Sunday, April 20, 2025

MỸ - ÂU HỌP TẠI PARIS : NỖ LỰC VÌ HÒA BÌNH CHO UKRAINA CÓ BƯỚC TIẾN LỚN HAY CHỈ LÀ ẢO ẢNH? (Trọng Thành / RFI)

 



Mỹ - Âu họp tại Paris: Nỗ lực vì hòa bình cho Ukraina có bước tiến lớn hay chỉ là ảo ảnh ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 19/04/2025 - 22:19

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20250419-m%E1%BB%B9-%C3%A2u-h%E1%BB%8Dp-t%E1%BA%A1i-paris-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-v%C3%AC-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-cho-ukraina-c%C3%B3-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ti%E1%BA%BFn-l%E1%BB%9Bn-hay-ch%E1%BB%89-l%C3%A0-%E1%BA%A3o-%E1%BA%A3nh

 

Lần đầu tiên kể từ khi Donald Trump lên cầm quyền, ba bên Mỹ, Ukraina và các nước châu Âu họp lại để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh tại Ukraina. Cuộc gặp mở ra cơ hội đạt giải pháp hòa bình, nhưng khác biệt giữa lập trường hai bên tham chiến, Nga và Ukraina, còn rất lớn. Nỗ lực vì hòa bình cho Ukraina có một bước tiến lớn hay chỉ là ảo ảnh ?

 

HÌNH :

Cuộc họp giữa quan chức cao cấp Mỹ (ngoại trưởng Rubio và đặc sứ Witkoff) (T) với các lãnh đạo Pháp (tổng thống Macron - giữa), Ukraina (P), Anh (T) và Đức (P) tại điện Elysée, ngày 17/04/2025. AP - Ludovic Marin

 

Theo đặc sứ Mỹ Steve Witkoff, sau cuộc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, « 5 vùng lãnh thổ » của Ukraina mà Matxcơva đang kiểm soát sẽ phải là một nội dung chủ yếu trong thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Ukraina. Nhân nhượng lãnh thổ là điều mà cho đến nay chính quyền Kiev không chấp nhận.

 

Cuộc họp lần thứ 17 của nhóm Ramstein, gồm 50 nước hỗ trợ quân sự Ukraina, cam kết huy động 21 tỉ euro để tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraina nói chung, và để hỗ trợ quốc gia này trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga nói riêng. Ủy Ban Châu Âu khuyến cáo các quốc gia thành viên và các nước ứng cử vào Liên Âu không tham gia Ngày kỉ niệm chiến thắng phát xít 09/05 tại Matxcơva. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về quan hệ giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Toàn Châu Âu (Council of Europe / Conseil de l’Europe), lên án cuộc xâm lược của Nga chống Ukraina. Việt Nam bỏ phiếu thuận. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

 

Mỹ - Âu – Ukraina lần đầu tiên họp : Mỹ vừa tung ra « thỏa thuận khung », vừa đe đổ vỡ

 

Ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chủ trương thúc đẩy đối thoại trực tiếp giữa Washington và Matxcơva, để một mặt nhanh chóng bình thường hóa quan hệ song phương, và mặt khác, tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh Nga – Ukraina. Trong suốt thời gian vừa qua, châu Âu bị gạt ra một bên. Hôm 17/04, lần đầu tiên các giới chức cao cấp Mỹ, gồm ngoại trưởng Marco Rubio và đặc sứ của tổng thống Steve Witkoff, có cuộc họp với các lãnh đạo Pháp, Anh, Đức cùng Ukraina tại Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh một cuộc thảo luận « tích cực và mang tính xây dựng », với sự tham gia của châu Âu, và vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraina đã được phía Mỹ đề cập tớitheo phủ tổng thống Pháp. Một cuộc thảo luận với cùng thành phần tham dự dự kiến sẽ diễn ra tại Luân Đôn tuần tới.

 

·        Đọc thêm : Ngày càng mất kiên nhẫn, tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ bỏ mặc hòa đàm Nga-Ukraina

 

Về phía Mỹ, trả lời báo giới tại sân bay Bourget, ngoại ô Paris, trước khi lên đường về nước, ngoại trưởng Rubio một mặt cho biết một thỏa thuận khung về hòa bình đã được « đón nhận tích cực » tại Paris trong cuộc họp vừa qua, nhưng mặt khác cũng cảnh báo là nếu đàm phán dậm chân tại chỗ, Mỹ sớm ra quyết định rút khỏi hòa đàm để tập trung cho « nhiều ưu tiên quan trọng hơn ». Ngay sau cuộc họp tại Paris, ngoại trưởng Rubio điện đàm với người đồng cấp Nga Serguei Lavrov để « truyền đạt cùng một thông điệp mà phía Mỹ đã chuyển đến phái đoàn Ukraina và các đồng minh châu Âu tại Paris », theo bộ Ngoại Giao Mỹ.

 

 

Chiến thuật câu giờ và đổ lỗi của Nga: Putin tránh để Trump mất mặt

 

Sau cuộc điện đàm Rubio – Lavrov, Matxcơva lập tức phản hồi. Báo cáo của bộ Ngoại Giao Nga về cuộc điện đàm nhấn mạnh đến thiện chí của Nga, cùng với Mỹ, tìm giải pháp hòa bình. Matxcơva tìm cách kéo dài thời gian đàm phán, và đổ lỗi thất bại cho Ukraina và châu Âu trong trường hợp đàm phán bế tắc. Thông tín viên Anissa el-Jabri từ Matxcơva giải thích :

 

« Báo cáo của bộ Ngoại Giao Nga tối qua về cuộc điện đàm giữa hai người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, Mỹ, Sergei Lavrov và Marco Rubio, liên quan đến cuộc họp tại Paris, nêu rõ :‘‘Các tiếp xúc này diễn ra trong khuôn khổ các tham vấn giữa Washington và Matxcơva, bao gồm cả cuộc gặp gần đây giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc sứ Mỹ Steve Whitkoff."

 

Cuộc gặp trực tiếp giữa tổng thống Nga và đặc sứ Mỹ vẫn luôn là điều có lợi cho điện Kremlin. Chính vì vậy, phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov đã phản ứng thận trọng trước các bình luận của ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio: ‘‘Vấn đề này cần phải được hỏi lại với Washington. Chúng tôi tin rằng đã có thể thấy một số tiến bộ. Tiến bộ này có liên quan đến lệnh ngừng bắn đối với các cơ sở hạ tầng năng lượng của đôi bên mà Nga đã tuân thủ. Liên bang Nga đã tham gia vào lệnh ngừng bắn này, còn phía Ukraina thì không. Đã có một số tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều cuộc thảo luận khó khănphía trước.’’

 

Matxcơva đang kéo dài thời gian trong các đàm phán từ lâu nay với kịch bản: làm nản lòng người Mỹ, khiến Washington rút khỏi các đàm phán, và hệ quả tiếp theo là giảm hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina. Với Matxcơva, điều này sẽ mở ra những cơ hội mới cho Nga trên chiến trường.  Nhưng để làm được điều đó, Nga phải thận trọng để không bao giờ được làm Donald Trump tức giận, và cũng làm sao để đổ toàn bộ trách nhiệm của thất bại cho Ukraina, và cho châu Âu, đặc biệt là Pháp. »

 

·        Đọc thêm : Triển vọng đàm phán Nga - Mỹ về Ukraina: Chiến lược đòi hỏi tối đa của Putin

 

HÌNH :

« Hòa bình cho thế giới », bức tranh do họa sĩ Nga Alexei Sergienko sáng tác, kết hợp hai khuôn mặt của tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin, được trưng bày tại Saint-Pétersbourg (Nga) ngày 14/03/2025. AP - Dmitri Lovetsky

 

 

Ép nhượng « 5 vùng lãnh thổ »: Kiev lên án đặc sứ Mỹ là quân bài của Nga

 

Chính quyền Trump tỏ ra là bên sốt sắng vì hòa bình cho Ukraina. Tuy nhiên, nhìn từ Kiev, đặc sứ của tổng thống Mỹ Steve Witkoff tỏ rõ lập trường thiên vị Matxcơva. Ngay trước cuộc họp đầu tiên giữa Mỹ, châu Âu và Ukraina tại Paris hôm 17/04, từ Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky đã cáo buộc đặc sứ của tổng thống Donald Trump về chiến tranh Ukraina, Steve Witkoff, đang « làm theo chiến lược của Nga ». Trở về sau cuộc gặp Putin tại Saint Petersbourg, đặc sứ Steve Witkoff, trong cuộc trả lời đài Mỹ Fox News hôm 14/04, cho biết :

 

« Đây là cuộc họp thứ ba của tôi với ông ấy. Cuộc họp kéo dài gần 5 giờ. Tham dự cuộc họp, có hai cố vấn quan trọng, là Ushakov, cố vấn ngoại giao của tổng thống Nga, và Kirill Dmitriyev, đặc phái viên kinh tế của ông Putin. Đó là một cuộc họp nhiều ý nghĩa : Cuối cùng chúng tôi đã thực sự hiểu yêu cầu của Putin, là có được hòa bình lâu dài ở đây, vượt ra ngoài lệnh ngừng bắn. Chúng tôi đã có câu trả lời cho điều đó.

 

Ý tôi là thỏa thuận hòa bình này liên quan đến cái gọi là « 5 vùng lãnh thổ » của Ukraina, hiện Nga đang kiểm soát, nhưng ngoài ra, còn nhiều điều khác. Có các thể thức bảo đảm an ninh, có điều 5 của NATO. Ý tôi là có rất nhiều chi tiết kèm theo. Đây là một tình huống phức tạp do một số vấn đề thực sự giữa hai nước, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể đang ở trước ngưỡng cửa của thay đổi lớn.

 

Thay đổi này sẽ rất, rất quan trọng đối với thế giới nói chung. Trên hết, tôi tin rằng quan hệ Nga – Mỹ có khả năng tái lập thông qua một số cơ hội thương mại rất hấp dẫn mà tôi nghĩ cũng mang lại sự ổn định thực sự cho khu vực. Quan hệ đối tác tạo ra sự ổn định. »

 

 

Châu Âu: Vừa tăng hỗ trợ quân sự Ukraina, vừa cố giữ chân Mỹ

 

Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, các nước châu Âu không đặt nhiều hy vọng vào nước Mỹ. Nỗ lực vượt bậc để huy động các hỗ trợ quân sự cho Ukraina là mục tiêu hàng đầu của châu Âu hiện nay. Ngày 11/04 vừa qua, nhóm Ramstein, gồm 50 nước hỗ trợ quân sự cho Ukraina họp tại Bruxelles, thông báo cam kết mới, đóng góp 21 tỉ euro vì Ukraina. Đứng đầu là Đức với 11 tỉ, Anh hơn 5 tỉ euro.

 

·        Đọc thêm : Châu Âu cố khẳng định vai trò đối trọng với Nga-Mỹ giải quyết cuộc chiến ở Ukraina

 

Tăng cường nội lực của châu Âu, nhưng các nước châu Âu đồng thời cố gắng duy trì quan hệ với Washington. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius, đồng chủ trì hội nghị cùng người đồng cấp Anh, tại trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO ở Bruxelles, đã hoan nghênh việc người đồng cấp Mỹ tham gia hội nghị qua hình thức trực tuyến, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về khả năng ông Pete Hegseth vắng mặt trong cuộc họp đặc biệt quan trọng với Ukraina này :

 

« Tôi rất vui khi nói rằng chúng ta có bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Hegseth giúp bảo vệ chủ quyền của các bạn, người dân của các bạn và để răn đe. Công việc của chúng tôi, với tư cách bộ trưởng quốc phòng, là phải hành động khẩn trương, càng sớm càng tốt. Các viện trợ quân sự hiện nay sẽ giúp các bạn bảo đảm hòa bình.

 

Nhìn lại hồi tháng 2, đây là một thời điểm để các ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta nỗ lực vượt bậc, và thực tế họ đang hành động như vậy. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn trong cuộc chiến này.  Với các viện trợ cho Ukraina, các lực lượng vũ trang Ukraina sẽ là lực lượng răn đe mạnh nhất để bảo vệ đất nước. Hôm nay, chúng tôi sẽ cam kết đóng góp thêm hàng tỷ euro. »

 

·        Đọc thêm : Không có Hoa Kỳ liệu châu Âu có thể đối đầu quân sự với Nga ?

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Trụ sở NATO tại Bruxelles. © AFP

 

 

Xác xuất 70% « có hòa bình » cho Ukraina theo Goldman Sachs: Hòa bình theo kịch bản Putin ?

 

Ít ngày trước cuộc họp đầu tiên ba bên Mỹ, Ukraina và châu Âu, theo Reuters, hôm 07/04, Ngân hàng Hoa Kỳ Goldman Sachs, một biểu tượng của thị trường tài chính Wall Street, dựa trên việc phân tích giá cả trái phiếu, suy ra là trong hiện tại, thị trường tin xác suất 70% đạt được « thỏa thuận hòa bình » cho Ukraina, theo thông báo của Goldman Sachs gửi khách hàng. Tỉ lệ tăng mạnh so với trước khi Trump đắc cử (chưa đến 50%), tuy có thấp hơn chút ít so với tháng 2/2025 (với 76%).

 

Hành xử của chính quyền Donald Trump trong việc tìm giải pháp chấm dứt xung đột Nga – Ukraina tuy nhiên đang nhận được những đánh giá rất khác biệt, thậm chí trái ngược. Trong lúc một số người coi nghệ thuật đàm phán của một doanh nhân của tổng thống Trump, có khả năng giúp các bên có lợi ích khác biệt, đối kháng, có thể đi đến một thỏa hiệp, thì tại châu Âu và Ukraina, rất nhiều người hoài nghi về thiện chí và khả năng thực sự của tổng thống Mỹ trong việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình với Putin.

 

·        Đọc thêm - Ukraina – Nga: Chiến tranh tiếp tục, ‘‘xung đột đóng băng’’ hay đàm phán hòa bình ?

 

Theo nhiều nhà quan sát, tổng thống Nga đã không hề nhân nhượng Trump điều gì căn bản : Putin dường như không từ bỏ các tham vọng tối đa, trong đó có việc tước đi cả quyền của Ukraina xây dựng một quân đội hùng mạnh để đủ sức tự vệ. Ukraina khó lòng chấp nhận một « nền hòa bình » với dao kề cổ. Nền « hòa bình » cho Ukraina theo Goldman Sachs cụ thể sẽ ra sao? Hòa bình theo kịch bản của Putin hay Trump buộc phải bó tay chấp nhận thất bại trong những ngày tới ? Liệu có cơ hội cho một nền hòa bình khác ?

 

 

Thành viên và ứng viên vào EU không dự lễ mừng thắng phát xít do Nga tổ chức: Bruxelles khuyến cáo

 

Trong tuần qua, một diễn biến đáng chú ý khác là việc Liên Hiệp Châu Âu quyết định tẩy chay lễ kỉ niệm mừng chiến thắng phát xít Đức, mà Nga dự kiến tổ chức lớn tại Matxcơva ngày 09/05 tới, với lãnh đạo hơn 20 nước tham dự. Ủy Ban Châu Âu khuyến cáo các nước thành viên và các ứng cử viên vào Liên Âu không tham dự. Theo ngoại trưởng Latvia Baiba Braže, được trang web Pravda Europe của Ukraina trích dẫn, cảnh báo được đưa ra trong một bữa tối làm việc với đại diện các nước vùng Tây Balkan, với giải thích « vì điều này không phù hợp với các giá trị của Liên Âu ». Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Kaja Kallas cảnh báo : Liên Âu sẽ « không coi nhẹ » hành động tham dự lễ kỷ niệm ở Matxcơva. 

 

Mặc dù không có lệnh trừng phạt nào được công bố rõ đối với những người không tôn trọng khuyến cáo này, nhưng thông điệp đưa ra rất rõ: việc tham dự cuộc  diễu hành có thể được coi là « khoảnh khắc làm rõ thái độ chính trị ». Theo ông Jonathan Vseviov, quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Estonia, được Financial Times trích dẫn, « chúng tôi đang chờ xem ai ủng hộ, ai chống lại chúng tôi ».

 

Tuy nhiên, quốc gia Tây Balkan Serbia thông báo sẽ cử đại diện tham gia. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã xác nhận cá nhân ông sẽ có mặt tại buổi lễ, và thậm chí đã quyết định cử một đơn vị quân đội tham gia duyệt binh, theo điện Kremlin. Trong số các nước Liên Âu, chỉ có Slovakia tham dự (trái ngược với hầu hết các lãnh đạo châu Âu, thủ tướng Slovakia Robert Fico chưa hề đến Kiev kể từ đầu cuộc xâm lăng của Nga).

 

Cảnh báo của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu không thuyết phục được Armenia, quốc gia đang ứng cử vào Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Nikol Pachinian nhấn mạnh : việc tham gia kỉ niệm lễ chiến thắng phát xít ở Matxcơva không hề mâu thuẫn với lý tưởng hướng về Liên Âu của Armenia. Armenia, vốn có quan hệ phụ thuộc mật thiết vào Nga, bỏ phiếu trắng trong hầu hết của nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược, trừ nghị quyết trong tuần qua (xem phần dưới).

 

Cùng ngày 09/05, Bruxelles cùng chính quyền Ukraina tổ chức trọng thể Ngày sinh nhật của Cộng đồng châu Âu tại thủ đô Kiev. Ngày Châu Âu (Journée de l’Europe / Europe Day) vì Hòa bình và đoàn kết được tổ chức hàng năm để kỷ niệm Tuyên bố Schuman, tên của ngoại trưởng Pháp Robert Schuman (dẫn đến sự ra đời của Cộng đồng Than Thép châu Âu, gồm 6 nước Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan Luxembourg), thường được coi là thời điểm khai sinh ra Liên Hiệp Châu Âu sau này.

 

 

Nghị quyết lên án Nga xâm lược: Việt Nam và các nước ASEAN bỏ phiếu thuận

 

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 16/04 vừa qua bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về « Hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Toàn châu Âu » (mang tên A/79/L.75), có nội dung lên án Nga xâm lược Ukraina. Nghị quyết được 105 phiếu thuận. Mỹ bỏ phiếu chống cùng Nga và 7 nước khác trong đó có Bắc Triều Tiên và Belarus. Điểm đặc biệt đáng chú ý là Việt Nam và toàn bộ các nước ASEAN bỏ phiếu thuận. Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

 

Việc Việt Nam và toàn bộ các nước ASEAN lần đầu tiên bỏ phiếu thuận về nội dung lên án Nga xâm lược là một sự kiện đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh số lượng nước ủng hộ nghị quyết lên án Nga xâm lược có xu hướng sụt giảm mạnh kể từ khi Trump trở lại nắm quyền (nghị quyết lên án Nga xâm lược hồi tháng 2/2025 chỉ được 93 nước thông qua, so với hơn 140 phiếu trong các nghị quyết trước).

 

Hội đồng Toàn châu Âu, thành lập năm 1949, bao gồm 46 quốc gia thành viên (không kể Nga, bị khai trừ từ khi xâm lược Ukraina), gồm 27 thành viên Liên Âu, và nhiều quốc gia ngoài châu Âu, có tổng dân số khoảng 700 triệu. Đây là lần thứ hai nghị quyết về hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Toàn châu Âu được thông qua kể từ khi Nga xâm lược Ukraina. Trong cuộc bỏ phiếu lần trước, đầu năm 2023, chỉ có hai nước ASEAN ủng hộ nội dung lên án Nga xâm lược (Singapore và Philippines).

 

HÌNH :
Ngày 24/04 : Ngày Quốc tế về Cơ chế đa phương và nền Ngoại gia vì Hòa bình. Ảnh chụp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ. © eeas.europa.eu - Trang mạng Cơ quan Ngoại giao Liên Âu

 

 

« Cơ chế đa phương quốc tế », linh hồn của Liên Hiệp Quốc : Ai bảo vệ, ai ngăn cản ?

 

Trong nghị quyết nói trên, Đại Hội Đồng ghi nhận « những thách thức chưa từng có mà châu Âu đang phải đối mặt do cuộc xâm lược của Liên bang Nga chống Ukraina, và trước đó là chống Gruzia, việc Liên bang Nga không còn là thành viên của Hội đồng Toàn châu Âu đòi hỏi Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Toàn châu Âu phải tăng cường hợp tác, đặc biệt là nhằm khôi phục nhanh chóng hòa bình, và duy trì hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của mọi quốc gia… ». Đại Hội Đồng cũng lưu ý « Hội đồng Toàn châu Âu đang đóng góp vào công việc của một nhóm chuyên trách có trách nhiệm thành lập một Tòa án đặc biệt xét xử tội ác xâm lược chống lại Ukraina và sẵn sàng xem xét khả năng cung cấp chuyên môn và hỗ trợ kỹ thuật giúp cho việc thành lập và… hoạt động của Tòa án đặc biệt này ».

 

Hội đồng Toàn Châu Âu cho phép « tăng cường cơ chế đa phương quốc tế, thúc đẩy bảo vệ quyền con người và các quyền tự do căn bản », « chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền », đóng góp nhiều cho « việc duy trì một châu Âu ổn định và hòa bình », theo Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

 

·        Đọc thêm - Nửa thế kỷ ''Hiệp định Helsinki'': Chiến tranh Ukraina xóa sổ "Kiến trúc an ninh châu Âu"

 

Trong bối cảnh các chế độ độc đoán trỗi dậy khắp nơi, Hội đồng Toàn châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu nổi lên như ốc đảo của hòa bình và hợp tác. Trong bối cảnh cơ chế « đa phương quốc tế », vốn được coi là « linh hồn » của Liên Hiệp Quốc (« Beating Heart », chữ dùng của tổng thư ký LHQ Antonio Guterres) nền tảng của hợp tác toàn cầu và « hệ thống an ninh thế giới », đang bị đe dọa nghiêm trọng, việc ủng hộ hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Toàn Châu Âu có thể coi là chất thử cho thiện chí của các nước.

 

Việc toàn thể khối ASEAN ủng hộ nghị quyết nói trên của Liên Hiệp Quốc trong lúc Trung Quốc – quốc gia vừa lớn tiếng khẳng định là trụ cột của hệ thống quốc tế, với Liên Hiệp Quốc là nòng cốt - bỏ phiếu trắng nói lên điều gì ?  

 

 

 



No comments: