Phường Sài Gòn, Gia
Định, Chợ Lớn, vì sao gây tranh cãi?
BBC News Tiếng Việt
18
tháng 4 năm 2025
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz0183l52xxo
Chính
quyền TP HCM đã thống nhất đặt tên một số phường mới là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định
sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính. Quyết định này đang gây tranh cãi vì tên
gọi Sài Gòn có ý nghĩa và tầm vóc lớn, từng là tên một thành phố thịnh vượng của
Việt Nam và khu vực.
Vào
ngày 18/4, Hội đồng Nhân dân TP HCM đã thống nhất tên gọi phường, xã mới, trong
đó có phường Sài Gòn, phường Gia Định và phường Chợ Lớn cho một số khu vực ở
trung tâm thành phố.
Theo
các lãnh đạo thành phố, việc chọn tên Sài Gòn dựa vào yếu tố lịch sử, nơi này
có các công trình tiêu biểu của Sài Gòn như Bưu điện trung tâm, Nhà hát thành
phố, Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND thành phố... Tính Sài Gòn thể hiện rõ và khi
nhắc đến sẽ hình dung ra được.
Bí
thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên hôm ngày 15/4 đã nói rằng phường không phải là cấp
huyện thu nhỏ mà là cấp chính quyền cơ sở sát dân nhất.
Vào
ngày 17/4, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lời khen ý
tưởng đặt tên phường mới của TP HCM:
"Vừa
qua các phường ở TP HCM tôi cho rằng đặt tên rất hay. Tất cả những địa danh gì
của TP HCM trước đây chưa được nêu danh bây giờ hình thành hết.
"Bây
giờ có phường Chợ Lớn, phường An Đông".
Như
vậy, có thể thấy việc chọn tên phường đã là ý chí mạnh mẽ của chính quyền, với
sự tán thành từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các ý kiến
người dân, nếu có, ít có khả năng dẫn tới một sự đảo ngược nào.
Trước
đó, khi đề xuất đặt tên Sài Gòn cho một phường ở trung tâm thành phố được chính
quyền quận 1 và Sở Nội vụ thông báo, nhiều phản ứng khác nhau đã xuất hiện,
trong đó có nhiều người phản đối gay gắt.
Nhiều
học giả, nhà thơ, nhà văn, cựu quan chức cho rằng Sài Gòn là tên từng được đặt
cho một đô thị lớn nhất nước, mà nay lại đem đặt cho một đơn vị hành chính cấp
phường là một sự thiếu tôn trọng, bất cân xứng về mặt văn hóa, lịch sử.
Nhà
báo Cù Mai Công, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ và là tác giả hai tập sách
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương, nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 16/4 rằng
lãnh đạo thành phố cần thành tâm thành ý xem xét nội dung của những góp ý về
cách đặt tên vì điều này chỉ thể hiện họ yêu thành phố đáng yêu này, yêu tên gọi
Sài Gòn đến cháy gan cháy ruột như thế nào.
"Về
phía mình, tôi không thể hình dung nếu các thành phố nổi tiếng xưa nay như Hà Nội,
Huế, Đà Nẵng… vốn có quy mô và vị trí kinh tế xưa giờ đều không bằng Sài Gòn –
TP HCM bị thành phường thì phản ứng của người dân nơi đó ra sao."
Nhà
văn Nguyễn Viện nói với BBC News Tiếng Việt rằng, là một người sống ở Sài Gòn
và sẽ chết ở Sài Gòn, ông cảm thấy khó chịu, hơn thế nữa là một sự xúc phạm khi
nghe tới đề xuất đặt tên Sài Gòn cho một phường trung tâm của TP HCM.
"Đó
là sự xúc phạm không chỉ với tư cách là công dân của nó, mà còn là xúc phạm với
lịch sử."
Sài
Gòn - 'Hòn ngọc Viễn Đông'
Nhà
thờ Đức Bà là một trong những địa chỉ nổi bật của Sài Gòn
Chi
tiết tên gọi 102 phường, xã sau sáp nhập đã được Hội đồng Nhân dân TP HCM công
bố ngày 18/4.
Theo
đó, quận 1 còn bốn phường, trong đó phường Sài Gòn hình thành trên cơ sở sáp nhập
toàn bộ phường Bến Nghé và một phần diện tích phường Nguyễn Thái Bình.
Quận
5 sau sáp nhập còn 3 phường, trong đó phường Chợ Lớn được hình thành dựa trên
cơ sở sáp nhập phường 11, phường 12, phường 13 và phường 14.
Phường
Gia Định nằm trong quận Bình Thạnh, được hình thành trên cơ sở sáp nhập phường
1, phường 2, phường 7 và phường 17.
Tuy
đã có nhiều tiếng nói của giới trí thức bao gồm nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà
thơ và cả người dân về việc dùng các tên gọi gồm Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn để
đặt cho các phường nhưng các lãnh đạo thành phố vẫn thông qua.
Báo
Dân Trí ngày 17/4 dẫn ý kiến nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, người có nhiều
công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian Nam Bộ, đặc biệt
là Sài Gòn, về việc đặt tên phường ở TP HCM sau sáp nhập.
Theo
đó, ông Trảng cho rằng đặt tên phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định chưa tương xứng
tầm vóc lịch sử. Cụ thể, cái tên Sài Gòn mang giá trị cao và ảnh hưởng rộng lớn
hơn rất nhiều so với đơn vị hành chính nhỏ nhất là phường nên nếu dùng tên phường
Bến Nghé theo ông sẽ phù hợp hơn.
Chợ
Bến Thành ở trung tâm thành phố, một biểu tượng của Sài Gòn
Nhà
báo Lê Văn Nuôi, cựu Thành ủy viên TP HCM, cựu Bí thư Thành đoàn TP HCM và là cựu
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, viết trên Facebook cá nhân rằng thành phố Sài Gòn
là địa danh có chỗ đứng rất lớn lao và thiêng liêng trong ký ức lớp người Sài
Gòn xưa - sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trước năm 1975 - và nhiều bà con người
Việt từng ở Sài Gòn đã di cư - sinh sống ở nước ngoài - trước và sau năm 1975.
Nhà
báo Cù Mai Công thì nhận định với BBC rằng từ góc nhìn chủ quan có thể những
người đề xuất đặt tên Sài Gòn cho một phường cũng có ý tốt là muốn phục hồi,
lưu giữ chính thức một tên gọi – từ chính thâm tâm của họ.
"Nhưng
có vẻ 'ý tốt' này đang gặp phản ứng từ nhiều vị từng là quan chức nhà nước đến
nhiều bậc trí thức, trí giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ..., với đủ lý do
và với nhiều cách thể hiện, đôi lúc gay gắt."
"Thậm
chí có ý kiến việc gọi Sài Gòn - đô thị lớn nhất nước, từng có lúc là 'Hòn ngọc
Viễn Đông', một trong các ngôi sao Đông Nam Á là 'phường' như một sự xúc phạm...,"
ông Công nói với BBC.
Bởi
lẽ theo ông, Sài Gòn vốn là đô thị có thời được xem là "Hòn ngọc Viễn
Đông". Dù vẫn có những tranh cãi xoay quanh tên gọi này nhưng chính Tổng
Bí thư Tô Lâm mới đây cũng nhắc tới mỹ hiệu này và dù thế nào thì Sài Gòn vẫn
là đô thị lớn nhất nước và trong quá khứ là đô thị thuộc hàng đứng đầu, là ngôi
sao, ít nhất ở Đông Nam Á.
Sài
Gòn vào năm 1970, ảnh chụp quang cảnh người dân mua sắm Tết tại trung tâm Sài
Gòn
Tại
buổi gặp mặt các cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu, đại
biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ các tỉnh thành phía Nam ngày 9/1/2025,
Tổng Bí thư Tô Lâm đúng là đã nói rằng vào những năm 1960 thì Sài Gòn "là
điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng".
Vào
sáng ngày 13/2, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, người đứng đầu Đảng Cộng sản
lại một lần nữa nhắc đến tên gọi Sài Gòn.
Cụ
thể, khi nói đến vị thế quốc gia và cho rằng Việt Nam đang quá chậm, khả năng cạnh
tra quốc gia khó khăn.
"Nhìn
sang Singapore, thành lập năm 65, khó khăn lắm. Người ta nói chỉ có nồi đất, một
cái làng chài, bây giờ 50-60 năm người ta phát triển như thế. Lúc ấy người ta
nói Singapore những năm 60, 70 mà được sang TP HCM, sang Sài Gòn, lúc ấy gọi là
Sài Gòn để đi khám ở bệnh viện Chợ Rẫy thôi là niềm mơ ước."
"Sài
Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, Thái Lan, Mã Lai, Singapore , tất cả các thứ người
ta rất phục."
Việc
người đứng đầu Đảng Cộng sản nhắc đến Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông, là một đô
thị từng khiến các nước láng giềng phải thán phục và mơ ước trong quá khứ, phần
nào cho thấy sự nhìn nhận của chính thể hiện tại đối với vị thế và tầm vóc của
Sài Gòn suốt một chặng dài lịch sử.
Nhà
nghiên cứu về Sài Gòn - Gia Định, ông Nguyễn Thanh Lợi, trong bài viết được
chia sẻ công khai trên Facebook tác giả Cù Mai Công, đã nhắc về lịch sử tên gọi
Sài Gòn rằng Sài Gòn "có lúc là tỉnh, thủ đô, là Hòn ngọc Viễn Đông."
"Danh
xưng Sài Gòn cả thế giới đều biết, dù không còn là tên đơn vị hành chính từ sau
năm 1975, nhưng không vì thế mà mất đi tên tuổi của nó với tất cả lòng tự
hào."
"Với
tầm vóc như vậy thì không thể 'nhốt' nó trong một đơn vị hành chính cấp phường,
như quận 1 dự kiến đặt tên, dưới danh nghĩa là 'bảo tồn' địa danh lịch sử. Chẳng
thà không đặt còn hơn," ông Lợi viết.
Một
góc phố đường Lê Lợi được chụp vào năm 1991
Không
chỉ là một địa danh
Đường
phố Sài Gòn vào năm 1960
Theo
tác giả Cù Mai Công, dù địa danh Sài Gòn đã chính thức không còn sau quyết định
của Quốc hội thống nhất hai miền từ 2/7/1976 nhưng hai chữ "Sài Gòn"
vẫn được dùng để đặt cho tên cầu, cho các đơn vị, công ty.
Chẳng
hạn Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị bán lẻ lớn
nhất Việt Nam tên chính là vậy, nhưng tên tắt lại là Saigon Co.op; khu đô thị
Nam Sài Gòn; Toyota Đông Sài Gòn…
Mã
hàng không quốc tế SGN được đặt cho sân bay Tân Sơn Nhất của Sài Gòn từ xưa đến
nay không đổi.
"Vô
số thông tin trên truyền thông, báo chí lâu nay vẫn gọi Sài Gòn, dân Sài Gòn.
Quan trọng hơn, đa số người dân miền Nam lẫn miền Bắc khi đến TP HCM vẫn nói
'đi Sài Gòn'," ông Cù Mai Công nói.
Trả
lời trên VnExpress ngày 16/4, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cũng bày tỏ băn
khoăn việc lấy tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đặt cho phường sẽ khiến các địa
danh vốn được xem là "di sản văn hóa" của bao lớp người lại khu biệt
trong một đơn vị hành chính cấp phường.
"Những
người gắn bó với cả vùng đất Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định sẽ có những tâm tư nhất
định vì cảm giác địa danh đó không còn là của mình nữa," ông Lợi nói với
VnExpress.
Còn
trên Facebook, ông Lợi nói thêm rằng, danh xưng luôn đi kèm theo tên gọi phù hợp.
Làm như vậy khác nào xúc phạm đến lòng tự hào, không chỉ của người Sài Gòn, mà
còn của những ai gắn bó với vùng đất này.
"Chỉ
giữ tên gọi hành chính mà không đi kèm với địa giới phù hợp của nó là sự kệch cỡm,
khôi hài. Vài chục thành phố, thị xã ở Việt Nam cũng sẽ 'biến mất' theo kiểu
này. Quận 1 cũng không thể có tư cách để đại diện cho 'phường Sài Gòn', bởi Sài
Gòn đâu chỉ là quận 1, dù ở vị trí trung tâm."
"Có
nhiều cách để bảo tồn địa danh, như trong giáo dục, nghiên cứu, làm từ điển địa
danh, du lịch... chứ không nhất thiết áp dụng một cách máy móc, gây phản cảm!,"
bài viết của ông Nguyễn Thanh Lợi trên trang Facebook của tác giả Cù Mai Công
nêu.
Khu
vực Chợ Lớn, ảnh chụp vào năm 1994
Đồng
ý kiến, tác giả Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - ông Cù Mai Công - nói với
BBC rằng, không chỉ Sài Gòn mà có thể cả Gia Định, Chợ Lớn - hai vùng đất rất lớn
cả về kinh tế, lịch sử, văn hóa rồi sẽ thành tên phường, cùng hàng trăm địa
danh khác, do yêu cầu sáp nhập, sẽ không còn tên hành chính.
"Ai
vô tâm mới không suy nghĩ! Buồn, rất buồn và có người còn là đau lòng. Khoan
nói về bề dày văn hóa, lịch sử, với tôi, một địa danh không thể mất dù đã mang
tên mới khi lòng người vẫn nhớ tới nó, hướng về nó."
"Không
chỉ Sài Gòn. Như thành phố Chợ Lớn, tỉnh Chợ Lớn đã bị chính quyền Việt Nam Cộng
hòa xóa bỏ, nhập vào Sài Gòn - Gia Định từ 1957. Gần 70 năm rồi, nhưng giờ người
ta vẫn gọi vùng này là Chợ Lớn đó thôi. Giờ thành phường, buồn chứ, thậm chí
đau lòng chứ," tác giả Cù Mai Công nói.
Ông
Công nói không chỉ riêng ông mà nhiều trí thức khác cũng cho rằng, thà không có
phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… để ai nấy còn biết về những vùng Sài Gòn, Chợ
Lớn, Gia Định… từ xưa tới nay rộng lớn gấp bội.
"Nhưng
một địa danh hành chính xét cho cùng chỉ một thời thôi. Tên gọi từ lòng người
là muôn thuở," ông đúc kết.
Chợ
Bình Tây do thương gia người Hoa - Quách Đàm xây dựng năm 1928 ở khu Chợ Lớn, ảnh
chụp năm 2013.
Bưu
điện Sài Gòn nằm trong top 11 bưu điện đẹp nhất thế giới, theo cuộc khảo sát
năm 2023 của tạp chí kiến trúc Architectural Digest (Mỹ), nhờ lưu giữ
phong cách kiến trúc nổi bật của phương Tây qua hơn 130 năm. Ảnh chụp năm 2017.
Các
tòa cao ốc ở khu vực trung tâm TP HCM ngày nay
Nhà
văn Nguyễn Viện khẳng định với BBC rằng, Sài Gòn không phải chỉ là một cái tên
mà là máu huyết, là linh hồn không phải chỉ của người Sài Gòn, mà còn là của cả
đất nước này.
"Sài
Gòn không phải là của chính quyền cũ, 'ngụy quân' hay 'ngụy quyền'. Sài Gòn
cũng không phải của riêng ai, người chiến thắng hay người thua cuộc. Sài Gòn là
của cha ông chúng ta, những người đã đi mở cõi từ hơn 300 năm trước."
"Vị
thế của Sài Gòn trong lịch sử và văn hóa tiêu biểu cho cả một vùng đất mới của
tổ quốc. Vì thế, đặt tên Sài Gòn cho một phường là thiếu tôn trọng lịch sử, văn
hóa dân tộc," ông Viện nói.
Nhà
báo Lê Văn Nuôi kiến nghị trên Facebook rằng hãy tôn trọng, hãy giữ lại tên gọi
"Sài Gòn" như một tên cũ, một tiền thân, một giai đoạn lịch sử rất
quan trọng của biên niên sử 327 tuổi của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc
chọn tên Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn cho các phường chỉ là câu chuyện riêng của
TP HCM, trong khi ở tầm quốc gia, danh sách tỉnh thành dự kiến sau sáp nhập
cũng đang gây những tranh luận về cách đặt tên tỉnh thành sau sáp nhập.
-------------------------
Tin
liên quan
·
Công bố danh sách
sáp nhập: Lại đúng như lời đồn!
14
tháng 4 năm 2025
·
Khôi phục những di sản
điện ảnh Sài Gòn trước 1975
16
tháng 9 năm 2020
·
14
tháng 6 năm 2018
No comments:
Post a Comment