Saturday, February 1, 2020

CÔNG AN VIỆT NAM CẦN ĐỔI MỚI GẤP ĐỂ KHÔNG THÀNH 'BẢO KIẾM CÙN' (Nguyễn Hữu Vinh)




NỘI DUNG :


Nguyễn Hữu Vinh
.
.
================================================

Nguyễn Hữu Vinh
Gửi cho BBC từ Hà Nội
31 tháng 1 2020

Dù đã ra khỏi ngành Công an Việt Nam 20 năm qua, trong đó có 5 năm "trở lại", ở giữa lòng nó - nhưng ở vai tù nhân - tôi vẫn không ngừng để mắt tới và mong muốn nó phải được thay đổi mạnh mẽ.

Trong 2 năm rưỡi tạm giam ở B14, tôi đã có 30 lá đơn khiếu nại về việc bắt, giam, truy tố tôi, trong đó đề cập cả nhiều sai trái, yếu kém của các lãnh đạo ngành công an trong nhiều năm mà tôi chứng kiến, trực tiếp biết được. Tiếc rằng những nội dung đó không đến được các cấp lãnh đạo Đảng mà lẽ ra chúng phải đến.

Hai năm rưỡi tiếp theo, tại Trại 5, tôi cũng liên tục kiến nghị, góp ý với Trại, với Tổng cục 8 để sửa những yếu kém trong chế độ giam giữ tù nhân.

Riêng trong bài viết này, chỉ tạm tóm lược một số vấn đề tôi cho là cốt tử, liên quan tới NĂNG LỰC của ngành công an, cần phải thay đổi.

Tác giả trên đường vào Trại Đại Bình, Bảo Lộc, Lâm Đồng, tháng 1/1982. NVCC

Nếu không, thay vì dành toàn lực bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của người dân, thì lực lượng công an -ngoài những gì nó đã làm được) - sẽ vẫn tiếp tục như một thứ cản trở rất lớn, từ phát triển kinh tế, văn hóa, cho tới các quyền tự do dân chủ của người dân, và dẫn tới gây nguy hại cho bộ máy chính trị.

Ưu tiên biến thành kiêu binh

Đầu tiên, xin khái quát một chút về Lực lượng công an từ lâu được Đảng CSVN ban cho danh hiệu "Thanh bảo kiếm của Đảng".

Rồi mười mấy năm nay, ngành này có một khẩu hiệu riêng: "Còn Đảng thì còn mình" và đất nước đang thời bình, nên quyền lực công an hơn hẳn quân đội.

Các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó thủ tướng thường trực, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức trung ương đều có người từng là công an lâu năm hoặc từng qua ngành này.

Nhưng một khi quyền lực quá lớn, thiếu cơ chế kiểm soát, mà tri thức, năng lực, phẩm chất lại yếu thì rất dễ nẩy sinh nhiều hệ lụy khôn lường.

VIDEO :
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh thuật lại những gì xảy ra với ông trong thời gian đi tù.

Trên tất cả các diễn đàn, từ báo chí, tới Quốc hội, công việc của các ngành khác cùng các cấp lãnh đạo đều ít nhiều được đem ra bàn luận, chất vấn, phê phán.

Riêng với ngành công an thì hầu như không có chuyện đó; đơn giản vì nó là 'Thanh bảo kiếm của Đảng'. Đảng Cộng sản không muốn để lộ ra cho dân chúng biết thanh kiếm đó cùn hay sắc tới mức nào, trong khi nhiệm vụ bảo vệ Đảng lại luôn được coi là hàng đầu.

Vậy là nảy sinh tư tưởng "kiêu binh", kéo theo tâm lý thiếu coi trọng học hỏi, sửa mình.
Đặt yêu cầu hàng đầu là lòng trung thành tuyệt đối thì dĩ nhiên tiêu chuẩn về chuyên môn-năng lực dễ bị coi là thứ yếu.

Đó là bản chất xuyên suốt. Tới khi đất nước "Đổi mới", "kinh tế thị trường", thì lại thêm một thứ ngấm ngầm được đặt lên trên cả "năng lực", đó là "đồng tiền".

Cuộc chống tham nhũng trong ĐCSVN nhiều năm nay mới chỉ đụng tới chút ít "phẩm chất" của lực lượng công an, chứ "năng lực" của nó thì không; thậm chí lại còn được bỏ qua nhiều hơn những sai phạm.

Tham nhũng khủng khiếp, án oan sai, lọt tội phạm quá nhiều có nguyên nhân hàng đầu là do trình độ hạn chế của lực lượng công an.

Ví dụ tình trạng công an "lấn sân" sang lĩnh vực dân sự, kinh tế ngày càng phổ biến, đến độ từ xã hội cho tới giới truyền thông, rồi hệ thống chính quyền cũng như quen dần, lặng lẽ chấp nhận.

Một cách che đỡ cho tính kém sắc bén của "thanh bảo kiếm" để khỏi bị lộ ra là nhờ vào hệ thống luật pháp chồng chéo, mơ hồ và việc thực thi luật pháp thiếu nghiêm minh; đặc biệt có cái ô che đỡ lớn hơn, chính là lấy mục tiêu chính trị làm tiêu chuẩn hàng đầu.

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống báo chí nằm trong tay nhà nước cũng tựa như tấm màn che đậy mờ ảo khiến người dân khó nhận diện được thực chất độ sắc bén tới đâu của "thanh bảo kiếm" này.

Nhiều an ninh, ít cảnh sát

Chưa hết! Một vấn đề rất lớn chưa từng được bàn tới, là lực lượng An ninh trong Bộ công an, chiếm tới một nửa; không giống như tất cả các nước văn minh đa số chỉ có Cảnh sát.
Hệ quả là hiện tượng "hình sự hóa" các quan hệ dân sự, kinh tế, mà xu hướng "chính trị hóa", dẫn tới các hệ quả tiêu cực lớn hơn nhiều.

Quyền lực vô biên cũng khởi phát từ chỗ việc của an ninh được mặc định phải giữ bí mật hơn hẳn cảnh sát, thế là thiếu minh bạch, thiếu tính giải trình trong xã hội văn minh, pháp quyền.

Còn thứ hai là về thực tế, tôi chỉ xin đưa vài vụ việc điển hình về độ kém cỏi cùng quyền lực quá lớn của hàng ngũ lãnh đạo chóp bu ngành công an.

Tác giả cùng các cán bộ Trại B14 (nơi giam giữ ông Võ Đại Tôn) vào tháng 5/2982. NVCC

• Vụ án Võ Đại Tôn cách đây gần 40 năm. Công an từ cấp phòng, cho tới bộ thứ trưởng, đều bị một cựu Đại tá quân đội VNCH cầm đầu tổ chức "phục quốc" ở hải ngoại, xâm nhập, bị bắt đánh lừa rất đơn giản - tổ chức họp báo quốc tế để ông Võ Đại Tôn công khai chỉ trích vụ bắt ông ta. Cho đến hôm nay, cả nước chẳng biết gì về vụ án này.

Tác giả Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (bìa phải) cùng Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Trần Đông, tháng 3/1983. NVCC

• Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức mùa hè 2017 đem về Hà Nội. Các tướng lĩnh công an dính vào vụ này lộ nghiệp vụ quá non nớt, cộng với sự liều lĩnh kiểu "giang hồ", bất chấp luật pháp quốc tế, khiến ngoại giao, quốc thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tới nay vụ này vẫn là 'bí mật' hoàn toàn với truyền thông trong nước, không thấy có ai phải chịu trách nhiệm.

• Vụ Đồng Tâm mới nổ ra đầu năm 2020. Nhìn tổng thể, vụ án này đã thất bại toàn diện, phơi bày yếu kém của ngành công an trên khắp mọi mặt,

Nếu như tin rằng có ba sĩ quan cấp úy, tá ngành công an đã hy sinh vì cùng ngã xuống một cái giếng trời trong nhà dân thì rõ ràng là trình độ nghiệp vụ của riêng họ, và lãnh đạo trên cao chiến dịch tấn công là rất yếu. Hàng ngàn người trang bị tận răng, chuẩn bị cả năm trời chỉ đối đầu với một nhóm nông dân già yếu. Còn nếu như thực tế không có chuyện họ chết, hoặc không phải là chết theo cách đã loan báo, thì lại cho thấy đằng sau vụ việc là một thứ "nghiệp vụ" bất chấp đạo lý, pháp lý được đem ra áp dụng xuất phát từ thế yếu không thể tránh khỏi.

VIDEO :
Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh kể tiếp về thời gian trước khi bị bắt và khi đi tù.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng việc ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị giết hại trong nhà riêng vẫn còn kín bưng, trong khi các bức hình, video gia đình cụ cung cấp vẫn lan truyền trên mạng, chính là một "tử huyệt" trong vụ án. Một ví dụ nhỏ cũng liên quan truyền thông, nhưng lại là chuyện nghiệp vụ tối thiểu: bằng chứng trong vụ án.

Tại sao cả ngàn cảnh sát cơ động, đủ trang thiết bị hiện đại, mà lại không có lấy một camera, máy ảnh, ghi âm đeo trên người, ghi lại diễn biến cuộc tập kích; cho phép có được bằng chứng quý giá phục vụ đấu tranh với tội phạm?

Còn nếu quả tình là có, rất nhiều, ghi lại đầy đủ, nhưng rồi 'cất đi' thì nó sẽ không bao giờ giải tỏa được nghi ngờ trong dư luận về việc che đậy, xóa dấu vết, và chỉ khiến người ta hỏi cái "tài" của lực lượng này là kiểu gì vậy?

Bao nhiêu công sức vun đắp hình ảnh đất nước trong mối bang giao quốc tế chỉ một trận mưa bão Đồng Tâm là hình ảnh tan biến, nhạt nhòa.

Đau xót thay, một vụ án có thể giải quyết được bằng tòa án dân sự, giữa bộ đội với dân, thì công an lại can thiệp vào bằng vũ lực. Đáng sợ hơn, là đã hiện rõ dần xu hướng đẩy câu chuyện lên thành "chính trị", mang tính "khủng bố", thậm chí có thể cả "lật đổ". Nhưng tôi tin rằng càng cố che đậy, càng bộc lộ thêm sự kém cỏi.

Đi từ Lòng dân để Đổi mới

Qua các sự việc trên, tôi nghĩ dù "thắng" bao nhiêu trận, thất bại ghê gớm nhất của ngành công an nằm ngay trong LÒNG DÂN.

Hậu quả của vụ Đồng Tâm là tác động ngược vào mối quan hệ DÂN-CÔNG AN-QUÂN ĐỘI; nghiêm trọng hơn nữa là DÂN-ĐẢNG; tích tụ thêm mầm mống bùng nổ xã hội.
Tiếc rằng nhiều cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước dường như đã không lường trước được "kịch bản" sẽ được thực hiện tệ đến vậy, để rồi sai lầm nối tiếp sai lầm không gỡ nổi.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh bị dưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội tháng 3/2016. GETTY IMAGES

Cuối cùng, cần bàn giải pháp giúp công an Việt Nam nâng cao năng lực.

• Trước tiên phải thay đổi ngay từ việc định hình vị thế/nhiệm vụ của Công an, trước hết nó phải là "thanh bảo kiếm" của Dân; tựa như Quân đội cũng vậy - không thể cứ mãi "trung với Đảng, hiếu với Dân. Ít nhất như vậy mới đúng với tinh thần của Hiến pháp 2013: "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước …"

Trong suốt hơn 40 năm qua, tôi có được thuận lợi là vừa gần gũi với nhiều tầng lớp nhân dân, cả trong lẫn ngoài nước, nhưng cũng lại vẫn có quan hệ khá tốt với lực lượng công an nhiều cấp. Cảm nhận về thái độ vừa bề trên uy quyền, xen lẫn mặc cảm trong anh em cán bộ công an là rất rõ.

Ngược lại, trong dân, thái độ vừa sợ sệt, vừa ác cảm, nhưng có lúc trở thành căm ghét cứ thêm phổ biến.

Tình trạng này là nguy hiểm, tạo mâu thuẫn trong nội bộ xã hội Việt Nam. Và để thay đổi nó, không thể chỉ trông mong vào học tập những lời giáo huấn của lãnh tụ.

• Sau khi xác quyết được Công an vì ai, thì sẽ giúp thay đổi được căn bản bộ máy của ngành này, trong đó Lực lượng cảnh sát" là chủ yếu, giảm dần số an ninh, lực lượng nặng về bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị. Việc bỏ đi sáu tổng cục, sát nhập nhiều đơn vị là một thay đổi đáng ghi nhận, song vẫn còn quá ít, theo kiểu giật gấu vá vai và nảy sinh bất hợp lý khác.

Thực ra, lực lượng an ninh chỉ thích hợp cho đất nước thời chiến, đến thời bình lẽ ra từ lâu phải giảm bớt dần quy mô và quyền lực của nó; "chống phản động", "an ninh kinh tế", "an ninh văn hóa" … cần bỏ hẳn hoặc chuyển qua cảnh sát, và các chuyên ngành dân sự.

• Ngoài ra, cần "dân sự hóa" dần lực lượng công an, bằng cách chuyển một số chức năng/bộ máy sang cho ngành khác. Ở các nước khác, quản lý trại giam, hộ tịch hộ khẩu, xuất nhập cảnh đều thuộc dân sự, có nơi nhà tù do công ty tư nhân quản lý. Cần đưa lãnh đạo ngành dân sự sang công an, theo nguyên tắc 'civilian leadership' ở các nước văn minh.

Về tổng thể, theo tôi, cuối cùng, nên tách Bộ Công an ra làm hai: Bộ Công an chỉ có cảnh sát, và Ủy ban An ninh Tình báo, cấp tổng cục trực thuộc chính phủ, không tham gia hoạt động tố tụng; phần "an ninh" chỉ chuyên về phản gián, chống gián điệp. Địa phương chỉ tới cấp cục của tỉnh thành hoặc khu vực.

Lực lượng Công an tại Việt Nam được coi là 'thanh bảo kiểm của Đảng'.  HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Đổi mới văn minh, hiện đại ngành công an

Cần dứt khoát từ bỏ thái độ chụp mũ coi những con người và các tiếng nói phản biện muốn mở rộng các quyền tự do dân chủ như thù địch.
Những hoạt động mang tính chất khủng bố tinh thần, bức hại đời sống của người dân yêu nước chống xâm phạm chủ quyền, chống tham nhũng, tiêu cực càng phải dứt khoát chấm dứt.
Công an cần mở rộng quan hệ quốc tế với các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, từ khâu đào tạo, học hỏi, nhận trợ giúp, trao đổi thông tin, tới mua sắm phương tiện, nhưng cần học cả tinh thần thượng tôn pháp luật của họ.

Tác giả tham gia hội diễn tại Đại học An ninh, năm 1997. NVCC

Và nhìn vào cái gốc đào tạo thì là một cựu sĩ quan tốt nghiệp trường an ninh, tôi thấy cần cải cách mạnh hệ thống đào tạo: thay vì tuyển học sinh phổ thông vào các trường công an, nên tuyển người ở các ngành nghề khác rồi đào tạo ngắn hạn.

Để tránh nạn kiêu binh chính trị, cần chấm dứt can thiệp vô nguyên tắc (không được luật pháp quy định cho phép rõ ràng) vào các hoạt động bầu cử, từ các tổ chức quần chúng cho tới cơ quan dân cử các cấp. Công an không tham gia vào cơ quan dân cử. Với bộ máy hiện nay, cần bỏ hẳn hình thức "biệt phái" của công an sang Quốc hội, Ban Tôn giáo chính phủ...

Trong một xã hội pháp quyền, phải để Quốc hội, các đoàn thể quần chúng, báo chí Việt Nam được quyền kiểm tra, giám sát công an và ngay lập tức công khai ngân sách dành cho ngành công an.

Trong năm 2020, này, và với việc Đảng Cộng sản Việt Nam 90 tuổi, để tiếp tục tồn tại trong một thế kỷ văn minh, hiện đại, nhu cầu sửa đổi hệ thống luật pháp liên quan tới những đề xuất trên đang tới với quý vị, rất cấp bách.

Hà Nội, ngày 31/1/2020

-----------------------------
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội. Tác giả tốt nghiệp Đại học An ninh, nguyên là thiếu tá, từng công tác tại Cục Bảo vệ chính trị 1, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Quý vị có ý kiến phản biện về bài này, xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk

------------------------------------------------------------------------

.
31/01/2020

Làm việc tại trại giam Việt Nam thì ra thế này cũng phải”

Một số người đã bình luận như vậy về một viên công an Lê Quốc Tuấn ở thành phố Hồ Chí Minh, người bị tình nghi bắn chết bốn người tại một sới bạc ở Củ Chi. Anh này đồng thời cũng là nghi phạm trong một vụ giết người bằng súng để cướp xe ở gần đó.

Nhiều người đồng tình cho rằng giới hành nghề “công an” tại Việt Nam bao giờ cũng nghĩ đến chuyện dùng vũ lực; số khác phản đối cho rằng những kiểu chụp mũ này vơ đũa cả nắm và thiếu những luận chứng xác thực. Song dù gì đi chăng nữa, nhận định này gợi ý cho một đề tài nghiên cứu khá thú vị và cần thiết: Liệu môi trường nghiệp vụ của giới cảnh sát – công an có làm cho tính khí con người trở nên hung hăng hơn? 

Bài viết ngắn ngủi dưới đây hiển nhiên không nhằm mục tiêu nghiên cứu chi tiết tác động của môi trường đến tính cách và xu hướng bạo lực của công an tại Việt Nam. Một nghiên cứu tham vọng như vậy cần nhiều thời gian và “quyết tâm chính trị”. Mục tiêu chủ yếu, thay vào đó, là nhằm giới thiệu, tổng hợp những kiến thức sẵn có của thế giới về tác động của môi trường làm việc đối với tính cách của các cảnh sát viên – công an viên, từ đó giới thiệu nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về tình hình tại Việt Nam.

Kiểu đào tạo “tiền trảm hậu tấu”

Trước tiên, cần khẳng định rằng việc cảnh sát, công an có xu hướng ưu tiên sử dụng các biện pháp vũ lực thường xuyên không phải chỉ là một vấn đề tại Việt Nam. 

Ở Mỹ hồi năm 2014 có một vụ thế này: Anh thanh niên da đen John Crawford, đang vừa nói chuyện điện thoại với bạn gái vừa xem thử một khẩu súng hơi (BB gun, loại súng chỉ bắn đạn bi, không quá nguy hiểm), thì bị cảnh sát bắn chết. Báo chí và các chính trị gia lập tức xoáy vào bàn luận về khía cạnh xung đột và định kiến sắc tộc vốn đang còn tồn tại trong xã hội Mỹ. Nhưng một số người khác thì quan tâm tới một khía cạnh khác, ít người để ý: chương trình đào tạo cảnh sát.

Cây bút Joshua Holland trên tờ The Nation cho biết, chỉ hai tuần trước khi bắn hạ Crawford một cách nhanh gọn như đã kể ở trên, viên cảnh sát đã được đào tạo về phương pháp “tiền trảm hậu tấu” (shooting first and asking questions later) trong một chương trình xử lý tình huống với những kẻ đối đầu với cảnh sát bằng súng. Chương trình đào tạo này nói rằng đó là biện pháp tốt nhất. Họ được dạy luôn phải ghi nhớ rằng những kẻ tấn công bằng súng luôn rất thích “đếm xác” (body count), vậy nên cảnh sát cần can thiệp một cách “tốc độ, bất ngờ và tích cực chủ động”. 

Trong buổi tập dượt, những cảnh sát tham gia còn được yêu cầu tưởng tượng như kẻ tấn công cầm súng đang đe dọa giết chết người thân của chính mình. Và thật sự như vậy, người cảnh sát được cử đi đối phó với tình huống của Crawford thực hiện đúng những gì anh ta được dạy: tiếp cận mục tiêu một cách tốc độ, bất ngờ và tấn công tích cực chủ động. Camera an ninh cho thấy Crawford bị giết chỉ vài giây sau khi cảnh sát ập vào cửa tiệm, và nạn nhân có lẽ không hề biết chuyện gì đang xảy ra trước khi bị bắn hạ.

Biểu tình phản đối cảnh sát giết người ở Mỹ. Ảnh: affinitymagazine.us.

Những thông tin này khiến cho giới nghiên cứu buộc phải vào cuộc. Police Executive Research Forum, một think tank có trụ sở tại Washington D.C., sau khi khảo sát 280 sở cảnh sát trên toàn nước Mỹ đã chứng minh những gì cộng đồng lo ngại về chương trình đào tạo cảnh sát không phải là thừa. 

Trung bình, một học viên cảnh sát tuần tra được đào tạo khoảng 129 tiếng về các kỹ năng phòng vệ và kỹ năng tấn công, bao gồm sử dụng súng, baton, súng điện và kích điện cũng như các loại công cụ xịt hơi cay. Học viên sau đó dành 24 tiếng để được đào tạo về xử lý tình huống thực tiễn, như khi nào sử dụng vũ lực hoặc các loại vũ khí chết người, khi nào không nên sử dụng. Với 48 tiếng còn lại, người này sẽ được dạy về Luật Hiến pháp Hoa Kỳ, các án lệ liên quan và cẩm nang chính sách sử dụng vũ lực riêng biệt của từng sở, phòng cảnh sát. Chương trình nghiệp vụ này thường sẽ kéo dài trong vòng một năm, chưa kể thời gian đào tạo chính quy trong trường đại học hoặc cao đẳng khác. 
Tuy nhiên, theo Washington Post, trong một năm dài, học viên chỉ được đào tạo vỏn vẹn tám tiếng cho các kỹ năng liên quan đến can thiệp khủng hoảng, tiết chế căng thẳng và giảm thiểu khả năng sử dụng vũ lực của đối tượng. Như vậy, trừ khi có sự cân nhắc chính trị và cân nhắc từ cơ quan dân sự trong một số trường hợp mà Luật Khoa từng có cơ hội giới thiệu, xu hướng sử dụng vũ lực một cách tự nhiên và thường xuyên trong giới cảnh sát là có thật.

Những thông tin nói trên là nền tảng để bắt đầu nghiên cứu tình hình Việt Nam. Chương trình đào tạo của Học Viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam bao gồm những gì? Chương trình nghiệp vụ của từng chuyên ngành nhất định ra sau? Có bao nhiêu giờ, bao nhiêu tín chỉ dành cho các kỹ năng tiết chế căng thẳng, can thiệp phi bạo lực trong tình huống khủng hoảng? Đây sẽ là điểm xuất phát rất tốt để phân tích ảnh hưởng của môi trường làm việc tới cách suy nghĩ của các công an hay cựu công an viên. Vì sao họ lại suy nghĩ theo hướng “Tôi sẽ làm thế nào để khống chế đối tượng? Tôi nên sử dụng súng, baton, roi điện hay các vật dụng phù hợp khác” mà ít khi nghĩ rằng “Tình huống ở đây là gì? Làm sao tôi có thể tiết giảm căng thẳng tinh thần của đối tượng để bảo đảm rằng không ai bị thương?” 

Hiện nay thông tin về chương trình đào tạo chính quy lẫn các chương trình nghiệp vụ ngắn hạn giảng dạy cho công an viên tại Việt Nam không khác gì… bí mật quốc gia, nên việc phổ biến và thực thi quyền tiếp cận thông tin đối với những vấn đề này có lẽ sẽ cần phải được giải quyết đầu tiên. 

Tác động môi trường đến sức khỏe tâm lý của cảnh sát viên 

Một điểm thú vị khác, nhưng đáng tiếc, của hệ thống các nghiên cứu liên quan đến xu hướng bạo lực của cảnh sát nói chung là sức khỏe tinh thần và tâm lý của họ. 

Tại Vương quốc Anh, nghiên cứu của nhóm giáo sư Đại học Glasgow cho biết môi trường làm việc của cảnh sát nước này có rất nhiều yếu tố gây căng thẳng, khiến họ dễ mắc các chứng bệnh về tâm lý. Họ đồng thuận với nhau rằng trong môi trường công việc kiểm soát trật tự, trị an, đối phó tội phạm nói chung, cảnh sát không chỉ đối mặt với những tác nhân tâm lý thông thường (như quan hệ với đồng nghiệp, vấn đề thăng tiến, áp lực từ cấp trên…) mà còn phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và sự ổn định tâm lý nói chung của họ. Kết quả của nghiên cứu khẳng định môi trường làm việc này đều làm tăng khả năng dẫn đến các chứng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, tê liệt cảm xúc và thậm chí ý định tự tử. Điều này phần nào lý giải cho các ứng xử thiếu chuẩn mực và có tính vũ lực, hung hăng của một số cảnh sát viên. 

Công an Việt Nam hành hung người dân trong một đồn công an ở Tuy Hòa, Phú Yên năm 2019. Ảnh: RFA.

Không dừng lại ở đó, một nghiên cứu được liệt vào dạng cổ điển của các nhà nghiên cứu xã hội học Hà Lan cũng chỉ ra xu hướng gia tăng các vụ bạo lực của cảnh sát ngoài giờ làm nhiệm vụ. Trong đó, nhóm ba nghiên cứu viên Nicolien Kop, Martin Euwema và Wilmar Schaufeli chỉ ra nhiều đặc tính đặc biệt mà những người hành nghề cảnh sát tại nước này hay gặp phải, và giải thích rất cặn kẽ lý do của các hiện tượng này. Họ đặc biệt chú ý đến khái niệm “occupational burnout”, một hiện tượng khiến cho cảnh sát viên kiệt quệ về mặt xúc cảm, và có cái nhìn tiêu cực, nhẫn tâm hay thậm chí cay độc với những người dân mà họ có nhiệm vụ bảo vệ. 

Để lý giải cho hiện tượng này, nhóm nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc nhiều với tội phạm và những tiểu tiết phức tạp liên quan đến nhiều loại hình tội phạm (và cả thủ tục hành chính) khiến cho giới cảnh sát mất dần khả năng cảm thông và lòng trắc ẩn đối với công dân nói chung. Điều này khiến cho chuẩn sử dụng vũ lực của người cảnh sát bị hạ xuống, vì họ chỉ nhìn thấy các công dân, đồng loại của mình như những đối tượng và vật thể hành chính phi nhân cách. Không chỉ vậy, kiệt quệ về mặt cảm xúc và sức lực cũng sẽ khiến cho người cảnh sát không còn đủ minh mẫn hay mong muốn tìm kiếm những phương án giải quyết mâu thuẫn và khủng hoảng tích cực hơn, vốn đòi hỏi nỗ lực thỏa hiệp và hợp tác; mà thay vào đó là các biện pháp vũ lực, áp chế, vốn nhanh chóng và mang lại hiệu quả ngắn hạn nhiều hơn. 

Với thông tin của những nghiên cứu nêu trên, người viết tin rằng các tác giả Việt Nam sẽ có một cơ sở lý luận sẵn sàng để bắt đầu tìm hiểu về yếu tố gây nên áp lực công việc đối với ngành công an Việt Nam, hệ quả của chúng đối với sức khỏe tâm lý của họ và tác động sau cùng lên tâm lý và xu hướng sử dụng vũ lực của người trong ngành. Từ đó, chúng ta có thể xây dựng được một bộ quy tắc hay tiêu chuẩn sức khỏe phù hợp nhằm giải quyết vấn đề nói trên. 

Việt Nam: Công an gây án không bị trừng phạt

Một trong những yếu tố rất đáng nghiên cứu về xu hướng bạo lực và hung hăng của cảnh sát nói chung, và đặc biệt là đối với giới công an Việt Nam, là xu hướng “kiêu binh” của một bộ phận không nhỏ những người trong ngành này. Đây chỉ là quan sát riêng của người viết và chưa được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học mạnh mẽ như những nội dung đã được trình bày ở trên; song không phải không có lý do mà người viết nhắc đến yếu tố này ở đây. Nói ngắn gọn, bộ máy thực thi pháp luật Việt Nam thường bỏ qua những hành vi bạo lực phi pháp của công an, vô hình trung khuyến khích họ sử dụng bạo lực.

Đã có rất nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong trại tạm giam, tạm giữ, dưới thẩm quyền kiểm soát hoàn toàn của công an, nhưng trách nhiệm ít khi được xác định rõ. Rất nhiều lần lý do tử vong được xác định là tự treo cổ bằng dây nịt, bằng khăn tắmbị bệnh… dù người nhà đều khẳng định trên người nạn nhân có dấu hiệu thâm tím, dấu vết giằng co và bị đánh đập. Không chỉ vậy, trong những vụ việc mà tình tiết tội phạm rõ mười mươi dẫn đến hệ quả chết người, như vụ 5 công an viên tại Ninh Thuận đánh một nạn nhân đến chết, họ cũng chỉ bị truy tố dưới tội danh dùng nhục hình, và thủ phạm bị trừng phạt ở mức cao nhất chỉ ở mức bảy năm tù, mức kịch khung cho tội danh nghiêm trọng (chứ không phải rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng). Đấy là chưa kể đến hàng ngàn cáo buộc tra tấn mỗi năm chưa từng khi được xem xét và giải quyết triệt để. Theo người viết, hoàn toàn có khả năng sự dung túng nhất định của hệ thống tư pháp đối với hành vi của giới công an viên nói chung đã góp phần dẫn tới xu hướng bạo lực của họ.






No comments: