Friday, April 25, 2025

NẾU TRUNG HOA THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI THÌ SAO? (Rogé Karma | DCVOnline)

 



Nếu Trung Hoa thắng cuộc chiến thương mại thì sao?

Rogé Karma | DCVOnline

April 23, 2025 

https://dcvonline.net/2025/04/23/neu-trung-hoa-thang-cuoc-chien-thuong-mai-thi-sao/

 

Mỹ vẫn có thể thắng nếu làm đúng mọi việc. Vấn đề là chính quyền Trump đang làm sai tất cả.

 

  https://cdn.theatlantic.com/thumbor/vbNt72Z_lvUueabjn4ye1pqEAwU=/1x0:6428x3615/1952x1098/media/img/mt/2025/04/2025_04_18_What_If_China_Wins_/original.jpg

Ảnh chụp container chuyển hàng. Cheng Xin / Getty

 

Nếu Donald Trump cố gắng để thua trong cuộc chiến thương mại với Trung Hoa, thật khó để thấy ông ấy sẽ làm cái gì khác. Nước cờ của tổng thống Mỹ có thể sẽ củng cố vị thế địa chính trị của Trung Hoa, khuyến khích Bắc Kinh mạnh hơn về mặt quân sự và làm suy yếu cả vị thế toàn cầu lẫn nền kinh tế của Mỹ.

Đầu tháng này, Trump đã tăng thuế với tất cả hàng hóa từ Trung Hoa lên 145%. Đáp lại, Trung Hoa đánh 125% lên hàng hóa của Mỹ cùng những biện pháp có mục tiêu cụ thể hơn. Đây là một cuộc chiến thương mại kinh điển: hai quốc gia tham chiến leo thang rào cản thương mại, ăn miếng trả miếng, mỗi bên đều có mục tiêu buộc quốc gia kia phải lùi bước và ít nhất là trên lý thuyết, đồng ý với một số nhượng bộ nhất định.

Chính quyền Trump tin rằng họ đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến này. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent gần đây đã nhận xét rằng: “Chúng ta xuất cảng cho họ một phần năm những gì họ xuất cảng cho chúng ta, vì vậy, đó là một ván bài thua thiệt cho họ”. Quan điểm đó đã đảo ngược mọi thứ. Thực tế là nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa Trung Hoa là một điểm yếu lớn của Mỹ chứ không phải là một lợi thế. Đối với nhiều loại hàng hóa, Trung Hoa không chỉ là nước cung cấp hàng đầu cho Mỹ mà còn là nước cung cấp thống trị cả thế giới, nghĩa là Mỹ không thể chỉ đơn giản nhập cảng chúng từ những quốc gia khác. Theo dữ liệu do Jason Miller, giáo sư tại Đại học tiểu bang Michigan chuyên về quản lý chuỗi cung ứng, thu thập, Trung Hoa sản xuất hơn 70% pin lithium-ion, máy điều hòa không khí và đồ nấu nướng trên thế giới; hơn 80% điện thoại thông minh, đồ dùng nhà bếp và đồ chơi trên thế giới; và khoảng 90% tấm pin mặt trời và khoáng chất đất hiếm đã qua chế biến trên thế giới, trong đó có những nguyên liệu quan trọng cho xe hơi, điện thoại và một số kỹ thuật quân sự quan trọng.

Việc chuyển sang sản xuất những mặt hàng này trong nước sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm: Cần phải thành lập những công ty mới, xây dựng nhà máy mới, tạo ra chuỗi cung ứng từ đầu và huấn luyện đội ngũ công nhân. Để việc đó xảy ra, những công ty phải tin tưởng rằng mức quan thuế sẽ được áp dụng trong dài hạn. Trong khi đó, Trung Hoa chỉ phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ đối với một phần nhỏ số hàng nhập cảng, và hầu hết những mặt hàng đó, chẳng hạn như đậu nành và lúa miến, có thể được nhập cảng từ nơi khác.

Những doanh nghiệp Trung Hoa sẽ bị thiệt hại nếu mất quyền buôn bán thị trường Mỹ, nhưng đó là vấn đề dễ giải quyết hơn. Trung Hoa có thể chuyển hướng một số mặt hàng xuất cảng sang những nước ở Âu châu và Đông Á, nơi người dân cũng cần điện thoại, đồ chơi và máy nướng bánh mì. Bắc Kinh cũng có thể cấp tiền cho người dân nước này để tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho những sản phẩm của mình trong nước và trợ cấp cho những doanh nghiệp để giúp họ duy trì khả năng thanh toán. Sự bất cân xứng này mang lại cho Trung Hoa thứ mà nhà kinh tế học Adam Posen gọi là “sự thống trị leo thang”: khả năng gây ra thiệt hại không cân xứng cho kẻ thù kinh tế của mình.

Lợi thế của Trung Hoa đã được củng cố nhờ nhiều năm chuẩn bị tỉ mỉ. Nhiều người trong giới quan sát Trung Hoa nói với tôi rằng cuộc chiến thương mại năm 2018 của Trump — trong đó, vào thời kỳ đỉnh điểm, Mỹ đã áp đặt mức thuế trung bình khoảng 20% đối với hàng hóa Trung Hoa — đã thuyết phục Bắc Kinh rằng họ phải sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến kinh tế bất cứ lúc nào. Kể từ đó, Trung Hoa đã đầu tư mạnh vào những ngành kỹ nghệ như năng lượng, nông nghiệp và sản xuất chất bán dẫn để giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập cảng của Mỹ, đồng thời theo đuổi chiến lược đồng bộ nhằm tiêu thụ hàng nội hóa nhiều hơn và tìm thị trường xuất cảng mới ngoài Mỹ. Mục tiêu của những nỗ lực này, theo lời của Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình, là “bảo đảm hoạt động bình thường của nền kinh tế quốc gia trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.”

Bắc Kinh cũng đã xây dựng một kho vũ khí kinh tế tấn công. Trung Hoa đã đáp trả cuộc chiến thương mại của Trump bằng cách cấm xuất cảng một số khoáng sản đất hiếm, một quyết định nhằm gây ra tình trạng thiếu hụt cả hàng tiêu dùng chính (như xe hơi và điện thoại) và thiết bị quân sự (như tàu ngầm và chiến đấu cơ); tiến hành điều tra chống độc quyền đối với DuPont và Google; và ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Boeing, công ty sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ. Nếu tình hình leo thang hơn nữa, Bắc Kinh có thể cấm một số công ty lớn của Mỹ, chẳng hạn như Apple và Tesla, thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Trung Hoa. Sau đó là lựa chọn hạch tâm: Trung Hoa, chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ, có thể nhanh chóng bán một phần đáng kể trong số 760 tỷ đô la công khố phiếu Mỹ, một hành động sẽ khiến lãi suất tăng vọt, khiến những nhà đầu tư lo sợ và thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Yeling Tan, giáo sư chính sách công tại Đại học Oxford, tập trung nghiên cứu vào kinh tế chính trị Trung Hoa, nói với tôi rằng: “Trung Hoa đã sẵn sàng cho cuộc chiến này. Họ đã rất bận rộn tiết kiệm cho một cuộc xung đột kinh tế lâu dài với Mỹ.”

Bất chấp tất cả những thách thức này, những chuyên gia mà tôi trao đổi đều đồng ý rằng Mỹ vẫn có thể đánh bại Trung Hoa trong một cuộc chiến thương mại nếu họ làm đúng mọi điều. Vấn đề là chính quyền Trump đang làm sai tất cả.

Trung Hoa có một số lợi thế khi đối đầu về kinh tế với Mỹ, nhưng Mỹ lại có một vũ khí bí mật: đồng minh. Nếu Mỹ liên kết với những đồng minh truyền thống ở Âu châu, Bắc Mỹ và Đông Á để cùng nhau cắt đứt quan hệ với Trung Hoa trong khi tăng cường quan hệ thương mại với nhau, thì khối này có thể gây ra thiệt hại nhiều hơn cho Trung Hoa (nước này sẽ có ít nơi để bán hàng hóa hơn) trong khi giảm thiểu thiệt hại cho chính mình (hàng nhập cảng từ Trung Hoa có thể được thay thế dễ dàng và nhanh chóng hơn). Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và lên kế hoạch đáng kể. Mỹ và những đồng minh sẽ phải bắt tay vào một cuộc huy động kinh tế phối hợp khổng lồ để nhanh chóng phát triển những ngành kỹ nghệ mới, xây dựng một hệ thống giám sát chuỗi cung ứng toàn cầu với đội ngũ giới chức chính phủ được đào tạo bài bản để ngăn chặn gian lận, đau ra những hạn chế thương mại theo mốc thời gian dần dần để những doanh nghiệp và giới đầu tư có thời gian điều chỉnh, và thiết lập những điều kiện rõ ràng mà họ sẵn sàng chấm dứt chiến tranh thương mại. Đó chỉ là một phần danh sách.

Tất nhiên, Trump đã làm điều gần như ngược lại với mọi điều tôi vừa mô tả. Thay vì dành nhiều năm, thậm chí nhiều tháng, đầu tư vào ngành kỹ nghệ Mỹ, Trump lại có khuynh hướng xóa bỏ những khoản đầu tư lớn vào sản xuất chất bán dẫn và năng lượng sạch được thực hiện dưới thời chính quyền Biden. Thay vì thực hiện biện pháp áp dụng quan thuế dần dần, chính quyền đã tăng thuế lên tới 145% chỉ trong vài tuần. Thay vì cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp và giới đầu tư, chính quyền đã thay đổi luận cứ từng ngày, nếu không muốn nói là từng giờ. Và thay vì xây dựng một liên minh đồng minh, Trump đã dành vài tháng qua để đe dọa, gây hấn và áp thuế với họ. Ngay cả khi Mỹ đột nhiên thay đổi hướng đi và cố gắng xây dựng một liên minh chống Trung Hoa, một viễn cảnh gần đây được Bessent đưa ra, thì có lẽ cũng đã quá muộn. Quốc gia nào sẽ chấp nhận khó khăn kinh tế vì một “đồng minh” không chỉ đối xử tệ bạc mà còn nhiều lần chứng minh rằng không đáng tin cậy để tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào?

 

 

 

 



No comments: