Người
bạn họa sĩ khiếm thị của tôi
Dương Tự Lập | Báo Tiếng Dân
25/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/25/nguoi-ban-hoa-si-khiem-thi-cua-toi/
Thằng
bạn thân nhất trong đời quân ngũ của tôi tên là Thực. Nếu không có chuyện dây
dưa với nó sau ngày ra quân chắc gì tôi đã biết tới anh. Như anh thường nói với
mọi người khi có mặt tôi:
–
Thằng em đây là người bạn vong niên của tôi đó. Anh hơn tôi cả con giáp, anh họa
sĩ Lê Duy Ứng. Người nổi tiếng vẽ chân dung ông Hồ bằng máu trước cửa ngõ Sài
Gòn những ngày cận kề 30 tháng 4 năm 1975 khi hai con mắt bị trọng thương,
tứa máu, không còn thấy gì.
Chị
Cẩn “lai” nhìn rất duyên thậm chí xinh nữa là khác, da ngăm ngăm giống mẹ, chị
không biết mặt cha nhưng như chị nói, theo mẹ chị kể thì bố chị là người lính
Pháp sang Đông Dương hồi thập niên 1940. Chẳng biết có xích mích gì giữa hai
gia đình mà nhà kia đe dọa đưa người tới trấn áp. Chị có lời nhờ Thực, đêm nay
đến nhà chị cho có bóng dáng đàn ông mạnh mẽ đỡ lo. Thực rủ tôi đi cùng.
Thực
trong ngõ Cẩm Văn cùng quận Đống Đa – Hà Nội với tôi, cùng đơn vị, cùng nhập
ngũ đầu thu năm 1978 một ngày, rồi cùng lên biên giới chuẩn bị đánh giặc bành
trướng Trung Quốc cướp nước ta. Lúc nhập ngũ, Thực đang làm trong Công ty xây dựng
nhà ở số II, Hà Nội. Nhà Thực nghèo đông anh em như nhà tôi, Thực chỉ học hết lớp
5, nhưng bù lại, Thực bỏ ra 5 năm miệt mài võ thuật trên phố Hàng Dầu hay Hàng
Thùng gì đó mà thầy dạy là một võ sư người gốc Tầu có tiếng. Trong lính, Thực
đánh hai “cửa” ba “cửa”, nghĩa là Thực chấp hai thằng, ba thằng vào đánh cũng
không ăn nổi Thực.
Tôi
bé nhỏ, yếu đuối, không biết gì võ vẽ, tối nay được Thực rủ đi thì cầm theo đoạn
ống tuýp nước cho có vẻ máu chó để yểm trợ Thực. Khoảng 8-9 giờ tối mùa đông Hà
Nội những năm 1982-1983 vắng tanh, vắng ngắt, heo hút lắm. Vào ngõ Trại Găng,
Thanh Nhàn thật thiên la địa võng.
Thực
dặn tôi canh chừng một đầu để Thực đi một vòng xem có động tĩnh gì không. Đêm tối
mờ tôi không thấy Thực nữa, bỗng có một cánh cửa gần nhà chị Cẩn “lai” bất ngờ
bật mở le lói ánh điện. Tôi lẹ làng áp sát lăm lăm đoạn tuýp nước và rút tay
trái trong túi quần ra ở tư thế phang ngay nếu đối phương có manh động. Quan
sát kỹ, thấy người này có biểu hiện như bị kém mắt. Tay anh ta quờ quạng cầm
cái bơm hay cái gì giông giống cái bơm xe đạp nên tôi càng nghi ngờ, lao tới, gằn
giọng:
–
Mày định làm gì… ?
–
Không, tôi cất đồ vào nhà…
–
Tao tưởng mày…
Trong
nhà có tiếng trẻ sơ sinh khóc.
Đêm
ấy qua đi cũng không có chuyện gì xảy ra với nhà chị Cẩn “lai”. Thằng Nam, em
hàng xóm với tôi hồi đó là công an khu vực của phường Thanh Nhàn, đưa tôi xem
cái thẻ mỏng bìa cứng, có tên họ tôi tham gia “Hội những người yêu sách” mà mấy
chị nhân viên bán sách trước cửa Nhà xuất bản Văn học 49 Trần Hưng Đạo làm cho
tôi khi mới xuất ngũ. Hội này do ông nhà văn Vũ Tú Nam làm hội trưởng, anh nhà
thơ Phạm Tiến Duật hội phó.
Tôi
hỏi nó, cái thẻ này Nam lấy đâu ra, nó bảo anh họa sĩ Lê Duy Ứng có kể chuyện,
rồi đưa em. Tôi giật mình nghĩ lại lúc rút tay trái ở túi quần sơ suất để cái
thẻ rơi ra theo mà không hay. Không ngờ người tôi suýt phang ống tuýp nước vào
đầu đêm ấy lại là anh họa sĩ hỏng mắt Lê Duy Ứng.
Ít
lâu sau, Thực và tôi tiễn gia đình chị Cẩn “lai” sang Pháp theo diện con lai,
đi cùng còn có chị ca sĩ nghiệp dư Ngọc Bé. Chị Ngọc Bé của thời “tiếng hát át
tiếng bom” đó nổi tiếng với các bài “Cô thợ nề Thủ đô” của Lưu Bách Thụ; “Em là
thợ quét vôi” của Đỗ Nhuận… với chất giọng soprano, vui khỏe, hay biểu diễn
ngoài trời Hà Nội như Công viên Bách Thảo, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Vườn hoa Chí
Linh; Nhà hát Nhân dân, Câu lạc bộ Thống nhất, Cung Thanh niên hồ Thiền Quang…
Chị khoác túi da đen mà theo lời chị nói, trong túi có đơn xin thôi việc – ở
Nhà máy tàu điện Thụy Khuê, nơi chị làm việc, sau đổi thành Công ty Xe điện Hà
Nội – là kỷ vật đặc biệt nhất.
Người
Pháp đến Việt Nam để lại nhiều công trình giá trị dấu ấn lịch sử trong đó có tiếng
leng keng tàu điện sớm khuya ăn sâu vào tâm trí ký ức người Hà Nội. Nay trở về
nước Pháp cội nguồn chị mang theo kỷ vật do chính người Pháp tạo dựng. Biết đâu
đấy mai sau đơn xin thôi việc của chị lại chẳng thành báu vật mà Viện bảo tàng
Việt Nam hay Viện bảo tàng Pháp tới mua lại.
Anh
Lê Duy Ứng người Quảng Bình, ra Hà Nội học trường Cao đẳng Mỹ thuật (tên trường
ngày ấy) ở phố Yết Kiêu, ngay bên sườn Nhà hát Nhân dân của bọn tôi. Thời choai
choai, chúng tôi hay vượt tường Nhà hát băng qua Yết Kiêu, vào chơi trong sân
trường Mỹ thuật những trưa và đêm hè mát mẻ. Niềm đam mê hội họa của tôi cũng
nhen nhóm từ buổi ban đầu ấy, nhưng không thành.
Năm
1971, đang học dở năm thứ ba, anh Ứng bỏ bút vẽ, khoác súng vào chiến trường
khói lửa Quảng Trị. Cùng năm đó anh trai tôi vào thẳng miền Đông Nam bộ. Ngày
28-4-1975, hai ngày trước khi Sài Gòn thất thủ anh Ứng bị trọng thương, mù đôi
mắt khi đang ngồi trên xe tăng tiến về thành phố chừng hơn 30 cây số nữa. Phút
giây tưởng chấm dứt cuộc đời ở tuổi 28 ấy, anh rất tỉnh táo, rút tờ giấy roki
trắng ra, lấy ngón tay chấm máu mắt để vẽ chân dung ông Hồ Chủ tịch. Thần tượng
theo suốt cuộc đời, vẽ xong anh gấp lại đút vào túi áo ngực ngất lịm, đồng đội
tưởng anh chết, đưa về phía sau đào huyệt để chôn anh, thì anh tỉnh lại. Sau
này còn một thần tượng nữa trong anh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cùng
quê.
Trời
thương, trao cho đời anh chị Trần Thị Lê, một người vợ thật tuyệt vời, yêu quý
anh hết mực. Chị là một người trong số gần ba mươi cô gái được chọn của đoàn Bắc
vào Quảng Trị tham gia trao trả tù binh bên dòng Thạch Hãn tang hải sau Hiệp định
Paris ký kết đầu năm 1973. Lần đầu tiên anh, chị gặp nhau ở thị trấn Đông Hà,
cô gái hai mươi tuổi trẻ trung, nết na Hà Nội cũng gốc Quảng Bình đã làm anh
lính họa sĩ bị hớp hồn.
Chị
Lê cũng cùng ngành phục vụ ăn uống với tôi nhưng ở cửa hàng ăn uống Nguyễn Công
Trứ thuộc quận Hai Bà Trưng, còn tôi bên quận Đống Đa. Gần cuối năm 1976 chị vẫn
quyết tâm cưới anh tại nhà chị ở khu tập thể Trương Định, tuy biết phía trước
cuộc đời mình sẽ nhiều tình cảnh gian nan, vất vả với người chồng mù. Có câu
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Chắc có lẽ để kỷ niệm địa danh cuộc gặp
tình cờ nên vợ nên chồng “Người đâu gặp gỡ làm chi / Trăm năm biết có duyên
gì hay không” đó mà khi sinh hai cháu, một trai một gái, anh đều đặt tên
Hà, Lê Đông Hà và Lê Thị Hà.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/04/1-121.jpg
Ảnh:
Vợ chồng anh lính, họa sĩ Lê Duy Ứng và chị Trần Thị Lê. Nguồn: Dương Tự Lập
Cuối
năm 1982, một may mắn nữa đến với anh Ứng. Có cậu học sinh cấp ba ngoại thành
Hà Nội bị đau ruột thừa không kịp cấp cứu đã qua đời. Khi nghe tin anh thương
binh hạng nặng Lê Duy Ứng cần thay giác mạc, mới có cơ hội thấy ánh sáng, gia
đình em này tình nghĩa xin được hiến tặng giác mạc của con trai mình lâm nạn
cho anh và một người nữa.
May
mắn hơn, người thay ghép giác mạc cho anh lại là giáo sư, bác sĩ tài năng Nguyễn
Trọng Nhân, Viện trưởng Viện mắt Trung ương ngày đó đích thân thực hiện ca mổ rất
thành công. Một bên mắt anh được mổ, tuy không nhìn rõ như mắt thường nhưng với
anh vô cùng quý giá vì lần đầu tiên thấy được mặt mũi các con và người thân của
mình.
Tôi
chơi với anh vào thời bao cấp khó khăn, dù chênh nhau tuổi tác, khác nhau nghề
nghiệp, nhưng vì còn máu hội họa nên tôi nể trọng nghị lực phi thường mãnh liệt
trong con người anh. Tôi từng đưa anh đến gia đình chú Sơn Tùng, nhà văn, ở 22
/ A1 trong ngõ Văn Chương, Khâm Thiên. Hai người thương binh hạng nặng gặp gỡ
nói chuyện với nhau rồi sau đó chú Sơn Tùng có viết một bài về anh, đăng trên
Báo Quân đội nhân dân, dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Tôi cũng đưa
anh đến khu Khương Thượng gặp chú họ tôi là ông Thượng tá Dương Viên, Tổng thư
ký Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam để hai người lính nói chuyện với nhau, mong
cho anh có điều kiện mở thêm triển lãm phòng tranh cá nhân.
Vào
một ngày tháng 6 năm 1989, anh Ứng hẹn tôi đến phòng Triển lãm 29 Hàng Bài để
kê bàn ghế, treo tranh ảnh giúp anh. Anh phấn khởi lắm, không phải phô trương
tên tuổi mà vấn đề ở đây, dịp này, mong làm sao bán được mấy bức tranh để đỡ
khó cho gia đình. Vinh hạnh cho anh hôm khai mạc, ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Đỗ Mười có mặt từ 9 giờ sáng với lẵng hoa tươi cùng gói quà trong túi giấy bóng
trao tặng, nhìn rõ cái phích mầu đỏ Trung Quốc còn gì nữa bên trong tôi không
biết.
Cũng
may lần ấy trong cơn túng quẫn, anh bán được bức tranh “Chèo chống” vẽ tặng chị
Lê, vợ anh, với gam mầu vàng yếu ớt, phảng phất buồn, người phụ nữ đang đứng
mũi thuyền, cầm mái chèo. Ý tứ bức tranh cả cuộc mưu sinh của gia đình đều
trông vào sự chèo chống từ tấm thân dãi dầu gầy guộc, đôi tay mảnh dẻ, đảm đang
của vợ anh. Bức tranh cỡ khoảng 80 x 60, không treo chính diện lối cửa vào mà
anh em bọn tôi treo nó trong góc phòng quay mặt sau ra phố Hàng Bài, đối diện
bên kia là trường Trưng Vương tôi học thời cấp 1.
Phải
nói thật lòng, tranh anh họa sĩ Lê Duy Ứng khó bán lắm vì đề tài toàn những
“Chiến thắng Cửa Việt”; “Du kích Thành cổ”; “Xe tăng ta tiến về thành phố”;
“Bác Hồ trong lòng dân”; “Ánh sáng niềm tin”; “Con nguyện dâng Người tuổi thanh
xuân”; “Chiến thắng Quảng Trị”; “Tội ác Mỹ-ngụy”…
Nhanh
thế đấy cuộc đời này, Lê Duy Ứng đã cận kề tuổi 80. Năm mươi năm trước, năm
1975, anh là nhân chứng sống, là một trong hàng vạn thanh niên, người lính Bắc
Việt hăng hái vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng “sống có lý tưởng”
đánh người lính Nam Việt “ngụy quân-ngụy quyền”. Hằng mơ giải phóng Sài Gòn, Bắc-Nam
thống nhất, hòa hợp dân tộc, trả giá cực đắt bằng hai con mắt đui mù đau đớn
theo đời anh.
Nghị
lực phi thường của anh thương binh hạng nặng, họa sĩ khiếm thị Lê Duy Ứng, người
bạn lớn tuổi hơn tôi được nhiều báo chí ngợi ca, được đưa vào cả sách giáo khoa
tiếng Việt cho các em trò nhỏ ê a học tập. Tôi thật thương anh, cũng như anh trai tôi vì nói như chị
nhà văn Dương Thu Hương, tất cả thế hệ anh, chị bị lừa: “Nền văn minh đã thua
chế độ man rợ”. Một năm sau Sài Gòn văn minh thất thủ, Hòn ngọc viễn Đông đã bị
tước bỏ, đổi tên Hồ Chí Minh man rợ. Người mà anh Ứng “đui mù” nguyện hiến dâng
trọn tuổi thanh xuân ngay cả lúc tưởng đóng ván thôi cuộc đời.
Giờ
đây về quê anh, qua dòng sông Nhật Lệ lững lờ bên thành phố Đồng Hới, Quảng
Bình, có bức tượng Mẹ
Suốt (Nguyễn Thị Suốt) người mẹ anh hùng của thời ly loạn, với tư thế
ngẩng cao đầu, cầm mái chèo thuyền, dáng đứng hiên ngang, bất khuất, đưa từng
đoàn quân vượt đạn bom vào Nam, mang thương binh ra Bắc. Tôi mường tượng đến bức
họa “Chèo chống” anh vẽ tặng vợ, chị Trần Thị Lê, nếu không anh hùng như mẹ Suốt
thì cũng dư sự dũng cảm hy sinh lấy anh làm chồng.
Mẹ
Suốt may mắn được tạc tượng để đời. Nhưng ngẫm lại, ở nước Việt buồn này còn bao người mẹ đồng
tuổi, đồng thời mẹ Suốt, có số phận tang thương dẫu công lao trời bể, thầm lặng
nuôi dưỡng cống hiến vàng bạc, tiền của, vải vóc, gạo thóc, nhà cửa cho Đảng của
ông Hồ như mẹ
Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) để rồi chính Đảng của ông ta mang mẹ ra
pháp trường xả súng tàn sát dã man. Hay Mẹ
Hoàng Thị Minh Hồ (Trịnh Văn Bô) giầu lòng nhân hậu quyên góp nhà cửa,
tiền bạc, trong những tuần lễ vàng tại Hải Phòng, Hà Nội theo lời kêu gọi của
ông Hồ kết cục cũng bị cướp mất nhà, để đến khi nhắm mắt cả hai ông bà vẫn còn
đau đáu niềm đau trong lòng. Ngoài ra, còn có Mẹ,
má Huỳnh Kim Liên (Cô Ba Chỉ) lão thành cách mạng, từng giao liên nuôi
giấu Tiểu đoàn 307 đánh Pháp lẫy lừng sông nước Cửu Long Giang bị cướp mất đất,
mất mồ cha ông… Trời hỡi cái Đảng man rợ, tội ác ngút ngàn.
Tôi không
cùng chung lý tưởng với anh Ứng nữa nhưng lòng vẫn ngưỡng mộ nghị lực con người
anh. Năm mươi năm, tròn nửa thế kỷ anh mất đôi mắt trước cửa ngõ vào Sài
Gòn, những tưởng thắng cuộc giải phóng đổi đời. Nào ngờ đổi nửa triệu người bỏ
mạng ngoài biển khơi, hơn đôi triệu người bỏ Nam Việt sống kiếp tha hương bên
kia bờ Đại Tây dương nước Mỹ xa xôi. Cũng từ ngày đó, bao mảnh đời kiếp sống
chơi vơi. Bao ngàn người tìm đường ra đi, rời bỏ quê cha đất mẹ thê lương ơi!
Năm mươi năm (1975 – 2025) anh họa sĩ
chiến binh Lê Duy Ứng và tôi của “bên thắng cuộc”, nhìn lại đại cuộc té ra đại
bại. Hơn
bốn mươi năm tình bạn vong niên giữa tôi và anh. Dẫu thế sự dâu bể thế nào thì
tôi vẫn gìn giữ trân trọng bức chân dung anh vẽ tặng tôi bốn mươi năm trước.
Chính vì thế tôi để hình chân dung anh vẽ tặng đại diện trên trang Facebook cá
nhân của tôi nhiều năm qua.
Ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/04/2-37.jpg
Chân dung tôi qua nét ký họa của anh Lê
Duy Ứng. Nguồn: Dương Tự Lập
No comments:
Post a Comment