Monday, April 14, 2025

CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ ĐỒNG THUẬN "VỀ NGUYÊN TẮC" DỰ THẢO HIỆP ƯỚC PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU (Trọng Thành / RFI)

 



Cộng đồng quốc tế đồng thuận « về nguyên tắc » dự thảo Hiệp ước phòng chống đại dịch toàn cầu

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 13/04/2025 - 12:57Sửa đổi ngày: 13/04/2025 - 13:00

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250413-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%93ng-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-nguy%C3%AAn-t%E1%BA%AFc-d%E1%BB%B1-th%E1%BA%A3o-hi%E1%BB%87p-%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u

 

Cộng đồng quốc tế đã tiến được một bước quan trọng trong việc đúc kết Hiệp ước cho phép đối phó tốt hơn với các đại dịch toàn cầu trong tương lai. Theo đồng chủ tịch của cơ quan phụ trách thương thuyết về Hiệp ước, đại sứ Pháp về y tế, Anne-Claire Amprou, hôm 12/04/2025, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) đã đạt được một « thỏa thuận về nguyên tắc ».

 

HÌNH :

Logo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS AP - Anja Niedringhaus

 

Trên mạng X, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức ca ngợi đây là « một quyết định hệ trọng ». Với thỏa thuận này, thế giới sẽ có thể phản ứng « nhanh hơn, hiệu quả hơn, đoàn kết hơn và vững vàng hơn » trước các đại dịch. Tổng thống Macron nhấn mạnh đây là một dấu hiệu tốt, cho thấy cộng đồng quốc tế « tiếp tục hành động đoàn kết ».

 

Hãng tin Pháp AFP lưu ý là văn bản này được cộng đồng quốc tế thông qua « về nguyên tắc » trong bối cảnh cơ chế đa phương và hệ thống y tế thế giới đang lâm vào tình trạng « khủng hoảng nghiêm trọng », đặc biệt do việc tổng thống Donald Trump quyết định cắt giảm mạnh đóng góp tài chính của Mỹ, và tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi WHO.

 

Theo tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, « kể từ ngày thứ Ba, 15/04 », các quốc gia thành viên sẽ nối lại các thương thuyết về văn bản cuối cùng của Hiệp ước, sẽ phải được toàn thể các thành viên của Đại hội đồng Y tế Thế giới phê chuẩn vào tháng 5/2025.

 

Một trong các điểm chủ yếu gây bất đồng hiện nay, theo nhiều nguồn tin của AFP, là việc chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đến các đại dịch. Trong đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia nghèo nhất đã lên án các nước phát triển độc quyền vaccin và các phương tiện xét nghiệm. Trong khi đó, nhiều quốc gia, nơi ngành công nghiệp dược phẩm là chủ lực của nền kinh tế, cho đến nay vẫn phản đối nghĩa vụ chuyển giao công nghệ, và cho rằng đòi hỏi này là « duy ý chí ».

 

Tháng 12/2021, hai năm kể từ đầu đại dịch Covid-19, khiến hàng triệu người chết và làm điêu đứng kinh tế toàn cầu, các quốc gia thành viên của WHO đã quyết định cần phải có một Hiệp ước phòng chống đại dịch toàn cầu. Hiện tại, nhiều dịch bệnh đang có nguy cơ trở thành đại dịch, như dịch cúm gia cầm H5N1, mà nguy cơ virus lây sang người chỉ còn là vấn đề thời gian, hay bệnh sởi đang lan rộng tại 58 nước, hậu quả của thái độ chống vaccin do tin giả. Bệnh đậu mùa khỉ hoành hành tại châu Phi cũng có nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu.

 





No comments: