Trung
Quốc tìm đến láng giềng khi thuế quan của Trump sắp có hiệu lực
James Palmer
- Foreign
Policy
Tạ
Kiều Trang,
biên dịch
Bắc
Kinh, Seoul và Tokyo đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại tự do.
Tiêu
điểm tuần này: Trung
Quốc tìm cách củng cố quan hệ thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc trước nguy cơ
Mỹ áp thuế đối ứng; Bắc Kinh gây sức ép lên tập đoàn Hồng Kông khi đồng ý
thương vụ bán cảng ở kênh đào Panama; Bang Florida của Mỹ sa thải một giáo sư
Trung Quốc theo “đạo luật năm 2023 về ảnh hưởng của nước ngoài”.
Liệu
Bắc Kinh sẽ hợp tác với các cường quốc châu Á trong thương mại tự do?
Đợt
thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực vào thứ Tư, trong đó Tổng thống Donald Trump
đe dọa áp dụng mức thuế đối ứng có thể lên tới 20% đối với hầu hết hàng hóa nhập
khẩu. Trước tình hình trên, Trung Quốc đang nỗ lực củng cố quan hệ với một số
nước láng giềng và định vị mình là nhà lãnh đạo thương mại tự do toàn cầu.
Tuy
nhiên, Trung Quốc cũng tận dụng khoảng trống chiến lược, được tạo ra trong lúc
trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn dắt bị suy yếu, nhằm đe dọa và gây áp lực lên các
láng giềng khác, chẳng hạn như Đài Loan. Điều này có thể phá hỏng nỗ lực của
Trung Quốc trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vào
thứ Sáu tuần trước, khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu
tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giới thiệu Trung Quốc như một
“đất nước bảo hộ cho thương mại tự do”. Đến hôm Chủ Nhật, Bộ trưởng Thương mại
của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã họp mặt. Theo một tuyên bố chung được
công bố sau đó, các bên đồng ý sẽ “hợp tác chặt chẽ” để đạt được một thỏa thuận
thương mại tự do trong tương lai và cùng xúc tiến tự do thương mại ở cấp độ khu
vực lẫn toàn cầu.
Truyền
thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ba nước sẽ cùng hợp tác ứng phó với thuế quan
của Trump, việc này khiến Washington có một số lo ngại chính đáng. Tuy nhiên, bản
tóm tắt cuộc họp hôm Chủ Nhật dường như không khớp với tuyên bố của Nhật Bản và
Hàn Quốc, vốn chỉ tập trung vào hợp tác thương mại tự do nói chung. Một phát
ngôn viên Hàn Quốc nhận định báo cáo của phía Trung Quốc có “một số điểm phóng
đại”.
Đây
là cuộc thảo luận kinh tế đầu tiên giữa ba cường quốc trong khu vực kể từ năm
2019. Sự gián đoạn này xuất phát từ ảnh hưởng của COVID-19 và những lo ngại
chính trị, dù vậy các bên vẫn duy trì đối thoại song phương trong suốt thời
gian qua.
Nhật
Bản đang theo đuổi chiến lược mà nhà
phân tích Tobias Harris gọi là “phòng bị nước đôi” (double hedge): nỗ
lực xích lại gần cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Trong khi đó, Hàn Quốc đang vật lộn với
tình hình bất ổn chính trị kéo dài. Vì vậy, Hàn Quốc chưa thể đưa ra bất kỳ lập
trường chiến lược dài hạn nào.
Một
thử thách lớn được đặt ra để kiểm chứng liệu các cường quốc châu Á khác có sẵn
sàng hợp tác với Bắc Kinh trong thương mại tự do hay không. Vào năm 2021, Trung
Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái
Bình Dương (CPTPP) nhưng bị ngăn cản do Tokyo cùng các thành viên khác kiên quyết
phản đối. Những nước này muốn tránh vướng vào vấn đề Đài Loan (Đài Loan nộp đơn
vào cùng thời điểm và hiện vẫn trong giai đoạn chờ xét duyệt).
CPTPP
được hình thành từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một khối
thương mại mà đội ngũ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành nhiều năm xây
dựng. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump lập tức
rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2017. Các thành viên còn lại trong hiệp định
thương mại tự do sau đó đã tái khởi động hiệp định dưới tên gọi CPTPP, chính thức
có hiệu lực từ năm 2018.
Tuy
nhiên, mục đích ban đầu của TPP một phần là để duy trì vị thế lãnh đạo kinh tế
của Mỹ tại châu Á và tạo ra một khối thống nhất nhằm đối trọng với các chính
sách thương mại mang tính chính trị hóa và quyết liệt của Trung Quốc. Hiện tại,
thách thức chính của CPTPP lại đến từ các biện pháp cưỡng chế kinh tế của
Trump, chứ không phải từ Bắc Kinh – một nghịch lý có thể dẫn tới viễn cảnh khối
này cuối cùng sẽ phải đón nhận siêu cường mà khối này được thành lập để đối
phó.
Trung
Quốc chỉ trích Mỹ “vũ khí hóa” thương mại, dù chính Bắc Kinh cũng nhiều lần áp
dụng chiến thuật này – chẳng hạn như trừng phạt Na Uy sau khi nhà bất đồng
chính kiến Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình, hay trả đũa Hàn Quốc vì triển
khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ tự đặt
mình trong vị trí đối đầu với cả thế giới, chủ nghĩa thực dụng có thể biến
Trung Quốc trở thành một đồng minh hấp dẫn.
Tuy
nhiên, các hành động quân sự của Trung Quốc có thể làm tự làm hỏng chính hình ảnh
mà họ đã giới thiệu. Một loạt đợt tập trận bất ngờ quanh Đài Loan hôm nay – mà
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gọi là “lời cảnh báo nghiêm khắc và
răn đe mạnh mẽ” nhằm vào những ai muốn hòn đảo tự trị này độc lập – khó có thể
khiến Tokyo hay Seoul tin rằng Bắc Kinh thực sự là một lực lượng vì ổn định khu
vực.
Năm
nay, Trung Quốc đã nhiều lần kiểm tra các giới hạn trên biển, bao gồm cả tập trận
bắn đạn thật tại vùng biển nằm giữa Australia và New Zealand – hai thành viên của
CPTPP.
Động
thái quyết đoán của PLA có thể là hành động mang tính chất chủ động, nếu Trung
Quốc tin rằng Trump sẵn sàng bỏ rơi các đồng minh lâu năm, trong số đó có Đài
Loan, nhưng cũng có thể chỉ là phản ứng thụ động. Vấn đề Đài Loan là “lằn ranh
đỏ” trong chính trị nội bộ Trung Quốc, đến mức bất kỳ thay đổi nào – chẳng hạn
như Đài Loan mới đây vừa công bố các biện pháp chống hoạt động gián điệp và ảnh
hưởng của Trung Quốc – đều buộc PLA phải có phản ứng.
Việc
né tránh một lập trường cứng rắn nhất về vấn đề Đài Loan có thể dễ dàng trở
thành vũ khí để đối thủ chính trị chống lại bất kỳ vị lãnh đạo nào – bất luận
là Tổng Bí thư hay một đô đốc. Bắc Kinh có lẽ nghĩ rằng họ có thể “mạnh tay” ở
eo biển Đài Loan trong khi “mềm mỏng” với Tokyo – hoặc cũng có thể, Bộ Thương mại
Trung Quốc và PLA đang theo đuổi những chương trình nghị sự hoàn toàn khác
nhau.
Tin
tức được quan tâm
Cuộc đối
đầu trong thương vụ cảng Panama. Trung Quốc đang gây sức ép lên tập
đoàn Hồng Kông CK Hutchison, sau khi tập đoàn này đồng ý một thương vụ với liên
danh do công ty Mỹ BlackRock dẫn đầu, bán một số cảng ở nước ngoài, bao gồm một
số bất động sản then chốt tại kênh đào Panama. CK Hutchison thuộc quyền kiểm
soát của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, một nhân vật không được Bắc Kinh ưa
thích.
Thỏa
thuận dự kiến được ký vào thứ Tư, nhưng Trung Quốc đã công bố mở các cuộc điều
tra trước thềm sự kiện, chúng sẽ là rắc rối lớn cho các doanh nghiệp của ông
Lý. Theo nguồn
tin của Reuters, tập đoàn CK Hutchison có thể đã lên kế hoạch rút khỏi
thương vụ này.
Cuộc
đối đầu này cho thấy Trung Quốc coi xung đột với ông Trump – người đe dọa “lấy
lại” kênh đào Panama vì lo ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh – là một công cuộc mà ở
đó các doanh nghiệp tư nhân, kể cả những công ty đặt trụ sở tại Hong Kong, cần
phải tuân theo sự chỉ đạo của ĐCSTQ.
Bang
Florida sa thải giáo sư người Trung Quốc. Một đạo luật của
Florida năm 2023, quy định các trường đại học nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước
không được “nhận bất kỳ khoản tài trợ nào hoặc tham gia vào bất kỳ thỏa thuận
nào với bất kỳ trường đại học nào thuộc nhóm các quốc gia đáng quan ngại”, đã
khiến một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, đang xin tị nạn tại Mỹ, bị sa thải
– với lý do ông từng là giáo sư tại Trung Quốc.
Kevin
Wang, giảng viên phụ trách giảng dạy Ngôn ngữ & Văn hóa Trung Quốc tại New
College of Florida, cho biết sẽ rời Florida nhưng vẫn ở lại Mỹ. Florida và
Texas hiện là hai bang đi đầu trong việc ban hành các đạo luật nhắm vào ĐCSTQ,
tuy nhiên chúng thường bị sử dụng để chống lại những người thuộc cộng đồng người
Hoa tại Mỹ.
Trong
bầu không khí e sợ và tự tuân phục tại các đại học Mỹ, những sai lầm nghiêm trọng
kiểu này có khả năng trở nên phổ biến hơn, khiến nhân tài Trung Quốc thêm dè chừng.
Công
nghệ và Kinh doanh
Các thỏa
thuận thương mại với châu Âu. Trong khi thế giới
chuẩn bị đối mặt với diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến thương mại của ông
Trump, Trung Quốc đang tìm cách xích lại gần châu Âu hơn, bằng cách tạm hoãn
các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu cognac và armagnac của Pháp, đồng
thời gặp gỡ các ủy viên châu Âu để thảo luận về việc đảm bảo một “sân chơi bình
đẳng”. Cách tiếp cận này trái ngược thái độ đối với Canada, quốc gia hiện vẫn bất
hoà với Trung Quốc.
Một
mặt trận thống nhất giữa Trung Quốc và châu Âu là điều khó xảy ra, song sự phối
hợp, dù ở mức độ hạn chế nhất, cũng có thể làm suy yếu sức ép từ Mỹ. Một mô phỏng
gần đây, thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ mới (CNAS), cho thấy: Mỹ
vượt qua cuộc chiến thương mại toàn cầu một cách đáng ngạc nhiên, nếu Trung Quốc
thất bại trong việc tách các chính phủ khác ra khỏi liên minh (với Mỹ).
Tuy
nhiên, các mô phỏng phù hợp để thấu hiểu hành vi hơn là dự đoán chúng, kết quả
trên có lẽ giả định Washington có mức độ lí tính và năng lực hợp tác ở một ngưỡng
phi thực tế.
Trung
Quốc tìm cách chiêu mộ các nhà khoa học Mỹ. Trong bối cảnh chính quyền Trump cắt
giảm ngân sách nghiên cứu khoa học, các thành phố của Trung Quốc đang tích cực
chiêu mộ nhân tài với ưu đãi môi trường làm việc ổn định và nguồn tài trợ hào
phóng. Một cuộc
khảo sát trên tạp chí Nature tuần trước tiết lộ 75% nhà khoa học Mỹ được
hỏi đã cân nhắc rời khỏi đây.
Trung
Quốc vẫn luôn tìm cách thu hút nhân tài nước ngoài, điều mà Mỹ thường quy kết
là hoạt động gián điệp. Đôi khi điều này đúng, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng
các nhà khoa học tại Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực
nghiên cứu. Tuy nhiên, với các nhà khoa học ở giai đoạn đầu hoặc giữa sự nghiệp,
việc sang Trung Quốc làm việc vẫn còn nhiều rào cản.
Thứ
nhất, gần như không có con đường nào để người nước ngoài có thể trở thành thường
trú nhân ở Trung Quốc, chưa kể đến nhập tịch. Thứ hai, dù chính phủ thường
xuyên tuyên bố siết chặt quản lý, gian lận nghiên cứu vẫn là vấn đề nhức nhối ở
các phòng thí nghiệm Trung Quốc. Cuối cùng, văn hoá khoa học Trung Quốc cũng bị
chính trị hóa – nhất là dưới thời ông Tập.
Nguồn: James Palmer, “China
Looks to Neighbors as Trump Tariffs Loom”, Foreign Policy,
01/04/2025
No comments:
Post a Comment