Việt
Nam : “Bạn” hay “thù” trong chính sách đánh thuế của Trump ?
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 07/04/2025 - 08:57
Ngày
02/04/2025, tổng thống Donald Trump tuyên bố “giải phóng” nước
Mỹ khỏi 50 năm bị cả thế giới lừa đảo. Ông cáo buộc : “Bạn của chúng ta
còn tệ hơn cả kẻ thù của chúng ta”. Việt Nam được ông Trump đánh giá
là “nước đàm phán tài ba” và ông “thích đất nước này” nhưng
vẫn quyết định đánh thuế 46%, chỉ một nửa mức 90% mà Việt Nam đánh vào hàng Mỹ
theo tính toán của Nhà Trắng.
HÌNH
:
Ảnh
lưu trữ : Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phủ chủ tịch Việt Nam, Hà Nội, Việt
Nam, ngày 27/02/2019. REUTERS - Leah Millis
Việt
Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, cùng với Trung Quốc, Cam Bốt,
Lào, Indonesia, Miến Điện. Theo một số chuyên gia, được trang VnExpress trích dẫn
ngày 03/04, các ngành có tỷ trọng xuất cao sang Mỹ cũng là các nhóm chịu tác động
lớn từ mức thuế 46% : thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, nội thất, giấy bột, dệt may,
giày dép, máy móc, thiết bị, linh kiện, điện tử...
Hoa
Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và hoạt động xuất khẩu chiếm đến
đến 85% GDP đất nước. Tại sao Việt Nam lại bị áp mức thuế cao 46% ? Nền kinh tế
và sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị tác động lớn đến mức nào ? Việt Nam có thể
thuyết phục được chính quyền Trump xem xét lại mức thuế ?
RFI Tiếng
Việt đặt câu hỏi với ông Hubert Testard, chuyên gia về châu Á và các thách thức
kinh tế quốc tế, tổng biên tập báo mạng Asialyst chuyên về châu Á.
RFI : Ngày
02/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng thuế đối ứng với 180 nước
trên thế giới cùng với biểu thuế đánh vào mỗi nước. Tỷ lệ này được tính như thế
nào ?
Hubert
Testard : Văn
phòng Đại diện Thương mại Mỹ - USTR đã công bố một tài liệu giải thích cách họ
thực hiện tính toán. Đây là một tài liệu phức tạp với nhiều phương trình nên mọi
thứ không thực sự rõ ràng. Nhưng điểm nổi bật trong tài liệu này là USTR không
chỉ tính đến sự chênh lệch về thuế quan giữa các nước mà còn tính đến tầm quan
trọng của thương mại song phương và giá cả liên quan đến hàng nhập khẩu Mỹ. Có
nghĩa là họ cũng nghiên cứu xem mức thuế quan của mỗi nước làm giảm lượng hàng
nhập khẩu từ Hoa Kỳ bao nhiêu. Cho nên đây là phép tính khá phức tạp.
Tôi
cho rằng những tính toán đó rất tùy tiện vì nó bao gồm cả những đánh giá về các
biện pháp phi thuế quan mà về bản chất là rất phức tạp. Ví dụ, nếu một quốc gia
có những yêu cầu khá cao về an toàn thực phẩm, như trường hợp của Úc, đất nước
rất khắt khe về nhập khẩu nông sản vì lý do an toàn, còn Hoa Kỳ thì coi đó là một
trở ngại, sau đó quy đổi thành thuế quan. Cho nên, trên thực tế, quyết định đó
rất võ đoán.
*
RFI : Tổng
thống Trump áp mức thuế 46% đối với sản phẩm của Việt Nam. Nên giải thích như
thế nào về mức thuế cao như vậy đối với Việt Nam ?
Testard : Thông thường mức
chênh lệch trung bình về thuế quan giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không quá cao. Và
trên thực tế, thuế trung bình của Việt Nam thấp hơn một chút so với thuế của Mỹ.
Trường hợp này không đúng với một số sản phẩm, ví dụ ô tô hoặc nông phẩm mà Việt
Nam áp dụng khá nhiều loại thuế hải quan. Nhưng thuế hải quan của Việt Nam nhìn
chung không quá cao.
Vậy
phải giải thích thế nào về tỉ lệ 46% ? Tôi cho là chủ yếu do khối lượng xuất khẩu
lớn của Việt Nam sang Mỹ và quy mô thặng dư thương mại của Việt Nam. Có nghĩa
là Việt Nam mua rất ít sản phẩm Mỹ nhưng lại bán rất nhiều cho Hoa Kỳ. Và đó là
lý do tại sao Việt Nam bị đánh thuế rất nặng. Tổng thống Trump nói đến thuế đối
ứng nhưng thực ra, lập luận của chính quyền Mỹ chủ yếu dựa trên tầm mức trao đổi
thương mại và quy mô của thâm hụt thương mại.
Đọc
thêm
Tăng nhập hàng Mỹ, vận động hành lang : Việt Nam tháo gỡ
nguy cơ đánh thuế của TT Trump
*
RFI : Ngoài
ra, liệu yếu tố Trung Quốc có nằm trong quyết định áp mức thuế cao như vậy đối
với Việt Nam không ? Một số nước Đông Nam Á cũng bị áp thuế cao như Việt Nam có
phải do là điểm trung chuyển để tái xuất hàng hóa Trung Quốc ?
Hubert
Testard : Cũng
có thể là có vai trò nào đó. Nhưng tôi không cho đó là yếu tố chính bởi vì
không phải tất cả hàng Việt Nam xuất khẩu đều là hàng Trung Quốc đội lốt. Có rất
nhiều mặt hàng xuất khẩu được sản xuất từ các nhà
máy do Hàn Quốc, Nhật Bản
thành lập hoặc của nhiều nước khác và cũng từ các nhà máy của Việt Nam.
Tôi
không nghĩ Trung Quốc là yếu tố chính mà do thực tế là Việt Nam có thặng dư rất
lớn với Hoa Kỳ. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới có thặng dư thương lớn
với Mỹ và đó là lý do chính khiến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
*
RFI : Trước
khi tổng thống Trump công bố loạt thuế mới, đã có thông tin là một phái đoàn Việt
Nam sẽ tới Hoa Kỳ ngay cuối tuần, từ ngày 06/04. Hai hãng hàng không Vietnam
Airlines và Vietjet sẽ gặp Boeing còn phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tới Washington.
Việt Nam có thể đàm phán như thế nào với chính quyền Trump ?
Hubert
Testard : Việt
Nam đã có những biện pháp về hàng xuất khẩu của Mỹ, như giảm thuế quan đối với
khí tự nhiên hóa lỏng, ô tô. Việt Nam đã có nhiều động thái nhưng chưa có tác động
gì cho đến nay và vẫn chưa thay đổi được điều gì. Vậy điều này được hiểu như thế
nào ? Có khả năng là chính quyền Trump sẽ yêu cầu nhân nhượng nhiều hơn và
giải thích với phái đoàn Việt Nam rằng như vậy là chưa đủ và Hà Nội cần phải
làm nhiều hơn nữa để thay đổi tình hình. Vì vậy, sẽ còn phải chờ vào giai đoạn
đàm phán.
Xin
nhắc lại là vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, chính
phủ Mỹ đã ban hành nhiều loại thuế quan, nhưng chủ yếu đánh vào các sản phẩm
thép, nhôm và một số mặt hàng tiêu dùng. Trong thời gian đầu, tất cả đều bị
đánh thuế. Tiếp theo, trong giai đoạn thứ hai, ông Trump đã đàm phán nhượng bộ
và miễn trừ cho từng quốc gia. Hầu hết các nước được hưởng biện pháp này, ngoại
trừ Trung Quốc.
Đọc
thêm
TT Mỹ Donald Trump thông báo đánh thuế 25 % nhôm và thép nhập
khẩu
Vì
vậy, tôi nghĩ rằng tất cả các nước đều hy vọng rằng tiến trình tương tự có thể
sẽ diễn ra. Các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến kết quả. Nhưng hiện giờ, tiêu chuẩn đặt
ra cao hơn nhiều so với trước đây. Mức thuế quan 10% đã được quyết định áp dụng
cho toàn thế giới, ngay cả Úc, Anh, Singapore… chẳng hạn cũng chịu mức thuế
10%. Cho nên, theo tôi, mức thuế hải quan 10% sẽ được giữ nguyên bởi vì đó là số
tiền mà chính quyền Trump muốn thu hồi (thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2024 là
1.200 tỷ đô la) để có thể tài trợ cho việc cắt giảm thuế. Sau đó là phần có thể
thương lượng. Và hiện giờ, rất khó để có thể đoán chuyện gì sẽ xảy ra về phần
có thể thương lượng được này.
Vấn
đề hiện nay là Hoa Kỳ sẽ phải đàm phán với không biết bao nhiêu nước. Tôi cho
là khả năng đàm phán của USTR không phải là vô hạn, cho nên họ có thể sẽ chọn từng
quốc gia một và việc này sẽ mất thời gian. Do đó, trong thời gian đầu, các mức
thuế trên 10% vẫn được áp dụng từ ngày 09/04. Tình trạng này dự kiến sẽ kéo dài trong một
thời gian.
*
RFI : Mức
thuế suất rất cao mà Mỹ áp dụng đối với Việt Nam có tác động đến khả năng cạnh
tranh của Việt Nam so với các nước khác ở Đông Nam Á ?
Hubert
Testard : Có.
Tác động đầu tiên, theo tôi, sẽ là về kinh tế khi chúng ta biết rằng xuất khẩu
sang Mỹ chiếm 25% GDP của Việt Nam. Cú sốc sẽ rất dữ dội, xuất khẩu sẽ giảm mạnh.
Vì vậy, GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Có thể thấy tác động đầu tiên sẽ là một
cú sốc kinh tế, chắc chắn sẽ rất lớn đối với trường hợp của Việt Nam.
Thứ
hai, xét về mặt cạnh tranh, vấn đề này khá phức tạp vì mỗi nước bị áp mức thuế
khác nhau. So với Trung Quốc thì không có thay đổi nhiều vì mức thuế mà Mỹ áp dụng
với Việt Nam là tương đương với Trung Quốc. Tháng 03/2025, Trung Quốc đã bị
đánh thuế 20%, cho nên với mức thuế bổ sung 34% thì Trung Quốc đang chịu hơn
50%. Do đó, Việt Nam so với Trung Quốc thì không có cú sốc cạnh tranh nào.
Đọc
thêm
Việt Nam sẵn sàng nhập thêm nông sản Mỹ để đối phó với chính
sách thuế quan mới của TT Trump
Tuy
nhiên, so với các nước khác thì sức cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị tác động. Ví
dụ trong ngành dệt may, vải sợi, một số nước như Ấn Độ, Bangladesh có mức thuế
thấp hơn đáng kể so với Việt Nam. Vì vậy có thể có một số tác động về việc điều
chuyển hàng xuất khẩu từ nước này sang nước khác. Những công ty lớn như Nike có
thể điều chỉnh lại một chút cơ sở công nghiệp của họ trong khu vực, nhưng việc
này cũng cần thời gian. Tôi cũng không chắc là họ sẽ sớm tiến hành vì trước
tiên họ sẽ xem xét liệu mỗi nước có thể đàm phán được điều gì.
*
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn chuyên gia Hubert Testard, tổng biên tập
báo mạng Asialyst chuyên về châu Á.
Việt
Nam dưới sức ép đàm phán với “đối tác chiến lược toàn diện” Mỹ
Ngay
sau tổng thống Trump thông báo biểu thuế, chính phủ Việt Nam lập tổ phản ứng
nhanh, vừa trấn an công luận, vừa ghi nhận ý kiến từ doanh nghiệp, nhất là những
đơn vị xuất khẩu lớn. Hai ngày sau, ngày 04/04, tổng bí thư Tô Lâm điện đàm với
tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm được ông Trump đánh giá trên mang
Truth Social là “rất hiệu quả” và “Việt Nam muốn cắt
giảm thuế quan (đối với hàng nhập khẩu Mỹ) xuống 0% nếu họ có
thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ”.
Truyền
thông trong nước đánh giá đây là “bước đi đúng đắn và thông minh” vì “Việt
Nam không chỉ tránh đối đầu với chính quyền tổng thống Trump”. “Bước
đi này (hy vọng) giúp duy trì xuất khẩu sang Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt
Nam với kim ngạch khoảng 136 tỷ đô la năm 2024 - đồng thời mở đường cho hàng
hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản và công nghệ, vào Việt Nam với giá cạnh tranh hơn”.
Đọc
thêm
Hà Nội muốn Mỹ tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ cao ở
Việt Nam
Tuy
nhiên, quyết định nằm trong tay chính quyền tổng thống Trump. Nhiệm vụ thuyết
phục người đứng đầu Nhà Trắng được giao cho phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, đến Mỹ
công tác từ 06-14/04. Nếu bị đánh thuế 46%, GDP của Việt Nam sẽ bị mất 3%, theo
thẩm định của công ty Bảo Minh - BMI, được Reuters trích dẫn ngày 06/04. Và nếu
bị áp mức thuế thấp nhất là 10%, GDP của Việt Nam sẽ bị mất 0,85%.
Về
lâu dài, chính phủ, cũng như giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần “mở
rộng, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy và khai thác thị trường nội địa
hóa”. Theo thủ tướng Phạm Minh Chính, cú sốc lần này cũng “là cơ hội
cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, dựa vào công
nghệ, đổi mới sáng tạo” và hướng đến những thị trường xuất khẩu mới.
-------------------------------
Các
nội dung liên quan
VIỆT
NAM - NHÂN SỰ
Việt
Nam cải cách bộ máy Nhà nước, tăng hấp lực vào lúc Mỹ gia tăng sức ép về
thương mại
Tạp
chí Việt Nam
Việt
Nam mua vũ khí lớn của Mỹ: Bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng song phương?
No comments:
Post a Comment