Tuesday, April 15, 2025

PHỎNG VẤN GS ALEX-THÁI ĐÌNH VÕ VỀ HỘI THẢO '1975 : THE END OF THE VIETNAM WAR' (Triều Giang / Người Việt)

 



Phỏng vấn GS Alex-Thái Đình Võ về hội thảo ‘1975: The End of the Vietnam War’

Triều Giang (thực hiện)

April 14, 2025 : 5:33 PM

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/phong-van-gs-alex-thai-dinh-vo-ve-hoi-thao-1975-the-end-of-the-vietnam-war/#google_vignette

 

LTS: Tiến Sĩ Alex-Thái Đình Võ là một sử gia người Mỹ gốc Việt, hiện là giáo sư nghiên cứu tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ của đại học Texas Tech University, Lubbock, Texas. Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt là thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Chiến Tranh Việt Nam, và cộng đồng người Việt hải ngoại. Sinh ra tại Quảng Ngãi, ông cùng gia đình định cư tại Mỹ năm 1990 theo diện HO, lớn lên tại California, tốt nghiệp cử nhân đại học UC Berkeley, tốt nghiệp cao học và tiến sĩ đại học Cornell University. Nhân dịp Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ tổ chức hội thảo “1975: The End of the Vietnam War,” chúng tôi có buổi trò chuyện ngắn với Tiến Sĩ Alex-Thái Đình Võ, thành viên ban tổ chức, để tìm hiểu thêm về sự kiện quan trọng này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/DP-Phong-Van-Chien-Tranh-Viet-Nam-1-1536x1152.jpg

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ (bìa trái) chụp hình với một số thành viên Phong Trào Hưng Ca tại hội thảo “1975: The End of the Vietnam War” ở đại học Texas Tech University, Lubbock, Texas, ngày 12 Tháng Tư. (Hình: Phong Trào Hưng Ca cung cấp)

 

Người Việt: Thưa giáo sư, có bao nhiêu người tham dự hội thảo năm nay?

 

 

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ: Số người ghi danh tham dự năm nay khoảng 180.

 

Người Việt: Việt Nam có gửi người qua không? Nếu có, gồm bao nhiêu người, và những đề tài tham luận phần đông là về những vấn đế gì?

 

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ: Từ Việt Nam sang có khoảng năm hoặc sáu người tham dự, chủ yếu là sinh viên đại học trẻ từ đại học Fulbright University Vietnam, trong đó, bạn Nguyễn Thị Kim Hoa trình bày về di tản và kiến quốc tại Quảng Trị (1965-1975), bạn Mã Y Vân nói về quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ (1975-1995), bạn Nguyễn Hoàng Thụy Kha phân tích hiện thực xã hội thời chiến và hậu chiến trong văn chương.

 

Ngoài ra, có ba bạn Tạ Bảo Long, Trần Nguyễn Phương Thảo, và Tiana Duong (đại học Dartmouth College) cùng trình bày về tình trạng của Nghĩa Trang Bình An (tức Nghĩa Trang Biên Hòa của VNCH).

 

Cũng có Tiến Sĩ Thanh Hoàng từ Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM trình bày về chính sách của Đệ Nhị Cộng Hòa đối với các cộng đồng bản địa ở Việt Nam.

 

Người Việt: Có bao nhiêu người Việt hải ngoại tham dự? Số thuyết trình viên của người Việt hải ngoại có đông không? Họ quan tâm về những đề tài nào? Xin cho biết một số tên tuổi.

 

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ: Số người Việt hải ngoại tham dự năm nay đông vượt trội so với các năm trước, phần lớn từ các địa phương và thành phố lớn như Nam California, Dallas, Houston, Seattle, v.v… Trên một nửa là người Việt hải ngoại, hơn 40 diễn giả từ cộng đồng này.

 

Trong số này có những vị thuộc thế hệ thứ nhất, nay đã 70 – 90 tuổi, tiêu biểu như Bác Sĩ Nghĩa Võ, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, Tiến Sĩ Chữ Nguyễn, Tiến Sĩ Trọng Phan, nhà báo Bùi Văn Phú, ông Huy Nguyễn, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, và đặc biệt là Giáo Sư Vũ Quý Kỳ, năm nay đã trên 90 tuổi.

 

Đa số còn lại là các anh chị em thế hệ 1.5 và 2, hiện đang giảng dạy tại các đại học ở Hoa Kỳ như Uyên Nguyễn (Texas Tech University), Nguyễn Quốc Vinh (Columbia University), Jason Nguyễn (Cerritos College), Phú Vũ (Texas Tech University), Nữ-Anh Trần (University of Connecticut), Vũ Tường (University of Oregon), Lan Cao (Chapman University), Ý-Thiên Nguyễn (CSU Dominguez Hills), Jennifer Huỳnh (University of Notre Dame), Sơn Mai (Midland College), Evyn Espiritu Gandhi (UCLA), Vinh Phú Phạm (Bard Early College), Roy Vũ (Dallas College), Tuấn Hoàng (Pepperdine University), cùng các nhà văn, nhà làm phim như Christina Võ, Andrew Lâm, Thanh Tân, và Zora Mai Quỳnh.

 

Các đề tài trình bày trải rộng và sâu sắc, từ âm nhạc đến văn học Việt Nam và hải ngoại, từ chiến tranh đến những vấn đề hiện nay, từ bảo quốc an dân đến lịch sử Nguyễn Huệ dưới thời VNCH, từ xã hội miền Bắc trong thời chiến đến câu hỏi về dân tộc thiểu số, sự thật lịch sử, và những đứa trẻ trong Chiến Tranh Việt Nam, rồi từ phương pháp mới trong nghiên cứu Việt Nam đến vai trò người Việt hải ngoại trong việc chống Cộng và xây dựng, từ lính VNCH đến chính trị cộng đồng, vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền, từ những góc khuất và im lặng giữa các thế hệ đến suy tư về cuộc chiến 50 năm sau khi nó kết thúc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/DP-Phong-Van-Chien-Tranh-Viet-Nam-2-1536x1152.jpg

Quang cảnh một buổi hội thảo về Chiến Tranh Việt Nam do Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ thuộc đại học Texas Tech University, Lubbock, Texas, tổ chức. (Hình: Facebook Alex Thai)

 

Người Việt: Phần tham luận chủ đề “Abandoning Vietnam: Reflection on US and RVN Decision – Making at the End of the Vietnam War” do ba tác giả nổi tiếng Andrew West, George Jay, và James Willbank, trình bày. Những điều họ nói và kết luận, đối với giáo sư, có thỏa đáng không? Vì sao?

 

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ: Sự thật là, thất bại ở Việt Nam phần lớn bắt nguồn từ việc Hoa Kỳ rút bỏ cam kết với VNCH, một quyết định chịu tác động của nhiều yếu tố phức tạp, từ làn sóng phản chiến trong nước, đến những thay đổi sâu rộng trong nội bộ chính trị Hoa Kỳ, và cả sự thiếu hiểu biết thực tế của giới hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đối với tình hình Việt Nam.

 

Theo tôi, những nhận định như vậy là khá trung thực và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, không phải để chỉ trích hay đổ lỗi, mà để hiểu rõ hơn về những động lực và giới hạn của sự can thiệp, cũng như hậu quả dài lâu đối với cả Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

Người Việt: Theo cái nhìn của giáo sư, một thành viên ban tổ chức, ông nhận định ra sao về hội thảo năm nay? Có những điều gì ông thấy hài lòng và những gì có thể làm khác hơn?

 

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ: Đối với ban tổ chức, đây là một hội thảo rất thành công, quy tụ đông đảo người tham dự từ nhiều nơi, nhiều lĩnh vực chuyên môn và nghiên cứu khác nhau. Số lượng tham dự vượt trội so với các năm trước, đặc biệt hơn một nửa là người Việt.

 

Với tôi, niềm vui lớn nhất không chỉ là kết quả mà là không khí trao đổi chân thành, sự lắng nghe lẫn nhau để cùng hiểu và thấu cảm về một chủ đề vẫn còn nhạy cảm – cuộc chiến tranh và những hệ lụy của nó.

 

Đáng mừng hơn nữa là sự hiện diện tích cực của nhiều bạn trẻ trong ngành, các sinh viên cử nhân từ Việt Nam đến, với những nghiên cứu đa chiều, các học giả người Mỹ gốc Việt với nỗ lực ghi lại lịch sử chiến tranh, hậu chiến, và cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

Tôi rất tự hào về Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ và đại học Texas Tech University vì đã tạo nên một nền tảng cho đối thoại đa dạng, không giới hạn trong giới học thuật mà còn mở rộng cho sự tham gia của các cựu chiến binh, người dân thường – những tiếng nói chân thực và đáng trân trọng.

 

Nếu có điều gì mong mỏi hơn, tôi hy vọng trong tương lai Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ có thể hợp tác với một tổ chức nào đó để tổ chức hội thảo ngay tại những khu vực và thành phố có đông người Việt như Nam California, San Jose, Houston, v.v… Và mong rằng sẽ có thêm nhiều tiếng nói của người Việt từ khắp nơi trên thế giới cùng góp mặt, cùng kể câu chuyện của chính mình.

 

Người Việt: Hội thảo năm tới sẽ được tổ chức tại đâu? Đề tài thảo luận là gì? Và khi nào được tổ chức?

 

Giáo Sư Alex-Thái Đình Võ: Năm tới dự định sẽ tổ chức tại Viêt Nam. Đề tài hiện chưa có. Thời gian thì chắc vào mùa Hè năm sau.

 

Người Việt: Chân thành cảm ơn giáo sư dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn quý báu này. (Đ.D.)

 

 




No comments: