Tuesday, April 15, 2025

VIỆT - TRUNG KÝ 45 VĂN BẢN HỢP TÁC 'MỞ KỶ NGUYÊN MỚI' (Người Việt)

 



Việt – Trung ký 45 văn bản hợp tác ‘mở kỷ nguyên mới’

Người Việt

April 14, 2025 : 2:48 PM

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-trung-quoc-ky-45-van-ban-hop-tac-mo-ky-nguyen-moi/  

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết 45 văn bản hợp tác trên nhiều lãnh vực khi lãnh tụ hai nước Cộng Sản anh em hô hào cùng nhau nắm tay “mở ra kỷ nguyên mới.”

 

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội sáng Thứ Hai, 14 Tháng Tư, 2025, bắt đầu cuộc thăm viếng chính thức hai ngày với nghi lễ trọng thể nhất, giữa lúc cuộc thương chiến giữa Bắc Kinh và Washington mà Hà Nội cũng chết kẹt trong đó, vẫn còn vô cùng căng thẳng và chưa biết sẽ đi về đâu.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-bao-Hanoi-TapCanBinh-thamvieng-NhacNguyen-AFP-041425-1536x1022.jpg

Sạp báo trên lề đường Hà Nội ngày 14 Tháng Tư, 2025, với tin lớn về Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

 

Chuyến thăm ba nước ASEAN gồm Việt Nam, Malaysia và Cambodia của ông Tập Cận Bình được nhận định là Bắc Kinh nhân cuộc thương chiến “thuế quan đối ứng” do chính phủ Trump phát động làm thị trường cả thế giới hoảng loạn, thúc giục bắt tay nhau hợp tác chặt chẽ hơn để mở ra “kỷ nguyên mới.” Cái “kỷ nguyên mới” này được hiểu như một trật tự thế giới mới mà Trung Quốc là ông trùm ra lệnh.

 

Chuyến thăm Việt Nam lần thứ năm của ông Tập Cận Bình và chỉ sau chuyến thăm trước chưa đầy 18 tháng, được mô tả là đặt trọng tâm về kinh tế thương mại với những nét nổi bật gồm dự án đường sắt Hà Khẩu (Vân Nam)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và bán máy bay thương mại COMAC. Nhưng nền tảng cốt lõi bên dưới vẫn là thế đứng địa chính trị của Việt Nam ở khu vực mà Bắc Kinh thấy ngày càng quan trọng hơn khi Việt Nam trở thành một trong những cái nôi sản xuất hàng hóa của thế giới.

 

Cùng ngày đến Hà Nội, ông Tập Cận Bình được cho đăng tải trên tờ Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng CSVN, bài viết kêu gọi “tôi mong cùng với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam chia sẻ tình hữu nghị, cùng bàn bạc hợp tác, đưa ra tầm nhìn mới cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược trong thời đại mới.”

 

Cũng trong ngày này, tờ nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đăng tải bài viết của ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Tô Lâm, ca ngợi chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, và cũng hô hào hai bên “chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.”

 

Khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 đến phía Nam đảo Tri Tôn, đảo cực Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi,” khoan tìm dầu khí, dẫn đến các cuộc đối đầu căng thẳng hơn hai tháng mùa Hè năm 2014, nhiều người ở Việt Nam, gồm cả đảng viên cấp cao CSVN, kêu gọi “thoát Trung.”

 

Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, nền kinh tế của Việt Nam ngày càng lún sâu vào sự phụ thuộc nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà sản xuất ở Hoa Lục cung cấp nguyên vật liệu, bộ phận rời, phụ tùng, cho các công ty của Việt Nam lắp ráp rồi bán đi khắp nơi, đặc biệt thị trường Mỹ. Cũng vì vậy mà Việt Nam đã bị Washington áp đặt thuế quan đối ứng lên đến 46% hiện đang phải lo gỡ thế kẹt qua các cuộc đàm phán cho một thỏa hiệp thương mại song phương mới, gồm cả chuyện  không làm “sân sau” cho Trung Quốc bán hàng sang Mỹ.

 

Cả Bắc Kinh và Hà Nội sẽ đều phải tìm kiếm, mở rộng thị trường ra các nước và các khu vực khác thay vì chú trọng vào thị trường Mỹ để tránh thế kẹt khi bị Washington ra đòn.

 

Ngày 6 Tháng Tư, Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính kêu gọi các bộ ngành nhà nước “tiếp tục giải quyết các quan tâm của Hoa Kỳ bằng biện pháp thuế quan và phi thuế quan.” Đồng thời ông hối thúc phải “tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hơn, không phụ thuộc vào một thị trường, khai thác các thị trường mới tiềm năng…”

 

Tại cuộc họp ở Hà Nội hôm Thứ Hai, 14 Tháng Tư, ông Tập Cận Bình được Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) thuật lời “đề nghị hai bên kiên trì làm sâu sắc hơn tin cậy chiến lược, đi sâu trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy vững chắc sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của hai nước; thực hiện tốt hợp tác kết nối giữa sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ với khuôn khổ ‘Hai hành lang, Một vành đai’”…

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-To-Lam-TapCanBinh-xem-45-vankien-hoptac-Hanoi-NhacNguyen-AFP-041425-1536x1024.jpg

Ông Tô Lâm (trái) và ông Tập Cận Bình xem triển lãm 45 văn bản hợp tác giữa hai nước được trưng bày tại trụ sở Trung ương đảng CSVN ngày 14 Tháng Tư 2025. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

 

Ông Tập “hoan nghênh càng nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn của Trung Quốc, khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư; tăng cường hợp tác chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao như 5G, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, chip bán dẫn, phát triển xanh, chuyển sáng tạo khoa học công nghệ thành sức sản xuất thực chất…”

 

Tuy nhiên, trước áp lực của Mỹ, Bộ Công Thương CSVN đang được lệnh tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về xuất xứ hàng hóa hầu tránh bị Washington cáo buộc cho Trung Quốc tuồn hàng sang Mỹ để tránh thuế quan trừng phạt. Trước nguy cơ sống còn của mình, Hà Nội khó tránh phải hy sinh một vài lợi ích.

 

Lời kêu gọi của ông Tô Lâm “chung tay mở ra kỷ nguyên mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc,” và lời  thúc hối của ông Tập Cận Bình “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược trong thời đại mới” sẽ diễn tiến thế nào trong những ngày tháng tới đây?  Nó còn tùy thuộc cuộc đàm phán thương mại và thuế quan giữa Hà Nội với Washington. (NTB) [kn]

 





No comments: