ học, tránh tập trung đông
người, nếu cần thì áp dụng việc cho nghỉ hè trước. Áp dụng các biện pháp cần
thiết để bảo đảm cung cấp đủ phương tiện bảo hộ chống dịch cho đội ngũ nhân
viên y tế cũng như cho toàn dân, cấm xuất khẩu khẩu trang và phương tiện bảo hộ
phòng dịch. Chính phủ chủ động tìm nguồn nhập trang thiết bị bảo hộ phòng chống
dịch và nguyên liệu sản xuất trang thiết bị bảo hộ phòng chống dịch. Huy động tất
cả các nguồn lực, cả trong nước và từ nước ngoài (WHO, CDC...) để sớm đưa ra
các khuyến cáo, hướng dẫn chính xác, khoa học nhằm có biện pháp kịp thời ngăn
ngừa lây lan, chẩn đoán chính xác, kịp thời có biện pháp điều trị những người bị
nhiễm và gác lại những chi tiêu chưa cấp bách để bảo đảm ngân sách cho việc
này.
Gia tăng hỗ trợ, hướng dẫn, đồng thời kiểm soát chặt
chẽ việc thực hiện phòng chống dịch ở những nơi có khả năng lây lan cao: Các bệnh
viện, cơ sở y tế, các địa điểm, phương tiện giao thông công cộng như sân bay,
nhà ga, bến xe, máy bay, tàu lửa, tàu thủy chở khách, xe buýt, xe đò, xe taxi,
cửa hàng, siêu thị, công sở (11)...
Đề nghị của Xuân Sơn Võ và cũng là mong muốn của nhiều
người suốt từ đầu tháng giêng đến nay: Đã đến lúc phải đặt an toàn sinh
mạng lên trên hết. Còn người còn của. Không vì bất cứ lí do gì để lơ là việc
phòng và chống dịch tất nhiên hết sức chính đáng nhưng còn phải chờ
xem đảng, nhà nước có… công nhận hay không!
--------------------------------------------
Chú thích
No comments:
Post a Comment