Sunday, April 13, 2025

NHÌN LẠI CHIẾN TRANH VIỆT NAM QUA HỘI THẢO 'TƯỞNG NIỆM 50 NĂM' Ở LITTLE SAIGON (Thiện Lê / Người Việt)

 




Nhìn lại Chiến Tranh Việt Nam qua hội thảo ‘Tưởng Niệm 50 Năm’ ở Little Saigon

Thiện Lê/Người Việt

April 13, 2025 : 3:23 PM

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/nhin-lai-chien-tranh-viet-nam-qua-hoi-thao-tuong-niem-50-nam-o-little-saigon/

 

GARDEN GROVE, California (NV) – Đông đảo đồng hương có mặt tại Trung Tâm Văn Hóa và Truyền Thông Việt Nam ở thành phố Garden Grove hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Tư, để dự buổi hội thảo “Tưởng Niệm 50 Năm Sau Chiến Tranh Việt Nam.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/DP-hoi-thao-50-nam-1-scaled.jpg

Buổi hội thảo “Tưởng Niệm 50 Năm Sau Chiến Tranh Việt Nam.” (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Buổi hội thảo do Bảo Tàng Quân Lực VNCH tổ chức, có sự tham dự của nhiều đại diện của bảo tàng, và quan trọng nhất là hai diễn giả là ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng dân vận và chiêu hồi VNCH, còn là bí thư và phát ngôn viên cho Tổng Thống Nguyên Văn Thiệu, cùng ông Phan Nhật Nam, nhà văn, ký giả chiến trường và cựu sĩ quan Binh Chủng Nhảy Dù.

 

Trước khi vào chương trình, các đại diện của bảo tàng cho biết mục đích của buổi hội thảo là ôn lại những điểm chính trong Chiến Tranh Việt Nam và kết nối các thế hệ về lịch sử.

 

Khán thính giả tham dự buổi hội thảo có đến ba thế hệ, gồm có những cao niên từng sống qua cuộc chiến cùng con cháu của họ và thế hệ trẻ được sinh ra ở Hoa Kỳ.

 

Ông Hoàng Đức Nhã mở đầu phần thuyết trình “Kết Thúc Bi Thảm của Một Liên Minh VNCH-Hoa Kỳ”  khi cho biết cuộc chiến có kết cuộc không tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là phải xấu hổ. Ông còn nói ngày 30 Tháng Tư, 1975 không phải tự nhiên xảy ra, mà là quá trình kéo dài đến một thập niên, và phần thuyết trình của ông nói về quá trình đó.

 

Theo ông, Chiến Tranh Việt Nam là thất bại đầu tiên của Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến vì từng đánh bại Nhật Bản và Đức Quốc Xã, còn “huề” Chiến Tranh Triều Tiên. Sự thất bại ở Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều đến chính quyền Nixon.

 

Sau đó, ông nói về hoàn cảnh của VNCH trong 20 năm chiến tranh, cho biết VNCH là quốc gia duy nhất vừa chống giặc vừa xây dựng được một chế độ dân chủ, là một thể chế cộng hòa lập hiến, có tuyển cử đa đảng từ trung ương đến địa phương.

 

Về quân đội, ông Hoàng Đức Nhã cho biết Quân Lực VNCH ngày càng mạnh, đánh bại được cuộc tổng tấn công của Cộng Sản tại ba mặt trận vào mùa Xuân 1972 trong khi không còn quân đội Mỹ viện trợ nữa, nhưng ít ai công nhận điều đó.

 

Về phần kinh tế, VNCH thành công lớn trong phát triển nông nghiệp vì người cày có ruộng, và cả nước tự túc về lúa gạo nên có thể sắp xuất cảng gạo vào đầu năm 1975, thậm chí còn gia tăng chất đạm trong thực phẩm hằng ngày. Không chỉ vậy, quốc gia lúc đó còn mỏ dầu Bạch Hổ nên tương lai kinh tế tươi sáng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/DP-hoi-thao-50-nam-2-1536x1024.jpg

Ông Hoàng Đức Nhã. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Tuy nhiên, ông cho hay Hoa Kỳ lúc đó không muốn nghĩ nhiều về Chiến Tranh Việt Nam nữa, phải bỏ lại một đồng minh vì người Mỹ mệt mỏi, chi phí và tổn thất quá nhiều tuy VNCH sẵn sằng để thương thuyết với Bắc Việt với mục đích chấm dứt chiến tranh.

 

Về phần thương thuyết hòa bình, ông Nhã nói VNCH và Hoa Kỳ “Chung một giường… Nhưng hai giấc mơ” làm con đường tìm hòa bình đầy thử thách.

 

Một lý do quan trọng gây ra nhiều thử thách cho Chiến Tranh Việt Nam là chính trị Hoa Kỳ đi qua nhiều giai đoạn trong cuộc chiến. Những giai đoạn đó là ngăn chặn “làn sóng đỏ” đến tiêu diệt mối nguy cộng sản, rồi cuối cùng là Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam vì muốn “hòa bình trong danh dự.”

 

Ông còn nói về nhiều giai đoạn của cuộc chiến, có những bước ngoặc như “Mỹ hóa” chiến tranh bằng chiến dịch “Rolling Thunder” vào Tháng Ba, 1965; tổng công kích vào Tết Mậu Thân 1968 tại hơn 100 thành phố và căn cứ ở miền Nam.

 

Tuy có những chiến thắng quan trọng cho quân đội Mỹ và QLVNCH, nhưng chính trị Mỹ liên quan đến cuộc chiến bắt đầu thay đổi từ đây như suy nghĩ của người dân và các chính sách của Quốc Hội dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam.

 

Ông Nhã cho biết vào năm 1969, có hơn 500,000 binh sĩ Mỹ tham chiến, nhưng đến năm 1973 chỉ còn 50,000. Lúc đó, QLVNCH sẵn sàng đảm nhiệm, và ông Nhã cho hay lúc đó ông bày tỏ sự bất mãn trước các tham mưu của Hoa Kỳ vì gọi việc rút quân là “Việt Nam Hóa Chiến Tranh.”

 

Không chỉ rút quân, Hoa Kỳ còn bắt đầu ngưng viện trợ cho VNCH từ năm 1973 đến 1975. Vào năm 1973, số tiền viện trợ lên đến $2 tỷ cho quân sự và $500 triệu cho kinh tế. Sau Hiệp Định Paris 1973, tiền viện trợ cho quận sự giảm xuống còn $1 tỷ, và đến năm 1975 không còn viện trợ nữa vì Quốc Hội không chấp thuận yêu cầu của Tổng Thống Gerald Ford.

 

Sau nhiều biến cố, ông Nhã cho biết Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu Chiến Dịch Mùa Xuân 1975  vào ngày 10 Tháng Ba, huy động 18 sư đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn biệt lập, pháo binh và tiếp vận.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/DP-hoi-thao-50-nam-3-1536x1024.jpg

Ông Phan Nhật Nam. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

 

Chiến dịch đó làm QLVNCH mất vùng cao nguyên, còn mất các thành phố như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và Phan Rang. Đến ngày 21 Tháng Tư, Tổng Thống Thiệu từ chức, và Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 Tháng Tư.

 

Sau đó, ông Nhã nói về những lý do làm Quốc Hội Hoa Kỳ không giúp VNCH, đầu tiên là đảng Dân Chủ nắm đa số, tiếp theo là vụ Watergate của Tổng Thống Richard Nixon.

 

Theo ông, đảng Dân Chủ lúc đó “cay cú” vì Tổng Thống Thiệu không dự phiên họp hòa đàm vào đầu Tháng Mười Một, 1968, gián tiếp giúp ông Nixon đắc cử tổng thống sau khi đánh bại Phó Tổng Thống Hubert Humphrey.

 

Chính quyền Nixon còn không coi Hiệp Định Paris 1973 là một hiệp đình đàng hoàng, mà chỉ coi như một thỏa hiệp hành chánh, không cần Quốc Hội phê chuẩn nên có thể dễ dàng không giữ cam kết.

 

Cuối cùng, ông nhìn lại và cho hay VNCH có thể đảm đương cuộc chiến nếu có đủ viện trợ và đạn dược. Ông còn nhắc lại lời nói của ông Winston Churchill, thủ tướng Anh, trước Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 1941 là “hãy cho chúng tôi công cụ, chúng tôi sẽ hoàn thành sứ mạng.”

 

Nếu được viện trợ đầy đủ, ông Nhã cho rằng kết cục cuộc Chiến Tranh Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn người dân VNCH.

 

Buổi hội thảo sau đó kết thúc bằng phần thuyết trình nói về rất nhiều thứ liên quan đến Hiệp Định Paris 1973 do ông Phan Nhật Nam phụ trách, cũng bày tỏ nhiều sự bất mãn và phẫn uất với cách chính sách của Hoa Kỳ đương thời. [kn]

Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com

 




No comments: