Thursday, February 20, 2020

CHẲNG LẼ SAI PHẠM CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG KHÔNG NGHIÊM TRỌNG? (Trân Văn)




21/02/2020

Nếu các văn kiện đang được soạn thảo (Dự thảo Báo cáo Chính trị, Dự thảo Báo cáo mười năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Dự thảo Báo cáo Kinh tế- Xã hội, Dự thảo Báo cáo xây dựng đảng và thi hành Điều lệ đảng) để trình Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN (dự trù sẽ được tổ chức vào năm tới) có vai trò như… văn bia thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN - người khẳng định như vừa nêu (1) - đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.

Nếu việc soạn thảo các văn kiện cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng CSVN (Đại hội 13) quan trọng như soạn - lập… “văn bia”, tại sao ông Trọng và Bộ Chính trị lại nhất trí chọn ông Hoàng Trung Hải – người vừa bị Bộ Chính trị “cảnh cáo” vì “có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện ‘Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên’ (Dự án TISCO II)” (2) làm Phó Ban đặc trách Tiểu ban Văn kiện cho Đại hội 13 (3)?

Đời sau chắc chắn sẽ hoang mang không biết nên xếp ông Trọng và đảng của ông vào loại nào khi nghiên cứu về các… văn bia! Loại nào mới chọn “cảnh cáo”, cách chức Bí thư Thành ủy Hà Nội làm hình thức xử lý một người như ông Hải (thiếu trách nhiệm, không xem xét cẩn thận các khuyến cáo, chỉ đạo thiếu rõ ràng, chặt chẽ cả trong thực hiện hợp đồng lẫn thanh toán cho nhà thầu khiến chi phí cho “Dự án TISCO 2” tăng từ 3.800 tỉ lên… 8.100 tỉ rồi “đắp chiếu”), rồi giao chỉ đạo việc soạn – lập… văn bia?

                                                    ***
Ví von - văn kiện soạn cho Đại hội 13 giống như… văn bia, được ông Trọng nêu lên đúng vào thời điểm Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Dựa vào Kết luận Điều tra của Bộ Công an, báo chí Việt Nam cho biết, ông Thăng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm một lần nữa vì đã chỉ đạo thuộc cấp giao Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol ở tỉnh Phú Thọ cho một liên doanh không đủ năng lực, kinh nghiệm, thực hiện. Tuy dự án này đã ngốn 1.467 tỉ của công quỹ nhưng công trình xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol ở tỉnh Phú Thọ vẫn vừa “đắp chiếu”, vừa trả lãi (4).

Đây là lần thứ ba ông Thăng bị truy tố. Hai lần trước, ông đã bị hệ thống Tòa án xác định có hai lần phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ “cố ý làm trái” khi quyết định đầu tư vào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng bị buộc bồi thường 30 tỉ, bị phạt 13 năm tù (5). Còn trong vụ “cố ý làm trái” khi chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ông Thăng bị buộc bồi thường 600 tỉ, bị phạt 18 năm tù (6).

Tổng hợp hình phạt từ hai bản án “cố ý làm trái” mà các Tòa án từng tuyên trước đó, ông Thăng bị phạt 31 năm tù. Tuy nhiên cho dù hình phạt tối đa đối với tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” mà ông Thăng mới bị đề nghị truy tố là 20 năm tù và ông Thăng bị Tòa án phạt ở mức cao nhất theo Điều 224 của luật hình sự, ông cũng sẽ chỉ ở tù 30 năm vì luật hình sự Việt Nam xác định, hình phạt tù có thời hạn không được vượt quá mức 30 năm.

                                                   ***
Ông Trọng là người khởi xướng công cuộc “chỉnh đốn đảng”, ông cũng là người liên tục lặp đi, lặp lại về việc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như một cách “nêu gương”. Thậm chí cuối năm vừa qua, khi tham dự hội nghị trực tuyến giữa chính phủ với lãnh đạo các địa phương để thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2020, ông còn chỉ đạo, một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của năm nay là: Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu “đúng vai, thuộc bài”. Ông Trọng cũng là người bảo vệ nhiệt thành việc “quy hoạch nhân sự” cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, chủ động lựa chọn – sắp đặt các cá nhân vào vị trí lãnh đạo tất cả các ngành, ở tất cả các cấp.

Cách nay năm năm (2015), trước thềm Đại hội đảng 12 (2016 – 2020), dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 11 phát hành một thông cáo, khẳng định, kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ những người có một trong các khuyết điểm nhưXu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị. Bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm. Có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc. Lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính (8)...

Cuối năm ngoái, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ TƯ) về Phòng - Chống tham nhũng, loan báo: Từ đầu nhiệm kỳ của BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 đến hết năm 2019, giới lãnh đạo đảng CSVN đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện BCH TƯ đảng quản lý, trong đó có hai Ủy viên Bộ Chính trị, 19 Uỷ viên hoặc cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (9).

Chẳng lẽ Tổng Bí thư – người đứng đầu - không phải chịu trách nhiệm về “sai phạm nghiêm trọng” của hàng trăm cá nhân được “qui hoạch làm nhân sự chủ chốt” vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của BCH TƯ đảng? Các sai phạm khiến ông Đinh La Thăng liên tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Hoàng Trung Hải bị đảng “cảnh cáo” đều xảy ra trước khi cả hai được lựa chọn – sắp đặt làm Ủy viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng khóa 12, lẽ nào ông Trọng – người đứng đầu – cũng vô can?

Nếu ông Trọng hoàn toàn vô can trước vô số sai phạm về lựa chọn – sắp đặt nhân sự do chính ông tổ chức giám sát, chỉ đạo, khiến công quỹ mất hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác, nếu ông vừa thề, kiên quyết không để lọt những cán bộ kém phẩm chất, yếu năng lực và uy tín thấp vào cấp ủy các cấp, vừa kiên quyết phớt lờ trách nhiệm từ họa nhân sự và vẫn kiên quyết giành giữ quyền định đoạt cả về nhân sự lãnh đạo đảng lẫn nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì nên hiểu thế nào về “nêu gương”, về đòi hỏi người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu đúng vai, thuộc bài?

Thật ra, các văn kiện được soạn cho Đại hội đảng 13 vẫn có thể là… văn bia. Trước giờ, ngoài ghi công để tưởng nhớ, bia còn được dùng để hài tội cho hậu thế luận bàn!

----------------------

Chú thích














No comments: