Nguyễn Quang Dy - Viet Studies
03/02/2020
Năm mới, sự bùng phát của Coronavirus (hay nCoV) là
một tai họa cho Trung Quốc năm 2020. Nó không chỉ là khủng hoảng về vi sinh học
và y học, mà còn là khủng hoảng hệ thống chính trị Trung Quốc, làm bộc lộ những
tử huyệt của họ. Việt Nam cũng bị vạ lây vì “cùng chung vận mệnh”, thậm chí còn
nguy hiểm hơn vì hệ lụy “hội chứng Đồng Tâm”.
Tính đến 3/2/2020, ở Trung Quốc đã có 17.488 người mắc
dịch (kể cả Đài Loan, Hongkong, Macao) và 361 người chết. Theo Bộ y tế, ở Việt
Nam đã có thêm 3 trường hợp mắc dịch, nâng tổng số lên 8 trường hợp. Việt Nam
đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế, và ngừng tất cả các chuyến bay đến/từ
Trung Quốc (nhưng vẫn chưa đóng cửa biên giới).
Phúc bất trùng lai
Sau ba thập kỷ phát triển nóng, Trung Quốc như người
khổng lồ trỗi dậy thành siêu cường kinh tế, vượt Nhật và chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng
Trung Quốc không “trỗi dậy hòa bình” như Mỹ và Phương Tây mong đợi, mà con rồng
Trung Quốc phủ bóng đen của nó lên Biển Đông, bắt nạt các nước láng giềng và độc
chiếm Biển Đông như cái ao của họ.
Tập Cận Bình thấy cơ hội đã đến nên từ bỏ chính sách
“giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, và củng cố quyền lực độc tài cá nhân
(như thời Mao). Trong nước, Tập bóp nghẹt tự do dân chủ và triển khai “hệ thống
cho điểm xã hội” (social credit system). Ngoài nước, Tập triển khai kế hoạch
“Vành đai Con đường” để thao túng các nước bằng “bẫy nợ”.
Để đối phó với Trung Quốc trỗi dậy, Chính quyền
Trump đã điều chỉnh chiến lược, từ bỏ chính sách cộng tác (engagement) của các
chính quyền trước, chuyển sang ngăn chặn (containment) và đối đầu như “chiến tranh
lạnh kiểu mới”. Mỹ phát động chiến tranh thương mại và dùng thuế quan như vũ
khí kinh tế làm suy yếu Trung Quốc tại vùng Indo-Pacific.
Trong khi Trung Quốc phân hóa và thao túng ASEAN
(như Philippines và Campuchia) thì các nước khác bắt đầu phản ứng (pushback) với
kế hoạch “Vành đai Con đường” và “bẫy nợ”. Đối thoại Mỹ-Triều và thay đổi chính
phủ ở Malaysia phản ánh xu thế thoát Trung. Những biến động gần đây tại Hong
Kong và Đài Loan đang cảnh báo Trung Quốc.
Đó là bối cảnh những thách thức to lớn mà Trung Quốc
phải đối mặt như “phúc bất trùng lai”, khi xảy ra dịch Corona thì như “họa vô
đơn chí”. Trong thế giới bất ổn đó, những biến số khó lường đe dọa
làm bộc lộ những tử huyệt của hệ thống chính trị. Sự bùng phát và lây lan
của Coronavirus làm người dân nhiều nước tẩy chay Trung Quốc như tội đồ.
Cơ hội vàng bị mất
Theo Minxin Pei và Nicholas Kristof, Trung Quốc
không rút được kinh nghiệm SARS (2002-2003) và không đối phó kịp thời với
Corona (2019-2020). (The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy, Project
Syndicate, January 25, 2020; Coronavirus Spreads and the World Pays for
China’s Dictatorship, New York Times, January 29, 2020).
Khi dịch Coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền
địa phương đã bất lực và lãnh đạo thành phố phải trốn ra đảo, trong khi 5 triệu
dân đã sơ tán khỏi thành phố. Theo Minxin Pei, Bắc Kinh không có khả năng xử lý
một đại dịch như vậy. Kể từ thời có dịch SARS (2003), Bắc Kinh vẫn chưa có sự đổi
mới cơ bản nào về năng lực xử lý khủng hoảng.
Trong vòng một tháng (từ giữa 12/2019 đến giữa
1/2020) là giai đoạn sống còn mà Minxin Pei gọi là “cửa sổ cơ hội vàng” đã bị mất,
khi chính quyền tra hỏi và kỷ luật 8 bác sỹ ở Vũ Hán vì “tung tin đồn nhảm” về
virus lạ. Trong mấy tuần đó (đến 20/1/2020), số người bị mắc dịch đã nhanh
chóng tăng lên gấp đôi, làm cho chính quyền giật mình.
Nguyên nhân chính là “lỗi hệ thống” do thể chế độc
tài bưng bít thông tin để thao túng và che giấu sự thật. Khi phát hiện dịch mới
tại Vũ Hán (8/12) chính quyền kiểm duyệt báo chí và các trang mạng (WeChat,
Weibo), trấn áp các bác sỹ và nhà báo đưa tin. Khi có người chết (11/1) chính
quyền vẫn phủ nhận dịch có thể lây lan từ người sang người.
Vì vậy, dịch Corona đã bùng phát và đến nay đã lan
ra 27 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau khi 5 triệu người dân đã rời khỏi
Vũ Hán, sẽ rất khó kiểm soát. Khi thấy tình hình đã nguy cấp, với hàng ngàn người
mắc dịch và nhiều người chết (20/1), chính quyền buộc phải thay đổi thái độ và
“chỉ đạo quyết liệt” thì đã quá muộn (too little too late).
Thường mỗi khi các quan chức chính quyền gặp một vấn
đề, họ thường phân ra là “kỹ thuật” hay “chính trị”. Nếu là chính trị, họ sẽ
“đá vấn đề lên trên để chờ quyết định”. Vì vậy, trong hệ thống tập trung cao
đó, quá trình ra quyết định rất lâu. Nhưng khi đã quyết thì họ lại hành xử như
thời chiến, mà Minxin Pei gọi là “quân sự hóa chính quyền”.
Hệ quả kinh tế của Coronavirus sẽ rất nặng nề đối với
Trung Quốc, cũng như các nước phụ thuộc vào họ. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán,
Shanghai composite giảm 7,7%, và Shenzhen Component Index giảm 8,5%. Khi không
thể bưng bít được nữa, chắc nội bộ sẽ bị phân hóa. Lần đầu tiên, dịch Corona
dám thách thức quyền lực của Tập Cận Bình.
Trong kinh tế có môn “kinh tế chính trị học”. Nhưng
nếu người ta lạm dụng để chính trị hóa một cách toàn diện và triệt để các lĩnh
vực dân sự (kể cả dịch vụ y tế) nhằm duy trì độc quyền thì sẽ tạo ra ách tắc,
như các khối u trong cơ chế quốc gia. Khi phải đối phó với tình thế khủng hoảng
như dịch SARS hay Corona, cơ chế đó sẽ bộc lộ những tử huyệt.
Liên hệ tới Việt Nam
Tuy nói chuyện Trung Quốc, nhưng cần liên hệ tới Việt
Nam, vì đó là “quan hệ nhân quả”. Coronavirus càng làm bộc lộ những yếu kém của
một hệ thống chính trị bất cập và lỗi thời. Vì vậy, ông Trần Quốc Vượng có lý
khi phát biểu (25/12/2019) “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng
do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình… chẳng ai lật
đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Trong bối cảnh hiện nay, khả năng kiểm soát và xử lý
khủng hoảng của Việt Nam còn yếu kém vì thể chế lạc hậu và dân trí thấp. Việt
Nam đã bỏ visa đối với người Trung Quốc, nên biên giới hai nước hầu như bỏ ngỏ.
Tuy dịch Corona đã bùng phát và WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu,
Việt Nam vẫn chưa đóng cửa biên giới vì sợ Trung Quốc.
Trong cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc chủ trì (30/1/2020), Phó Thủ tướng/Ngoại trưởng Phạm Bình Minh lý giải chưa
đóng cửa biên giới là do “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên
quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai
bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”.
Nhưng theo trang Thư viện Pháp luật, trong điều
5, khoản 3 của hiệp định biên giới có ghi: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh
quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch
bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời
đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía
Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ”.
Nay chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì đã muộn (như
chém gió). Sau Tết có nhiều lễ hội đông người, ngành du lịch và các địa phương
không thấy hết nguy cơ, nên “trên bảo dưới không nghe”. Hệ thống y tế
Việt Nam yếu kém vì quá tải nên khó đối phó với dịch đã bùng phát. Câu chuyện
khẩu trang khan hiếm vì “cháy hàng” là một ví dụ đáng buồn không chỉ với dịch
Corona mà còn đối với nạn ô nhiễm không khí đang ở mức báo động.
***
Tại Việt Nam, dịch Coronavirus (hay nCoV) xảy ra gần
đồng thời với biến cố Đồng Tâm, như “khủng hoảng kép”. Tuy hai sự kiện có những
biến số (variables) khác nhau nhưng lại có hằng số (constants) về cơ bản giống
nhau. Đó là hai trường hợp điển hình (case studies) chứa đựng nhiều ẩn số
(implications) cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ.
Có người nói trong cơn sốc Corona, “biến cố Đồng Tâm
gần như chìm vào quên lãng” và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ
được Nghị viện Âu châu quyết định vào 11/02/2020, “chỉ như chuyện của một hành
tinh khác”. Đó là nói theo logic hình thức để thấy Coronavirus cấp bách hơn,
nhưng thực ra đó là “quan hệ nhân quả”.
--------------------------
Tham khảo
1. The Wuhan Virus: How to Stay Safe, Laurie
Garrett, Foreign Policy, January 25, 2020
2. The Coronavirus Is a Disease of Chinese
Autocracy, Minxin Pei, Project
Syndicate, January 28, 2020
3. Coronavirus Spreads and the World Pays
for China’s Dictatorship, Nicholas Kristof, the New York Times,
January 29, 2020
4. Xi’s one-man Rule Hamstrings Coronavirus
Response, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asian Review, January 30, 2020
5. Coronavirus Outbreak Highlights Cracks in
Beijing’s Control, Lenora Chu, The Christian Science
Monitor, January 31, 2020
NQD.
3/2/2020
No comments:
Post a Comment