Thursday, February 20, 2020

BIỂN ĐÔNG : TỔNG THỐNG DUTERTE MỞ CỔNG CHO BẮC KINH (Tú Anh - RFI)



NỘI DUNG :

Tú Anh  -  RFI
.
Mỹ Hằng  -  BBC
.
-===========================================
 .
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 20/02/2020 - 15:33

Một pháo đài chiến lược cản đường Trung Quốc khống chế Biển Đông sắp bị vô hiệu hóa. Ngày 11/02/2020, tổng thống Rodrigo Duterte chính thức kết liễu một thỏa thuận lịch sử cho phép quân đội Mỹ tự do luân lưu sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines.

Quyết định này làm suy yếu liên minh quân sự truyền thống Mỹ-Philippines và tác hại đến cán cân lực lượng trong khu vực. Trừ phi có thay đổi bất ngờ trong 6 tháng tới, con đường nam tiến của Trung Quốc sắp khai thông.

Sau bốn năm thịnh nộ, tổng thống Philippines thực hiện lời đe dọa. Thỏa thuận VAF ký kết vào năm 1998, liên quan đến quyền luân lưu đóng quân của Mỹ tại Philippines sẽ chấm dứt hiệu lực trong 180 ngày tới đây.

Tổng thống Phillipines xé thỏa thuận liên minh quân sự sau khi Thượng Viện Mỹ biểu quyết nghị quyết cấm visa nhập cảnh đối với những quan chức Philippines chà đạp nhân quyền. Cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Ronald Dela Rosa, chỉ huy cuộc chiến đẫm máu chống ma túy bất chấp luật lệ, do tổng thống Duterte phát động, bị Mỹ cấm visa nhập cảnh.

Vì sao tổng thống Philippines đơn phương hủy bỏ thỏa thuận về an ninh với Mỹ bất chấp các ý kiến chống đối trong nước ? Hệ quả sẽ ra sao cho bàn cờ Biển Đông và nhất là đối với Việt Nam ?

Báo chí Philippines cực lực lên án quyết định độc đoán của vị tổng thống : « Trục phòng thủ chiến lược trong khu vực của chúng ta, tại Đông Nam Á đến tận Đông Á để đối đầu với Trung Quốc đã bị lay chuyển. Chúng ta không phải là loại chính quyền như thế », The Manila Times công kích.

Chia sẻ quan điểm này, nhà báo Lưu Tường Quang nhấn mạnh đến mối nguy trước mắt :
« Đây là một vấn đề rất quan trọng. Nếu liên minh Mỹ-Phi đổ vỡ thì nước được lợi nhiều là Trung Quốc. Cho nên, nó ảnh hưởng đến nhiều đến các nước khác nhất là Việt Nam với tư cách là chủ tịch luân lưu của ASEAN trong năm 2020. Và nó cũng có thể ảnh hưởng đến nước Úc vì Úc cũng có một hiệp định VFA (Visiting Forces Agreement) với Philippines, tương tự như VFA Mỹ-Phi, chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ và Úc đến trợ giúp Philippines. Đây không phải là vấn đề nhỏ, nó cũng là một vấn đề gây nhiều thắc mắc và câu hỏi.
Giới lãnh đạo quân sự Philippines tỏ ra bất ngờ về quyết định này. »

Manila bắt đầu chuyển trục từ 2016

Không ít nhà bình luận cho rằng ông Duterte với tính khí nóng giận thất thường tìm cách ép Hoa Kỳ đàm phán lại thỏa thuận VFA.

Tuy nhiên, Manila dường như khóa chặt cánh cửa thương lượng. Trong một tuyên bố được xem là tín hiệu ngầm ngày 10/02/2020, tổng thống Philippines chỉ trích Mỹ xem thường đồng minh : Tập trận xong là họ đem vũ khí tối tân đi mất không để lại cho chúng tôi một thứ gì. Còn Trung Quốc thì không bao giờ hại chúng tôi nếu chúng tôi không làm gì chống lại họ ».

Duterte dứt khoát từ chối các lời mời viếng thăm Washington tuy hai nước vẫn gắn kết với nhau qua hiệp định phòng thủ chung 1951.

Thái độ xa lánh Mỹ của Manila đã được thể hiện ngay từ khi Rodrigo Duterte kế nhiệm tổng thống Aquino năm 2016.

Nhà báo Lưu Tường Quang phân tích các giả thuyết khả tín nhất :

« Quyết định ngưng hợp tác với Mỹ là quyết định của ông Duterte và có thể được các cố vận thân cận ủng hộ. Nhưng, tôi có cảm tưởng bà phó tổng thống Philippines (Leni Robredo,55 tuổi, dân bầu trực tiếp), người đắc cử với tư cách riêng có thể không ủng hộ. Những người có liên hệ gần gũi với Hoa Kỳ, đặc biệt là trong giới tướng lãnh quân đội, người thì công khai, người thì âm thầm, bằng cách này hay cách khác, cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định.

Lý do tại sao ông Duterte quyết định như thế ?

Quyết định làm áp lực với Hoa Kỳ để tái thương thuyết thỏa thuận VFA là giả thuyết có thể đúng nhưng cũng có thể không đúng. Nhưng giả sử nó đúng thì còn tùy thuộc vào thái độ của Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không thương lượng lại. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phản ứng của bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper thì lập trường của Mỹ có vẻ hòa dịu nhiều hơn bởi vì Mark Esper nói đây là một quyết định « đáng tiếc », Philippines đi con đường trái ngược với thực tế.

Giả thuyết thứ hai mà tôi cho rằng có thể có nhiều tín lực hơn là ông Duterte, trong chính sách đi lại gần gũi với Trung Quốc từ khi đắc cử vào năm 2016. Thì rõ ràng đây là một bước tiến nữa tạo ra những cơ hội để cho Philippines đi lại gần với Trung Quốc.

Điều này lợi hại như thế nào ?

Nhìn từ quan điểm của Duterte thì ông bảo rằng quan hệ với Mỹ không có lợi gì và còn có thể gây ra một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung thì càng không có lợi cho Philippines. Cho nên, ông hầu như hoàn toàn hạ cấp bang giao với Washington và nâng cấp bang giao với Bắc Kinh. Tôi nghĩ điều này có vẻ đúng với thực tế. Một điểm nữa không kém phần quan trọng là ông đi gần lại với Nga và sẵn sàng mua vũ khí của Nga thay vì mua vũ khí của Mỹ.

Dù thế nào đi nữa, nhìn từ quan điểm chung của các nước Đông Nam Á và Úc, thì sự suy sụp, sự căng thẳng trong bang giao Washington-Manila sẽ tạo ra nhiều yếu tố tiêu cực cho toàn vùng. Quốc gia được lợi nhiều nhất vẫn là Trung Quốc ».

Mỹ cũng đã dự tính trước biện pháp đối phó

Theo nhà bình luận Lina Sankari của báo Pháp l’Humanité thiên tả, Hoa Kỳ đã phòng ngừa trước diễn biến này cho nên đã chuẩn bị phương án đối phó.

Washington quyết định giảm bớt lực lượng ở vùng sa mạc châu Phi và Trung Đông chuyển sang tái phối trí tại châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, Donald Trump thực hiện bước thứ hai, hoàn tất chiến lược « tái định vị » của tổng thống Barack Obama, đưa hai phần ba lực lượng hải quân về châu Á vào năm 2020.

Thái độ bất hợp tác của tổng thống Duterte có thể sẽ gây tác hại cho nhiều đồng minh khác của Mỹ trong vùng, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cho đến nước Úc, những nước cần hỗ trợ của Mỹ trong hồ sơ an ninh quốc phòng.

Thái độ biến đổi của Manila còn là tin xấu đối với Hà Nội. Trong lúc Trung Quốc gia tăng hoạt động hù dọa tàu cá, lấn áp công tác thăm dò mỏ dầu Việt Nam ở Biển Đông thì Philippines được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa đầu tư 22 tỷ đô la cũng như đã ký với Manila thỏa thuận hợp tác khai thác dầu hỏa và khí đốt ở vùng tranh chấp.

Duterte giúp Bắc Kinh củng cố thế thượng phong.

Nhà báo Lưu Tường Quang :
« Trong bàn cờ chính trị, Philippines có vai trò quan trọng trong bang giao với Mỹ, cho Hoa Kỳ một chỗ đứng, một căn cứ quan trọng tại Biển Đông hay gần Biển Đông. Với lý do đó, thời tổng thống Aquino, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông rất rõ nét nhưng bây giờ tình thế trái ngược lại, khó khăn hơn.

Tất nhiên, Hoa Kỳ có những căn cứ khác như ở Úc hay bang giao chặt chẽ với Singapore nhưng nếu bây giờ thỏa thuận về luân lưu quân sự của Mỹ tại Philippines bị bãi bỏ trong 180 ngày sắp tới thì các hiệp ước hợp tác quân sự khác kể cả Hiệp Định Quốc Phòng Chung 1951 sẽ trở thành vô nghĩa.

Nhìn từ quan điểm này thì nó sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam, theo nghĩa, năm 2020, Việt Nam làm chủ tịch hiệp hội ASEAN với tiêu đề có vẻ gợi nhiều ý nghĩa : gắn kết và chủ động. Gắn kết như thế nào nếu Philippines đi hẳn với Trung Quốc và không hợp tác nữa với Mỹ trong vấn đề Biển Đông ? Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất nhiều, Úc và các nước khác trong vùng cũng rất quan tâm. Đây là một biến chuyển rất là quan trọng cho tương lai ổn định của toàn vùng Đông Nam Á.

Hoa Kỳ không còn căn cứ quân sự ở Philippines thì thế đứng của Trung Quốc càng ngày càng lên mà Trung Quốc có những chính sách rất táo bạo về vấn đề Biển Đông. Cho nên trong năm 2020 nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với tất cả các nước trong khu vực kể cả đối với Việt Nam, nhất là Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN ».

Đi ngược lòng dân và quân đội

Bất chấp cảnh báo của Thượng Viện Philippines, và thái độ bất bình của giới tướng lãnh, tổng thống Duterte tặng cho Trung Quốc một món quà vô giá. Theo nhận định của nhà phân tích Lina Sankari trích dẫn bên trên, sau khi đã củng cố các tiền đồn ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã được một số đặc quyền sử dụng hải cảng, phi trường của Cam Bốt, Miến Điện, Sri Lanka và Pakistan. Chiến lược « chuỗi trân châu » tiến hành thuận lợi cho phép Trung Quốc bảo đảm con đường nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông và dự án Con đường tơ lụa trong tương lai.

Trong một chương trình truyền hình Pháp cách nay hai hôm, về chiến lược từng bước làm bá chủ thế giới của Trung Quốc, nhà báo Hervé Gattegno, tổng biên tập tuần báo Pháp Journal du Dimanche nêu câu hỏi then chốt : Khi nào Bắc Kinh lập cái « trạm thu phí » (BOT) trên Biển Đông ?

Tuy nhiên, có ít nhất bốn cản lực đang chờ trước mặt Bắc Kinh và Duterte. Theo The Washington Post, quân đội Philippines tiếp tục được Mỹ viện trợ, tập luyện chung. Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Philippines không kêu gọi xé thỏa thuận VFA. Thứ hai là người dân Philippines ý thức trục Mỹ-Phi rất cần thiết để bảo vệ an ninh, độc lập cho đất nước họ. Công luận Phi cũng không mặn mà với đầu tư Trung Quốc vì cái giá phải trả rất nặng. Thứ ba, bản thân tổng thống Duterte có được Hiến Pháp cho thẩm quyền đơn phương hủy bỏ hiệp định quốc tế do Thượng Viện quyết định hay không ?

Lý do thứ tư, theo Le Monde, giới quân đội thân thiết với Hoa Kỳ không chấp nhận quyết định của tổng thống Philippines. Nội tình Philippines khó tránh khỏi căng thẳng. Tư lệnh hải quân Giovani Carlo Bacordo đã tuyên bố mạnh mẽ : Chiến hạm Philippines tiếp tục giương cao ngọn cờ quốc gia tuần tra trong vùng Biển Đông.

Nhiều nhà phân tích xem đây là lập trường công khai ủng hộ Hoa Kỳ và rất có thể viên tư lệnh này sẽ « đương đầu » với thái độ bốc đồng cuối cùng của tổng thống Duterte.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.
.
.


------------------------------------------------------------------


.
Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
19 tháng 2 202

Việc Philippines mới đây tuyên bố sẽ chấm dứt Hiệp ước Thăm viếng Quân sự (VFA) với Mỹ để gần gũi hơn với Trung Quốc có thể khiến các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam, lo ngại.
Tuy nhiên, nó cũng mở ra những cơ hội khác với các đồng minh mới, theo một số nhà phân tích.

VFA được ký năm 1988, cho phép quân đội Mỹ huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines.

Việc Philippines chấm dứt VFA với Mỹ đã được rào đón từ trước, khi Tổng thống Duerte nhắc đi nhắc lại rằng sẽ rời xa đồng minh lâu năm là Mỹ để tập trung vào Trung Quốc.

Ảnh hưởng hiện diện của Mỹ trong khu vực

Bình luận với BBC News Tiếng Việt về tác động tới Việt Nam của hành động trên của Philipines, Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói:

"Cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác, tôi tin Việt Nam sẽ nhìn nhận động thái này của Manila với một vài quan ngại nghiêm trọng. Bởi lẽ, việc làm của Philippines sẽ để lại hậu quả là sẽ bớt đi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực."
"Philippines có thể đặt ra các thủ tục nhập cư khó khăn cho quân nhân Mỹ, giới hạn thời gian họ ở tại Philippines, và thậm chí việc cập cảng Philippines của hải quân Mỹ cũng sẽ bị gián đoạn và phải tuân theo các thủ tục thông thường.''
"Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, Hà Nội đã dần quen với quan điểm của Philippines về vấn đề Biển Đông, cũng như việc họ thân với Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam từ lâu đã phải tìm kiếm các biện pháp khác để giảm thiểu khuynh hướng này, trong đó có việc tăng cường thắt chặt hợp tác quốc phòng và an ninh với các đối tác nước ngoài như Mỹ."
"Động thái mới đây của Philippines thúc đẩy Hà Nội phải nghĩ tới việc phải mở rộng hơn các mối quan hệ như vậy, với không chỉ Mỹ, mà các nước khác."

Tiến sĩ Collin Koh nhấn mạnh rằng dù hiện diện của Mỹ tối quan trọng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cần nhớ rằng ngoài Mỹ còn có các nước khác "sẵn sàng nhảy vào trong các tình huống cần thiết".

"Chẳng hạn như trong lúc toàn khu vực đang lo lắng về các chính sách liên quan của chính quyền Trump thì Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đã vào cuộc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ông Abe đã thăm Philippines vào thời điểm mối quan hệ giữa Manila và Washington đang rệu rã. Vì vậy chúng ta có thể dự đoán điều này sẽ tiếp tục trong tình huống hiện nay, nếu không phải từ Nhật Bản thì cũng từ các đối tác nước ngoài khác."

Vấn đề Biển Đông

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Collin Koh, về mặt căn bản, động thái mới của Philippines sẽ không thay đổi toàn bộ thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc - đặc biệt căn cứ vào mối quan hệ kinh tế mật thiết hiện nay giữa hai nước - trong đó có tính sẵn sàng của Việt Nam để chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông như được nhìn thấy trong vụ việc dàn khoan 981 hay vụ Bãi Tư Chính.

Quan điểm này của Tiến sĩ Collin Koh tương đồng với quan điểm của nhà báo người Mỹ Bennett Murray.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 15/2, nhà báo Murray nhận định:

"Trước hết, điều quan trọng là cần chỉ ra rằng Thỏa thuận Thăm viếng Quân đội (VFA) không giống như Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT). Ngay cả khi Philippines rút khỏi VFA như Duterte nói, cả hai nước vẫn có thể đàm phán một số thỏa thuận mới trong thời gian ân hạn 180 ngày trước khi quân đội Mỹ phải rời đi. Dựa trên thực tế là các chính sách an ninh Philippines vẫn coi trọng liên minh với Mỹ, bằng cách này hay cách khác, cơ hội hợp tác an ninh giữa Mỹ và Philippines sẽ vẫn tồn tại."

"Tất cả những điều này cho thấy, đây là một tín hiệu khác từ Duterte rằng ông không muốn đụng độ với Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đã đơn độc đứng vững trước Trung Quốc ở Biển Đông kể từ khi Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, một sự kiện đã khiến các tính toán an ninh của Việt Nam bị xáo trộn. Động thái mới của Duterte đối với VFA không thay đổi điều này, mặc dù nó sẽ đóng vai trò là một nguồn cơn đáng lo ngại khác cho thiết chế an ninh quốc phòng của Việt Nam."

Mở ra các tín hiệu tích cực

Về câu hỏi liệu các nước khác có theo chân Philippines 'đầu hàng' Trung Quốc hay không, Tiến sĩ Collin Koh nói:

"Không thể nào. Thậm chí chúng ta có thể thấy một số quốc gia, sau động thái của Philippines, lo ngại đủ để tìm cách tăng cường các cam kết quốc phòng và an ninh với các đối tác thân thiện như Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh."

"Nếu Bắc Kinh nghĩ rằng họ trúng xổ số với động thái mới đây của Manila, tôi sẽ nói rằng có lẽ còn sớm để tính hơn thiệt vì những gì tôi mô tả ở trên - động thái này thực sự có thể trở nên phản tác dụng với Trung Quốc bởi vì nó có khả năng thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á khác tăng cường liên kết quốc phòng và an ninh với các nước bên ngoài, điều này sẽ làm suy yếu vị thế của chính Bắc Kinh trên Biển Đông mặc dù nước này đã bảo đảm được mức độ hiện diện đáng kể trong khu vực."

Tiến sĩ Collin Koh cho rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á hẳn cũng đã chuẩn bị tốt hơn cho động thái này của Philippines, hơn là vào thời điểm những năm 1990 sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Philippines do Philippines chấm dứt quyền đóng quân của quân đội Mỹ ở nước này.

"Các chính phủ đã chuẩn bị tốt hơn về mặt xây dựng quốc phòng và đa dạng hóa mối liên kết quốc phòng và an ninh với nhiều đối tác bên ngoài như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. Do đó, tôi không thấy động thái này của Philippines có tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị và chiến lược ở Đông Nam Á, mà thậm chí có tác động tích cực về dài hạn."

"Bởi lẽ ít nhất động thái này của Philippines sẽ nhắc nhở các nước xem xét lại liệu các chính sách quốc phòng và an ninh hiện có có đủ không và liệu chúng có nên được tăng cường hơn nữa hay không.''






No comments: