Tuesday, February 11, 2020

68 NGO KÊU GỌI NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU KHÔNG PHÊ CHUẨN THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI VỚI VIỆT NAM (RFI)




NỘI DUNG :

Iuliu WINKLER, MEP
.
Thùy Dương  -  RFI
.
=============================================
.
Iuliu WINKLER, MEP
Hiếu Bá Linh, biên dịch
11/02/2020

Lời người dịchHôm qua 10/2 Nghị sĩ Iuliu Winkler, Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu (Ủy ban INTA), đã viết bài này để kêu gọi các đồng nghiệp trước cuộc bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào ngày mai 12/2 về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Xin được lược dịch bài viết này để giới thiệu cùng độc giả.

                                                     ***

Chúng ta đang đứng trước một quyết định quan trọng trong Phiên họp toàn thể vào ngày 12 tháng 2 sắp tới, với cuộc bỏ phiếu về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Hai hiệp định chiến lược này mang 3 ý nghĩa quan trọng:

1.- Ý nghĩa kinh tế và thương mại, được mọi người nhất trí công nhận là hai bên EU và Việt Nam cùng có lợi với việc dẹp bỏ 99% hàng rào thuế quan, v.v… Hiệp định cũng cắt giảm thủ tục hành chính và làm giảm bớt gánh nặng hành chính, một yếu tố then chốt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển.

2. Hai hiệp định này có giá trị quan trọng về địa chính trị, được mọi người nhất trí công nhận, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động và căng thẳng gia tăng trên mặt trận thương mại.

EVFTA / EVIPA có thể được coi là bước đầu tiên trong quá trình lâu dài để đạt tới mục đích là  hiệp định thương mại với khối  ASEAN. Mọi hành trình đều bắt đầu bằng một bước đầu tiên trên đường tiến đến mục đích dài hạn của EU. Việc phê chuẩn EVFTA / EVIPA chính là bước quan trọng đầu tiên này.

3. Hơn nữa, chương Thương mại và Phát triển bền vững (TSD) trong hiệp định EVFTA đã dành được nhiều chú ý. Chương này bao gồm các quy định về nhân quyềnbảo vệ môi trường và quyền người lao động. Giai đoạn đàm phán hiệp định đã kích hoạt những cải cách quan trọng ở Việt Nam. Những cải tiến chính sách, bao gồm phê chuẩn các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như xây dựng lộ trình thực hiện cải cách Bộ luật Lao động, đã được công nhận trên toàn cảnh chính trị ở châu Âu.

Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã nỗ lực nhằm đạt các tiêu chuẩn cao nhất về quyền lao động, và đã hài lòng khi nghe Văn phòng ILO ở Việt Nam cho rằng những tiến bộ thực sự là không thể bác bỏ.

                                                 ***
Cùng với các đồng nghiệp trong Ủy ban INTA, tôi đã đến thăm Việt Nam vào mùa thu năm ngoái, và có được những trải nghiệm trực tiếp ở Hà Nội. Chúng tôi đã gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam ở cấp cao nhất, các tổ chức quốc tế như ILO, Phòng Thương mại EU của chúng tôi ở Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự khác nhau. Mặc dù chắc chắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết về nhân quyền, bảo vệ môi trường và quyền người lao động cần phải được cải thiện, nhưng một thông điệp quan trọng mà chúng tôi liên tục nhận được trong chuyến thăm của chúng tôi là sự hiện diện của EU tại Việt Nam tạo ra sự khác biệt đáng kểVới hiệp định này, EU sẽ đáp ứng nhu cầu về động lực và chất xúc tác cho cải cách và thay đổi ở Việt Nam.

Sự thách thức là đáng kể, bởi vì EU đang đối phó với một hệ thống chính trị khác hẳn. Do đó sự dấn thân của EU càng quan trọng hơn. Đây là hiệp định thương mại hiện đại và đầy tham vọng đầu tiên của EU với một quốc gia mà EU muốn thể hiện các giá trị và nguyên tắc của châu Âu. Do đó, việc đánh giá kết quả cần phải lưu ý đến các đặc thù của địa phương, trong một khoảng thời gian tương xứng để thay đổi. Cá nhân tôi đã chứng kiến những phát triển ấn tượng ở Việt Nam, sau khi đã đến thăm đất nước này hồi năm 2015.

Chúng ta chỉ có một vấn đề gây tranh cãi duy nhất: EU có thể tối đa hóa ảnh hưởng của mình đối với nhân quyền ở Việt Nam như thế nào? Tốt hơn là hoãn cuộc bỏ phiếu phê chuẩn để dùng làm đòn bẩy? Hoặc hiệu quả hơn là phê chuẩn và bắt đầu thực hiện ngay các cơ chế của hiệp định EVFTA / EVIPA?

Không còn hoài nghi gì nữa, tôi tin rằng hoãn phê chuẩn hiệp định là một quyết định tồi. Chắc chắn sự lựa chọn tốt nhất là tăng cường ngay lập tức sự hiện diện của EU tại Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện hiệp định, gồm cả sự kiểm tra bởi Ủy ban hỗn hợp giữa Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam, một hợp tác nghị viện chưa từng có, được đề xuất khi phái đoàn Ủy ban INTA tới Hà Nội hồi cuối năm ngoái.

Việc hoãn thực hiện có nghĩa là hoãn kết quả, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của EU trong các cuộc đàm phán thương mại và về lâu dài sẽ làm giảm uy tín. Các cuộc đàm phán về hiệp định cung cấp cho chúng ta đòn bẫy mà chắc chắn chúng ta đã tận dụng nó. Thậm chí đòn bẫy mạnh mẽ hơn sẽ đến khi hiệp định có hiệu lực và các cam kết ràng buộc pháp lý của nó sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng.

Trong suốt hai tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến một sự đối thoại gia tăng với chính quyền Việt Nam thông qua trao đổi rất nhiều thư từ và gặp gỡ trực tiếp. Những kỳ vọng của Nghị viện châu Âu rất rõ ràng, không thể nhầm lẫn. Các cam kết của các đối tác Việt Nam về bảo vệ môi trường, quyền người lao động và nhân quyền được định lượng và khả thi. Tổng giám đốc Thương mại EU (DG Trade) cũng đã hơn một lần khẳng định cam kết không mệt mỏi của mình trong việc sẽ giám sát việc thực hiện hiệp định, kiểm tra kết quả và nếu cần, dùng áp lực để đạt được kết quả như mong đợi.

Nếu chúng ta muốn thấy một sự hiện đại hóa nhanh chóng, những cải tiến thực sự và kết quả cụ thể ở Việt Nam, chúng ta phải bỏ phiếu đồng ý với các hiệp định thương mại EU-Việt Nam.
________

Nguồn

Iuliu WINKLER  (Member of the European Parliament)
2020-02-10

---------------------------------------
Thùy Dương  -  RFI
Đăng ngày: 11/02/2020 - 15:29

68 tổ chức phi chính phủ hôm qua 10/02/2020 ra tuyên bố chung kêu gọi các nghị sĩ châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam (EVFTA), vì tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn « đáng lo ngại ».

Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters

Theo lịch trình, hôm nay, 11/02, Nghị Viện Châu Âu thảo luận Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Ngày mai, 12/02, trong phiên khoáng đại tại trụ sở Strasbourg, các nghị sĩ châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua văn bản này.

Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam đã được ký tại Hà Nội hồi tháng 06/2020, theo đó 99% thuế quan đánh vào hàng hóa trao đổi giữa Liên Âu và Việt Nam sẽ được xóa bỏ.

AFP cho biết 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Friends of Earth, Foodwatch, Attac, Emmaus International, trong tuyên bố chung, nhận định Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu - Việt Nam không đáp ứng được trước « các thách thức khẩn cấp mà hiện nay Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đang phải đối phó », chẳng hạn giảm bất bình đẳng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu … Cũng theo các tổ chức này, dưới chế độ độc đảng, không có đủ đảm bảo là chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền : « Việc trấn áp về chính trị và của công an đặc biệt nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, môi trường và tất cả những người chỉ trích chế độ ».

Thực ra, văn bản hiệp định có nêu các quy định về điều kiện lao động, việc tôn trọng, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Nghị Viện Châu Âu cũng nhấn mạnh : « Trong trường hợp vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể sẽ bị đình chỉ ».

Liên Hiệp Châu Âu hy vọng Nghị định sẽ cho phép củng cố vị thế của Liên Âu tại thị trường Việt Nam, quốc gia có trên 95 triệu dân. Liên Âu là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là linh kiện, thiết bị điện tử, hàng may mặc và thực phẩm. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Liên Âu và Việt Nam đạt gần 48 tỉ mỗi năm, thêm vào đó là 4 tỉ euro dịch vụ.

Đi kèm với Hiệp định tự do mậu dịch là thỏa thuận bảo hộ đầu tư. Văn này chỉ có hiệu lực sau khi được nghị viện của tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.
Ngày 04/02/2020, một lá thư ngỏ đã được 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ký tên và gửi đến các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, kêu gọi hoãn ký Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu-Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền.

Báo Bỉ La Libre cho biết, hôm qua, Nghị Viện Châu Âu đã bác bỏ đề nghị của hai nhóm nghị sĩ, đảng Xanh/ Liên minh Tự do châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả châu Âu Thống Nhất (GUE) muốn tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận.






No comments: