Việc EVFTA được Quốc hội EU thông qua đã làm giới hoạt
động cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam cả trong nước và ngoài nước có ý kiến
khác nhau. Ý kiến khác nhau là rất bình thường và việc tôn trọng các ý kiến
khác nhau là một giá trị cốt lõi của dân chủ. Chúng ta phải bảo vệ quyền nêu ý
kiến của bất kể ai. Vấn đề là làm sao để từ ý kiến khác nhau đừng dẫn đến chia
rẽ! Note này mong các bạn đừng rơi vào cái bẫy tư duy phân đôi chỉ có trắng và
đen (được và thua, chống và ủng hộ,…) vì cái bẫy đó rất nguy hiểm nhưng lại rất
dễ rơi vào.
Trong nghiên cứu, phương pháp phân đôi (dichotomy) –
chia cái toàn bộ thành hai phần riêng biệt loại trừ nhau mỗi thứ chỉ thuộc về
phần này hay phần kia – có thể là hữu ích.
Nhưng tư duy phân đôi, cách nghĩ phân đôi chỉ có trắng
và đen, không phản ánh thực tế đa dạng và nhiều khi rất có hại.
Kiểu tư duy này còn được nhắc tới dưới nhiều tên gọi
khác nhau như nhị nguyên (dualistic, binary); chủ nhgĩa Mani (Manichaeism –
Mani giáo hay Minh giáo) một vũ trụ quan nhị nguyên mô tả cuộc đấu tranh giữa
cái thánh thiện, thiên thần, ánh sáng của thế giới tinh thần và cái xấu, sự tối
tăm của thế giới vật chất ô trọc.
Tư duy phân đôi chỉ có trắng đen KHÔNG CHẤP NHẬN SỰ
THOẢ HIỆP một giá trị cốt lõi của những người yêu dân chủ. Tư duy phân đôi
chính trị bị Adam Michnik, nhà tư tưởng lớn của phong trào dân chủ Ba Lan, cho
là tội lỗi chính trị, theo đó người ta gán mọi sự xấu xa cho kẻ thù của mình
(thậm chí cho những người khác ý kiến với mình) và mọi sự tốt đẹp cho chính
mình.
Đó là lối tư duy của các nhà toàn trị và những người
chống chúng một cách cực đoan. Đó là lối tư duy dẫn đến hận thù và bạo lực phải
nên tránh. Xem tiểu luận “Những con Giòi và các Thiên thần” của Adam Michnik và
toàn cuốn Những bức Thư từ Nhà tù và các tiểu luận khác của ông để rõ
hơn về mặt lý luận.
Hãy
quay lại chuyện thời sự EVFTA.
1.
Những người (đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền) ủng
hộ EVFTA (hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam) và EVIPA (hiệp định bảo hộ đầu
tư EU-Việt Nam) cho rằng,
a) EVFTA và EVIPA là các hiệp định thương mại và đầu tư mà các đối tượng
chính là các doanh nghiệp, các tác nhân kinh tế ở EU và Việt Nam; chúng ta (những
người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền) nên tận dụng mọi cơ hội do các hiệp
định này tạo ra để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam;
b) Chúng ta thấy tình hình nhân quyền ở Việt Nam là tồi tệ, và cố gắng bằng
mọi cách để cải thiện tình hình nhân quyền và thúc đẩy dân chủ ở Việt Nam;
c) Quyền kinh doanh, các quyền về kinh tế cũng là các quyền con người quan
trọng (mà người dân, các doanh nghiệp là những người thực hiện các quyền đó chứ
không phải chính quyền Việt Nam) cho nên cái gì tạo điều kiện tốt hơn để thực
thi các quyền này thì nên ủng hộ;
d) Lý luận và thực tiễn lịch sử trên thế giới cho thấy rằng một nước càng hội
nhập sâu hơn với thế giới tiên tiến thì càng có điều kiện hơn để cải thiện nhân
quyền và dân chủ hoá (xem kinh nghiệm Đông Âu sau Hiệp định Helsinki
1975: Hiến chương 77 dẫn chiếu đến nó; Công đoàn Đoàn kết cũng
được nó gây hứng khởi; xem thí dụ Steven Levitsky, Lucan Way, International
Linkage and Democratization, Journal of Democracy, Volume 16, Number 3,
July 2005); sự phát triển kinh tế tạo ra nguồn lực hoạt động là một
trong những điều kiện rất quan trọng cho việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ
hoá (xem thí dụ, Christian Wenzel, Tự Do đang lên) chính vì thế chúng ta nên ủng hộ sự hội nhập
của Việt Nam vào thế giới, ủng hộ sự phát triển kinh tế của Việt Nam; sự hội nhập
sâu hơn của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới làm giảm sự phụ thuộc
của nền kinh tế Việt Nam vào Trung quốc (lưu ý rằng các chủ thể hội nhập này là
các doanh nghiệp và người dân chứ không chỉ là chính quyền), nếu EVFTA và EVIPA
tạo điều kiện cho ba việc trên thì nên ủng hộ.
e) Tất cả các hiệp định này cũng như các hiệp định quốc tế khác (như công ước
về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ 1982) chỉ tạo ĐIỀU
KIỆN cho chúng ta chứ không MANG LẠI cho chúng ta tự do và các quyền. Tự do,
các quyền con người không phải là của cho không, biếu không mà chúng ta phải đấu
tranh, giành lấy chúng, tốt nhất bằng cách “thực thi dân quyền”, “quyền ta ta cứ
làm” và tích cực tham gia vào các phong trào xã hội để gây áp lực lên chính quyền
khiến chính quyền phải luật hoá các quyền đó, đảm bảo các quyền đó được tôn trọng,
được bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện chúng một cách
văn minh.
2.
Những người (đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ,
cũng như nhiều nghị sĩ EU) phản đối việc ký hay việc thông qua EVFTA và EVIPA
là những người muốn cái tốt, cái đẹp cho nhân dân Việt Nam, nhưng họ phản đối
vì nhiều lý do khác nhau, thí dụ:
a) Tình hình nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ và đòi chính quyền Việt Nam cải
thiện tình hình nhân quyền như một điều kiện cho EVFTA và EVIPA (trong lúc đàm
phán đây là một chiến thuật tốt; trước khi thông qua đòi thêm các nghị quyết của
EU cũng là một chiến thuật tốt); loại ý kiến này có thể không để ý (hay biết rất
kỹ nhưng không nhắc) đến điểm 1.e) ở trên: Công việc chính là ở dân Việt Nam chứ
dân chủ và nhân quyền không phải do chính quyền ban phát, không thể nhập từ bên
ngoài;
b) Chính quyền Việt Nam đã hứa hẹn quá nhiều, ký kết quá nhiều nhưng không
thực hiện cho nên việc ký hay thông qua EVFTA và EVIPA là không có ý nghĩa;
c) EVFTA và EVIPA tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU bóc lột công nhân
Việt Nam gây ô nhiễm môi trường Việt Nam,… (các nghị sĩ EU này rất yêu Việt Nam
chứ không phải chống Việt Nam trong việc chống thông qua EVFTA và EVIPA);
d) ….
Có thể thấy bức tranh là đa dạng, phong phú chứ
không chỉ đơn thuần là trắng-hay-đen; ủng hộ-hay-chống. Nhìn thế giới như nó là,
đừng rơi vào bẫy tư duy phân đôi để dẫn đến chia rẽ. Những người ủng hộ EVFTA
không nhất thiết ủng hộ chính quyền Việt Nam; những người chống EVFTA cũng
không nhất thiết là ghét Việt Nam (hay chống chính quyền Việt Nam). Hãy tranh
luận và tôn trọng sự bất đồng ý kiến và quan trọng nhất đừng gây chia rẽ giữa
chúng ta vì chế độ độc tài chỉ muốn điều đó (không nhẽ chúng ta lại vô tình
giúp chế độ độc tài?).
No comments:
Post a Comment