Tuyên bố đầu hàng của
Tổng thống Dương Văn Minh: Tướng Thệ khơi lại tranh cãi, đâu là sự thật?
BBC News Tiếng Việt
25
tháng 4 năm 2025
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgn0957g5ro
Cuộc
tranh cãi về người viết bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh vào
trưa 30/4 lại bùng lên, với những phát biểu mới của Trung tướng Phạm Xuân Thệ.
Hình
ảnh nhóm Quân Giải phóng đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu
từ Dinh Độc lập đi ra xe Jeep để sang Đài phát thanh Sài Gòn. Đại úy Phạm Xuân
Thệ ở bìa phải.
Xuất
hiện trên báo chí Việt Nam trong những ngày hướng tới kỷ niệm sự kiện 30/4,
Trung tướng Phạm Xuân Thệ tiếp tục nhấn mạnh vai trò chủ đạo của mình trong những
diễn biến tối hậu ở Dinh Độc lập. Đó là những đoạn đối thoại giữa ông với Tổng
thống Dương Văn Minh và vai trò chấp bút bản tuyên bố đầu hàng.
Trong
tuyên bố mới nhất về người soạn thảo, ông Thệ nói: "Tôi xin khẳng định đó
là sản phẩm của tập thể, tôi chỉ là người chấp bút."
Ông
Thệ vào thời điểm 30/4/1975 là một đại úy, trung đoàn phó Trung đoàn 66 bộ binh
(Đoàn Đông Sơn) thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Ông là một trong những người có
mặt tại Dinh Độc lập vào những phút cuối cùng trước khi chính phủ Việt Nam Cộng
hòa sụp đổ.
Điểm
mấu chốt gây tranh cãi lâu nay là người chấp bút viết bản tuyên bố đầu hàng để
Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh.
Tướng
Thệ luôn tuyên bố mình là người viết.
Tuy
nhiên, ông Bùi Văn Tùng, lúc bấy giờ là trung tá, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203,
Quân đoàn 2, lại khẳng định ông mới là người soạn thảo.
Xét
về cấp bậc, ông Tùng là sĩ quan chính trị, lại có cấp bậc cao hơn ông Thệ vào
thời điểm chiếm Dinh Độc lập. Nhiều bằng chứng và nhân chứng về sau khẳng định
ông Bùi Văn Tùng là người chấp bút.
Sau
năm 1975, ông Thệ tiếp tục thăng tiến trong quân ngũ, được thăng đến cấp bậc
trung tướng và giữ chức tư lệnh Quân khu 1 trước khi về hưu năm 2008.
Còn
ông Tùng giảng dạy tại một số trường quân sự và về hưu từ năm 1983 với cấp bậc
đại tá. Ông đã qua đời vào tháng 2/2023 tại TP HCM ở tuổi 93.
Cuộc
tranh cãi đã nổ ra từ thập niên 1980 và đến nay, sau khoảng 40 năm, sau khi ông
Tùng đã qua đời, nó vẫn tiếp tục dậy sóng với sự xuất hiện nổi bật trên báo chí
của Trung tướng Thệ.
Các
phiên bản của Phạm Xuân Thệ
Trung
tướng Phạm Xuân Thệ trên báo chí Việt Nam
Theo
một loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ vào năm 2007, trong nhiều dịp kỷ niệm
30/4 tại TP HCM, ông Bùi Văn Tùng đã xuất hiện như một nhân chứng lịch sử. Ông
được biết đến là sĩ quan cấp cao nhất của Quân Giải phóng có mặt tại Dinh Độc lập
vào trưa 30/4/1975. Ông khẳng định vô số lần rằng chính ông đã thảo bản tuyên bố
đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh.
Ông
Tùng còn cho biết chính ông đã đại diện cho bên thắng cuộc chấp nhận sự đầu
hàng đó tại Đài phát thanh Sài Gòn.
Tuy
nhiên, cũng theo báo Tuổi Trẻ, từ năm 1985, ông Phạm Xuân Thệ bắt đầu khẳng định,
với báo chí và tại các hội thảo, rằng chính ông đã trực tiếp thảo văn bản đầu
hàng.
Ngay
trước loạt bài điều tra trên, báo Vietnamnet vào năm 2007 đã đăng tải những
chia sẻ của ông Thệ như sau: "...Tôi đến cửa, toàn bộ nội các của họ đứng
dậy chào... Tổng thống Dương Văn Minh chậm rãi: 'Biết Quân Giải phóng đã vào
thành phố, nội các chúng tôi đang chờ các ông để bàn giao.' Tôi nói dứt khoát:
'Các ông phải đầu hàng vô điều kiện. Yêu cầu tất cả xếp hàng đôi ra khỏi ngôi
nhà này.' Tổng thống Dương Văn Minh khẩn khoản: 'Chúng tôi xin được ở đây. Ra
ngoài bây giờ không an toàn.' Tôi ra lệnh: 'Các ông phải ra ngay đài phát thanh
tuyên bố đầu hàng vô điều kiện'. Sau đó tôi đưa ông ra đài phát thanh…"
Ông
Thệ nói rõ ràng: "Tôi thảo bản tuyên bố", với nội dung: "Tôi -
Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện
trước sức mạnh của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ
trung ương đến địa phương giải tán toàn bộ, trao lại cho Quân Giải phóng miền
Nam Việt Nam."
Ông
Thệ còn chia sẻ các câu đối thoại giữa ông và Tổng thống Minh, thể hiện sự quyết
liệt của một sĩ quan bên thắng trận với vị tổng thống-đại tướng của bên chiến bại.
Điều
này đã được Trung tướng Thệ kể đi kể lại nhiều lần, mỗi dịp 30/4 đến và năm nay
cũng không là ngoại lệ.
·
Ngày 28/2/1975:
Cuộc họp Việt-Mỹ căng thẳng nhất trong 20 năm cuộc chiến
27 tháng 2 năm 2024
·
30/4: Việt Nam hóa và
bài học chơi với Mỹ
26 tháng 4 năm 2019
·
30/04/1975: Ý kiến nói
trên toàn cầu Hoa Kỳ 'không thua Cuộc chiến VN'
1 tháng 5 năm 2023
Mới
đây, trên báo Vietnamnet vào ngày 22/4/2025, ông Thệ nói: "Nói thêm về chi
tiết sau này có gây tranh cãi 'ai là người viết lời tuyên bố đầu hàng cho Dương
Văn Minh', tôi xin khẳng định đó là sản phẩm của tập thể, tôi chỉ là người chấp
bút. Khi chúng tôi đang viết thì anh Bùi Văn Tùng vào giới thiệu. Từ bấy giờ
tôi và anh Bùi Văn Tùng mới biết nhau."
"Về
hai bản thảo lời tuyên bố đầu hàng, tôi là người chấp bút và Dương Văn Minh viết
lại, tôi có cầm trên tay và khi xong tôi để vào túi áo. Đến chiều, sau khi giao
hai người đó cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn, tôi đi kiểm tra Tiểu đội 9 của tôi ở Bộ
tư lệnh Hải quân. Ra đến đó, tôi cởi bộ quần áo và tắm giặt vì đã mặc từ ngày
10/4, từ Đà Nẵng hành quân và chiến đấu vào đây," ông Thệ giải thích.
Có
thể thấy, thoạt đầu ông Thệ kể ông "thảo bản tuyên bố", về sau lại
nói ông "chỉ là người chấp bút" từ ý kiến tập thể.
Nhưng
có một điểm mà ông Thệ luôn nêu rõ suốt bốn thập niên qua: ông chính là người
chấp bút, không phải ông Bùi Văn Tùng.
Bằng
chứng ủng hộ ông Tùng, chống lại ông Thệ
VIDEO
: Phim phóng sự do BBC thực hiện trưa 30/4/1975 cho thấy ông
Bùi Văn Tùng đã đến Dinh Độc lập
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgn0957g5ro
Vào
buổi trưa 30/4/1975, có một nhà báo phương Tây có mặt tại Dinh Độc lập và Đài
phát thanh Sài Gòn.
Đó
là nhà báo Börries Gallasch, phóng viên thường trú tại Sài Gòn của báo Der
Spiegel (Tấm Gương, Đức).
Ông
Gallasch, đã mất ở tuổi 37 vào năm 1981, đã chứng kiến thời khắc Quân Giải
phóng tiến vào Dinh Độc lập, yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam Cộng
hòa, bao gồm Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, đầu hàng.
Học
giả luật Vũ Văn Mẫu được gọi là "thủ tướng một ngày", vì ông chỉ làm
vỏn vẹn một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Đại tướng Minh thì chỉ giữ chức vụ
tổng thống có hai ngày.
Trong
cuốn sách Ho-Tschi-Minh-Stadt: die Stunde Null (Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ
khắc số 0) tập hợp các bài phóng sự chiến tranh, Gallasch kể rằng ông đã chứng
kiến Đại tướng Minh bị Phạm Xuân Thệ bắt. Lúc bấy giờ ông Thệ cầm một khẩu K54
đã lên nòng, phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh để tuyên bố đầu
hàng.
Thoạt
tiên ông Minh không muốn đi vì tình hình bên ngoài đang lộn xộn, không an toàn.
Ông đề nghị thu âm ngay trong Dinh Độc lập, nhưng không có máy thu âm nào ở
dinh tổng thống. Lúc này ông Bùi Văn Tùng xuất hiện.
Theo
hồi ức mà nhân chứng Nguyễn Hữu Thái - Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn từ
năm 1963-1975, người có mặt tại Dinh Độc lập và Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa
30/4/1975 - chia
sẻ với BBC vào năm 2005, ông Bùi Văn Tùng
chính là người đã trấn an ông Minh để ông Minh rời dinh đi sang Đài phát thanh.
Một
lát sau, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu được đưa sang Đài
phát thanh Sài Gòn bằng xe Jeep. Các hình chụp, phim và lời kể nhân chứng cho
thấy có cả ông Thệ và ông Tùng cùng đi.
Hình
ảnh cắt ra từ phim do BBC quay vào trưa ngày 30/4/1975 cho thấy cả
ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ đều có mặt trong đoàn áp giải Tổng thống
Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu từ Dinh Độc lập sang Đài phát thanh Sài
Gòn. Lúc này đoàn đang từ trong Dinh đi ra xe Jeep.
Tại
Đài phát thanh, theo nhà báo Gallasch, "Tổng thống Dương Văn Minh và chính
ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế, còn tôi ngồi giữa họ…"
Đến
đây, nhà báo Đức viết rõ: "Ông Tùng soạn tuyên bố đầu hàng trên một mẩu giấy
màu xanh."
Gallasch
còn mô tả rằng trong khi ông Tùng đang vật lộn với từng con chữ thì ông Thệ
"lăm lăm khẩu súng trong tay" và không ngớt nhắc ông Minh về việc lên
đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
Ông
Tùng cũng soạn tuyên bố chấp nhận đầu hàng và sau đó Gallasch đã hỗ trợ để thu
âm ba tuyên bố, bao gồm tuyên bố đầu hàng do ông Minh đọc, tuyên bố chấp nhận đầu
hàng do ông Tùng đọc và một lời kêu gọi buông súng do ông Mẫu đọc.
Có
mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn hôm đó, ông Nguyễn Hữu Thái về sau cũng cho biết
ông Tùng là người đã soạn thảo tuyên bố đầu hàng và tuyên bố chấp nhận đầu
hàng.
Trong
loạt bài vào năm 2007, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Đại tá Bùi Văn Tùng nói về số phận
mảnh giấy viết tuyên bố: "Do không ý thức được giá trị của nó, nên tôi đã
vò bản thảo và đút vào túi quần. Sau đó, tôi đã trao lại cho cán bộ chính trị
Quân đoàn theo yêu cầu của họ."
Cùng
loạt bài trên, Trung tướng Phạm Xuân Thệ lại kể: "Bản thảo đó tôi đút vào
túi áo. Khi xong việc ở đài phát thanh, quay về đơn vị để tắm rửa, giặt giũ,
thay quân phục, tôi quên lấy bản thảo này ra nên đã mất luôn."
Vào
tháng 3/2005, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đóng ở Bắc
Giang và nhìn thấy bản thảo lời tuyên bố đầu hàng: "Đó là hai trang giấy
pơluya màu xanh [giống với mô tả của Gallasch – BBC ghi chú], nhăn nhúm
và lấm lem bụi đường. Nhìn nét chữ thì biết ngay của Đại tá Bùi Văn Tùng và cán
bộ bảo tàng cũng xác nhận điều đó."
Điều
khó hiểu, theo phóng viên tờ báo này, là ngay bên cạnh bản thảo viết tay của Đại
tá Tùng còn có một bản cùng nội dung nhưng được một người nào đó viết. Cán bộ Bảo
tàng Quân đoàn 2 giải thích rằng do sợ bản thảo gốc bị mờ, giấy lại nhăn, khó đọc,
nên bảo tàng cho người viết lại để dễ đọc.
Hình
ảnh do phóng viên Kỳ Nhân của AP chụp vào trưa 30/4/1975 tại Đài phát
thanh Sài Gòn. Ngồi chính giữa là phóng viên Gallasch và Tổng thống Dương Văn
Minh. Ông Phạm Xuân Thệ đứng ở bìa phải.
Vào
tháng 4/2020, bà Bùi Quỳnh Hoa, con gái Đại tá Tùng, có bài viết gửi BBC
News Tiếng Việt, trong đó có đoạn:
"Năm
2006, khi biết Phạm Xuân Thệ phủ nhận việc ba - Chính ủy Lữ đoàn tăng thiết
giáp 203 có mặt tại dinh - mà bỗng đột ngột xuất hiện tại Đài phát thanh Sài
Gòn, và cho rằng ông ta, một đại úy bộ binh, đã giao lại nội các Dương Văn
Minh, rồi cùng ngồi soạn thảo văn kiện đầu hàng với Trung tá chính ủy Bùi Văn
Tùng, ba chỉ nói nhẹ nhàng, tay này tầm bậy."
"Tôi
muốn đi kiện, viết báo đính chính, thì ba bảo để ba viết đơn báo cáo cho cấp
trên của ba khiển trách Phạm Xuân Thệ chứ không nên vạch áo cho người xem lưng.
Ba tin rằng những con người xấu trong quân ngũ, tranh công, đổ lỗi chỉ là thiểu
số, còn quân đội ta là quân đội anh hùng, chiến sĩ ta rất dũng cảm và trung thực."
Trong
một bài phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ Thủ đô vào năm 2021, nhà thơ Trần
Đăng Khoa khi nói về phim Một sự thật lịch sử của Đạo diễn Phạm Việt
Tùng, bộ phim khẳng định vai trò soạn thảo văn kiện của Đại tá Tùng, đã chia sẻ:
"Một
trong những chứng cứ 'không thể chối cãi' khẳng định ông Bùi Văn Tùng
chính là người đã thảo lời đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh chứ
không phải ông Phạm Xuân Thệ như ông vẫn mạo nhận, đó là: bản viết tay do
Chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo (đến nay vẫn còn được lưu giữ rất rõ ràng) và
Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm rồi phát trên Đài phát thanh Sài Gòn khớp từng
chữ với đoạn băng cassette mà nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã ngồi tại nhà ghi lại được
qua sóng phát thanh thời khắc lịch sử đó. Bản ông Thệ nói thì khác xa văn bản
ghi âm..."
"Theo
ông Thệ, ông không hề biết Chính ủy Bùi Văn Tùng là ai, mãi đến khi
sang Đài Phát thanh, khi ông Thệ đang soạn thảo thư đầu hàng cho Dương
Văn Minh thì ông Bùi Văn Tùng mới xuất hiện. Ông Thệ kể: 'Trong ba mươi
phút ở đài phát thanh, chúng tôi đang soạn thảo lời tuyên bố hàng thì anh Bùi
Tùng mới đến, đứng trước mặt tôi hỏi: Anh là ai? Tôi mới nói là: Tôi là Phạm
Xuân Thệ, Đoàn phó đoàn Đoàn Đông Sơn. Anh Bùi Tùng mới nói là: Tôi là Bùi
Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Bấy giờ chúng tôi mới biết anh Bùi
Tùng và anh Bùi Tùng mới biết tôi'. "
Đại
tá Bùi Văn Tùng trong dịp kỷ niệm 30/4/2005
Vào
năm 2016, báo Lao Động có bài viết thuật lời Trung tướng Thệ rằng
sau khi ông dẫn ông Dương Văn Minh sang Đài phát thanh thì gặp ông Tùng ở đó.
Liên quan đến bài viết này, vào năm 2020, ông Thệ đã gửi một lá đơn yêu cầu
báo Lao Động đính chính.
Mẩu
tin đính chính viết: "Ông Phạm Xuân Thệ khẳng định ông không nói về việc
khi dẫn Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh đã thấy ông Bùi Văn Tùng ở
đó. Ông chỉ nói trong khi bộ phận ông Phạm Xuân Thệ đang soạn thảo lời tuyên bố
đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh thì ông Bùi Tùng đến..."
Có
thể thấy ông Thệ vẫn nói rằng ông Tùng đến sau, giữa lúc nhóm ông Thệ đang soạn
thảo. Mà việc soạn thảo diễn ra tại Đài phát thanh, cho nên có thể thấy ông Thệ
vẫn bảo lưu chi tiết là ông gặp ông Tùng lần đầu ở Đài phát thanh.
Tuy
nhiên, các nhân chứng và hình ảnh được công bố về sau khẳng định ông Bùi Văn
Tùng đã có mặt tại Dinh Độc lập và sau đó cùng đưa các lãnh đạo Việt Nam Cộng
hòa sang Đài phát thanh. Có một tấm ảnh chụp nhà báo Gallasch đứng cùng ông
Tùng tại sân Dinh Độc lập.
Phim
phóng sự do BBC thực hiện vào trưa 30/4/1975 cũng cho thấy có
ông Bùi Văn Tùng, ông Phạm Xuân Thệ, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu trong
đoàn người đi bộ từ bên trong Dinh Độc lập ra xe để tới Đài phát thanh.
Phiên
bản của Quân ủy Trung ương
Theo
báo Tuổi Trẻ, trong suốt quá trình tranh cãi hàng chục năm, những
người có mặt tại hiện trường là các đồng đội cũ ở Trung đoàn 66 bộ binh của
Trung tướng Phạm Xuân Thệ - gồm Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, Đại tá Phùng Bá
Đam - vẫn cho rằng chính ông Thệ đã tổ chức soạn thảo và chấp bút bản tuyên bố
đầu hàng.
Vào
ngày 17/1/2006, sau ba tháng nghiên cứu, Viện Lịch sử quân sự đã thông báo:
·
Việc
bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp Dinh Độc Lập và áp giải
Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh là của một số cán bộ chiến sĩ
Trung đoàn 66 do Đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy.
·
Đại
úy Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ Trung đoàn 66 đã tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu
hàng cho ông Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì Trung tá Bùi Văn
Tùng mới xuất hiện, sau đó cùng tiếp tục thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đó.
Công
bố của Viện Lịch sử quân sự lúc bấy giờ đã thổi bùng lên một cuộc tranh luận,
phản đối trong dư luận và giới nghiên cứu.
VIDEO :
Tóm tắt cuộc chiến tranh Việt Nam
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvgn0957g5ro
Đến
ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng
định:
"Vào
thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn
Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư
đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn
Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy
Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, có mặt.
"Từ
đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục
soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy
ghi âm để phát trên đài phát thanh.
"Riêng
lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi
Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh."
Có
thể thấy, phiên bản của Quân ủy Trung ương khá tương đồng với lời kể của Tướng
Thệ: ông Tùng xuất hiện tại Đài phát thanh khi nhóm ông Thệ đang soạn thảo văn
kiện đầu hàng.
Thế
nhưng, như đã dẫn ở trên, có các bằng chứng và nhân chứng độc lập khẳng định
ông Bùi Văn Tùng đã tới Dinh Độc lập, cùng đi sang Đài phát thanh và là người
soạn tuyên bố đầu hàng.
Ngược
lại, có một số điểm trong lời kể của Trung tướng Thệ không khớp với thực tế.
----------------------------
Tin
liên quan
·
Chiến tranh Việt
Nam: Bản tin cuối cùng dang dở từ Sài Gòn
24
tháng 4 năm 2025
·
Tác giả chùm ảnh
ngày 30/4 kể lại khoảnh khắc Sài Gòn sụp đổ
22
tháng 4 năm 2025
·
Trung Quốc tham gia
diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất Việt Nam, thông điệp là gì?
20
tháng 4 năm 2025
·
Chiến tranh Việt
Nam, những góc nhìn từ một hội thảo tại Mỹ
17
tháng 4 năm 2025
·
50 năm kết thúc chiến
tranh: Đại sứ Ted Osius kể về công cuộc hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam
18
tháng 4 năm 2025
·
Chiến tranh Việt
Nam: Trung Quốc đã tham gia như thế nào?
21
tháng 4 năm 2025
No comments:
Post a Comment