Wednesday, January 15, 2025

TRUYỀN THÔNG MỸ : ỨNG VIÊN THẤT BẠI DỰ LỄ NHẬM CHỨC CỦA ỨNG VIÊN ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG (AP)

 



Truyền thống Mỹ: Ứng viên thất bại dự lễ nhậm chức của ứng viên đắc cử tổng thống

AP

15/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/truyen-thong-my-ung-vien-that-bai-du-le-nham-chuc-cua-ung-vien-dac-cu-tong-thong/7937002.html

 

Vào tháng Giêng năm 1981, ông Jimmy Carter lịch sự gật đầu với ông Ronald Reagan khi vị tân tổng thống của đảng Cộng hòa cảm ơn đảng Dân chủ vì sự giúp đỡ của chính quyền sau khi ông Reagan đánh bại ông Carter một cách vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11 trước đó.

 

https://gdb.voanews.com/eda8e745-ddc3-4124-982b-962099faaaa7_w1023_r1_s.jpg

Quyết định không tham dự lễ nhâm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melenia Trump rời Washington tại Căn cứ Không quân Andrew, Maryland, ngày 20/1/2021, để đến khu điền trang Mar-a-Lago Florida.

 

Hai mươi năm trước, sau một cuộc đua rất sít sao, ứng cử viên Cộng hòa Richard Nixon đã nắm tay ông John F. Kennedy và có lời động viên với vị tân tổng thống của đảng Dân chủ.

 

Hoa Kỳ có truyền thống lâu đời là các ứng cử viên tổng thống thất bại sẽ cùng chia sẻ sân khấu nhậm chức với những người đã đánh bại họ, thể hiện sự chuyển giao quyền lực có trật tự. Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục thực hiện thông lệ này vào ngày 20 tháng 1 tới đây.

 

Chỉ một lần trong kỷ nguyên truyền hình, một ứng cử viên thất bại bỏ qua tập tục này. Ứng cử viên đó, cựu Tổng thống Donald Trump, không dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden vào năm 2021 mà bỏ về Florida sau một nỗ lực bất thành nhằm lật ngược thất bại của mình dựa trên các lý thuyết sai lầm hoặc vô căn cứ về gian lận cử tri.

 

Ông Trump dự kiến sẽ đứng trên các bậc thang phía tây của Điện Capitol và tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1 tới đây và sẽ có sự hiện diện của bà Harris.

 

2001: Al Gore và George W. Bush

 

Đảng viên Dân chủ Al Gore đã công nhận thua Đảng viên Cộng hòa George W. Bush sau 36 ngày đấu tranh pháp lý về các lá phiếu của Florida mà kết cục bằng phán quyết của Tòa án Tối cao.

 

Nhưng ông Gore, phó tổng thống đương nhiệm, cùng ông Bush đứng trên các bậc thang phía tây của Điện Capitol một tháng sau đó khi ông Bush tuyên thệ nhậm chức. Sau khi ông Bush tuyên thệ, ông và ông Gore bắt tay nhau, nói chuyện ngắn gọn và mỉm cười trước khi ông Gore trở lại chỗ ngồi của mình, vỗ tay theo bài hát ca ngợi tổng thống, “Hail to the Chief”.

 

Một ông Gore thất vọng chấp nhận kết quả và vai trò của mình để chứng minh tính liên tục của chính quyền, cựu phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Gore, Kiki McLean nói.

 

“Ông ấy có thể đã ước rằng ‘Tôi ước rằng chính tôi là người đứng ở [bục thuyên thệ] đó’”, bà McLean nói và cho rằng ông Gore không ngần ngại về việc có nên hiện diện ở đó trong tư cách là người thua cuộc hay không.

 

2017: Hillary Clinton và Donald Trump

 

Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã thẳng thắn nói về sự thất vọng của bà khi thua ông Trump vào năm 2016, khi — giống như ông Gore đấu với ông Bush — bà nhận được nhiều phiếu bầu hơn nhưng không giành được đa số phiếu của Đại cử tri đoàn. “Rõ ràng là tôi bị tan vỡ”, bà nói với Howard Stern trên chương trình phát thanh của ông vào năm 2019.

 

2021: Mike Pence (khi ông Trump vắng mặt) và Joe Biden

 

Bốn năm trước, ông Trump đã tuyên bố mà không có bằng chứng rằng thất bại của ông trước Tổng thống Joe Biden là do có nạn gian lận tràn lan. Hai tuần trước đó, những người ủng hộ ông Trump đã xông vào Điện Capitol trong một cuộc bao vây dữ dội nhằm ngăn chặn việc chứng nhận phiếu bầu đại cử tri.

 

Thay vào đó, Phó Tổng thống Mike Pence khi đó là bộ mặt của chính quyền sắp mãn nhiệm.

 

“Chắc chắn là khó xử,” cựu chánh văn phòng của ông Pence, Marc Short, cho biết.

 

Tuy nhiên, ông Pence và vợ đã gặp riêng ông Biden và phu nhân để chúc mừng họ tại Điện Capitol trước buổi lễ, và hộ tống Phó Tổng thống mới tuyên thệ Kamala Harris và chồng bà ra khỏi Điện Capitol sau đó, theo truyền thống, ông Short nói.

 

“Các thành viên của cả hai viện trong cả hai đảng đều bày tỏ lòng biết ơn đối với ông ấy,” ông nói.

 

1993: George H.W. Bush và Bill Clinton

 

Ông Bush đã đứng trên các bậc thang phía tây của Điện Capitol ba lần để tuyên thệ nhậm chức — với tư cách là phó tổng thống hai lần và vào năm 1989 để nhậm chức tổng thống. Ông tham dự một lần nữa vào năm 1993 trong thất bại.

 

Ông đã tham gia cùng ông Bill Clinton, đảng viên Dân chủ đã đánh bại ông, trên con đường truyền thống đi ra các bậc thang phía đông. Ông Bush trở lại lễ nhậm chức tám năm sau đó với tư cách là cha của người kế nhiệm ông Clinton, George W. Bush.

 

1961: Richard Nixon và John F. Kennedy

 

Nixon vừa thua cuộc bầu cử năm 1960 với cách biệt chưa đến 120.000 phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sít sao nhất trong 44 năm. Nhưng phó tổng thống sắp mãn nhiệm đã tiếp cận ông Kennedy với nụ cười tươi, cái bắt tay và câu “chúc may mắn” rõ ràng chỉ vài giây sau khi đảng viên Dân chủ chiến thắng tuyên thệ nhậm chức.

 

Ông Nixon phải đợi tám năm mới được tuyên thệ nhậm chức tổng thống, trong khi đối thủ đảng Dân chủ thua cuộc của ông — Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm Hubert Humphrey — dõi theo. Ông đã tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai sau khi tái đắc cử vào năm 1972, nhưng rồi phải từ chức sau vụ bê bối Watergate.

 

1933: Herbert Hoover và Franklin D. Roosevelt

 

Giống như ông Bush, ông Hoover chỉ tham dự một lễ nhậm chức với tư cách là tổng thống mới trước khi thua một đảng viên Dân chủ bốn năm sau đó. Nhưng lễ tuyên thệ nhậm chức năm 1933 của đảng viên Dân chủ Franklin Roosevelt không phải là lễ tuyên thệ cuối cùng của ông Hoover. Ông Hoover chứng kiến bốn vị tổng thống nữa tuyên thệ nhậm chức và ngồi ở những vị trí danh dự tại hai lễ nhậm chức của đảng viên Cộng hòa Dwight D. Eisenhower.

 

1897: Grover Cleveland và Benjamin Harrison

 

Ông Cleveland, tổng thống đảng Dân chủ đương nhiệm, đã thua cuộc bầu cử vào năm 1888 trong khi giành được nhiều phiếu phổ thông hơn cựu Thượng nghị sĩ Indiana Benjamin Harrisson. Nhưng ông Cleveland vẫn cố gắng giữ ô cho ông Harrison trong khi đảng viên Cộng hòa tuyên thệ trong lễ nhậm chức dưới mưa năm 1889.

 

Được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp vào năm 1892, tuy nhiên, ông Cleveland đã long trọng đứng sau ông William McKinley bốn năm sau đó tại lễ nhậm chức của ông McKinley vào năm 1897.

 

==============================

Phu nhân Obama không dự lễ nhậm chức của ông Trump

AP

15/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/phu-nhan-obama-khong-du-le-nham-chuc-cua-ong-trump/7937251.html

 

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ không tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhưng các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton sẽ có mặt.

 

https://gdb.voanews.com/566d450a-a4be-4c87-849e-59dae3d96b13_w1023_r1_s.jpg

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

 

Bà Laura Bush và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ cùng chồng tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20 tháng 1 tại Điện Capitol, các đại diện cho biết.

 

“Cựu Tổng thống Barack Obama đã được xác nhận sẽ tham dự Lễ nhậm chức lần thứ 60. Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ không tham dự lễ nhậm chức sắp tới”, một tuyên bố từ Văn phòng của ông Barack và bà Michelle Obama cho biết.

 

Không có lời giải thích nào được đưa ra về lý do tại sao bà Michelle Obama lại không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Bà cũng không tham dự lễ tang cấp nhà nước của cựu Tổng thống Jimmy Carter tại thủ đô Washington vào tuần trước. Các cựu Tổng thống Trump, Obama, Bush và Clinton cùng phu nhân của họ đều tham dự — ngoại trừ bà.

 

Ông Bill Clinton sẽ tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump, một người quen thuộc với lịch trình của cựu tổng thống đã xác nhận với AP. Bà Hillary Clinton cũng sẽ tham dự, một người phát ngôn cho biết.

 

Văn phòng của ông George W. Bush nói ông và cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush cũng sẽ tham dự.

 

Bà Michelle Obama là phu nhân duy nhất vắng mặt tại lễ tang tuần trước tại Nhà thờ quốc gia Washington, nơi chồng bà và ông Trump ngồi cạnh nhau, trò chuyện và cười đùa như những người bạn cũ, bất chấp lịch sử thù địch chính trị giữa hai người.

 

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama từng vận động chống lại ông Trump trong các chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, 2020 và 2024. Trong hồi ký năm 2018, bà đã mô tả bà bị sốc khi biết rằng ông Trump sẽ kế nhiệm chồng bà, và bà đã lên án chiến dịch “birther” (khai sanh) của ông Trump, vốn đặt câu hỏi về quốc tịch của ông Barack Obama.

 

Bà Michelle Obama đã vận động tranh cử cho ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ là Kamala Harris vào mùa thu năm ngoái, có bài phát biểu đầy cảm xúc tại Michigan, trong đó bà thách thức nam giới bỏ phiếu cho phó tổng thống và lập luận rằng đời sống của phụ nữ sẽ gặp nguy hiểm nếu ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

 

Cả ba cựu tổng thống và phu nhân đều tham dự lễ nhậm chức đầu tiên của ông Trump vào năm 2017, bao gồm cả bà Hillary Clinton, sau khi bà thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 trước ông Trump. Ông Carter lúc đó cũng tham dự.

 

 

 

 




No comments: