Monday, February 10, 2020

CÓ MẤY ĐIỀU TÔI CẦN HỎI TÁC GIẢ CỦA BÀI BÁO : TRÒ HỀ "PRAY FOR ĐỒNG TÂM" (Đoàn Bảo Châu)





Có mấy điều tôi cần hỏi tác giả của bài báo này:

1.
Dòng đầu tác giả gọi đây là vụ án “giết người, chống người thi hành công vụ và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép”:

Trong tất cả những cuộc người dân xuống đường bảo vệ môi trường, chống sự xâm hại lãnh hải của Trung Quốc hay những vụ cưỡng chế đất đai, tôi thấy có rất nhiều người của chính quyền cầm máy quay, trong ấy có nhiều người bịt mặt, chắc là để có bằng chứng buộc tội và dùng khi cần thiết. Vậy một sự việc nghiêm trọng như thế này, tại sao chính quyền không đưa ra bằng chứng về sự “giết người” của người dân Đồng Tâm?

Từ “chống người thi hành công vụ” ở đây là vô lý bởi những người dân ấy đang ở trong ngôi nhà của họ và rõ ràng chính quyền đã huy động một lực lượng rất lớn, có phương án tác chiến để tấn công họ. Vậy trong trường hợp ấy người dân cứ phải giơ người ra chịu đạn nếu không bị quy vào tội “chống người thi hành công vụ”?

Tội “tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” thì tôi công nhận là có, nhưng đường đường là một chính quyền, họ hoàn toàn có thể có lệnh khám nhà dựa vào bằng chứng là nhóm Đồng Thuận đã tuyên bố có vũ khí trên mạng xã hội. Tại sao không chọn cách này để tránh đổ máu?

2.
Tiếp theo: “Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nội dung vụ án, nhiều đối tượng núp danh dân chủ, nhân quyền đã “tát nước theo mưa”, xuyên tạc sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, khiến cho tình hình trở nên phức tạp.”

Để viết một bài báo có sức thuyết phục, tác giả cần phải nêu rõ những đối tượng ấy “xuyên tạc sự thật” như thế nào để công luận được biết. Tôi không nghĩ là mấy đối tượng nào đấy có thể “gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.

Họ chỉ là mấy người có thể đếm trên đầu ngón tay, tại sao lại có thể thắng lại được cả gần 800 tờ báo, cơ quan tuyên truyền hùng hậu của chính quyền với hàng ngàn phóng viên được. Nếu làm được điều ấy thì mấy đối tượng ấy là quá giỏi, khác nào châu chấu đá lật được xe.

3.
Phần tiếp, tác giả nêu: “Ngay từ năm 2017, nhóm đối tượng tại Đồng Tâm đã thể hiện sự manh động khi bắt, giữ hàng chục Cảnh sát cơ động cùng một số cán bộ địa phương đang thi hành công vụ.”

Tác giả không nêu rõ câu chuyện là sự việc người dân bắt giữ, dâng cơm ăn nước uống, cho các CSCĐ tắm giặt xuất phát từ việc sai trái, mất đạo đức của chính quyền khi lừa một lão thành cách mạng, 56 tuổi đảng vào năm ấy ra đồng để nói là đo mốc giới rồi đá gẫy chân, quẳng cụ lên xe như một con vật, nhồi giẻ vào mồm nên người dân mới phẫn nộ mà có hành động trên. Nếu chính quyền mà đúng trong sự việc ấy, thì đã có một vụ án được làm đến đầu đến cuối và sẽ không có sự việc đau lòng vừa xảy ra.

4.
Câu tiếp theo: “Đỉnh điểm của sự việc, trong quá trình Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị tiến hành xây dựng hàng rào xung quanh sân bay Miếu Môn theo kế hoạch từ ngày 31-12-2019, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã có hành vi chống đối quyết liệt, dùng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng dẫn đến việc ba cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh.”

Câu này mới đáng “nực cười” này. Hoá ra các đơn vị xây hàng rào vào 3 giờ sáng và các đối tượng đã mang lựu đạn, bom xăng, dao phóng ra chỗ xây hàng rào cách nhà họ mấy cây số để “chống đối quyết liệt”. Thế sao không hạ gục họ ngay chỗ ấy mà toàn bộ xô xát lại xảy ra tại nhà của họ nhỉ?

Chi tiết này tôi tưởng đã được vị tướng công an sửa lại là mấy đối tượng đã chủ động ném lựu đạn vào chốt gác gần đường rồi cơ mà. Sao vẫn chưa thống nhất được kịch bản thế? Đã là người cầm bút, viết cho công luận đọc thì đừng tiết kiệm câu chữ mà phải rạch ròi, nói đầy đủ chi tiết sự việc để công luận tránh hiểu lầm.

5.
Câu tiếp theo: “Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về 3 tội danh gồm: giết người (quy định tại Điều 123, BLHS), chống người thi hành công vụ (quy định tại Điều 330, BLHS) và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép (quy định tại Điều 304, BLHS). Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với 22 đối tượng. Việc điều tra đang được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.”

Thế tôi xin hỏi là tội danh “giết người” ấy có được áp dụng với những kẻ đã nổ súng vào một cụ già 84 tuổi, ngồi xe lăn, một đảng viên 58 tuổi đảng không? Chẳng lẽ cụ Kình không phải là người?

Tôi không chắc việc mang một lực lượng hùng hậu tấn công vào nhà dân giữa đêm, không hề khởi tố vụ án trước đấy mà được gọi là thi hành công vụ. Hành động ấy giống như hành động khủng bố dân, tàn sát dân chứ sao gọi là công vụ được.

Việc “đúng theo quy định của pháp luật” tôi rất nghi ngờ. Việt Nam đã có bao vụ dùng ép cung, nhục hình với người bị bắt. Hàn Đức Long, người tử tù trước toà đã cởi phăng áo để cho công luận thấy những vết sẹo chằng chịt trên lưng khi bị đánh đập để ép tội giết người. Chính bà vợ cụ Kình đã tố cáo bị đánh đập ép phải kí vào biên bản là bà cầm lựu đạn trong tay khi bị bắt. Clip vẫn còn đấy. Nếu bà ấy vu khống thì sao không bắt nốt về tội vu khống đi?

Câu “Bất chấp việc các bị can trong vụ án như Lê Đình Công (con trai Lê Đình Kình), Bùi Thị Nối (con nuôi Lê Đình Kình), Lê Đình Doanh (cháu nội Lê Đình Kình), Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Tuyển v.v… khai nhận hành vi phạm tội, các đối tượng chống đối núp bóng “nhà dân chủ” vẫn tiến hành xuyên tạc một cách trắng trợn bản chất vụ án” không thuyết phục đâu khi mà việc ép cung xảy ra nhiều ở Việt Nam. Sự thật sẽ sáng tỏ khi họ ra tù.

6.
Câu tiếp: “Thông qua cái gọi là “pray for Đồng Tâm”, trước hết, các đối tượng kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền để nuôi nấng, hỗ trợ các đối tượng chống đối trong nước hoạt động. Sau khi Bộ Công an phong toả tài khoản ngân hàng của đối tượng Nguyễn Thuý Hạnh (một trong những đầu mối nhận tiền và cung ứng cho các đối tượng tại Đồng Tâm), các đối tượng chống đối đã thể hiện sự cay cú, kêu gào tẩy chay ngân hàng.

Câu này thì lộ rõ bản chất hèn hạ và nguỵ biện của tác giả. Hãy nhỡ là cụ Kình đã bị bắn chết, 22 người đã bị bắt và số tiền này là người dân gửi để phúng viếng cụ Kình, giúp đỡ bà quả phụ đã bị mất chồng, các con đã bị bắt.

Việc phong toả tài khoản là sai pháp luật, là đuổi cùng giết tận những nạn nhân còn lại của một sự việc dùng vũ lực sai trái của chính quyền. Đồng tiền ấy là của người dân gửi vào. Của đau con xót, đồng tiền chính đáng của họ bị mất thì họ có quyền thể hiện sự phẫn nộ, chứ không phải là cay cú. Kẻ đi cướp lại còn to mồm bảo nạn nhân cay cú thì là vô liêm sỉ, mất dạy và vô đạo đức.

Tác giả Trần Anh Tú nên bình tĩnh đọc bài phản biện của tôi, hãy lắng nghe lương tâm của mình bởi cuộc sống còn dài, trắng đen rồi sẽ dần lộ rõ. Người cầm bút là để khai sáng dân trí chứ không phải để mờ dân trí. Tương lai của tôi và bạn không phải là điều quan trọng mà chính là tương lai của con cháu chúng ta. Chính quyền sai mà nhận sai thì chính quyền ấy mới tiến bộ được, còn không xã hội chúng ta sẽ còn xảy ra những sự việc đau lòng như Đồng Tâm. Như tôi thường nói, tôi không bênh bên nào cả. Tôi chỉ bênh công lý, sự thật. Tôi không ủng hộ việc nhóm Đồng Thuận tàng trữ vũ khí và sử dụng vũ lực. Họ có phần sai nhưng chính quyền không thể dùng cái sai nhỏ ấy để lại có hành động sai trái gấp nhiều lần như vậy.

Mọi việc phải được giải quyết một cách văn minh, minh bạch trước toà chứ không thể dùng súng đạn, dùng máu để giải quyết được.

Tên báo của bạn rất đẹp. Công An Nhân Dân, tức là bảo vệ an ninh trật tự của nhân dân, xin hãy làm đúng với cái tên ấy.


-----------------------------------------

BÀI BÁO ĐƯỢC TRÍCH DẪN :

Trần Anh Tú
08:45 04/02/2020

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nội dung vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, nhiều đối tượng núp danh dân chủ, nhân quyền đã “tát nước theo mưa”, xuyên tạc sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, khiến cho tình hình trở nên phức tạp.
Vụ án giết người, chống người thi hành công vụ và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. 
Trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ nội dung vụ án, nhiều đối tượng núp danh dân chủ, nhân quyền đã “tát nước theo mưa”, xuyên tạc sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, khiến cho tình hình trở nên phức tạp.

Trò hề “pray for Đồng Tâm” 
Đồng Tâm là điểm nóng về an ninh, trật tự tại TP Hà Nội. Núp dưới danh nghĩa khiếu kiện đất đai, Lê Đình Kình và một số đối tượng đã lập nên cái gọi là “Tổ đồng thuận” để tiến hành chống đối. Ngay từ năm 2017, nhóm đối tượng tại Đồng Tâm đã thể hiện sự manh động khi bắt, giữ hàng chục Cảnh sát cơ động cùng một số cán bộ địa phương đang thi hành công vụ. 
Đỉnh điểm của sự việc, trong quá trình Bộ Quốc phòng phối hợp với các đơn vị tiến hành xây dựng hàng rào xung quanh sân bay Miếu Môn theo kế hoạch từ ngày 31-12-2019, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã có hành vi chống đối quyết liệt, dùng lựu đạn, bom xăng, dao phóng tấn công lực lượng chức năng dẫn đến việc ba cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh.
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về 3 tội danh gồm: giết người (quy định tại Điều 123, BLHS), chống người thi hành công vụ (quy định tại Điều 330, BLHS) và tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép (quy định tại Điều 304, BLHS). Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với 22 đối tượng. Việc điều tra đang được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.
Trên các trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối điều hành như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Điếu cày v.v… đang lan truyền cái gọi là “pray for Đồng Tâm” (tạm dịch: cầu nguyện cho Đồng Tâm) để hiện thực hoá ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. 
Thực tế, từ khi vụ việc tại Đồng Tâm diễn ra, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã gia tăng các hành vi lợi dụng để xuyên tạc, làm sai lệch bản chất vụ việc, từ đó công kích, chống phá, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự trong nước; xâm phạm đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta. 
Thông qua cái gọi là “pray for Đồng Tâm”, trước hết, các đối tượng kêu gọi quyên góp, ủng hộ tiền để nuôi nấng, hỗ trợ các đối tượng chống đối trong nước hoạt động. Sau khi Bộ Công an phong toả tài khoản ngân hàng của đối tượng Nguyễn Thuý Hạnh (một trong những đầu mối nhận tiền và cung ứng cho các đối tượng tại Đồng Tâm), các đối tượng chống đối đã thể hiện sự cay cú, kêu gào tẩy chay ngân hàng. 
Song song với đó, các đối tượng cũng tìm mọi cách để tiếp tục nhận được các nguồn viện trợ từ bên ngoài nhằm phục vụ hoạt động chống phá.
Đồng thời, “pray for Đồng Tâm” cũng là một trong những cách thức được các đối tượng sử dụng để tiến hành quốc tế hoá vụ việc Đồng Tâm, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các đối tượng phản động lưu vong hô hoán tiến hành tập trung đông người để “tưởng niệm” vụ việc Đồng Tâm; soạn thảo ra các bản báo cáo sai lệch dài hàng chục trang gửi dân biểu nước ngoài với mong muốn chính quyền các nước gây sức ép về kinh tế, chính trị đối với Việt Nam, thậm chí là can thiệp vào nội bộ nước ta.
Bất chấp việc các bị can trong vụ án như Lê Đình Công (con trai Lê Đình Kình), Bùi Thị Nối (con nuôi Lê Đình Kình), Lê Đình Doanh (cháu nội Lê Đình Kình), Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Tuyển v.v… khai nhận hành vi phạm tội, các đối tượng chống đối núp bóng “nhà dân chủ” vẫn tiến hành xuyên tạc một cách trắng trợn bản chất vụ án. 
Luận điệu được các đối tượng đưa ra là chính quyền “cướp đất”, “đàn áp” nhân dân. Đồng thời, các đối tượng vu khống chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, không muốn “đối thoại” với người dân, “coi dân như kẻ thù”. 
Trong đó, những cái tên “tát nước theo mưa” có thể kể đến như Trịnh Bá Phương, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Hải v.v… Các đối tượng này đều là những phần tử chống đối núp bóng “dân oan”, “dân chủ”, có thâm niên hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Xử lý nghiêm các đối tượng xuyên tạc bản chất vụ án, xâm hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam
Liên quan đến vấn đề Đồng Tâm, không khó để nhận thấy rất nhiều luận điệu xuyên tạc đang lan tràn trên khắp các trang mạng xã hội. Cùng với đó, một số trang báo nước ngoài có nội dung tiếng Việt như BBC, RFA, RFI, VOA v.v… cũng liên tục đưa ra các bài viết thiếu kiểm chứng, có nội dung sai lệch bản chất vụ án, mang tính quy chụp, kích động sự thù hằn.
Nguy hiểm hơn, một số người nguyên là cán bộ trong cơ quan nhà nước, có học hàm, học vị nhưng thoái hoá, “trở cờ”, tự cho mình là đúng, tự cho mình quyền phán xét trong khi không nắm rõ nội dung sự việc đã ngang nhiên đưa ra những phát biểu lệch lạc, sai lầm khiến vụ việc trở nên phức tạp.
Những thông tin sai lệch được đưa ra đã tác động tiêu cực đến tình hình xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, các đối tượng đưa ra những lý lẽ vô cùng phi lý để bao biện, cổ suý cho sự tàn ác, man rợ.
Cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ án Đồng Tâm, các cơ quan chức năng cần mạnh tay chấn chỉnh các thông tin lệch lạc, bịa đặt gây hoang mang dư luận. Đặc biệt, các đối tượng “tát nước theo mưa”, lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện các hành vi sai phạm cũng phải được xử lý nghiêm minh.




No comments: