Tuesday, April 15, 2025

CÓ PHẢI TRUNG QUỐC LUÔN LÀ MỤC TIÊU THỰC SỰ TRONG CUỘC CHIẾN THUẾ QUAN CỦA ÔNG TRUMP? (BBC News Tiếng Việt)

 



Có phải Trung Quốc luôn là mục tiêu thực sự trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump?

BBC News Tiếng Việt

14 tháng 4 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c7vnl57zzq9o

 

Kế hoạch áp thuế quy mô lớn của Tổng thống Donald Trump ban đầu làm tăng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục quốc gia, bao gồm một số đồng minh lâu năm của Mỹ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/cbd0/live/933ec890-18e8-11f0-8a1e-3ff815141b98.jpg.webp

Ông Trump đã gọi ông Tập là "người thông minh" bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia

 

Nhưng vài giờ sau khi kế hoạch này có hiệu lực vào ngày 9/4, ông Trump đã tuyên bố tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các nước, thay vào đó tập trung vào cuộc chiến thương mại với một quốc gia duy nhất - Trung Quốc.

 

Thông báo này khiến một số nhà phân tích tự hỏi liệu ông Trump có luôn muốn nhắm đến Trung Quốc ngay từ đầu.

 

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Trump đã tập trung vào vấn đề thương mại, đưa ra các mức thuế quan cao đối với nhiều quốc gia. Ông tuyên bố rằng các đối tác thương mại từ lâu đã lợi dụng Mỹ, tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp trong nước.

 

Sắc lệnh hành pháp lớn nhất và gây tranh cãi nhất của ông Trump vào ngày 2/4 đã áp thuế quan đối với nhiều quốc gia trên thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

 

Sau khi tuyên bố tạm hoãn thuế trong 90 ngày đối với hàng chục quốc gia, Nhà Trắng cho biết việc áp thuế trên diện rộng rồi sau đó tạm dừng và đàm phán riêng với từng nước luôn là một phần trong kế hoạch của ông Trump.

 

Nhưng Trung Quốc không nằm trong diện tạm dừng.

 

·        Mỹ và Trung Quốc thương chiến leo thang: Hà Nội xích lại gần Bắc Kinh?

9 tháng 4 năm 2025

·        Hi vọng tránh thuế Trump, Việt Nam 'sẵn sàng xử lý nghiêm hàng hoá Trung Quốc'

11 tháng 4 năm 2025

·        Nhân viên Samsung đứng ngồi không yên trước thuế quan Trump áp lên Việt Nam

13 tháng 4 năm 2025

 

Thay vào đó, ông Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Các quan chức Mỹ cho biết mục tiêu thực sự là trừng phạt Trung Quốc và buộc nước này phải đàm phán.

 

"Họ [Trung Quốc] là nguồn gốc lớn nhất gây ra các vấn đề thương mại của Mỹ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với báo giới, "và thực sự, họ cũng là vấn đề đối với phần còn lại của thế giới".

 

Nhưng việc chọn cuộc chiến với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất rủi ro. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tuyên bố áp thuế 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 12/4.

 

Những gì ông Trump đang làm có thể được coi là sự mở rộng của chính sách do người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, khởi xướng, nhằm chuyển sự chú ý của Mỹ sang phía đông nhằm đối phó với ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

 

"Đây là một kỷ nguyên mới và kinh tế đóng vai trò rất lớn trong kỷ nguyên này", nhà phân tích chính trị kiêm cây viết Tim Marshall nói với BBC về các sự kiện trong tuần qua.

 

"Tôi tin rằng tất cả điều này là nhắm đến Trung Quốc. Thuế quan đối với Anh và châu Âu luôn được giảm bớt và ngọn lửa thực sự thì dành cho Trung Quốc", ông nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/103d/live/edcc3db0-18e8-11f0-b1b3-7358f8d35a35.jpg.webp

Một số người tiêu dùng ở Trung Quốc cho biết họ sẽ mua hàng nội địa nếu điều đó đồng nghĩa với việc tránh được khó khăn từ cuộc chiến thương mại leo thang với Washington

 

 

Trung Quốc không lùi bước

 

Gần như ngay từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, Trung Quốc và Mỹ đã tham gia vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng. Tiếp theo là việc áp đặt một loạt các mức thuế quan trả đũa.

 

Bộ Thương mại Trung Quốc gọi mức thuế của ông Trump là "trò chơi con số không có ý nghĩa thực tế".

 

"Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc sẽ phớt lờ", bộ này nói thêm.

 

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã nhiều lần mô tả chính quyền Trump là "kẻ bắt nạt", lưu ý rằng Trung Quốc không có xu hướng nhượng bộ trước điều đó, theo phóng viên Stephen McDonell chuyên về Trung Quốc của BBC.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gần đây cũng đã đăng tải hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông trên mạng xã hội, bao gồm một đoạn clip từ thời Chiến tranh Triều Tiên khi ông nói với Mỹ rằng "bất kể cuộc chiến này kéo dài bao lâu, chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng".

 

Phía trên đoạn clip, bà đã đăng bài viết của riêng mình, nói rằng: "Chúng tôi là người Trung Quốc. Chúng tôi không sợ khiêu khích. Chúng tôi sẽ không lùi bước".

 

Và Trung Quốc có thể ở vị thế mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác để làm điều này, phóng viên McDonell nhận định.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/043f/live/1d88b330-18e9-11f0-b1b3-7358f8d35a35.jpg.webp

Các nhà phân tích cho biết chính quyền Trump coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất trên toàn cầu

 

 

Trung Quốc dễ bị tổn hại đến mức nào trước áp lực từ Mỹ?

 

Trước khi cuộc chiến thuế quan mới nhất xảy ra, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 2% GDP của nước này.

 

Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty tài chính City Index tại có trụ sở tại Anh, nói với BBC rằng mức độ tiếp xúc của Trung Quốc với Mỹ cũng ít hơn đáng kể so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.

 

"Trung Quốc đã và đang giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tại, khoảng 13% hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sang Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, con số này là 26%," bà cho biết.

 

Các nhà phân tích khác nói thêm rằng Bắc Kinh có thể đã lường trước được các biện pháp kinh tế của ông Trump.

 

"Họ đã chuẩn bị trong một thời gian dài", David Rennie, biên tập viên của tờ The Economist của Anhngười gần đây đã gặp các quan chức và học giả tại Bắc Kinh, nói với BBC.

 

"Họ đã có những chuẩn bị phòng thủ ngắn hạn đối với Mỹ, nhưng họ cũng đang cố gắng thực hiện các điều chỉnh dài hạn, cố gắng tái cân bằng và chuyển đổi nền kinh tế để không còn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu", ông nói thêm.

 

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang nỗ lực củng cố mối quan hệ với các đối tác thương mại mới.

 

Trung Quốc đã kêu gọi các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuế quan cùng nhau đoàn kết.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vào ngày 11/4, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Liên minh châu Âu nên "cùng nhau chống lại các hành vi bắt nạt đơn phương" của chính quyền Trump.

 

Trong tháng này, ông Tập cũng đến thăm các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan của ông Trump gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gọi cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để đàm phán nhằm thúc đẩy "một hệ thống thương mại cải cách mạnh mẽ, tự do, công bằng và được xây dựng trên một sân chơi bình đẳng".

 

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cũng đã có cuộc trao đổi với các đối tác từ Liên minh châu Âu, Ả Rập Xê Út và Nam Phi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2750/live/46c68fb0-18e9-11f0-b1b3-7358f8d35a35.jpg.webp

Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra rủi ro cho mối quan hệ của Bắc Kinh với các quốc gia khác trên thế giới

 

 

 

Rủi ro tiềm ẩn đối với Trung Quốc

 

Một lý do khiến Trung Quốc liên hệ với các quốc gia khác có thể là để trấn an họ.

 

Trong khi Trung Quốc có thể tìm cách thay thế thị trường Mỹ của họ bằng các thị trường khác, điều này có thể gây ra vấn đề cho các điểm đến mới đó, và là một bài toán ngoại giao khó giải cho Bắc Kinh.

 

"Nếu một làn sóng hàng Trung Quốc xuất khẩu tràn vào các thị trường này, gây tổn hại đến việc làm và cơ hội ở nhiều quốc gia trên thế giới chỉ vì các hàng hóa này không thể được bán sang Mỹ, thì đó sẽ là một vấn đề ngoại giao và địa chính trị lớn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc", biên tập viên Rennie cho biết.

 

Một vấn đề khác có thể là thị trường trong nước. Trong khi những người tiêu dùng ở Trung Quốc cho BBC biết rằng nếu hàng hóa từ Mỹ trở nên đắt hơn, họ có thể chuyển sang dùng hàng nội địa, nhưng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trong tình trạng giảm phát.

 

Dữ liệu chính thức cho thấy chỉ số giá tiêu dùng - thước đo lạm phát - đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp tính đến tháng 3/2025. Nhu cầu dùng hàng nội địa dường như không có.

 

Ông Tập "ý thức được nguy cơ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể bị kéo vào một cuộc chiến kinh tế và đang chuẩn bị cho một tình thế 'hỗn loạn'," Giáo sư khoa học chính trị Mỹ Graham Allison, người vừa trở về sau chuyến thăm Trung Quốc cho biết.

 

"Ít nhất là theo tất cả những gì tôi đã thấy, họ đã chuẩn bị trên khắp các lĩnh vực và khu vực để có khả năng phục hồi nếu điều này xảy ra và sẵn sàng đáp trả tương ứng", Giáo sư Allison nói, đồng thời lưu ý rằng dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cuộc chiến thuế quan hiện tại là một tình huống "cả hai bên đều thua", "họ nghĩ rằng [họ] có thể chịu đựng được khó khăn tốt hơn Mỹ".

 

----------------------

Tin liên quan

·         

Ông Tô Lâm giảm thuế 0% 'là không đủ': Việt Nam sẽ làm gì?

8 tháng 4 năm 2025

·         

Thuế của ông Trump thổi bay 40 tỷ USD chứng khoán Việt Nam

8 tháng 4 năm 2025

·         

Trump miễn thuế 'đối ứng' với điện thoại và máy tính

13 tháng 4 năm 2025

 

 

 

 

 



No comments: