Trung Quốc cáo buộc
Đài Loan hối lộ để được Mỹ hỗ trợ
Dương Quang Thuận - The Diplomat
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2025/01/10/trung-quoc-cao-buoc-dai-loan-hoi-lo-de-duoc-my-ho-tro/
Câu chuyện này là một phần trong chiến
dịch thông tin sai lệch lớn hơn nhằm phá hoại quan hệ Mỹ-Đài.
Một báo cáo gần đây của NBC tiết lộ rằng Cục
Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành các cuộc họp bí mật với các thành viên
Quốc hội, cảnh báo họ về một chiến dịch thông tin sai lệch tiềm ẩn của Đảng Cộng
sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chiến dịch này liên quan đến việc bịa đặt các tuyên bố
rằng các thành viên Quốc hội Mỹ đã nhận hối lộ từ Đài Loan để đổi lấy lập trường
ủng hộ Đài Loan của họ.
VIDEO :
Trung Quốc cáo buộc Đài Loan hối lộ để
được Mỹ hỗ trợ
https://www.youtube.com/watch?v=BHlhbgQWMy4&t=1s
Theo báo cáo, dù chiến thuật này vẫn chưa được
triển khai, nhưng những câu chuyện tương tự từ lâu đã xuất hiện trong các
chương trình tuyên truyền bằng tiếng Trung. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc
Tân Hoa Xã cáo buộc Đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan đang phung phí tiền công
quỹ để gây ảnh hưởng lên các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Trung Quốc
Nhân Dân Chính Hiệp Báo, một kênh truyền thông lớn khác của Trung Quốc,
cũng cáo buộc Đài Loan tham gia vào hối lộ tuyên truyền, nhắm vào các nhà lập
pháp, viện chính sách, quan chức, và phương tiện truyền thông nước ngoài.
Bối cảnh lịch sử của những nỗ lực vận
động hành lang của Đài Loan
Việc Đài Loan thuê các công ty quan hệ công
chúng để củng cố quan hệ với Washington không phải điều gì mới hay bất thường.
Vào những năm 1970 và 1980, chính quyền Quốc Dân Đảng đã thuê những chuyên gia
quan hệ công chúng như Sidney Baron và còn chiêu mộ cả những người chuyên vận động
hành lang như Peter Hannaford để ủng hộ việc khôi phục quan hệ ngoại giao Mỹ-Đài.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Lý Đăng Huy, Cassidy & Associates đã được
thuê để hỗ trợ chuyến thăm Mỹ của Lý vào năm 1995. Đảng Dân Tiến đã duy trì
cách tiếp cận này sau khi lên nắm quyền vào năm 2000, hợp tác với các công ty
như BGR Group để nâng cao sự hiện diện của Đài Loan trong chính giới Mỹ.
Những hoạt động này, được điều chỉnh theo Đạo
luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài của Mỹ (FARA), là các hoạt động ngoại giao
tiêu chuẩn và phổ biến đối với mọi quốc gia – bao gồm cả Trung Quốc, nước đã
chi tiêu đáng kể cho hoạt động vận động hành lang ở nước ngoài. Đối với Đài
Loan, những nỗ lực này rất quan trọng do môi trường quốc tế đầy thách thức và sự
phụ thuộc của họ vào các hỗ trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền của Trung
Quốc lại mô tả hoạt động vận động hành lang của Đài Loan là lãng phí và ích kỷ,
cáo buộc rằng nó mang lại lợi ích cho các chính trị gia Mỹ và Đảng Dân Tiến hơn
là cho người dân Đài Loan. Những tuyên bố như vậy sẽ xuất hiện bất cứ khi nào
Đài Loan đạt được bước đột phá trong quan hệ với Mỹ dưới thời chính phủ Đảng
Dân Tiến. Truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ bác bỏ tiến triển trong quan hệ
song phương Mỹ-Đài là mang tính giao dịch và cơ hội, hơn là dựa trên giá trị hoặc
vững như bàn thạch.
Khung tuyên truyền: Đài Loan trả tiền
để nhận sự hỗ trợ từ Mỹ
Các quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc
thường cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan xuất phát từ các động cơ tài
chính hơn là các giá trị dân chủ chung. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc
như CCTV tuyên bố văn phòng đại diện của Đài Loan tại Washington sử dụng các
công ty như Empire Consulting Group để thuyết phục các nhà lập pháp về các vấn
đề như việc đưa Đài Loan vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
(IPEF). Tương tự, các thành viên của Nhóm Đài Loan (Taiwan Caucus) tại Quốc hội
Mỹ bị cáo buộc nhận các khoản quyên góp do vận động hành lang để ủng hộ Đài
Loan.
Các chuyến thăm của các nhà lập pháp Mỹ tới
Đài Loan là một mục tiêu khác của những câu chuyện này. Truyền thông Trung Quốc
cáo buộc rằng các thành viên của Nhóm Đài Loan đã thúc giục Tổng thống Mỹ Joe
Biden dừng chân tại Đài Loan trong chuyến công du châu Á vào tháng 5/2022 vì
các ưu đãi tài chính từ Đài Loan. Sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt vào
tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là Nancy Pelosi, ấn bản nước
ngoài của tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của ĐCSTQ, tuyên
bố rằng phái đoàn của Thượng nghị sĩ Ed Markey cũng có động cơ tương tự – là sự
hỗ trợ tài chính từ Đảng Dân Tiến.
Sau khi phái đoàn của Hạ nghị sĩ Mike
Gallagher đến thăm Đài Loan vào tháng 02/2024 – trùng với thời điểm xảy ra đụng
độ trên biển giữa Trung Quốc và Đài Loan – các hãng tin Trung Quốc đã gọi phái
đoàn này là thiên thần hộ mệnh được Đảng Dân Tiến thuê để duy trì quan hệ có đi
có lại lâu dài.
Truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc Đài
Loan tài trợ cho các viện chính sách của Mỹ để giúp họ truyền bá thuyết Trung
Quốc đe dọa và các câu chuyện ủng hộ Đài Loan. Viện Dự án 2049, một viện chính
sách có trụ sở tại Washington, bị cáo buộc là đã được Đảng Dân Tiến tài trợ để
sản xuất các báo cáo chỉ trích mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc. Khi Tổng thống
Đài Loan lúc bấy giờ là Thái Anh Văn nhận Giải thưởng Lãnh đạo Toàn cầu của Viện
Hudson vào tháng 03/2023, truyền thông Trung Quốc đã đặt câu hỏi liệu giải thưởng
này có phải là sự đền đáp cho các khoản tài trợ từ chính phủ Đài Loan hay
không.
Các chính trị gia Mỹ tại Đài Loan: Lợi
ích kinh doanh hay giá trị dân chủ?
Chương trình tuyên truyền của Trung Quốc thường
quy các chuyến thăm Đài Loan của các chính trị gia Mỹ là vì lợi ích kinh doanh
cá nhân. Ví dụ, chuyến thăm năm 2022 của Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo được Thời
báo Hoàn cầu của Trung Quốc gọi là một nỗ lực nhằm đảm bảo đầu tư của
Đài Loan vào một quỹ đầu tư tư nhân. Tương tự, chuyến thăm năm 2022 của Thượng
nghị sĩ Lindsey Graham bị chỉ trích là một động thái nhằm thúc đẩy doanh số bán
hàng của Boeing theo hướng có lợi cho quận của ông.
Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các
bài viết của ĐCSTQ là việc mô tả các chính trị gia Mỹ như đại diện của các nhà
sản xuất vũ khí. Truyền thông Trung Quốc đã liên kết chuyến thăm năm 2021 của cựu
Thượng nghị sĩ Chris Dodd với việc Đài Loan mua pháo tự hành M109A6, trong khi
các phái đoàn do Thượng nghị sĩ John Cornyn và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark
Esper dẫn đầu, có quan hệ với ngành công nghiệp quốc phòng, bị cáo buộc là đã
thúc đẩy việc bán vũ khí Mỹ. Ngay cả chuyến thăm Đài Loan được đồn đoán vào năm
2023 của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Kevin McCarthy cũng được cho là một nỗ
lực vận động hành lang cho các nhà thầu quốc phòng.
Nhiều câu chuyện trong số này đã xuất hiện nổi
bật trong chuyến thăm Đài Loan của Pelosi. Truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng,
suốt nhiều năm, Đảng Dân Tiến đã chi tiền của người nộp thuế để sắp xếp các cuộc
gặp giữa Pelosi với Thái Anh Văn và Phó Tổng thống khi đó (và hiện là Tổng thống)
Lại Thanh Đức. Sau chuyến thăm, CCTV cáo buộc rằng Đảng Dân Tiến đã thuê một
chuyên gia vận động hành lang thân cận với Pelosi để tạo điều kiện cho chuyến
đi. Quang Minh Nhật báo, một cơ quan truyền thông khác của ĐCSTQ,
khẳng định rằng chuyến thăm của Pelosi nhằm mục đích tạo ra một cuộc khủng hoảng
xuyên eo biển để chính danh hóa Đạo luật CHIPS và Khoa học mà bà đã giúp thông
qua. Tờ báo ẩn ý rằng nó có thể thu hút các khoản đóng góp từ các công ty bán dẫn
Mỹ được hưởng lợi từ luật này.
Những giọng nói hỗ trợ tuyên truyền của
ĐCSTQ
Ngoài việc trực tiếp tấn công chính quyền Đài
Loan và các chính trị gia Mỹ, đội ngũ tuyên truyền của ĐCSTQ còn trích dẫn các nguồn
khác để củng cố tuyên bố của mình. Họ thường xuyên đưa tin về quan điểm của cư
dân mạng hoặc phương tiện truyền thông Đài Loan, nhằm sử dụng tiếng nói của Đài
Loan để tấn công chính Đài Loan. Ví dụ, truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh các
bình luận của cư dân mạng Đài Loan cho rằng các chính trị gia Mỹ đến thăm là vì
được khuyến khích bằng tiền của hòn đảo.
Trung Quốc Nhật báo, một tờ báo của ĐCSTQ,
đã trích lời một cư dân mạng ẩn danh, người đã tiết lộ một bản hợp đồng do Đảng
Dân Tiến ký với Gephardt Group Government Affairs từ năm 2018, được cho là đã dẫn
đến chuyến thăm Đài Loan của Pelosi. Hoàn Cầu Thời báo thì
trích dẫn cáo buộc của truyền thông Đài Loan rằng sự ủng hộ của các thành viên
Quốc hội Mỹ đối với hòn đảo chỉ bắt đầu sau những nỗ lực vận động hành lang do
các đại diện Đài Loan khởi xướng.
Các chính trị gia Đài Loan ủng hộ Bắc Kinh
cũng thường được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Hồng
Tú Trụ, cựu chủ tịch Quốc Dân Đảng, lập luận rằng luật ủng hộ Đài Loan tại Quốc
hội Mỹ là kết quả của nguồn tài trợ từ Đảng Dân Tiến. Tăng Minh Tông, người phụ
trách kỷ luật của Quốc Dân Đảng, yêu cầu chính phủ Đài Loan trả lời câu hỏi liệu
chuyến thăm của Pelosi có phải do lợi ích của doanh nghiệp thúc đẩy hay không.
Trong khi đó, nhà lập pháp Quốc Dân Đảng Ngô Tư Hoài đặt câu hỏi liệu Mỹ có gây
sức ép buộc Đài Loan mua các mặt hàng quốc phòng không cần thiết sau chuyến
thăm của Esper hay không. Còn nhà lập pháp Quốc Dân Đảng Lý Đức Vi thì chỉ
trích các vị khách nước ngoài, tuyên bố họ chỉ khuyến khích Đài Loan mua máy
bay, vũ khí, và bán chip, trong khi không có ý định thực sự đầu tư vào Đài
Loan.
Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ cũng trích dẫn
phương tiện truyền thông quốc tế hoặc các chính trị gia Mỹ để củng cố tuyên bố
của họ. Truyền thông Trung Quốc nhắc đến MintPress News trong cáo buộc rằng Đài
Loan tài trợ cho các viện chính sách của Mỹ để tạo ra diễn ngôn ủng hộ Đài Loan
và chống Trung Quốc. Tương tự, CCTV đã lan truyền dòng tweet của Hạ nghị sĩ
Marjorie Taylor Greene cáo buộc Pelosi mạo hiểm xung đột với Trung Quốc trong
chuyến thăm Đài Loan của bà vì lợi ích danh mục đầu tư cá nhân của chồng bà.
Quan hệ Mỹ-Đài bị phá hoại
Để đáp lại những câu chuyện này, chính phủ
Đài Loan khẳng định việc thuê các công ty quan hệ công chúng là một hoạt động
ngoại giao thường xuyên và cần thiết. Nó cũng có tác dụng giải quyết những
thông tin sai lệch độc hại. Prospect Foundation, đơn vị tổ chức chuyến thăm Đài
Loan năm 2022 của Pompeo, nhấn mạnh rằng việc mời các quan chức đã nghỉ hưu
thông qua các công ty như vậy là cách làm tiêu chuẩn. Bộ Ngoại giao Đài Loan
cũng làm rõ rằng những nỗ lực này đã có từ lâu và không liên quan đến các sự kiện
cụ thể, chẳng hạn như chuyến thăm của Pelosi.
Ngoài ra, một số báo cáo đã bị vạch trần là bịa
đặt. Ví dụ, các tuyên bố rằng văn phòng đại diện của Đài Loan đã trả tiền cho
Viện Hudson để Thái Anh Văn được nhận giải thưởng đã bị phát hiện có liên quan
đến các tài liệu giả mạo. Tài khoản của công dân nhắc đến hợp đồng giữa Đảng
Dân Tiến với những người vận động hành lang thân cận với Pelosi đã bị hack, và
hiện vụ việc đang được cảnh sát Đài Loan điều tra.
Bất chấp những lời giải thích này, chương
trình tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn tiếp tục cáo buộc Đảng Dân Tiến lãng phí tiền
thuế của người dân vào các chính trị gia Mỹ, khơi dậy sự bất bình trong công
dân Đài Loan. Họ mô tả những nỗ lực ngoại giao này là sự phô trương chính trị của
Đảng Dân Tiến nhằm tạo ra ảo tưởng về một quan hệ Mỹ-Đài vững chắc, tập trung
vào lợi ích cá nhân của các chính trị gia Mỹ hơn là quan hệ đối tác song phương
thực sự.
Dưới góc nhìn chính trị của Mỹ, những câu
chuyện như vậy cũng có thể gây ra tranh cãi nội bộ, làm tổn hại đến quan hệ đối
ngoại. Chẳng hạn, viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã bị nghi ngờ do những cáo buộc
về quan hệ kinh doanh của Hunter Biden với Ukraine. Tương tự, những cáo buộc
như cáo buộc liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của Pelosi có thể thúc đẩy sự
nghi ngờ của công chúng về động cơ thực sự của các chính trị gia, làm suy yếu sự
ủng hộ của công chúng đối với các liên minh và gây tổn hại đến chính sách đối
ngoại của Mỹ.
Ở Đài Loan, những câu chuyện này có thể trở
thành miếng mồi ngon cho xung đột chính trị trong nước, bằng cách liên kết các
hoạt động ngoại giao hợp pháp với nguy cơ tham nhũng và làm xói mòn lòng tin của
công chúng. Chúng cũng có thể làm dấy lên nghi ngờ rằng sự ủng hộ của các chính
trị gia Mỹ đối với Đài Loan là hành động hoàn toàn vì lợi ích cá nhân, chứ
không phải vì các giá trị dân chủ. Những tuyên bố như vậy phản ánh mô tả rộng
hơn rằng người Mỹ ưu tiên lợi ích hơn giá trị, cũng như câu chuyện về chủ nghĩa
hoài nghi của Mỹ, qua đó ẩn ý rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Đài Loan ngay cả khi các
chính trị gia của họ có lời lẽ ủng hộ.
Sự hoài nghi đằng sau những câu chuyện này
làm suy yếu các hoạt động ngoại giao hợp pháp của Đài Loan, đóng khung chúng
như những thỏa thuận có đi có lại, và xem quan hệ Mỹ-Đài là giao dịch hơn là dựa
trên giá trị. Điều này làm xói mòn lòng tin lẫn nhau giữa các đồng minh, cản trở
sự đồng thuận trong nước về chính sách đối ngoại, và biến những nỗ lực này
thành các cuộc tranh luận chính trị gây chia rẽ. Khi chính trị vươn ra khỏi
biên giới đất nước, các chế độ độc tài sẽ lợi dụng những chia rẽ này để làm suy
yếu sự đoàn kết dân chủ.
-----------------------
Dương Quang Thuận là người đồng sáng lập
US Taiwan Watch.
Nguồn: Dương
Quang Thuận, China Alleges Taiwan Is Paying Bribes
for US Support, The
Diplomat, 04/01/2025
No comments:
Post a Comment