Thursday, April 10, 2025

VIỆT NAM ĐANG BỊ ÉP GIỮA HAI TRUNG TÂM QUYỀN LỰC (Người Việt)

 



Việt Nam đang bị ép giữa hai trung tâm quyền lực

Người Việt

April 10, 2025 : 3:37 PM

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/viet-nam-dang-bi-ep-giua-hai-trung-tam-quyen-luc/#google_vignette

 

*Chuyện Vỉa Hè
*Tư Ngộ

 

Tân Hoa Xã ngày Thứ Tư mùng 9 Tháng Tư cho hay, Chủ tịch Tập Cận Bình họp Bộ Chính trị thảo luận về chuyến công du sắp tới khi tình hình thương mại với Mỹ đang rất căng thẳng.

 

Chưa thấy có tin tức chính thức được loan báo nhưng những gì được xì ra thì ông Tập Cận Bình sẽ công du 3 nước ASEAN gồm Việt Nam, Cam Bốt và Malaysia. Ông dự trù đến Hà Nội ngày 14 Tháng Tư với trọng tâm về các vấn đề thương mại và đầu tư giữa hai nước.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-Lego-packaging-BinhDuong-STR-AFP-040925-1536x1024.jpg

Nhân viên đóng gói đồ chơi nhựa Lego trên dây chuyền sản xuất. Công ty Lego khánh thành ngày 9 Tháng Tư 2025 cơ sở sản xuất ở Bình Dương với vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

 

Chuyến công du các nước láng diềng của ông diễn ra khi cuộc thương chiến giữa Bắc Kinh và Washington đang lên căng như dây đàn. Bị Tổng thống Mỹ áp đặt thuế quan đối ứng 34% cộng với 20% trước đó lên thành 54%, Bắc Kinh trả đòn liền với 34% thuế quan cho hàng Mỹ. Các nước không đánh trả thì đều được Mỹ hạ xuống chỉ còn 10% và đồng thời hoãn 90 ngày để các đối tác đàm phán. Riêng Trung Quốc lại bị nhấn thêm 50% nữa thành 104% thuế quan. Bắc Kinh lại đáp lại với 50% “đối ứng” thành 84% cho hàng Mỹ. Đến ngày 10 Tháng Tư thì Washington đã đè thuế quan đối ứng với hàng Trung Quốc nhập khẩu là 145%, coi như hết cửa cho Hoa Lục kiếm ăn.

 

Trước các đòn thương mại liên tiếp của ông Trump, Bắc Kinh đánh trả mạnh mẽ để chứng tỏ cho thế giới chứ không riêng gì ba nước ông sắp công du là họ không ngán gì Mỹ. Ông Tập Cận Bình muốn nói với thế giới là Trung Quốc không còn là con cọp giấy để có thể hiếp đáp. Chơi kiểu nào họ cũng có võ thù tiếp.

 

Trong cuộc họp Bộ Chính trị ở Bắc Kinh, Tân Hoa Xã thuật lại lời ông Tập Cận Bình nói ông sẽ kêu gọi các nước láng diềng “cùng nhau xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai. Đồng thời chuyến thăm viếng mở ra cánh cửa mới cho Trung Quốc hợp tác với các lân bang.”

 

Cái bánh vẽ “cộng đồng cùng chung vận mệnh” hay “cộng đồng cùng nhau chia sẻ tương lai” ấy không phải mới mẻ gì. Tập Cận Bình đã từng hò đi hò lại suốt mấy năm qua, nay ông ấy lại lôi ra hò tiếp. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nghe đầy lỗ tai khi còn sống nay tới lần ông Tô Lâm lên thay thì lại hân hạnh nghe tiếp.

 

Tin cho hay tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình sẽ chứng kiến buổi ký kết “hiệp định khung” cho Hà Nội vay hơn $8 tỉ USD để làm đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Bắc Kinh cũng đang chèo kéo bán máy bay vận chuyển hành khách cỡ nhỏ cho một công ty Việt Nam. Lại còn dự án làm đường sắt tốc độ cao bắc nam dự trù hơn $80 tỉ đô nữa. Toàn những dự án béo bở, khổng lồ không nằm ngoài cái khung chiến lược “vành đai và con đường” mà Bắc Kinh cổ võ lâu nay.

 

Vì cả nhu cầu địa chính trị và kinh tế, Bắc Kinh tới giờ này vẫn tảng lờ để Hà Nội cơi nới một số đảo và bồi đắp một số bãi đá ngầm ở Trường Sa, gồm cả phi đạo cho máy bay quân sự cỡ lớn ở đảo nhân tạo Thuyền Chài hiện đang được hoàn tất.

 

Việt Nam, Cam Bốt và Malaysia đều đang bị Mỹ vật “thuế quan đối ứng” đến nghẹt thở nên đã vội hạ thấp hàng rào thuế quan đồng thời xin điều đình nhằm giải quyết tất cả những vấn đề thương mại mà Washington kêu là mình bị “lừa gạt”. Trong đó, cả ba nước đều bị Washington lên án là sân sau để Hoa Lục tuồn hàng trốn thuế sang Mỹ.

 

Hàng trăm công ty Trung Quốc chạy sang Cam Bốt, Việt Nam và Malaysia thiết lập hãng xưởng, lắp ráp hoàn chỉnh các bộ phận rời hay nguyên liệu nhập cảng từ Hoa Lục rồi xuất cảng sang Mỹ. Cố vấn thương mại của ông Trump nói thẳng ra điều này nên người ta hiểu tình trạng này khổng thể kéo dài mãi được.

 

Để thỏa mãn yêu sách của Mỹ, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 5 Tháng Tư bắn tiếng sẽ thi hành các biện pháp “hài hòa chia sẻ” với Washington gồm cả chuyện phải mua võ khí của Mỹ. Trang bị an ninh quốc phòng của Mỹ thì nổi tiếng tốt hơn của thiên hạ nhưng đồng thời rất đắt đỏ. Nhưng Bắc Kinh có để yên cho Hà Nội sắm những thứ “hàng nóng” hay không? Chắc là không.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-cua-khau-LangSon-taixe-ancom-STR-AFP-010722-1536x1024.jpg

Tài xế xe tải chở nông sản và thủy sản ngồi vạ vật trên đất tại bãi đậu xe ở cửa khẩu Lạng Sơn hồi đầu năm 2022 vì Trung Quốc đổi thủ tục kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

 

Bắc Kinh có nhiều lá bài từ sức ép kinh tế đến áp lực quân sự, thứ nào cũng có thể gây khốn đốn cho Hà Nội. Chỉ cần Trung quốc cản trở không bán nguyên vật liệu và phụ tùng để các công ty ở Việt Nam lắp ráp sản xuất, cũng như ngăn trở các đoàn xe tải chở sản phẩm nông nghiệp tại các cửa khẩu giữa hai nước, cũng đủ làm Hà Nội xính vính, chưa nói tới dọa đánh.

 

Cuối năm 2024, có tin Việt Nam với Mỹ đang tiến hành thủ tục mua bán 3 máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules. Chúng không phải là máy bay tấn công nên không thấy Bắc Kinh nói gì. Tuy nhiên, Tháng Chín 2023, khi thấy hãng tin Reuters cho hay Việt Nam tính mua máy bay khu trục F-16 Fighting Falcon của Mỹ, Bắc Kinh liền gằn giọng nói rằng chuyên mua sắm võ khí của Hà Nội “không được ảnh hưởng đến nước thứ ba”.

 

Một mặt, Washington muốn đẩy ảnh hưởng của Bắc Kinh ra khỏi Việt Nam từ kinh tế đến chính trị, quân sự nếu muốn giữ lấy thị trường Mỹ để bán hàng. Một mặt, Tập Cận Bình muốn kéo thầy trò Tô Lâm vào sâu hơn cái quỹ đạo “cùng chung vận mệnh”, “chia sẻ tương lai” nhằm đánh bật Mỹ ra ngoài. Một số nhà phân tích thì cho rằng CSVN cố duy trì cái thế đu dây để vừa tồn tại vừa hưởng lợi. Một số nhà phân tích khác thì cho rằng nếu bị Washington ép quá đáng thì cũng có thể Hà Nội phải ra dấu hiệu chọn bên.

 

Chuyến đi của Tập Cận Bình tới Hà Nội tuần sau và chuyến đi của Tô Lâm đến Washington có thể khoảng cuối Tháng Năm hay sang Tháng Sáu cho người ta hiểu biết rõ hơn phần nào.

 

 

 



No comments: