Sunday, April 6, 2025

KHI TRUMP TUYÊN CHIẾN VỚI THẾ GIỚI (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Khi Trump tuyên chiến với thế giới

Hiếu Chân/Người Việt

April 5, 2025 : 6:39 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/khi-trump-tuyen-chien-voi-the-gioi/#google_vignette

 

Quyết định của Tổng Thống Donald Trump đánh thuế nhập cảng cực cao lên tất cả các nước, bạn cũng như thù, không chỉ gây hoang mang mà còn kích thích các nước bên ngoài liên kết kinh tế để ứng phó.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/04/TS-Trump-Thue-Quan-1536x954.jpg

Tổng Thống Donald Trump (trái) cùng con trai Eric Trump chuẩn bị chơi golf ở Florida, một ngày sau khi làm thế giới chấn động vì chính sách thuế quan của ông. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

 

Sau khi công bố quyết định tăng thuế vào lúc 4 giờ chiều Thứ Tư, lúc thị trường chứng khoán New York đóng cửa, sáng sớm hôm sau, ông Trump viết trên mạng xã hội một dòng tin toàn chữ in hoa: “THE OPERATION IS OVER! THE PATIENT LIVED, AND IS HEALING. THE PROGNOSIS IS THAT THE PATIENT WILL BE FAR STRONGER, BIGGER, BETTER, AND MORE RESILIENT THAN EVER BEFORE. MAKE AMERICA GREAT AGAIN!!!” (tạm dịch: “Cuộc giải phẫu đã kết thúc! Bệnh nhân còn sống và đang hồi phục. Chẩn đoán là bệnh nhân sẽ mạnh mẽ hơn, to lớn hơn, tốt hơn và bền bỉ hơn bất cứ lúc nào trước đây. Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!!!”)

 

Hồi phục?

 

Hồi phục đâu chưa thấy mà trong hai ngày sau đó thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến một trận động đất dữ dội. Các bảng chỉ số chứng khoán đỏ rực. Hôm Thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,679 điểm, khoảng 4%, mức giảm sâu nhất trong một ngày kể từ khi dịch COVID 19 bùng phát đầu năm 2020. Chỉ số S&P 500, thước đo của thị trường, giảm 274 điểm, khoảng 4.8%. Còn chỉ số Nasdaq phản ánh giá trị của các tập đoàn công nghệ, giảm hơn 1,050 điểm, tương đương 6%. Các nhà đầu tư mất trắng hơn $2,000 tỷ. Hôm Thứ Sáu, 4 Tháng Tư, sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 34% lên hàng hoá Mỹ nhập cảng, thị trường chứng khoán New York khép lại một tuần giao dịch đầy biến động với chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 5%, S&P 500 giảm 6%. Nasdaq mất 5.8%. Tính chung, từ ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, thị trường chứng khoán mất $9,600 tỷ, tương đương 32% tổng sản lượng quốc gia của Hoa Kỳ, số tiền bốc hơi chỉ trong hai ngày qua là hơn $5,000 tỷ!

 

Ở nước ngoài, các chính phủ và giới kinh doanh đi từ bàng hoàng tới hoảng hốt trước các mức thuế vượt xa mức dự đoán và làm đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu. Người ta không hiểu cái công thức tính thuế mà chính quyền Trump đưa ra: Lấy số thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia cụ thể chia cho tổng giá trị nhập cảng từ quốc gia đó rồi chia đôi để lấy mức thuế đối ứng (reciprocal tariff) mà quốc gia đó phải chịu – một kiểu tính toán mà nhiều nhà kinh tế học cho rằng không hề có cơ sở khoa học. Nhật báo The Washington Post dẫn dữ liệu của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) cho biết, mức thuế nhập cảng bình quân của Nhật hiện nay chỉ là 1.9%, EU 2.7% trong khi Mỹ là 2.2%, không nước nào có mức thuế “cắt cổ” như ông Trump tuyên bố.

 

Giáo Sư Lawrence Summers, cựu viện trưởng đại học Harvard University, cựu bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, than thở: “Giờ đây đã rõ ràng rằng chính quyền [Trump] tính toán mức thuế đối ứng mà không dùng dữ liệu thuế quan. Trong kinh tế học, điều đó giống như thuyết sáng tạo trong sinh học, thuật chiêm tinh trong thiên văn học hoặc như RFK Jr. trong khoa học vaccin. Chính sách thuế nhập cảng của Trump không có chút ý nghĩa nào, NGAY CẢ khi bạn tin vào kinh tế học trọng thương và chủ nghĩa bảo hộ.”

 

 

Ba phản ứng

 

Sau cơn bàng hoàng, các nước đã bắt đầu phản ứng.

 

Phản ứng mạnh nhất là nhóm những nền kinh tế lớn, có tiềm lực, sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” với Mỹ và nhanh chóng công bố các biện pháp trả đũa. Trung Quốc không hề nhân nhượng trong cuộc thương chiến mà ông Trump khởi xướng. Vào chiều Thứ Sáu, Bắc Kinh công bố đánh thuế 34% lên hàng hoá của Mỹ, bằng với mức thuế đối ứng mà Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc. Biện pháp thuế này chưa đủ mạnh vì tính ra mức thuế mà ông Trump đánh lên hàng Trung Quốc lên tới 54% và lượng hàng Mỹ bán vào Trung Quốc ($147.8 tỷ) là rất ít so với lượng hàng Trung Quốc bán vào Mỹ ($426.9 tỷ). Vì thế, Bắc Kinh áp dụng thêm nhiều biện pháp khác như đưa thêm 27 công ty Mỹ vào “sổ đen” nhằm ngăn cản các công ty này làm ăn tại Trung Quốc hoặc giao thương với các công ty Trung Quốc, đình chỉ việc nhập cảng thịt gà từ năm công ty xuất cảng nông phẩm lớn nhất của Mỹ. Đáng lo nhất là Bộ Thương Mại Trung Quốc cho biết sẽ đình chỉ việc xuất cảng kim loại đất hiếm – gồm bảy loại khoáng sản sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao và vũ khí tân tiến. Phản ứng của Bắc Kinh đã kích hoạt một cuộc bán tháo cổ phần các công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc như chúng tôi vừa trình bày ở trên.

 

So với Trung Quốc, phản ứng của Liên Âu (EU) có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng rất quyết liệt. Sau khi ông Trump công bố đánh thuế 20% lên hàng hóa EU, Brussels đã chọn một giải pháp hai bước: Vừa chuẩn bị trả đũa mạnh, vừa thúc đẩy đàm phán để tháo gỡ bất đồng. Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu (EC), tuyên bố EU “có nhiều lá bài,” kể cả sức mạnh đàm phán và sức mạnh trả đũa nếu ông Trump không “quay xe” (U-turn). Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp vừa triệu tập cuộc họp khẩn các đại diện doanh nghiệp và kêu gọi họ ngừng đầu tư vào Mỹ cho đến khi tình hình rõ ràng hơn. “Chúng ta sẽ gửi thông điệp gì nếu các tay chơi lớn của Châu Âu tiếp tục đổ hàng tỷ euro vào nền kinh tế Mỹ vào lúc người Mỹ đang đập chúng ta?” ông Macron nói, theo BBC.

 

Nếu trả đũa, EU sẽ không chỉ nhắm áp thuế lên hàng hóa nhập cảng từ Mỹ mà chủ yếu nhắm vào khu vực dịch vụ – tức là dịch vụ tài chính do các ngân hàng Mỹ cung cấp và dịch vụ thông tin như điện toán đám mây, mạng xã hội… của các “Big Tech” Mỹ như Apple, Meta, Amazon, và mạng X của Elon Musk. Đây là lĩnh vực mà hiện tại Mỹ có lợi thế cạnh tranh lớn và có thặng dư thương mại. Châu Âu đang bắt đầu nỗ lực canh tân quân đội để tự bảo vệ với ngân sách đầu tư cho quốc phòng lên tới 500 tỷ euro. Việc EU từ chối mua vũ khí Mỹ như chiến đấu cơ tàng hình F-35 có thể là một quân bài có giá trị để thương lượng. Ngoại Trưởng Marco Rubio của Mỹ đang công du tới Brussels để thuyết phục EU tiếp tục mua vũ khí Mỹ nhưng chưa rõ ông có thành công trong sứ mệnh này hay không.

 

Có một nhóm các nước chưa bị đánh thuế đối ứng, và e ngại sức mạnh của Mỹ nên chưa bộc lộ ý đồ phản kháng. Nhóm này có các nước Úc (thuế 10%), Singapore (10%) hoặc Brazil (10%). Thủ Tướng Anthony Albanese của Úc chê trách quyết định của ông Trump “không phải là hành động của một người bạn” nhưng nói Úc không có kế hoạch tăng thuế để trả đũa. Brazil chọn con đường khiếu nại lên WTO thay vì đối đầu trực tiếp với Mỹ.

 

Nhóm thứ ba là các nước nhỏ, bị ông Trump đánh thuế rất nặng nhưng không dám và cũng không có tiềm lực để trả đũa như các nước ở nhóm thứ nhất. Các nước nổi bật trong nhóm này là Việt Nam (thuế 46%), Lào (48%), Cambodia (49%), Thái Lan (36%), Malaysia (24%)… – những nước được các tập đoàn đa quốc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc tới để “né” sau khi ông Trump đánh thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Phản ứng của các nước này là vận động, thuyết phục chính quyền Trung đàm phán song phương, giảm mức thuế đã công bố và cam kết gia tăng mua hàng Mỹ – chủ yếu là dầu khí, phi cơ và vũ khí – để thu hẹp mức chênh lệch thương mại.

 

Việt Nam là một ví dụ. Thặng dư thương mại của Việt Nam trong buôn bán với Mỹ đã tăng “phi mã” dưới thời ông Joe Biden, từ khoảng $70 tỷ năm 2020 đến hơn $120 tỷ hiện nay, hiện thặng dư của Việt Nam nhiều gấp 10 lần so với giá trị hàng hóa mà Việt Nam mua của Mỹ. Đó là căn cứ để ông Trump đưa Việt Nam vào “Top 5” các nước bị đánh thuế đối ứng cao nhất (46%). Mức thuế này không chỉ buộc các nhà đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam phải tháo chạy mà còn hủy diệt các cơ sở sản xuất nông lâm thuỷ sản, dệt may, da giày của Việt Nam, gây thất nghiệp tràn lan và có thể dẫn tới bất ổn xã hội.

 

Chính quyền cộng sản ở Hà Nội đã tìm cách xoa dịu ông Trump như giảm thuế hàng hóa nhập từ Mỹ, cam kết mua thêm khí đốt và phi cơ của Mỹ, tạo thuận lợi cho kế hoạch đầu tư của Trump Organization, SpaceX tại Việt Nam và cử các đoàn giới chức chính phủ tới Washington để thương lượng xin giảm thuế. Sắp tới, Phó Thủ Tướng Hồ Đức Phớc sẽ dẫn đầu một phái đoàn tới thủ đô Washington, DC để xin Mỹ tạm hoãn đánh thuế nhưng chưa biết có nên cơm cháo gì không. Trong diễn biến mới nhất, ông Trump viết trên mạng xã hội hôm Thứ Sáu rằng ông vừa có cuộc điện đàm với Tổng Bí Thư Tô Lâm, trong đó ông Lâm nói Việt Nam sẽ giảm thuế nhập cảng hàng Mỹ xuống ZERO phần trăm nếu thương lượng thành công với Mỹ.

 

Điểm sáng là đòn trừng phạt thuế quan của ông Trump có thể thúc đẩy Việt Nam thay đổi cung cách điều hành kinh tế, từng bước thoát ra khỏi thân phận làm mướn và dính chặt vào Trung Quốc như hiện nay.

 

 

Từng người tình bỏ ta đi…

 

Dù phản ứng mạnh hay nhân nhượng, tất cả các nước đều có chung một nỗi âu lo khi ông Trump tuyên chiến với cả thế giới. Đòn trừng phạt thuế quan của ông Trump, cộng với chính sách “xoay trục 180 độ” trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh quốc phòng, biến bạn thành thù, gần đây của chính quyền Trump đã hủy hoại lòng tin vào nước Mỹ của các đồng minh trên khắp thế giới. Và như một phản ứng tự nhiên, các nước này – ít nhiều đều là nạn nhân của chính sách thương mại Mỹ – bắt đầu liên kết với nhau để ứng phó. Kẻ hưởng lợi trong cuộc diện này không ai khác hơn là Trung Quốc. Và đây mới là kết quả tệ hại nhất.

 

Khi ông Trump dọa tăng thuế, các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Châu Á là Nhật và Nam Hàn đã tham gia hội nghị ba bên cùng Trung Quốc để tính chuyện hợp tác kinh tế Đông Á phòng khi Washington dựng rào cản với hàng hóa của ba nước. Nỗi lo của họ đã trở thành sự thật khi ông Trump quyết định đánh thuế đối ứng 34% lên hàng Trung Quốc, 24% lên hàng Nhật, và 25% lên hàng Nam Hàn.

 

Vào ngày 14 Tháng Tư sắp tới Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam, Cambodia, và Malaysia. Giới quan sát nhận định mục tiêu của ông Tập là thắt chặt quan hệ kinh tế, chứng tỏ Trung Quốc là một đối tác tin cậy giữa lúc các nước này đang choáng váng với chính sách thuế quan của ông Trump. Không có cơ hội nào tốt hơn cho ông Tập thể hiện vai trò đàn anh của Bắc Kinh vào lúc các đàn em đang bị đối thủ bên kia đại dương xuống tay tàn độc.

 

Xa hơn, thuế quan của ông Trump đang góp phần đẩy khối EU đến với Trung Quốc. Cho đến nay, EU vẫn lên án Trung Quốc sản xuất dư thừa, làm tràn ngập thị trường thế giới với hàng hóa giá rẻ do được trợ cấp, đồng thời phê phán Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine. Nhưng theo tường thuật từ Brussels của phóng viên Jeanna Smialek nhật báo The New York Times, dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ EU-Trung Quốc đã bắt đầu khi hai bên đồng ý đàm phán để điều chỉnh mức thuế nhập cảng xe điện Trung Quốc vào EU và có khả năng khôi phục lại tiến trình phê chuẩn hiệp định đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc (Comprehensive Agreement on Investment – CAI) đã đàm phán xong nhưng bị xếp vào ngăn kéo khi COVID 19 bùng phát. Trở ngại hiện nay là EU lo ngại Trung Quốc, khi không còn xuất cảng được hàng hóa vào Mỹ, sẽ gia tăng việc bán phá giá vào EU các mặt hàng kim loại, hóa chất, xe điện, tấm pin mặt trời… đe dọa các ngành công nghiệp của chính Châu Âu.

 

EU cũng đang nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại với Ấn Độ, các nước Nam Mỹ, Nam Phi, Mexico, và Nam Hàn. Sắp tới, bà Ursula von der Leyen sẽ thăm Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác với mục đích tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Châu Âu. Mới nhất, khi tân Thủ Tướng Mark Carney của Canada nhận định “quan hệ truyền thống với Mỹ đã kết thúc” và tỏ ý muốn đẩy mạnh quan hệ kinh tế với EU thì ông Trump đã nổi điên và đe dọa đánh thuế mức cao nhất đối với hai đồng minh này, dù chính ông là lực đẩy hai đối tác này xa rời Hoa Kỳ và đến với nhau.

 

Một cục diện kinh tế mới đang hình thành, trong đó Mỹ đơn thương độc mã đứng sau hàng rào thuế quan do chính mình dựng lên ngăn cách với thế giới bên ngoài. Nếu đây là ước muốn “American First” thì ông Trump và các cố vấn của ông đã thành công, và nền kinh tế Mỹ phải trả cái giá không rẻ. [đ.d.]

 

 

 




No comments: