Thursday, February 20, 2020

CHẾ BIẾN NÔNG SẢN: CHUYỆN CĂN CƠ, KHÔNG PHẢI LÀ GIẢI CỨU ! (Vũ Kim Hạnh)





Trưa nay, về ăn cơm, ông bạn cùng nhà hào hứng: Má Tèo ăn thử món canh này đi, anh mới có “sáng kiến” đó, món lạ nghen, canh chua THANH TRÀ. Chùm thanh trà của cậu em ảnh gửi cho hôm Tết, chắc trong cái ngon nó có cái tình, nên ảnh khen? Nhưng không, thực tình, canh chua thiệt là ngon, vị lạ, dịu và thơm. Mùi thơm sang trọng của Thanh Trà hòa vào vị chua dìu dịu khiến tô canh chua ngon đặc sắc. Đâu kém gì nấu với me hay mẻ, tôi thầm nghĩ, chèn ơi, Việt Nam mình, gia vị thì nhiều mát trời luôn, me với mẻ, tắc với Thanh Trà. Ai thử làm món nước dừa với Thanh Trà, không chừng sẽ thành mốt ngon như trà sữa Trân Châu...

Mà đó chỉ là món ăn thường ngày thôi, và canh chua thanh trà bỗng khiến tôi cao hứng muốn kể tràn trề về hàng loạt sản phẩm mới được chế biến đầy tài hoa từ nông sản. Kể không hết luôn. Sự sinh thành ra hàng loạt món mới đó dĩ nhiên đã góp sức giải bài toán khó lâu nay của nông sản mình: ít chế biến, mà chế biến “đề mô” được rồi thì cần đưa vào làm thật, rồi thì tăng qui mô, khẳng định công nghệ và rồi truyền thông chuyên nghiệp và thương mại hóa cho giỏi, thì lo gì nông sản phải “giải cứu” dài dài nữa.

Cũng trưa nay, các bạn PV truyền hình trẻ của BSA Media đã hào hứng gửi ảnh cho tôi, rồi đưa lên face các món lạ của chàng doanh nhân trẻ Duy Toàn, chủ CT Duy Anh ở Củ Chi, TPHCM. Hôm tháng 5 đi Thượng Hải, CT Duy Anh đã tung ra mì và bánh tráng nhiều vị rất hút khách rồi đưa vào siêu thị, theo đường chính ngạch vào TQ luôn. Hỏi lại mới biết, Duy Toàn đã lặng lẽ chế biến mì, bún, phở với dưa hấu, thanh long và sản phẩm đã được FDA chứng nhận, cùng với tiêu chuẩn Kosher vào Hoa Kỳ luôn, kế đó, bán đi Anh, EU, Hàn Quốc nữa. Tức là đã nghiên cứu và làm thành phẩm từ lâu, chứ không phải chỉ mới làm trong “mùa” giải cứu mới đây.

Trong một stt gần đây tôi giới thiệu “Tiêu Cùa” của Quảng Trị là ngon nhất thì có bạn inbox, không phải cô ơi, hồ tiêu Phú Quốc mới là ngon nhất. Tôi giật mình, cũng đã có tổ chức quốc tế từng nói vậy thật. Và tôi cũng từng mua mấy hủ “mắm kho quẹt” của CT Thanh Quốc mà hôm Tết tặng cho bạn bè, ai cũng khen ngon. Sáng kiến đem “nước mắm Phú Quốc kho quẹt với tiêu Phú Quốc” thì nó thơm nức mũi và nay các hủ mắm kiểu này đã vào được siêu thị.

Cảm hứng từ “chế biến nông sản” đang thực sự hấp dẫn lực lượng SX công nghệ phẩm rất mạnh. Và dù nguồn lực có khác nhau, những nhà “sáng tạo” đang tìm thấy ở đây CƠ HỘI LỚN để tung hoành. Anh Kao Siêu Lực có sẵn “ siêu lực“ từ máy móc, công nghệ, đội ngũ giỏi chế biến và có cả chuỗi phân phối, có khác mọi người là với thành tâm, anh nghĩ nhanh, tìm tòi rồi bắt tay ngay. Nay dòng bánh mì thanh long đã phát triển nhanh ra cả chuỗi cửa hàng ABC khắp các tỉnh. Bạn trẻ như Duy Anh thì có ăn học căn cơ ở Hoa Kỳ, về nước qui tụ đội ngũ R&D, sản xuất và phân phối chuyên nghiệp nên sáng tạo khá mạnh tay. Bạn trẻ Ngọc – Hương- Bột-Rau-Má đầy đam mê, nay đã làm tới bột tía tô uống lạ và ngon. Những bức ảnh Hương chụp vườn rau má, trồng hữu cơ của em thật đáng phục vì mỗi chiếc lá mơn mởn đó đã mọc lên từ công lao và ý chí bền bĩ biết bao.

Bài toán sản xuất phân phối đã được các bạn đưa vào qui trình kinh doanh đầy hứa hẹn.
Tôi có nghe bạn Út Hậu con trai ông chủ thương hiệu Sầu riêng 6 Ri (huyện Long Hồ-Vĩnh Long) khoe là anh Kao Siêu Lực cũng đã đến tận vườn anh tính chuyện mua nguyên liệu và kết hợp làm ăn lâu dài. Tôi cũng muốn rủ anh đi Bangkok một lần, ăn thử 50 món buffet của họ để về chế những món ngon hơn, hợp khẩu vị hơn cho các nhà hàng thượng thặng của SG.

Tôi đã nói từ đầu là không thể kể hết cảm hứng sáng tạo trong chế biến nông sản. Từ dưa lê, đậu biếc, hồng sâm...Vấn đề là đưa vào làm công nghiệp mà vẫn giữ được nguyên hương vị như sản phẩm của Vinamit, của chocolat Marou... Chế biến càng đa dạng thì càng hấp dẫn tiêu thụ. Nhiều cảm hứng chế biến và nhiều tính toán giỏi trong kinh doanh sẽ dần dần đưa nông sản Việt ra khỏi yêu cầu giải cứu và bế tắc.

Và bên cạnh chế biến, nhà kinh doanh chuyên nghiệp đã đưa công thức căn cơ mà anh đã tự nghiên cứu và thực hiện thành công: lập chuỗi sản xuất-chế biến-phân phối nông sản. Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên đã đưa ra kế hoạch thành lập những trung tâm phân loại, bảo quản, chế biến nông sản để giải quyết bài toán lưu kho, mua hàng, phân loại, chế biến để thu hút người nông dân chuyển dần sang làm ăn căn cơ, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng được tiêu chuẩn cho các khách hàng khó tính nhất, dứt khoát dần với kiểu làm ăn cứ phải thấp thỏm trông đợi, “nhóng giá” với những thương lái và thương vụ bấp bênh, nhiều khi nguy hiểm vì bị lừa đảo nữa.

Tỉnh Ủy và Ủy ban tỉnh Đồng Tháp đã hẹn hò gặp doanh nhân Nguyễn Lâm Viên tại nhà anh cuối tuần này. Đó có thể coi là cuộc “hẹn hò” nhân mùa giải cứu, nhưng chỉ là "mượn cớ" giải cứu thôi, chứ thực sự là bàn quyết liệt giải pháp cho bài toán căn cơ của nông sản Việt: thay đổi tư duy sản xuất "mì ăn liền" của nông dân, tổ chức bảo quản và chế biến tốt hơn, nâng giá trị gia tăng và thương mại hóa sản phẩm cho được giá và bắt đầu kiểu làm nông bền vững.


------------------------------------

YOU TUBE
11 thg 2, 2020





No comments: