Thursday, April 10, 2025

SAU VỤ ÁP THUẾ 46%, MỸ - VIỆT NAM ĐỒNG Ý ĐÀM PHÁN 'THỎA HIỆP THƯƠNG MẠI' (Người Việt)

 



Sau vụ áp thuế 46%, Mỹ – Việt Nam đồng ý đàm phán ‘thỏa hiệp thương mại’

Người Việt

April 10, 2025 : 11:18 AM

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/my-viet-nam-dong-y-dam-phan-cho-mot-thoa-hiep-thuong-mai/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mỹ và Việt Nam đồng ý khởi sự đàm phán cho một thỏa hiệp thương mại, chỉ ít giờ sau khi Tổng Thống Trump loan báo hoãn “thuế quan đối ứng” 90 ngày.

 

Ngoại trừ Trung Quốc bị đẩy “thuế quan đối ứng” lên tới 125% vì đánh trả lại Mỹ, các nước còn lại, trong đó có Việt Nam bị áp đặt 46% đối ứng, cơ hội đàm phán hầu giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại song phương chứ không riêng gì thuế quan.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-cho-Ben-Thanh-lego-toy-model-STR-AFP-040925-1536x1010.jpg

Mô hình chợ Bến Thành xếp từ các miếng nhựa đồ chơi của công ty Lego. Công ty Đan Mạch này vừa khánh thành nhà máy sản xuất đồ chơi nhựa với vốn đầu tư hơn $1 tỷ ở Bình Dương, đúng ngày Tổng Thống Trump loan báo hoãn “thuế quan đối ứng” 90 ngày cho Việt Nam và các nước khác, trừ Trung Quốc. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

 

Bày tỏ sự bồn chồn của nhà cầm quyền CSVN, trang mạng “chinhphu.vn” thuật lời ông Hồ Đức Phớc, phó thủ tướng, nói tuy chính phủ Mỹ quyết định hoãn 90 ngày, “hai nước cần sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện giữa hai nước.”

 

Buổi chiều ngày Thứ Tư, 9 Tháng Tư, ông Hồ Đức Phớc đã gặp Đại Diện Thương Mại Mỹ Jamieson Greer chứ không phải Bộ Trưởng Tài Chính Scott Bessent như thông tin trước đây.

 

Trong cuộc họp này, ông Phớc được nghe ông Greer giải thích tại sao Việt Nam bị đánh thuế quan đối ứng cao như vậy, tức là vì Mỹ bị thâm hụt thương mại quá cao.

 

Nay Mỹ đồng ý cùng Việt Nam “khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay.” Đồng thời “chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hóa của nhau… tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại,” theo trang mạng “chinhphu.vn” tường thuật.

 

Rất nhiều nhà đầu tư đã từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam mở hãng xưởng sản xuất rồi bán đi khắp thế giới, đặc biệt thị trường Mỹ khi Tổng Thống Trump khai mào cuộc thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh ở nhiệm kỳ đầu. Nhờ vậy, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ giày dép, quần áo đến điện thoại, đồ điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời, bán sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Kết quả là mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng gia tăng, với năm 2024 lên đến $123.5 tỷ.

 

Trước khi Tổng Thống Trump loan báo “thuế quan đối ứng” với hầu hết các đối tác thương mại ngày 2 Tháng Tư vừa qua, nhà cầm quyền CSVN đã vội vàng đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm bớt mức độ thâm thủng mậu dịch cho Mỹ gồm cả giảm thuế quan cho hàng Mỹ và mua thêm nhiều hàng Mỹ. Dù vậy, vẫn không đủ để ông Trump nhẹ tay nên Việt Nam nằm trong số những nước bị áp đặt nặng nhất.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/VN-Samsung-Electronics-BacNinh-NhacNguyen-040825-1536x1024.jpg

Phía trước cơ sở sản xuất điện tử của công ty Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. Họ đã đầu tư vào các cơ sở tại Việt Nam hơn $20 tỷ. Nếu bị áp đặt 46% “thuế quan đối ứng” sẽ là đại họa cho cả Samsung và Việt Nam. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

 

Ngày 5 Tháng Tư, Tổng Bí Thư Đảng CSVN Tô Lâm gửi thư cho Tổng Thống Trump đề nghị hai nước cùng bãi bỏ hàng rào thuế quan cho hàng hóa của nhau. Nhưng ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng Thống Trump, nói các quan ngại của Mỹ còn nghiêm trọng hơn là vấn đề thuế quan. Ông nêu ra các rào cản phi thuế quan mà Mỹ đã thúc giục nhiều lần không được đáp ứng.

 

Như vậy, trong các cuộc họp sắp sửa diễn ra giữa Mỹ với Việt Nam, hai nước sẽ phải thỏa hiệp lại các mặt của chuyện thương mại của hai nước mà vấn đề thuế quan chỉ là một phần trong đó. (NTB) [kn]

 

 




No comments: