Thursday, April 10, 2025

SAU 50 NĂM 'GIẢI PHÓNG', 70 GIA ĐÌNH SỐNG GIỮA THÀNH PHỐ CÀ MAU MƠ CÓ ĐƯỜNG, ĐIỆN, NƯỚC (Người Việt)

 



Sau 50 năm ‘giải phóng,’ 70 gia đình sống giữa thành phố Cà Mau mơ có đường, điện, nước

Người Việt

April 9, 2025 : 12:45 PM

 https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/50-nam-giai-phong-70-gia-dinh-song-giua-thanh-pho-ca-mau-mo-co-duong-dien-nuoc/

 

CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Trong khi giới hữu trách Việt Nam bỏ ra hàng chục triệu đô la để tổ chức lễ lạc mừng “50 năm giải phóng miền Nam,” thì hàng chục gia đình ở phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đến nay vẫn sống trong cảnh không điện lưới, nước máy, phải đi lại bằng ghe xuồng.

 

Xác nhận với báo Tuổi Trẻ hôm 9 Tháng Tư, ông Nguyễn Văn Nhứt, phó chủ tịch phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau, cho biết hiện 70 gia đình ở tuyến kênh Lung Lá dài khoảng 3 km, thuộc khóm 5, phường Tân Xuyên, vẫn phải sống trong cảnh “ba không”: không có điện lưới quốc gia, không đường giao thông nông thôn và không có nước sạch sử dụng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-Ca-mau-thieu-duong-dien-nuoc-1-1536x865.jpg

Dù sát bên trung tâm thành phố Cà Mau nhưng người dân ở kênh Lung Lá, khóm 5, phường Tân Xuyên, vẫn sống trong cảnh không điện, đường, nước, suốt 50 năm qua. (Hình: Thanh Huyền/Tuổi Trẻ)

 

“Địa phương đã trình cấp thẩm quyền làm đường và điện sinh hoạt, nhưng hiện nay thứ tự ưu tiên vẫn còn để đầu tư một số tuyến khác nên tuyến này vẫn chưa được thi công,” ông Nhứt cho biết.

 

Hầu hết cư dân nơi đây là người địa phương, có những gia đình đã định cư hơn 50 năm “trước giải phóng.” Từ lâu, họ đã nuôi hy vọng có một con đường giao thông nông thôn để kết nối với các khu vực khác của thành phố. Nhưng suốt bao năm qua, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.

 

“Người dân nơi đây đã kiến nghị nhiều lần với hy vọng có một con đường kiên cố đi lại trong hai mùa mưa nắng, nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở mức ‘khảo sát.’ Mỗi lần mưa xuống, đường đất lầy lội, đi lại vô cùng khó khăn. Người dân hùn nhau làm được một vài đoạn đường với chiều ngang khoảng 30cm, song do đường quá hẹp không giáp được hết lại trơn trượt nên có khi xe gắn máy lật xuống sông khi đi,” ông Võ Văn Trọng bất bình nói.

 

Đường đi đã khó, điện sử dụng lại còn khó hơn.

 

Nói với báo Tuổi Trẻ, bà Đặng Tuyết Mai cho biết sống ở xứ này không có điện lưới quốc gia để sử dụng nên ai muốn xài điện phải “chia hơi” (nhiều gia đình kéo lại từ một hộ đã hạ thế) ở cách xa nơi này hàng cây số.

 

“Đường dây điện vượt vuông tôm người dân, nhiều khi mưa gió cây gãy ngã xuống, rất nguy hiểm. Có điện nhưng đâu xài được các thiết bị, chỉ xài được hai bóng đèn với một cây quạt. Tivi ngay lúc cao điểm nhiều nhà xài thì không mở lên được, nấu cơm cũng không chín, tiền điện thì dù xài ít thiết bị nhưng mỗi tháng vẫn tốn vài trăm ngàn đồng,” bà Mai ngao ngán nói.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-Ca-mau-thieu-duong-dien-nuoc-2-1536x869.jpg

Gia đình cô Nguyễn Ngọc Thùy phải dùng máy dầu để kéo hệ thống nén hơi bơm nước từ mạch nước ngầm lên xài thay nước máy. (Hình: Thanh Huyền/Tuổi Trẻ)

 

Cũng vì không có điện, ông Nguyễn Văn Lượng sống trong căn nhà tối om, tài sản có giá trị và được ông Lượng yêu quý nhất chính là bóng đèn có tấm pin năng lượng mặt trời bằng gang tay.

 

Không chỉ thiếu điện, nước sạch từ nhà máy nước cũng là thứ xa xỉ đối với người dân nơi đây.

 

Cô Nguyễn Ngọc Thùy cho biết, những khi có chồng ở nhà thì anh giúp quay (start) cái máy dầu để kéo hệ thống nén hơi bơm nước từ mạch nước ngầm lên xài, nhưng khi chồng đi làm mà muốn xài nước thì phải nhờ hàng xóm sang quay giùm.

 

“Sống ở đây mang tiếng thành phố Cà Mau mà khổ trăm bề, con cái đi học khó khăn, không buôn bán gì được,” cô Thùy nói. (Tr.N) [kn]






No comments: