Thursday, April 10, 2025

THUẾ QUAN : TRUMP KHAI TỬ HỆ THỐNG TOÀN CẦU HÓA DO MỸ XÂY DỰNG (Chi Phương / RFI)

 



Thuế quan : Trump khai tử hệ thống toàn cầu hóa do Mỹ xây dựng

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 09/04/2025 - 15:28  -  Sửa đổi ngày: 09/04/2025 - 19:14

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20250409-thu%E1%BA%BF-quan-trump-khai-t%E1%BB%AD-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u-h%C3%B3a-do-m%E1%BB%B9-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng

 

Hầu hết các báo số ra hôm nay đều nói về cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng bằng thuế quan. Le Monde chạy tựa lớn : « Thuế quan, tối hội thư của Donald Trump với Bắc Kinh ».

 

HÌNH :

Nhãn hiệu điện thoại iPhone của Apple tại một cửa hàng Apple Store trên đại lộ 5th Avenue, New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 07/04/2025. AP - Yuki Iwamura

 

Hôm 07/04 tổng thống Hoa Kỳ, muốn Trung Quốc phải « đầu hàng », đã yêu cầu Trung Quốc rút lại mức thuế 34 %, nếu không Mỹ sẽ nâng thuế thêm 50 % đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến tổng mức thuế đối với hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ lên đến 104%.

 

Theo Le Monde, quyết định của Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ đã khiến căng thẳng leo thang thêm một nấc. Điều đáng quan ngại là hậu quả kinh tế, cả hai sẽ phải chịu tổn thất nghiêm trọng : sản xuất bị gián đoạn ở Trung Quốc, tiêu dùng tại Mỹ bị ảnh hưởng.

 

Xã luận Les Echos coi đây là cuộc chiến giữa hai đại cường Mỹ - Trung. Bắc Kinh là nước duy nhất đã đáp trả mạnh mẽ các quy định thuế quan mới của Hoa Kỳ. Washington mạnh tay, Trung Quốc tuyên bố chống đến cùng. Theo Les Echos, thực ra Trung Quốc đã chuẩn bị cuộc chiến này từ lâu. Bắc Kinh sẽ chịu thiệt hại nặng nề, nhưng sẽ chuyển hướng sang châu Á để bù đắp. Căng thẳng giữa hai nước không chỉ giới hạn trong thương mại mà cả chính trị, công nghệ, quân sự.

 

 

Donald Trump không được cố vấn một cách đúng đắn 

 

Le Monde cho rằng Trump hành xử không nhất quán và liều lĩnh, không có chiến lược cụ thể, không có mục tiêu rõ ràng, mà dường như chỉ thể hiện sự áp đảo quyền lực. Tờ báo mô tả Trump như là « người đang nhảy xuống vách đá mà không chắc là có dù ». Điều này khiến lo lắng lan rộng trong giới đầu tư !

 

Le Monde nhắc lại thị trường tài chính đã bị chao đảo như thế nào trước những thông báo thuế quan của ông Trump, đến mức mà nhiều nhà đầu tư lớn, những người từng ủng hộ, bỏ phiếu cho Donald Trump, dần mất niềm tin. Tỷ phú Hoa Kỳ Bill Achman, quản lý quỹ đầu tư Pershing Square, trên mạng xã hội X, nhận định rằng « Hậu quả sẽ rất xấu cho nước Mỹ và cho hàng triệu người đã từng ủng hộ ông, đặc biệt là những người tiêu dùng thu nhập thấp, hiện đang phải chịu áp lực kinh tế lớn. Chúng tôi không bầu cho điều này ».

 

Le Monde cũng ghi nhận nhiều lãnh đạo tài chính hàng đầu của Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về chính sách thuế quan « cực đoan » của Donald Trump. Trong thư gửi cho cổ đông, giám đốc của J.P Morgan và Blackrock đều đưa ra cảnh báo về những rủi ro từ chính sách hiện tại. Ông Ken Langone, đồng sáng lập Home Depot, nhận định Trump không được cố vấn đúng đắn và cho rằng việc áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam là hành động « ngu xuẩn », còn mức thuế với Trung Quốc là « quá hung hăng, quá sớm ». « Nước Mỹ trên hết thì tốt, miễn là không khiến nước Mỹ cuối cùng bị cô lập ». Một số lãnh đạo còn cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và có thể đã bước vào suy thoái.

 

 

Các doanh nghiệp cố gắng bình tĩnh trước thị trường chao đảo 

 

Về chủ đề này Libération chạy tựa lớn trên trang nhất : « Ai sẽ phải trả giá cho cuộc chiến thương mại ? » Nhìn từ Pháp, các doanh nghiệp xuất khẩu đang chuẩn bị đón nhận những tác động từ quy định thuế quan mới của Trump, chính thức có hiệu lực hôm nay, 09/04/2025.

 

Theo ghi nhận của Libération, doanh nghiệp xuất khẩu vải cao cấp Garnier Thiebaut cho biết không thay đổi tuyến vận chuyển hay giá cả, mà chuyển chi phí thuế cho khách hàng từ Mỹ. Trong khi đó, doanh nghiệp về đồ nội thất, kim loại Fermob (phải chịu 25% thuế) đã tạm thời tăng giá, và cân nhắc khả năng sản xuất tại Mỹ để tránh thuế, nhưng chưa vội vàng ra quyết định.

 

Đối với Pháp, tác động từ thuế của Mỹ không đáng kể, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 1,6 % GDP, trong khi trung bình của châu Âu là 2,8 %. Tuy nhiên, các rủi ro có thể gián tiếp, như lạm phát, hỗn loạn chuỗi cung ứng.

 

Khối 27 nước hôm nay, theo Libération, sẽ thông qua các biện pháp trả đũa Hoa Kỳ đầu tiên, dù Liên Hiệp Châu Âu vẫn mong đợi Trump « có lý trí trở lại », trái ngược với Trung Quốc và Canada ngay lập tức đáp trả Washington. Liên Hiệp Châu Âu có thể đánh thuế 25 % kể từ giữa tháng Năm đối với một số hàng nhập từ Hoa Kỳ, như Harley Davidson, thiết bị điện tử, mỹ phẩm, đậu nành, thịt gà, hay hoa quả. Tuy nhiên, rượu bourbon không nằm trong danh sách này, theo đề nghị từ phía Pháp, sau khi ông Trump đe dọa đánh thuế 200 % các loại rượu vang và rượu mạnh của Pháp nhập vào Mỹ.

 

 

Doanh nghiệp Mỹ phải trả giá đầu tiên 

 

Trong bài đăng cùng hồ sơ này, Libération nêu ra tác động đối với chính doanh nghiệp Mỹ, đa phần đã di dời sản xuất đến châu Á để tận dụng chi phí nhân công rẻ. Đáng chú ý nhất là Nike, với một nửa số giày bày bán ở các cửa hàng tại Mỹ là được sản xuất ở Việt Nam. Cổ phiếu của Nike vào tuần trước đã sụt giảm 13 % trên thị trường Wall Street ngay sau thông báo của Trump.

 

Về phần mình, Le Figaro nêu ra tác động đối với tập đoàn Apple của Hoa Kỳ, đang tìm cách giảm thiểu các thiệt hại, đặc biệt là liên quan đến giá của iPhone. Nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới phụ thuộc vào châu Á để sản xuất iPhone, Macbook, Airpods…, nên sẽ phải chịu tác động lớn.

 

Điện thoại iPhone dù được thiết kế ở California nhưng 90% được lắp ráp tại Trung Quốc, trong khi hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế khổng lồ. Các chuyên gia kinh tế tính toán giá thành của iPhone tại Mỹ sẽ tăng thêm từ 30 đến 40 %. Tập đoàn công nghệ Mỹ có thể mất 40 tỷ đô la lợi nhuận chỉ vì chi phí thuế. Tuy nhiên, tập đoàn này được cho là đã chủ động tích trữ Iphone, điều ít nhất 5 máy bay chở đầy Iphone rời khỏi Trung Quốc và Ấn Độ từ cuối tháng Ba để tránh thuế.

 

Apple cũng tính đến việc tăng cường sản xuất sang Ấn Độ, di dời sản xuất đến Brazil về lâu dài, tại những nước chịu thuế thấp hơn. Giải pháp di dời sản xuất về Mỹ theo mong muốn của Trump bị xem là phi thực tế vì có thể khiến giá iPhone tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

 

Các doanh nghiệp nhìn chung cố gắng giữ bình tĩnh, không phản ứng quá vội vàng, trước những thông báo gây chóng mặt của Donald Trump, như nhận định của Libération trong bài xã luận, « để cơn sốt thị trường lắng xuống ». Theo Libération, « dẫu sao, trong cơn bão Trump này, các doanh nghiệp không cô đơn », họ không bị đối xử tệ hơn các đối thủ, vì tất cả đều phải chịu mức thuế quan lớn, bất kể quốc gia nào. Trong bối cảnh hỗn loạn này, Liên Hiệp Châu Âu có thể tận dụng vị thế là một thị trường khổng lồ để thương lượng với các thị trường lớn khác như Ấn Độ hay Brazil. Nhật báo kinh tế Les Echos thì kết luận rằng khi phải đối mặt với các đại cường như vậy, châu Âu ở trong thế yếu, và cần phải xem lại cách hoạt động trong thị trường chung này.

 

 

Donald Trump khai tử hệ thống toàn cầu hóa do Mỹ dẫn dắt 

 

Trong mục ý kiến, Les Echos cho rằng Trump đã khai tử hệ thống toàn cầu hóa do Mỹ xây dựng để duy trì vị trí thống trị. Khi tăng thuế quan « một cách tùy tiện », chính quyền Trump đã đưa nước Mỹ trở lại thời bảo hộ mậu dịch chưa từng thấy từ năm 1909. Theo nhật báo kinh tế Pháp, trong kỷ nguyên bất ổn này, các nước phải thay đổi luật chơi. Các công cụ kinh tế, từng bị coi là lỗi thời, chẳng hạn như kiểm soát dòng vốn, hay các hỗ trợ trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương, nay trở thành phương án khả thi, để đối phó với các bất ổn và rủi ro trong thị trường. Tờ báo kết luận rằng ông Trump lật bàn cờ, phá vỡ các trật tự cũ, buộc các nước phải điều chỉnh cách tiếp cận kinh tế. 

 

 

Miến Điện : Quân đội cầm quyền bất lực, để xã hội dân sự tự xoay sở  

 

Về thời sự châu Á, Le Figaro quan tâm đến tình hình tại Miến Điện sau cơn động đất kinh hoàng khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Chính quyền của quân đội đảo chính tìm cách giành lại quyền kiểm soát đất nước bằng việc ban hành quốc tang một ngày sau thảm họa, tổ chức cuộc tuần hành tưởng niệm các nạn nhân vào cuối tuần trước, thu gom gạo quyên góp để gửi cho người dân.

 

Thế nhưng, theo phóng sự của Le Figaro, xã hội dân sự Miến Điện cố giữ khoảng cách với quân đội cầm quyền, bởi từ nhiều năm qua họ phải tự thân vận động khi đối mặt với bất cứ cuộc khủng hoảng nào, và không trông mong gì từ chính phủ. 

 

Trong những ngôi chùa tại Miến Điện, những người giàu có thì góp tiền, một số khác mua gạo để quyên góp. Nhiều tổ chức hiệp hội chiếm được lòng tin từ người dân hơn là chính quyền tham nhũng. Một số người thì tổ chức thu gom đồ cứu trợ, quần áo, thực phẩm, thuốc men. Le Figaro nêu trường hợp một công ty xuất nhập khẩu đã tạm ngưng hoạt động để chuyển sang vận chuyển hàng cứu trợ.

 

Nhật báo Công Giáo La Croix thì cho biết những sinh viên Miến Điện tại Thái Lan gửi tiền về hỗ trợ những người tị nạn, còn quân đội cầm quyền thì lại vắng mặt trong những chuyến xe chở hàng cứu trợ, tiếp tục oanh tạc các nhóm phiến quân tại những nơi là tâm chấn cách nay hai tuần, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn.

 

Do vậy, các hoạt động nhân đạo cần phải thận trọng, đặc biệt do khu vực tâm chấn vốn là nơi hoạt động của các nhóm phiến quân chống quân đội. Nhiều người dân muốn giúp đỡ nhưng không muốn tỏ ra quá nhiệt tình, vì sợ bị quy chụp là phiến quân.

 

Vụ động đất hơn 7 độ Richter không làm rung chuyển quân đội, theo nhận định của La Croix, mà khiến hàng ngàn người bỏ mạng, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng. Nhà cửa bị phá hủy, dịch bệnh đe dọa, thiếu điều trị, người dân mất nhà cửa phải ngủ ngoài đường hoặc đồng ruộng.

 

Theo La Croix, Miến Điện đang hỗn loạn, nhưng chính quyền quân sự không quan tâm. Các cuộc không kích vẫn nhắm vào các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Quân đội được khai thác tài nguyên của đất nước, nhưng lại không phân phối giá trị thu được từ các tài nguyên đó. Trận động đất này vượt quá khả năng xử lý của quân đội. Hiện các nhóm phiến quân đã kiểm soát hơn một nửa đất nước, nhưng lại bị chia rẽ, quân đội đã phải chịu nhiều thất bại, và đang ngày càng suy yếu.

 

 

Macron muốn xích lại các nước Ả Rập 

 

Về thời sự nước Pháp, các báo quan tâm đến chuyến công du Cairo của tổng thống Emmanuel Macron. Le Monde cho rằng tổng thống Pháp tìm cách xích lại gần các nước Ả Rập. Trong chuyến thăm chính thức Ai Cập, ông Macron muốn gây ảnh hưởng đối với hồ sơ Palestine, đứng về phía Ai Cập và Jordanie, kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, kêu gọi thiết lập hòa bình, bảo đảm an ninh.

 

Theo Le Figaro, trong chuyến thăm Ai Cập, ông Macron đã tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo vận chuyển hàng vào Gaza, đến bệnh viện ở vùng Sinai, thăm những người Palestine bị thương, thúc đẩy cứu trợ…

 

Cả Le Monde và Le Figaro đều cho rằng Macron đang cố tạo đối trọng với liên minh Mỹ - Israel, khẳng định vị trí của châu Âu trong hồ sơ Palestine, trước một tổng thống Trump khó lường, cố giành lại không gian ngoại giao, phản bác lập trường của Hoa Kỳ.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thật sự khai diễn

 

HOA KỲ - THUẾ QUAN

Bị Trump dọa áp thêm mức thuế 50%, Trung Quốc tuyên bố “sẽ chống đến cùng”

 

 

 




No comments: