Vũ Đức Khanh
23/04/2025
https://baotiengdan.com/2025/04/23/da-den-luc-hoa-giai-dan-toc/
Ngày
30 tháng 4 năm 2025 đánh dấu 50 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc,
khi tiếng súng ngưng nổ, khi đất nước liền một dải chữ S từ Bắc chí Nam.
Nhưng
nửa thế kỷ trôi qua, sự thống nhất trên bản đồ chưa đồng nghĩa với sự thống nhất
trong lòng người Việt.
Vết
cắt lịch sử vẫn chưa thực sự liền sẹo; dòng máu chảy chung của dân tộc vẫn chưa
thể hòa cùng nhịp đập giữa những người con mang ký ức, lý tưởng và niềm tin từng
khác biệt.
Một
dân tộc trưởng thành không chỉ vì chiến thắng trong quá khứ, mà còn vì khả năng
vượt lên quá khứ.
Sự
cao thượng chính trị không thể hiện ở chỗ ai đã đúng, ai đã sai trong cuộc chiến
năm xưa, mà ở chỗ ai dám đưa tay ra trước trong thời bình, để kiến tạo một
tương lai chung cho tất cả.
Tổng
Bí thư Tô Lâm – người đang nắm giữ cương vị quyền lực cao nhất đất nước – tuyên
bố rằng ông sẽ dẫn dắt Việt Nam bước vào một “kỷ nguyên mới”.
Nhưng
liệu kỷ nguyên mới ấy sẽ được định nghĩa như thế nào? Bằng tăng trưởng GDP? Bằng
đô thị hóa? Hay bằng những dự án mang tính biểu tượng?
Tất
cả những điều đó đều quan trọng. Nhưng không gì có thể thay thế cho sự hòa hợp
tinh thần dân tộc, cho khả năng sống chung giữa những người Việt còn đang ly
tán trong lòng nhau – vì chiến tranh, vì ý thức hệ, vì bất đồng tư tưởng.
Hòa
giải là điều kiện để trở thành quốc dân của một đất nước văn minh
Từ
góc nhìn triết học chính trị, hòa giải không đơn thuần là một tiến trình kỹ thuật
chính trị hay một “chính sách mềm” trong sách lược cầm quyền.
Hòa
giải là nền tảng để khôi phục phẩm giá của tất cả các bên đã trải qua đau
thương.
Không
có hòa giải, sẽ không có công lý thực sự – vì công lý không phải là sự áp đặt một
chân lý, mà là khả năng cùng nhau tồn tại trong sự khác biệt mà không loại trừ
lẫn nhau.
Tư
tưởng của nhà triết học người Đức Jürgen Habermas từng khẳng định: một nền dân
chủ đúng nghĩa phải mở ra không gian đối thoại tự do – nơi mỗi con người đều được
lắng nghe như một chủ thể đạo đức và chính trị.
Ở
đó, lý trí công cộng được xây dựng trên sự thừa nhận rằng: không ai độc quyền
chân lý. Chỉ có qua đối thoại – không phải bằng súng đạn hay nhà tù – ta mới có
thể kiến tạo được đồng thuận xã hội.
Thế
nhưng, cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa có một tiến trình hòa giải dân tộc
đúng nghĩa.
Trong
khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ hữu nghị và chiến lược toàn diện
với những cựu thù như Mỹ, Pháp, Nhật Bản hay Trung Quốc, thì những người từng
là đồng bào – dù ở bên kia chiến tuyến hay chỉ đơn thuần mang lý tưởng khác – vẫn
chưa được đối xử như những người con chính danh của Tổ quốc.
Hòa
giải không phải là quên lãng
Có
người sợ rằng hòa giải sẽ dẫn đến lãng quên lịch sử, làm lu mờ “chính nghĩa
cách mạng.”
Nhưng
hòa giải không phải là sự xóa bỏ ký ức.
Đó
là hành động chủ động thừa nhận quá khứ – trong tất cả sự phức tạp, đau đớn, và
mâu thuẫn của nó – để cùng nhau bước tới.
Hòa
giải không yêu cầu một bên phải xin lỗi, một bên phải tha thứ.
Nó
chỉ yêu cầu chúng ta chấp nhận rằng: những con người có thể khác nhau về lý tưởng,
về kinh nghiệm lịch sử, nhưng vẫn cùng thuộc về một cộng đồng dân tộc – và vì
thế, phải có khả năng sống chung.
Tư
tưởng của triết gia người Pháp Paul Ricœur nhấn mạnh vai trò của ký ức trong việc
xây dựng bản sắc và đạo đức cộng đồng.
Ông
nói đến “ký ức công bằng” – không phải là ký ức chỉ kể về nỗi đau của mình, mà
là ký ức biết lắng nghe nỗi đau của người khác.
Nếu
ký ức bị thao túng bởi quyền lực chính trị, nó trở thành công cụ của sự khép
kín và đối đầu.
Nhưng
nếu ký ức được mở ra bởi tinh thần nhân văn, nó trở thành nhịp cầu nối giữa các
linh hồn từng bị tổn thương.
Tổ
quốc là không gian chung, không thể độc quyền
Chúng
ta không thể nói về lòng yêu nước nếu chúng ta không thừa nhận quyền tồn tại của
những quan điểm khác nhau trong một không gian chính trị.
Một
nửa dân tộc không thể bị buộc phải im lặng vì quá khứ của họ “sai lý lịch,” vì
tư tưởng của họ “trái chiều,” hay vì họ dám nói một điều gì đó khác biệt.
Nếu
chính quyền tiếp tục dùng luật pháp để bịt miệng bất đồng, tiếp tục xem sự đa
nguyên là mối đe dọa, thì không thể nào có được một nền dân chủ thực chất.
Chủ
nghĩa nhân văn chính trị – vốn đặt con người làm trung tâm – yêu cầu chúng ta
phải vượt qua thói quen phân chia “ta và địch,” “chính thống và phản động.”
Đã
đến lúc người Việt – từ trong nước đến hải ngoại, từ quan chức đến dân thường,
từ đảng viên đến trí thức bất đồng – được nhìn nhận như những quốc dân bình đẳng,
có quyền mơ ước, cất tiếng nói, và góp phần định hình tương lai quốc gia.
Tổ
quốc không phải là tài sản riêng của bất kỳ ai, dù đó là một đảng phái, một tổ
chức hay một tầng lớp.
Tổ
quốc là không gian thiêng liêng mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ – không phải vì
cùng một quá khứ, mà vì cùng một tương lai.
Hòa
giải là bản lĩnh của kẻ mạnh
Người
yếu thì sợ khác biệt. Người mạnh thì đủ tự tin để chung sống với nó. Một nhà
lãnh đạo thực sự vĩ đại không phải là người củng cố quyền lực bằng nỗi sợ hãi,
mà là người dám trao quyền bằng niềm tin.
Lịch
sử hiện đại đã chứng minh: những quốc gia có thể vượt qua chia rẽ sau nội chiến
hay độc tài – như Nam Phi hậu apartheid, Tây Ban Nha hậu Franco, hoặc Chile hậu
Pinochet – đều có một điểm chung: họ đã đặt hòa giải và đối thoại lên trên thù
hận và báo thù.
Nelson
Mandela không thể trở thành huyền thoại nếu ông không bắt tay với những người từng
giam cầm ông 27 năm.
Và
Chile không thể trở thành nền dân chủ hàng đầu Nam Mỹ nếu không dám đối diện với
quá khứ đầy máu và nước mắt.
Việt
Nam cũng có thể bước vào trang sử mới – nếu có một người dám khởi đầu.
Với
vị trí hiện tại, Tổng Bí thư Tô Lâm có đủ thẩm quyền và cơ hội để làm điều đó.
Không
phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể: khởi động một tiến trình hòa giải
dân tộc, trả lại quyền công dân và tiếng nói cho những ai từng bị loại trừ, và
cam kết xây dựng một không gian chính trị nơi mọi người Việt – dù khác nhau – đều
có thể cùng tồn tại trong tôn trọng và tình thương.
Hòa
giải không chờ đợi!
Hòa
giải không thể chờ đến khi mọi vết thương lành. Chính hòa giải là thuốc chữa
lành. Và không thể có hòa giải nếu chỉ đòi hỏi sự “hối cải” từ phía những người
bị xem là “lầm đường lạc lối.”
Hòa
giải đòi hỏi chính quyền phải mở lòng trước, dừng mọi hành vi trấn áp ôn hòa,
và khẳng định rằng bất đồng chính kiến là một phần tất yếu – và lành mạnh – của
một quốc gia trưởng thành.
Nếu
ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến tranh kết thúc, thì ngày 30 tháng 4 năm
2025 có thể là ngày hòa giải bắt đầu.
Chúng
ta không thể làm sống lại những người đã chết, nhưng chúng ta có thể làm cho những
người đang sống tìm lại nhau.
Tương
lai không thuộc về những người giữ khư khư một quá khứ đóng kín.
Tương
lai thuộc về những người dám mở cửa tâm hồn, để lịch sử không còn là gánh nặng
– mà trở thành điểm tựa.
Và
lịch sử – như thường lệ – sẽ chỉ ghi tên những ai dám hành động. Nhưng không phải
vì quyền lực, quyền lợi hay danh vọng, mà vì chính nghĩa, công lý và sự công bằng.
No comments:
Post a Comment