Vì
sao Mỹ và Iran khẩn cấp mở đàm phán về hạt nhân?
Trọng Thành
- RFI
Đăng
ngày: 24/04/2025 - 16:05
Ngày
12/04/2025 vừa qua, tức hơn hai tháng kể từ khi Donald Trump trở lại nắm quyền,
Iran và Mỹ quyết định nối lại đàm phán để tìm cách đạt được thỏa thuận về một
loạt các vấn đề đang khiến căng thẳng song phương có thể biến thành chiến
tranh, trong đó căn bản nhất là chương trình hạt nhân quân sự của Iran. Vì sao
Mỹ và Iran nhanh chóng nối lại đàm phán ?
HÌNH
:
Bên
ngoài sứ quán Oman tại Roma, Ý, nơi diễn ra đàm phán "gián tiếp" giữa
Mỹ và Iran, ngày 19/04/2025. AP - Andrew Medichini
Đây
là lần đầu tiên Mỹ và Iran khởi sự đàm phán kể từ năm 2018, tức là từ khi nước
Mỹ - trong nhiệm kỳ Donald Trump đầu tiên - đơn phương rút hỏi Hiệp định về hạt
nhân Iran, gọi tắt là JCPOA, ký kết năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc (Mỹ,
Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga), với nội dung chủ yếu là dỡ bỏ các trừng phạt
quốc tế đổi lấy việc Iran ngừng chương trình phát triển hạt nhân quân sự.
Đàm
phán vừa được mở lại thông qua trung gian của quốc gia vùng Trung Cận Đông
Oman, do Mỹ và Iran đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ 45 năm nay sau cuộc cách mạng
Hồi Giáo. Quan điểm của lãnh tụ tối cao Iran là bác bỏ việc đàm phán trực tiếp
với Mỹ.
Chương
trình tên lửa đạn đạo, hay chính sách của Iran đối với các lực lượng vũ trang
thân Teheran trong khu vực, mà Mỹ và Israel lo ngại được Iran sử dụng để chống
lại các lợi ích của mình tại khu vực, có thể là nội dung của các thương thuyết
mà Mỹ muốn gây sức ép để buộc Iran phải có các nhân nhượng. Tuy nhiên, chương
trình vũ khí hạt nhân của Iran được coi là điểm then chốt. Trong một phát biểu
trên The Wall Street Journal, tổng thống Donald Trump nhấn mạnh « lằn
ranh đỏ » của Washington là Iran không được « quân sự hóa năng
lực hạt nhân ». Về phần mình, Ali Shamkhani, một cố vấn của thủ lĩnh tối
cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, khẳng định : Iran tham gia đàm phán không
nhằm mục tiêu « xây dựng hình ảnh », mà hy vọng đạt được
« một thỏa thuận nghiêm túc và công bằng ».
Trump
có thể đã rút được bài học thất bại của nhiệm kỳ đầu
Trong
một cuộc trả lời phỏng vấn RFI vào thời điểm Iran và Mỹ mở lại đàm phán, ông Thierry Coville, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc
tế và Chiến lược IRIS (Institut des Relations internationales et stratégiques),
tác giả cuốn « Iran, une puissance en mouvement » (Nxb Eyrolles), nhận
định có thể chính bài học được rút ra từ thất bại trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi
đơn phương rút khỏi thỏa thuận đã khiến tổng thống Trump nhanh chóng nối lại
đàm phán với Iran :
« Có
thể giả định rằng, mặc dù Trump không thể nói ra nhưng
ông đã nhận ra mình đã phạm một sai lầm lớn khi rút khỏi thỏa thuận vào
tháng 5/2018. Có lẽ ông đã quá tin tưởng vào các cố vấn như
John Bolton hay cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người có lập
trường chống Iran rất cực đoan. Chúng ta có thể thấy
rõ rằng kể từ khi tái đắc cử, một mặt đe dọa sẽ có hành động quân sự
chống Iran, hoặc ban hành các lệnh trừng phạt mới, Trump vẫn
liên tục nhắc lại ý muốn đàm phán một thỏa thuận mới với Iran. Vì vậy, tôi nghĩ
rằng Trump có thể hiểu về thất bại này, vì Iran đã rút khỏi thỏa thuận
và chưa bao giờ tiến gần đến năng lực sản xuất vũ khí nguyên tử như vậy.
Rõ ràng là ông đã rút ra bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên. »
Tình
hình khẩn cấp: Lượng Uranium gấp « 41 lần » được phép
Theo
nhà nghiên cứu Thierry Coville, tình hình căng thẳng hiện tại liên quan đến việc
Iran đang tiến gần ngưỡng có uranium được làm giàu đủ mức và đủ lượng để chế tạo
vũ khí hạt nhân, trong lúc báo chí Mỹ nói đến việc Teheran có thể sản xuất được
vũ khí hạt nhân trong ít tuần lễ, là một lý do chính khiến Mỹ phải ráo riết
thúc đẩy đàm phán :
« Iran
được cho là có đủ lượng uranium làm giàu để có khả năng chế tạo ít nhất
bốn quả bom nguyên tử. Vậy nên, thực sự là mọi người đều lo lắng. Hơn nữa, thỏa
thuận trước sẽ hết hạn vào tháng 10/2025. Vì vậy, Hoa Kỳ đã đặt
ra hai tháng để đạt được một thỏa thuận mới, đảm bảo rằng Iran không
tiến tới chế tạo bom nguyên tử. »
Trên
làn sóng RFI, ông David Rigoulet-Roze, chuyên gia về Trung Đông và Bán đảo
Ả Rập, tổng biên tập tạp chí Orients Stratégiques, giải thích : Hiện tại
không có gì ngăn cản Iran về mặt kỹ thuật trong mục tiêu chế tạo được vũ khí hạt
nhân. Iran đang bước vào giai đoạn có thể tăng mức làm giàu uranium từ 60% đến
90%, tức từ mức có chuyển sang chế tạo bom nguyên tử là rất nhanh chóng.
Iran
chưa rút hẳn khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015, cho dù Mỹ đơn phương rút. Nhưng
hành động của Washington đã ảnh hưởng lớn đến việc Thỏa thuận được Iran tuân thủ
theo các điều khoản ban đầu. Theo một báo cáo mật của Cơ quan Năng lượng Nguyên
tử Quốc tế (AIEA), được France 24 trích dẫn hồi cuối tháng 2/2025, lượng dự trữ
Uranium được làm giàu ở mức 60% trong hiện tại gấp đến « 41 lần »
mức Hiệp định 2015 cho phép.
Tính
đến ngày 8/2, Iran sở hữu tổng cộng 274,8 kg, so với 182,3 kg ba tháng trước
đó. Tốc độ sản xuất uranium làm giàu cao ở mức 60%, tức gần với mức 90% cần thiết
để chế tạo vũ khí hạt nhân, đã gia tăng ở Iran. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc
tế (AIEA) xem đây là tình hình « rất đáng lo ngại ». Thậm chí,
theo Ali Vaez, chuyên gia về Iran tại nhóm International Crisis Group, « nếu
lượng uranium mà Iran đang có đã được làm giàu đến mức 90%, thì quốc gia này có
đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân với tốc độ một vũ khí trong một tháng ».
Đầu
tháng 12/2024 vừa qua, Teheran cảnh báo sẽ đưa vào sử dụng các máy ly tâm tiên
tiến mới. Quyết định này ngay lập tức vấp đã phải sự phản đối mạnh mẽ của Hội đồng
thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Tuy nhiên, vào thời điểm loan
truyền báo cáo mật của Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế, Teheran vẫn khăng
khăng bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ.
Đe
dọa từ Mỹ tăng vọt, dân chúng mệt mỏi : Nguy cơ sụp đổ
Vì
sao chính quyền Iran đã nhanh chóng đảo ngược quan điểm khăng khăng không chấp
nhận đàm phán với Mỹ ? Nhà nghiên cứu Viện IRIS nhìn thấy ở đây những lo sợ của
chế độ Hồi Giáo Iran trước các áp lực ngày càng lớn từ bên ngoài cùng tình trạng
phẫn nộ của dân chúng trong nước :
« Đúng
là chỉ một vài tuần trước, lãnh đạo tối
cao Iran còn nói : không được, không được !
Sẽ không khôn ngoan và không hợp lý khi đàm phán với Mỹ. Tuy
nhiên, ông ta đã thay đổi quyết định. Và nếu ông thay đổi
quyết định thì đó là vì thực sự có một cuộc khủng hoảng chính trị ở Iran, kể từ
năm 2022. Có một vấn đề về tính hợp pháp của chính quyền Iran. Có những
khó khăn về kinh tế, mà chúng ta không nên phóng đại, nhưng rõ
ràng có lạm phát, hiện vẫn ở mức 30%, và trên hết là dân
chúng đã mệt mỏi. Vì vậy, chế độ Iran lo sợ nếu có lệnh trừng
phạt mới của Mỹ, thì chắc chắn sẽ có các phong trào phản đối trong dân chúng,
và sau đó, thực sự là có đe dọa về một cuộc tấn công của Mỹ hoặc
Israel. Những điều này thực sự ảnh hưởng đến việc Iran quyết định đàm
phán. »
Chế
được vũ khí hạt nhân phải mất từ một đến ba năm
Trên
thực tế, khả năng Iran sản xuất được vũ khí hạt nhân không còn nằm trong lĩnh vực
kỹ thuật, mà ở quyết định chính trị, theo nhiều chuyên gia. Trong một chương
trình tọa đàm của RFI về chủ đề này, nhà nghiên cứu Clément Therme, giảng viên tại Đại học Paul
Valéry ở Montpellier và Học viện Sciences Po Paris, chuyên gia về thế giới
Iran, nhấn mạnh rõ đến sự khác biệt này :
« Nếu lãnh
tụ tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, ra quyết định thì Cộng
hòa Hồi giáo Iran sẽ phải mất từ một đến ba năm để có
được vũ khí hạt nhân có thể sử dụng được. Vì vậy,
đây chưa phải là vấn đề cấp bách. Chúng ta cần phân biệt giữa
năng lực thực sự sản xuất vũ khí để có thể sử dụng và khả năng
có đủ số lượng uranium để về mặt lý thuyết có thể sản xuất được vũ
khí. Về điểm thứ hai này, thời hạn là ngắn hơn nhiều. Tôi
nghĩ là các phương tiện truyền thông nhầm lẫn giữa việc có được vũ
khí hạt nhân với việc có đủ lượng uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hai chuyện không phải là một. Chính vì vậy vẫn còn có khả
năng đàm phán và trong hiện tại, công cụ được
ưu tiên để kiểm soát tham vọng hạt nhân của Iran
là con đường ngoại giao. »
Đường
cùng mới phải chế vũ khí hạt nhân: Nội bộ chế độ cân nhắc lợi hại
Iran
có thể đạt được một thỏa hiệp về chương trình hạt nhân quân sự với Mỹ trong thời
gian tới hay không ? Đối với nhiều chuyên gia, mấu chốt của vấn đề nằm ở
chỗ các phe nhóm chủ chốt trong chế độ Hồi giáo Iran nhìn nhận ra sao về vấn đề
này. Trả lời RFI, chuyên gia về thế giới Iran Clément Therme giải thích :
« Câu
hỏi đặt ra là phát triển chương trình hạt nhân quân sự có phục vụ cho
lợi ích của nước Cộng hòa Hồi Giáo Iran hay không và quyết định này
có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ Cộng hòa Hồi
Giáo Iran hay không? Tổng thống Pháp Jacques Chirac, trong
một cuộc trả lời phỏng vấn nổi tiếng với tờ New York
Times hồi 2006, từng nói rằng nếu Teheran tìm cách sở hữu vũ khí
hạt nhân, Iran sẽ bị nguyền rủa.
Như
vậy, nhìn chung có thể thấy nếu Iran phát triển chương trình hạt
nhân quân sự, chế độ Hồi Giáo sẽ sụp đổ. Có một cuộc tranh luận trong nội
bộ chế độ Iran về việc có nên phát triển chương trình
hạt nhân quân sự hay không. Cuộc tranh luận này dựa trên ý tưởng chính: nếu
Israel và Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân dân sự của Iran,
thì chế độ Hồi giáo có thể sẽ quyết định nhanh
chóng phát triển vũ khí hạt nhân.
Tôi
nghĩ là hiện tại có một nhận thức chung: Cái giá mà Iran phải trả,
nếu quyết định thúc đẩy chương trình hạt nhân quân sự, sẽ lớn hơn các lợi ích
mà chế độ Hồi giáo Iran có thể thu được từ việc phát triển vũ khí hạt nhân, mà
rõ ràng là một mối đe dọa tồn vong đối với chế độ. »
--------------------------------
Các
nội dung liên quan
HOA
KỲ - IRAN - HẠT NHÂN
Donald
Trump quả quyết Mỹ và Iran trực tiếp đàm phán về hồ sơ hạt nhân
IRAN
- MỸ - VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Vũ
khí Hạt nhân : Mỹ và Iran khởi động đàm phán tại Oman
HẠT
NHÂN - IRAN - MỸ
Iran
và Mỹ đàm phán vòng hai tại Ý dưới sức ép tối hậu thư từ tổng thống Trump
No comments:
Post a Comment