Tuesday, January 14, 2025

TIN HOA KỲ NGÀY 13/1/2025

 



TIN HOA KỲ NGÀY 13/1/2025

 

Những gì đằng sau sự sụp đổ của ông Biden?

Anthony Zurcher

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu chia tay với thế giới

Minh Anh  -  RFI

.

Ông Biden để lại ‘di sản hỗn hợp’ sau 4 năm làm Tổng thống Mỹ

Reuters.

.

Ông Biden để lại ‘di sản hỗn hợp’ sau 4 năm làm Tổng thống Mỹ

Reuters

Hoa Kỳ : Gió « hỏa ngục » vẫn tiếp tục, lửa tại Los Angeles có thể lại bùng lên

Chi Phương  -  RFI

.

Newsom ‘đánh nhau’ cùng lúc với lửa và với Trump

.

Cuộc chiến chống Bão Lửa và Bão MAGA của Thống đốc California, Gavin Newsom

NGO PHONG TODAY

;

Cộng Đồng Người Việt Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Jimmy Carter

SBTNOfficial

..

Nước Mỹ tôn vinh và vĩnh biệt tổng thống Jimmy Carter

Đinh Quang Anh Thái   -  Tự Lực Bookstore

.

Dự án của Trump Organization ở Hưng Yên có giúp Việt Nam tránh thuế Mỹ?

Linh Ðan  |  VOA Tiếng Việt

.

Tại sao Mark Zuckerberg bất ngờ « xoay chiều », ủng hộ Donald Trump ?    

Thùy Dương  -  RFI

 

 

======================================================

 

Những gì đằng sau sự sụp đổ của ông Biden?

Anthony Zurcher

Phóng viên Bắc Mỹ

13 tháng 1 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clyn5j7y36zo

 

Đứng trên bục phát biểu tại Nhà thờ Quốc gia Washington vào ngày 9/1, ông Joe Biden đã đọc điếu văn cho cựu Tổng thống Jimmy Carter trong khi ba cựu tổng thống khác – Bill Clinton, George W Bush và Barack Obama – và Donald Trump, cựu tổng thống và cũng là tổng thống đắc cử, dõi theo.

 

Mỗi vị tổng thống đó đều được người dân Mỹ chứng nhận hai lần (tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai) - điều mà ông Biden chưa có. Và khi Tổng thống Biden, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tuần tới, bày tỏ lòng kính trọng đối với ông Carter, người cũng làm tổng thống một nhiệm kỳ, thật khó để không chỉ ra những điểm tương đồng.

 

"Nhiều người nghĩ rằng ông thuộc về một thời đại cũ, nhưng thực tế thì ông là người nhìn xa trông rộng," ông Biden nói về ông Carter.

 

Vị tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh đến những thành tựu của ông Carter trong việc thúc đẩy dân quyền, hòa bình và hạn chế vũ khí hạt nhân cũng như những nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường.

 

Vài ngày trước đó, ông Biden đã nói về di sản của mình và cách lịch sử nhìn nhận ông.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c1a6/live/16642b60-d15a-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

Các cựu tổng thống Mỹ và Tổng thống đắc cử Donald Trump tại tang lễ ông Jimmy Carter

 

"Tôi hy vọng lịch sử sẽ ghi nhận rằng tôi đã có kế hoạch khôi phục nền kinh tế và tái lập vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới," ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

 

"Và tôi mong lịch sử sẽ công nhận rằng tôi đã làm điều đó một cách trung thực và chính trực; rằng tôi đã nói những gì mà mình nghĩ."

 

Liệu lịch sử có làm như thế hay không vẫn là chủ đề thảo luận sôi nổi - nhưng ông rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ gần mức thấp nhất trong nhiệm kỳ. Chỉ có 39% có cái nhìn tích cực về ông, theo khảo sát mới nhất của Gallup, giảm đáng kể so với mức 57% khi ông bắt đầu nhiệm kỳ.

 

Tuần tới, đối thủ mà ông từng đánh bại vào năm 2020 sẽ trở lại nắm quyền, ắt hẳn sẽ khiến ông cảm thấy đây là một cái kết buồn cho nhiệm kỳ của mình.

 

Ông Biden đã đạt những thành tựu nhất định: khéo léo đưa luật về đầu tư và cơ sở hạ tầng phức tạp thông qua Quốc hội với đa số phiếu trong một kết quả sít sao, củng cố và mở rộng NATO và bổ nhiệm một số lượng đáng kể thẩm phán với đa dạng gốc gác vào tòa án liên bang. Nhưng cho đến hiện tại, các thành tựu đang bị lu mờ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5aec/live/24ac9020-d15c-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Tổng thống Biden ký Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 tại Nhà Trắng

 

 Vị trí của ông trong lịch sử là một thời kỳ Dân chủ tạm thời giữa hai nhiệm kỳ ông Trump. Thời kỳ Dân chủ này dường như là một biến động nhỏ hơn là một sự thay đổi lớn.

 

"Ông ấy muốn di sản của mình là giải cứu người dân khỏi Trump," tác giả và chiến lược gia Dân chủ Susan Estrich nhận định.

 

"Nhưng thật đáng buồn, đối với ông ấy, di sản của ông lại chính là Trump. Ông ấy là cầu nối từ Trump 1.0 đến Trump 2.0."

 

Mọi chuyện đã có thể không xảy ra như thế. Một số sự kiện đã ảnh hưởng tới Biden và nhóm của ông - một số nằm trong tầm kiểm soát và một số thì không.

 

Tuy nhiên, một số sự kiện giáng đòn mạnh nhất thì đáng lẽ đã hoàn toàn dự báo được, và thực tế là đã được báo, nhưng dường như vị tổng thống và chính quyền ông vẫn bất ngờ.

 

Họ đã trả giá đắt vì điều đó.

 

 

Từ hỗn loạn Kabul đến những 'bước đi sai lầm' đầu tiên

 

Bước đi sai lầm đầu tiên của ông Biden với tư cách là tổng thống xảy ra cách xa nửa vòng trái đất, trong sự hỗn loạn khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021.

 

Việc rút quân đã được đàm phán trong những tháng cuối cùng của chính quyền Trump, nhưng ông Biden đã ủng hộ điều đó bất chấp cảnh báo từ một số cố vấn quân sự.

 

Những dự báo khủng khiếp đó đã được xác thực khi Kabul rơi vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9d12/live/442294b0-d15f-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Người dân trèo lên nóc máy bay và cố gắng tìm đường lên máy bay tại sân bay Kabul vào tháng 8/2021

 

Đến cuối tháng 8/2021, tỷ lệ ủng hộ cho ông Biden mà Gallup khảo sát đã giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên – con số mà ông sẽ không bao giờ đạt được nữa trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

 

Trong nước, tình hình đối với tổng thống cũng không mấy khả quan. Tính tới mùa hè năm đó, lạm phát Mỹ đã vượt quá 5% lần đầu tiên sau 30 năm.

 

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết bà tin rằng mức tăng đột biến này là "tạm thời". Ông Biden cũng gọi đó là "tạm thời". Một số người ngoài nội các, đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Tài chính Larry Summers của chính quyền Obama, lại nghĩ khác.

 

Đến thời điểm lạm phát đạt đỉnh một năm sau đó, ở mức 9,1% vào tháng 6/2022, cả bà Yellen lẫn ông Biden mới thừa nhận họ đã tính toán sai.

 

Tuy nhiên, người Mỹ không quên hoặc tha thứ. Mặc dù con số lạm phát hàng tháng đã giảm xuống dưới 3% vào mùa hè năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định và Mỹ đã vượt trội hơn các quốc gia công nghiệp khác trên thế giới, cử tri vẫn tiếp tục có cái nhìn bi quan về nền kinh tế.

 

Các vấn đề khác cũng đi theo mô típ này: chính quyền Biden đã phản ứng chậm chạp trước sự gia tăng đột biến của làn sóng di cư không giấy tờ tại biên giới Mỹ-Mexico hậu Covid.

 

Và dường như chính quyền ông đã bất ngờ trước tác động nặng nề mà chương trình do Đảng Cộng hòa hậu thuẫn nhằm di dời người di cư đến các thành phố phía bắc do Đảng Dân chủ điều hành sẽ gây ra cho các dịch vụ công ở xa biên giới.

 

Tình trạng thiếu hụt xét nghiệm Covid và sữa bột trẻ em, giá trứng tăng cao, đảo ngược phán quyết về quyền phá thai Roe v Wade và các cuộc chiến ở Ukraine, Gaza - mỗi khi chính quyền Biden đang giải quyết một vấn đề không lường trước thì lại có vấn đề khác xuất hiện.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ac42/live/9781da70-d160-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

Trước đó ông là phó tổng thống dưới thời Obama từ năm 2009 tới năm 2017

 

 Trên thực tế, những thách thức này rất đáng sợ – chúng đã hạ gục các nhà lãnh đạo đương nhiệm ở các chính quyền dân chủ trên toàn thế giới.

 

Nhưng đối với ông Biden và Đảng Dân chủ, với mong muốn chứng minh rằng họ là đối trọng đáng gờm và hiệu quả không chỉ với ông Trump mà còn với các chế độ độc tài toàn cầu, thì rủi ro là rất lớn.

 

 

'Ông già có trí nhớ kém'

 

Khi tất cả những điều này xảy ra, phản ứng từ chính quyền đôi khi lại hoàn toàn lạc điệu.

 

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình về việc tăng sản lượng dầu ở Mỹ để giảm giá xăng vào tháng 11/2021, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm đã đáp lại bằng một tràng cười.

 

"Thật buồn cười," bà nói.

 

"Giá mà tôi có cây đũa thần".

 

Ông Biden - người từng được coi là một nhà hùng biện và diễn thuyết tài năng - dường như mất khả năng kết nối với người dân Mỹ hơn trước. Những dấu hiệu tuổi tác của ông cũng rõ rệt hơn.

 

"Khi xem Biden phát biểu, tôi tự thốt lên rằng trời ơi, đây là một con người khác," một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, người từng phục vụ trong những năm đầu của chính quyền Biden, trả lời với điều kiện giấu tên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/61a1/live/4d49bba0-d163-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Ông Biden ngã khi tham dự lễ tốt nghiệp tại Học viện Không quân Hoa Kỳ

 

Robert Hur, một cố vấn đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra cách Biden xử lý các tài liệu mật, đã gọi tổng thống là "một ông già có trí nhớ kém", gây ra một loạt sự lo lắng trong số đảng viên Dân chủ.

 

Tương tác của tổng thống với giới truyền thông đã bị cắt giảm và những lần xuất hiện trước công chúng của ông được lên kịch bản chặt chẽ. Những sai sót và vấp váp trong lời nói của ông đã trở thành mồi cho các cuộc tấn công từ phía Cộng hòa. Nhưng Biden ông vẫn tiếp tục quyết tâm tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.

 

 

Nhân sự của Biden: Vòng tròn thân cận của ông

 

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã vây quanh mình bằng những người lão luyện trong chính phủ.

 

Ngoại trưởng Antony Blinken, là một trong những cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Biden kể từ những ngày ông còn ở Thượng viện.

 

Merrick Garland, một thẩm phán tòa phúc thẩm lỗi lạc và là người được Barack Obama lựa chọn vào Tòa án Tối cao năm 2016 thì được Biden chọn làm tổng chưởng lý.

 

Bà Janet Yellen, người mà ông Biden bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng tài chính, trước đây đã từng làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang.

 

Trong Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã chọn Ron Klain – người đã làm việc trong các chính quyền tổng thống của đảng Dân chủ trong nhiều thập kỷ – làm chánh văn phòng. Mike Donilon, một cựu nhân viên khác của ông Biden, đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao.

 

Nhóm này đặc biệt thành công trong việc quản lý đa số mong manh tại Hạ viện và Thượng viện, giành những chiến thắng sớm về mặt lập pháp ngay cả khi phải đối mặt với sự phản kháng đồng nhất của Đảng Cộng hòa và sự do dự từ những người trung dung trong chính đảng của ông Biden.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0077/live/85e80720-d166-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

 Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tại Nhà Trắng vào Ngày Quốc khánh Mỹ năm 2022

 

"Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" của Biden, được thông qua chỉ hai tháng sau khi ông nhậm chức, bao gồm gần 2.000 tỷ đô la chi tiêu mới của chính phủ. Kế hoạch này mở rộng trợ cấp chăm sóc sức khỏe và tài trợ cho việc phân phối vắc xin phòng Covid và chương trình thanh toán giúp giảm một nửa tình trạng nghèo đói ở trẻ em xuống còn 5%.

 

Cuối năm đó, Đảng Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa đã cùng nhau thông qua dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm 1.000 tỷ đô la chi tiêu mới cho giao thông, năng lượng sạch, nước, băng thông rộng và các chương trình xây dựng khác.

 

Những người khác cũng ủng hộ, đánh dấu một chương trình nghị sự lập pháp mà ít tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên nào trong thời hiện đại có thể sánh kịp - nhưng nó đi kèm với những gì mà một số nhà phê bình coi là một sai lầm nghiêm trọng.

 

Brent Cebul, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Pennsylvania, lập luận rằng những nỗ lực của Biden quá tập trung vào việc thay đổi các chính sách vốn phải mất nhiều năm để chuyển thành lợi ích kinh tế cho người lao động Mỹ có mức thu nhập trung bình.

 

"Tôi nghĩ rằng mốc thời gian liên quan đến những đạo luật lớn đó không đồng bộ với những yêu cầu cấp bách trong cuộc bầu cử tổng thống," ông đánh giá.

 

Tổng thống Biden sẽ phục vụ tốt hơn nếu tìm ra cách mang lại những lợi ích hữu hình cho cử tri nhanh hơn - một quan điểm mà chính Biden đã bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên báo.

 

'Đấu đá nội bộ và sự thất vọng' ngay từ bên trong

 

Nhóm của ông cũng tỏ ra kém năng lực hơn khi thành công không được đo lường bằng luật ban hành mà bằng sự cạnh tranh trong thông điệp hàng ngày với phe đối lập chính trị ngày càng quyết đoán.

 

Một quan chức cấp cao của Biden nhận xét rằng nhóm Nhà Trắng đã quyết đoán hơn vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.

 

"Khi mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn và bạn mất đi cảm giác hoàn thành những công việc lớn, điều đó có thể dẫn đến đấu đá nội bộ và sự thất vọng," họ thừa nhận, đồng thời nói thêm rằng họ cảm thấy rằng vòng tròn xung quanh Biden trở nên cô lập hơn khi áp lực gia tăng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5b33/live/116a1c40-d16a-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Một nhà bình luận cho rằng nhiệm kỳ tổng thống Biden nên được chia thành hai nửa

 

Sau hai năm tạm dừng, các đối thủ chính trị của ông đã tiến hành điều tra, tổ chức các phiên điều trần (về việc rút quân khỏi Afghanistan, các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden và nhiều vấn đề khác) và vào tháng 9/2023, họ chính thức khởi xướng một cuộc điều tra luận tội tổng thống. Trong khi đó, sự chấp thuận của công chúng đối với Biden vẫn ở mức thấp trong biên độ 40%.

 

Ông Cebul nhận định rằng nhiệm kỳ tổng thống ông Biden nên được chia thành hai nửa. Nửa đầu tiên hoàn thiện hơn. Nửa thứ hai ít tập trung hơn.

 

"Biden cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang hoạt động kinh tế vĩ mô khá tốt khiến ông và các cố vấn của mình không để mắt đến thực tế rằng nhiều người Mỹ vẫn đang khổ sở."

 

Một chiến dịch tranh cử bị bao vây

Vào ngày 25/4/2023, Biden đã chính thức tuyên bố ứng cử tổng thống với một video cảnh báo rằng "những kẻ cực đoan" của ông Trump đang đe dọa nước Mỹ.

 

Trong những tháng tiếp theo, ông đưa ra nhiều cảnh báo hơn về mối nguy hiểm mà ông Trump gây ra cho nền dân chủ Mỹ. Ông quảng bá cho kế hoạch kinh tế của mình - sử dụng nhãn hiệu "Bidenomics" (nền kinh tế Biden) - và chỉ ra cách lạm phát đang giảm trong khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng.

 

Tôi đã đi cùng Biden đến Chicago, bang Illinois vào tháng 6/2023, nơi ông tổ chức tiệc mời các nhà tài trợ giàu có và có bài phát biểu về nền kinh tế tại một bưu điện lịch sử ở trung tâm thành phố.

 

"Bidenomics là về tương lai," ông nói.

 

"Bidenomics chỉ là một cách khác để nói: Khôi phục giấc mơ Mỹ".

 

Ông Cebul tin rằng đó là một nước đi tệ hại.

 

"Việc ông ấy dành phần lớn mùa xuân và đầu mùa hè để nói về việc ông ấy là tổng thống kinh tế thành công nhất trong lịch sử hiện đại, thật sự rất lạc điệu," ông nói.

 

"Thông điệp không chỉ không đồng bộ mà ông ta còn là một người truyền tải tệ hại."

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/f4a8/live/6f5bd160-d172-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1

 

 Ở Chicago, cũng như nhiều bài phát biểu khác của mình, đôi khi ông nói ngập ngừng. Đôi khi ông lẩm bẩm và bóp méo cú pháp.

 

Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, ông Biden đã nói với các trợ lý rằng ông tin mình là lựa chọn tốt nhất để đánh bại ông Trump – rằng ông đã làm được điều đó một lần và ông sẽ làm được lần nữa. Và những trợ lý đó đã phản bác mạnh mẽ bất cứ khi nào có ai đó đặt câu hỏi về khả năng của ông Biden.

 

"Tôi không còn trẻ nữa, điều đó quá rõ ràng," tổng thống nói khi tranh cử.

 

"Nhưng mấu chốt là tôi hiểu cách hoàn thành mọi việc cho người dân Mỹ. "

 

 

Hamas, Hunter và những rào cản cuối cùng

 

Vào mùa thu 2023, ông Biden lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác - sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, ông đã nhanh chóng cảnh báo Israel không nên phản ứng thái quá hoặc vượt giới hạn để đáp trả cuộc đổ máu.

 

Giống như cuộc xâm lược Ukraine của Nga, vị tổng thống Mỹ đã chuyển sự chú ý của mình sang các vấn đề thế giới. Nhưng không giống như vấn đề Ukraine - khi ông Biden đã tập hợp một liên minh phương Tây thống nhất chống lại cuộc xâm lược - thì sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Israel đã làm xói mòn sự tin tưởng và ủng hộ dành cho ông ở một số khu vực trong nước.

 

Cùng lúc đó, ông Biden đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý ngày càng gia tăng của con trai mình là Hunter – một phiên tòa xét xử và kết án vào tháng 6/2024 về tội sử dụng súng và, có lẽ đáng lo ngại hơn đối với tổng thống là một bản cáo trạng về các hành vi phạm pháp liên quan đến thuế trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của ông Hunter.

 

Việc phơi bày những bất hòa và nỗi đau trong gia đình ít nhất cũng là một sự xao lãng và hao mòn cảm xúc của tổng thống. Quyết định cuối cùng của ông là ân xá cho con trai mình, được đưa ra sau cuộc bầu cử, đã bị nhiều người, bao gồm một số đồng minh, lên án.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/73c0/live/9bc2abe0-d175-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Israel đã làm xói mòn sự tin tưởng và ủng hộ dành cho ông Biden ở một số khu vực trong nước

 

Cuối cùng, nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Biden – và nhiệm kỳ tổng thống của ông – đã sụp đổ vào cuối tháng 6/2024 trên sân khấu ở Atlanta, bang Georgia trong cuộc tranh luận với ông Trump. Màn thể hiện lúng túng và đôi khi khó hiểu của ông đã giáng một đòn trí mạng vào chiến dịch tranh cử. Nó cũng dường như xác nhận các cuộc tấn công của phe Cộng hòa trước đó – cũng như nỗi sợ của phe Dân chủ – về tuổi tác của ông Biden.

 

Sau khi ông Trump phản ứng một cách thách thức trước một vụ ám sát bất thành và tổ chức một đại hội đảng toàn quốc thống nhất, rầm rộ vào giữa tháng 7/2024, ông Biden đã rút lui khỏi cuộc đua.

 

Chiến thắng của ông Trump trước bà Kamala Harris, người kế nhiệm được ông Biden đích thân lựa chọn, khiến cho phán quyết bầu cử cuối cùng về sự nghiệp chính trị kéo dài nửa thế kỷ của ông Biden mang đậm sự rũ bỏ và thất bại.

 

Di sản của Biden có thể là gì nếu ông đã rút lui sớm để "truyền ngọn đuốc" theo lời ông thay vì muốn nhiệm kỳ thứ hai?

 

"Chúng ta đáng lẽ nên có cuộc bầu cử sơ bộ," bà Estrich lập luận.

 

"Người kế nhiệm ông ấy sẽ có thời gian để chứng minh".

 

Cuối cùng, tuổi tác của vị tổng thống và sức hấp dẫn bền bỉ của ông Trump là những ngọn lửa mà chính quyền của ông không bao giờ có thể dập tắt, và là những ngọn lửa cuối cùng đã thiêu rụi nhiệm kỳ tổng thống Biden.

 

Chỉ trong đúng một tuần nữa, ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức và có khả năng sẽ bắt đầu phá bỏ phần lớn những gì ông Biden đã đạt được trong bốn năm qua. Mức độ hiệu quả của ông Trump trong quá trình này sẽ góp phần rất lớn vào việc định nghĩa di sản về lâu dài của ông Biden.

 

Vài tuần trước, tôi đã hỏi Tổng chưởng lý Garland rằng ông nghĩ lịch sử sẽ phán xét Biden và chính quyền này như thế nào.

 

"Tôi sẽ để các nhà sử học quyết định," ông trả lời.

 

Sau cùng thì đó là tất cả những gì ông Biden để lại.

 

----------------------------

Tin liên quan

·         

Trump muốn thâu tóm Greenland: bốn kịch bản có thể xảy ra

12 tháng 1 năm 2025

·         

Ông Biden nói có thể đánh bại ông Trump nếu không từ bỏ cuộc đua

9 tháng 1 năm 2025

·         

Ông Trump chi phối thế nào tại Quốc hội Mỹ

5 tháng 1 năm 2025

·         

Ông Trump vẫn chưa thôi ý định mua Greenland, giành kênh đào Panama và sáp nhập Canada

8 tháng 1 năm 2025

·         

Cục diện xung đột trên toàn cầu 2024 và dự báo diễn biến 2025

2 tháng 1 năm 2025

·         

Nước Mỹ phân cực, Kinh thánh tìm đường trở lại trường học

25 tháng 12 năm 2024

 

 

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu chia tay với thế giới

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 13/01/2025 - 11:15  -  Sửa đổi ngày: 13/01/2025 - 13:46

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250113-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-joe-biden-ph%C3%A1t-bi%E1%BB%83u-chia-tay-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Đây là tuần cuối cùng ở Nhà Trắng của Joe Biden. Hôm nay, 13/01/2025, tại bộ Ngoại Giao Mỹ, tổng thống mãn nhiệm có bài phát biểu chia tay với thế giới, tập trung vào chính sách đối ngoại. Đặc biệt, ông sẽ nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế và tầm quan trọng các mối liên minh chiến lược.

 

HÌNH :

Hình ảnh tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ Joe Biden tại phòng Bầu Dục, Washington ngày 30 tháng 12 năm 2024. AP - Mark Schiefelbein

 

Thông tín viên Loubna Anaki tường thuật từ New York :

 

« Vào năm 2020, Joe Biden ra tranh cử bằng cách nhấn mạnh đến kinh nghiệm lâu năm của mình trên phương diện đối ngoại, như từng là thượng nghị sĩ và phó tổng thống trước khi được bầu vào Nhà Trắng.

 

Trong bài phát biểu hôm nay, tổng thống mãn nhiệm sẽ tập trung vào những thành tích đối ngoại của mình. Ông sẽ phải khẳng định rằng ông để lại một nước Mỹ hùng mạnh hơn trên trường quốc tế so với thời điểm ông kế nhiệm Donald Trump, và các mối liên minh quốc tế cũng vững chắc hơn.

 

Do vậy, Joe Biden cũng sẽ đề cập đến NATO, thỏa thuận khí hậu Paris hay liên minh tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Tổng thống mãn nhiệm dự trù sẽ nói về cuộc rút quân hỗn loạn tại Afghanistan, việc tăng viện trợ cho Israel, và nhất là chi viện của Mỹ cho Ukraina, quốc gia đang chờ đợi một tương lai bất định khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

 

Joe Biden sẽ phát biểu tại bộ Ngoại Giao Mỹ trước khi có bài diễn văn chia tay trước toàn dân dự kiến vào tối thứ Tư, 15/01. »

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - DONALD TRUMP

Hoa Kỳ: Ê-kip của Trump và Biden phối hợp tìm giải pháp cho cuộc chiến Ukraina

 

MỸ - BẦU CỬ TỔNG THỐNG

Quốc Hội lưỡng viện Mỹ họp xác nhận kết quả bầu tổng thống trước lễ nhậm chức của Donald Trump

 

 

 

 

.

Ông Biden để lại ‘di sản hỗn hợp’ sau 4 năm làm Tổng thống Mỹ

Reuters

14/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/ong-biden-de-lai-di-san-hon-hop-sau-4-nam-lam-tong-thong-my/7935565.html

 

Khi người Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống Hoa Kỳ hôm 5 tháng 11 vừa qua, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần hai phần ba số cử tri tin rằng đất nước đã đi sai hướng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Theo một số nhà phân tích, khi ông Biden chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump, ông để lại một di sản “hỗn hợp”.

 

https://gdb.voanews.com/8454ac7e-fc86-437d-bfbb-a62094e10cf5_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Joe Biden phát biểu về chính sách ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 13/1/2025.

 

Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ là niềm ao ước của thế giới công nghiệp, thoát khỏi tình trạng đóng cửa vì COVID với mức tăng trưởng việc làm và tăng lương mạnh mẽ, nhiều người Mỹ phàn nàn rằng những thành quả đó đã bị giá nhà và giá thực phẩm cao nhấn chìm.

 

Lời hứa của ông Biden về việc quay trở lại chính sách di trú nhân đạo hơn so với thời cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump đã sớm va chạm với thực tế về sự gia tăng đột biến của các cuộc vượt biên trái phép. Ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng cách đảo ngược nhiều chính sách hạn chế di trú của ông Trump. Ông đã dừng việc xây dựng bức tường biên giới của ông Trump; hủy bỏ lệnh cấm nhắm vào những người từ một số quốc gia có đa số dân Hồi giáo và các nước khác; và chấm dứt chương trình “ở lại Mexico” vốn buộc những người xin tị nạn không phải công dân Mexico phải chờ ở Mexico trong khi xin được duyệt xét vào Mỹ tị nạn.

 

Nhưng nhiều tháng sau khi ông nhậm chức, tình trạng vượt biên trái phép tăng đột biến, đặc biệt là đối với trẻ em không có người đi kèm từ Trung Mỹ, khiến các trung tâm thanh lọc biên giới của Hoa Kỳ quá tải và làm dấy lên sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa.

 

Tình trạng vượt biên trái phép lên tới mức kỷ lục vào năm 2022 và 2023 khi ngày càng có nhiều di dân đến từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela và các quốc gia bên ngoài bán cầu.

 

Tòa án Tối cao đã đảo lộn bối cảnh pháp lý xung quanh quyền phá thai bằng cách lật ngược phán quyết Roe vs Wade, làm bùng phát một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ. Vào tháng 6 năm 2022, phe bảo thủ đa số được thành lập bởi các cuộc bổ nhiệm tư pháp của ông Trump vào tòa án đã xóa bỏ quyền phá thai của liên bang vốn tồn tại gần 50 năm theo phán quyết Roe vs Wade.

 

Phán quyết này mở ra một giai đoạn mà các tiểu bang riêng lẻ đặt ra luật riêng của họ về quyền tiếp cận phá thai. Hơn một chục tiểu bang đã cấm phá thai trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp. Ông Biden lên án phán quyết của Tòa án Tối cao, và chính quyền của ông, thông qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Tư pháp, đã đưa ra các hướng dẫn để đảm bảo tiếp cận dịch vụ phá thai khẩn cấp theo luật liên bang và bảo vệ việc sử dụng thuốc phá thai trước Tòa án Tối cao. Chính quyền cũng thúc đẩy việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản như biện pháp tránh thai thông qua Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng. Chính quyền đã giành được chiến thắng lớn nhất vào tháng 6 khi Tòa án Tối cao bác bỏ một vụ kiện do những người ủng hộ chống phá thai đệ trình nhằm hủy bỏ việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận mifepristone, một trong hai loại thuốc được sử dụng trong phá thai.

 

Nhưng tòa án đã bác bỏ vụ kiện của chính quyền trên cơ sở thủ tục, lập luận rằng lệnh cấm phá thai nghiêm ngặt của Idaho xung đột với luật liên bang yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ y tế phải cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp ổn định, bao gồm cả phá thai.

 

Mặc dù ông Biden cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò là lực lượng ổn định trên thế giới, nhưng các cuộc xung đột ở nước ngoài đã làm lu mờ nhiệm kỳ tổng thống của ông. Từ các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza đến đổ máu trong cuộc nội chiến ở Sudan, các cuộc xung đột ở nước ngoài đã chi phối chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Biden.

 

Ông Biden nhậm chức với lời hứa khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trên thế giới và quyết tâm đẩy lùi một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

 

Theo một số cách, chính quyền của ông đã làm được điều đó. Sau cuộc rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan năm 2021, ông Biden đã tập hợp các đồng minh của Hoa Kỳ vào năm sau để chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và cũng đã khôi phục các liên minh trên khắp Châu Á để gây sức ép lên giới lãnh đạo Trung Quốc.

 

Nhưng Hoa Kỳ đã phải vật lộn để chấm dứt các cuộc xung đột dai dẳng và không thể ngăn chặn mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

 

Ông Joe Biden có thể đi vào lịch sử với tư cách là người giám sát nền kinh tế tốt nhất mà mọi người đều ghét.

 

Kể từ năm 2021, khi đất nước thoát khỏi đại dịch toàn cầu vốn đã tạo ra tình trạng mất việc làm và khiến nền kinh tế gần như đình trệ, các chủ nhân đã tạo thêm gần 16,5 triệu việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình chỉ ở mức 4,2%, bao gồm cả mức tăng dài nhất là 4% hoặc thấp hơn kể từ những năm 1960. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trung bình đạt 3,2% mỗi quý, cao hơn nhiều so với mức mà hầu hết các nhà kinh tế coi là tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Thu nhập và tiền lương tăng cao hơn xu hướng. Tổng giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Hoa Kỳ đã tăng lên mức kỷ lục 163,8 nghìn tỷ đô la, nhờ vào thị trường chứng khoán bùng nổ và giá nhà tăng.

 

Nhưng từ cuộc thăm dò này đến cuộc thăm dò khác trong hầu hết nhiệm kỳ của ông, ông Biden cho thấy ít người Mỹ trung bình ghi nhận được điều đó. Tại sao? Bởi vì tất cả những điều đó xảy ra trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh nhất trong một thế hệ.

 

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, sự kết hợp của chuỗi cung ứng rối rắm, tình trạng thiếu hụt lao động và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, được hỗ trợ bởi khoảng 5 nghìn tỷ đô la kích thích của chính phủ từ chính quyền Biden và Trump, đã khiến giá cả tăng nhanh.

 

Trong một trong những tranh cãi gần đây nhất, ông Biden đã ân xá cho con trai mình là Hunter sau khi nhiều lần tuyên bố sẽ để hệ thống tư pháp Hoa Kỳ làm việc. Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden đã ân xá cho con trai mình là Hunter một phần để bảo vệ anh khỏi sự trấn áp trong tương lai từ các đối thủ chính trị, nhưng động thái của ông đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội, với một số đảng viên Dân chủ cho rằng điều này làm suy yếu lòng tin của công chúng vào pháp quyền. Ông Biden, một đảng viên Dân chủ có nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20 tháng 1 khi Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa Donald Trump nhậm chức, đã ký lệnh ân xá vô điều kiện cho Hunter Biden vào ngày 1/12/2024 và nói ông tin rằng con trai mình đã bị truy tố có chọn lọc và bị nhắm mục tiêu một cách bất công bởi những người đối lập chính trị của tổng thống. Ông Hunter đã bị truy tố vì các tội danh về thuế và liên quan đến việc sở hữu súng sau nhiều năm bị nhắm mục tiêu bởi những người Cộng hòa tại Quốc hội, những người đã cáo buộc anh ta thực hiện các thỏa thuận kinh doanh dùng tên của cha mình nhưng họ không chỉ ra được bất kỳ mối liên hệ rõ ràng nào.

 

 

 

 

 

Hoa Kỳ : Gió « hỏa ngục » vẫn tiếp tục, lửa tại Los Angeles có thể lại bùng lên

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 13/01/2025 - 12:14

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250113-hoa-k%E1%BB%B3-gi%C3%B3-h%E1%BB%8Fa-ng%E1%BB%A5c-v%E1%BA%ABn-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-l%E1%BB%ADa-t%E1%BA%A1i-los-angeles-c%C3%B3-th%E1%BB%83-l%E1%BA%A1i-b%C3%B9ng-l%C3%AAn

 

Tính đến tối Chủ Nhật, 12/01/2025, cơn bão lửa tại Los Angeles Hoa Kỳ bắt đầu từ gần một tuần qua đã cướp đi sinh mạng của 24 người, 16 người khác vẫn chưa có tung tích. Mặc dù tình hình đã bớt căng thẳng cuối tuần qua, nhưng ngọn lửa vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nhất là những cơn gió « hỏa ngục » vẫn tiếp tục thổi qua những quả đồi ở California.

 

HÌNH :

Quang cảnh một khu vực bị hỏa hoạn tại Pacific Palisades Bowl Mobile Estates, Los Angeles, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 12/01/2025. © Noah Berger / AP

 

Từ Los Angeles, đặc phái viên Guillaume Naudin tường trình :

 

« Những cơn gió tưởng chừng đã ngừng, sẽ tiếp tục thổi trở lại. Đó là những cơn gió Santa Anna, nguyên nhân gây ra đám cháy với cường độ mạnh như vậy (từ thứ Ba tuần trước). Tuy được dự báo với cường độ nhẹ hơn, nhưng các cơn gió này khiến chính quyền đưa ra báo động đỏ có thể đến hết ngày thứ Tư. Điều này có nghĩa là tình hình vốn đã rất thảm khốc có thể tồi tệ hơn nữa. Do vậy chính quyền không có kế hoạch cho phép hơn 100 000 người đi sơ tán, quay trở về nhà trước thứ Năm tới. Những cư dân này sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi tại những nơi tiếp đón ở trung tâm thành phố.

 

Có thể thấy sự tương trợ, tình đoàn kết được thúc đẩy. Nhiều tình nguyện viên dành thời gian để thu gom đồ cứu trợ, phân phát thực phẩm, nước uống, quần áo hoặc các thiết bị y tế. Tuy nhiên, không có nghĩa là không có những hành vi lừa lọc. Chính quyền đã tố giác một số địa điểm thu gom đồ quyên góp giả đã mọc lên, hoặc một số trò lừa đảo tiền quyên góp và thực hiện các vụ bắt giữ. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hi hữu. Thống đốc vùng California Gavin Newsom đã tăng cường huy động lực lượng vệ binh quốc gia để giám sát các khu vực xảy ra thảm họa. »

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHÁY RỪNG - MỸ

Cháy rừng tại Los Angeles : Lính cứu hỏa vật lộn để khống chế đám cháy lan rộng

 

CALIFORNIA - CHÁY RỪNG

Cháy rừng tại California : Tranh cãi về trách nhiệm của các giới chức chính quyền

 

HOA KỲ - HỎA HOẠN

Mỹ : Ít nhất một chục người thiệt mạng trong vụ cháy rừng dữ dội nhất lịch sử California

 

 

 

 

 

 

Newsom ‘đánh nhau’ cùng lúc với lửa và với Trump

.

 

 

 

 

 

Cuộc chiến chống Bão Lửa và Bão MAGA của Thống đốc California, Gavin Newsom

NGO PHONG TODAY

Jan 13, 2025

https://www.youtube.com/watch?v=Cwl6cYDSuYE

 

7,343  views   Jan 13, 2025

Bao gồm các nội dung sau:

·        Trùm biên giới Tom Homan đưa ra một cách nhìn thực tế hơn về giấc mơ "đại trục xuất" dưới chính quyền mới

·        Cuộc chiến chống bão lửa và bão MAGA của Thống đốc California, Gavin Newsom

·        Viện cựu TT Jimmy Carter công bố một bức ảnh đặc biệt, như thể trêu tức Trump

·        California là Tâm Điểm khủng hoảng vô Gia Cư – Nhưng tại sao tốc độ gia tăng lại chậm hơn cả nước ?

 

 

 

 

 

;

Cộng Đồng Người Việt Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Jimmy Carter

SBTNOfficial

Jan 13, 2025

https://www.youtube.com/watch?v=a3_P6V9tkJY 

 

120 views   Jan 13, 2025   #SBTN #SBTNgo #sbtnpscd

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt - Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia San Diego và Nhật Báo Người Việt, cùng sự hỗ trợ các hội đoàn, đoàn thể và các cơ sở truyền thông báo chí. Vào lúc 10 giờ sáng thứ Năm 9/1/2025 tại hội trường Lavender thành phố Westminster Nam California. Đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm cố Tổng Thống thứ 39 của Hoa Kỳ Jimmy Carter vị đại ân nhân của người Việt tị nạn tại Mỹ, người vừa qua đời vào ngày 29/12/2024 hưởng thọ 100 tuổi.

 

 

XEM & NGHE >>>>>

 

 

 

 

.

Nước Mỹ tôn vinh và vĩnh biệt tổng thống Jimmy Carter

Đinh Quang Anh Thái   -  Tự Lực Bookstore

JAN 9, 2025

https://www.youtube.com/watch?v=GXKdzdyJXZA

 

4,222 views Streamed live on Jan 9, 2025 #TuLucBookstore #DinhAnhQuangThai

Câu Chuyện Trong Ngày | Nước Mỹ tôn vinh và vĩnh biệt tổng thống Jimmy Carter | Jan 09, 2025    / tulucbookstore  

https://www.tuluc.com/

https://www.tulucmall.com/

#TuLucBookstore #DinhAnhQuangThai

 

 

 

 

 

 

.

Dự án của Trump Organization ở Hưng Yên có giúp Việt Nam tránh thuế Mỹ?

Linh Ðan  |  VOA Tiếng Việt

13/01/2025

https://www.voatiengviet.com/a/du-an-trump-organization-hung-yen-co-giup-viet-nam-tranh-thue-my/7934535.html

 

Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng” thương mại tồi tệ nhất và đưa quốc gia đang nổi lên là một trung tâm thương mại ở Đông Nam Á nhưng có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Washington.

 

https://gdb.voanews.com/28363BB9-58C6-42CA-9A05-11DD78B5CC12_cx0_cy5_cw62_w1023_r1_s.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm cờ Việt Nam khi được học sinh chào đón tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 27/2/2019.

 

Ông Trump lúc đó đe dọa đánh thuế hàng hóa nhập từ Việt Nam nhưng không lâu sau đó ông thất cử trước Joe Biden. Ông sẽ trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ bốn năm thứ 2 vào ngày 20/1. Khi tranh cử, ông Trump đã dọa áp thuế quan chung từ 10% đến 20% lên tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ mọi quốc gia.

 

“Ông (Trump) đã để mắt tới Việt Nam,” Murray Hieber, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với VOA. “Ông ấy biết thặng dư (của Việt Nam) là rất lớn. Ông ấy đã không hài lòng vào cuối nhiệm kỳ đầu. Thặng dư thương mại là một trong những điều ông (Trump) nói rằng ông sẽ điều chỉnh.”

 

Việt Nam là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

 

Cố vấn về chính sách thương mại cho Tổng thống đắc cử Trump trong 4 năm tới là Peter Navarro, người đã khuyến khích ông Trump thực hiện chính sách bảo hộ trong nhiệm kỳ đầu của ông.

 

“Ông (Navarro) là người theo chủ nghĩa bảo hộ và ông ấy rất tin rằng Trung Quốc sẽ hủy hoại nền kinh tế Mỹ trong khi Trung Quốc đang tái xuất khẩu hàng hóa qua Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác để tránh thuế quan (Mỹ),” ông Hiebert nói. “Việt Nam sẽ phải cẩn trọng theo dõi.”

 

Các nhà lập pháp và các công ty sản xuất ở Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc dùng Việt Nam làm nguồn gốc xuất xứ cho hàng hóa của họ nhằm không bị đánh thuế của Hoa Kỳ, đặc biệt từ khi ông Trump khởi sự cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018.

 

Theo các nhà quan sát, Việt Nam đang lo lắng trước viễn cảnh một nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump. Là quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ trong số các nước Đông Nam Á và chỉ sau Singapore về sự phụ thuộc nhiều nhất vào ngoại thương, Việt Nam được cho là rất quan tâm đến các chính sách thuế và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang hình thành cho nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump.

 

“Không chỉ Hà Nội, mà tất cả các (nước khác) đều đang có những tính toán để đối phó với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump,” Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nhận định với VOA. “Riêng đối với Việt Nam, và có lẽ đối với cả các nước trong và ngoài Đông Nam Á, (họ) phải lo ứng phó với một môi trường chiến lược bấp bênh khi cạnh tranh mọi mặt giữa Hòa Kỳ và Trung Quốc chắc chắn là vấn đề địa-chính trị quan trọng nhất mà các nước sẽ phải đối mặt.”

 

Chủ tịch Việt Nam Lương Cường, khi phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Peru hôm 14/11, nói rằng chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại dẫn đến suy thoái và nghèo đói, mà truyền thông quốc tế cho rằng là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đến nay về đường lối thương mại của ông Trump.

 

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vào tháng 10 đưa ra ước tính rằng nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump có ảnh hưởng đặc biệt đến tăng trưởng của Việt Nam và một số quốc gia khác ở châu Á, với GDP hàng năm có thể giảm hơn 1% vào năm 2028. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thặng dư thương mại với Mỹ lên tới hơn 104 tỷ USD, theo dữ liệu năm 2023 của US Census, cao gần gấp 2 lần so với con số 55 tỷ USD vào năm 2019 khi ông Trump gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại.” Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 16/12 nhận định rằng Việt Nam giờ đây là “mục tiêu” khi ông Trump sắp làm tổng thống lần 2.

 

Đầu tư ở Việt Nam

 

Nhưng ông Trump sẽ bước vào nhiệm kỳ 2 tại Nhà Trắng khi tập đoàn của gia đình ông đang bắt đầu hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

 

Trump Organization và nhà phát triển bất động sản Kinh Bắc Group (KBC) vào tháng 9 đã ký kết hợp tác xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng trị giá 1,5 tỷ USD tại tỉnh Hưng Yên khi Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm đang ở New York. Ông Trump đã đích thân dự lễ ký kết thương vụ mà Trump Organization gọi là “sự hợp tác chiến lược” với tập đoàn ở Hưng Yên, quê nhà của ông Lâm.

 

“Không chỉ là ký giữa Tập đoàn Trump và Kinh Bắc mà là 3 bên và bên thứ ba là Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên,” Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp của VietKnow Think Tank nói với VOA.

 

Theo thông cáo của KBC, Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa có mặt tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ ở New York hôm 25/9 cho dự án gồm 2 hệ thống sân golf 54 lỗ và mạng lưới khách sạn, resort, villa “thượng đẳng”.

 

“Nó là chuyện làm ăn nhưng trùng với việc ông Trump thắng cử (tổng thống Mỹ),” Tiến sĩ Hợp nói. “Nó có tác động là sẽ đem lại một sự phấn khởi cho Việt Nam và cũng là dấu hiệu khích lệ cho các nhà đầu tư của Mỹ và các nước khác đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai và các thứ khác.”

 

Còn theo cựu Đại sứ Thắng, đây “là một cơ hội tốt cho Việt Nam” để nâng cao hình ảnh trên trường quốc tế cũng như trong quan hệ với Mỹ dưới thời Trump.

 

“Giới quan sát ở Việt Nam tin rằng, đầu tư của Tập đoàn Trump vào Hưng Yên sẽ là ‘đòn bẩy’ để thúc đẩy quan hệ ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ (CSP) Việt-Mỹ,” ông Thắng nói. “Ngẫu nhiên hay tất yếu, Hưng Yên là quê hương của ông Tô Lâm và một số nhà lãnh đạo cao cấp khác trong nội các của ông, nên điều đó càng khích lệ, càng thúc đẩy mối bang giao Việt-Mỹ đầy duyên nợ bước lên con đường phát triển bền vững.”

 

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang và Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, đều mới được bổ nhiệm, cùng là những người xuất thân từ tỉnh Hưng Yên.

 

Nhận định về việc liệu dự án của gia đình ông Trump ở Việt Nam có tác động thế nào đến những quyết định của ông Trump về thuế đối với Việt Nam, ông Hiebert cho rằng “ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên không phải lúc nào cũng tách bạch giữa công việc kinh doanh và nhiệm kỳ tổng thống. Do đó nó có thể là một lợi thế cho Việt Nam.”

 

Một báo cáo của CREW lập luận rằng “ranh giới giữa Trump Organization và chính quyền Trump đã trở nên mờ nhạt đến mức không rõ trách nhiệm công của Tổng thống Trump kết thúc ở đâu và lợi ích tài chính cá nhân của ông bắt đầu ở đâu.”

 

Trump Organization không trả lời câu hỏi của VOA về vai trò của ông Trump khi tham dự lễ ký kết giữa tập đoàn gia đình và KCB ở New York hồi tháng 9 cũng như liệu ông sẽ có vai trò như thế nào trong Trump Organization trong nhiệm kỳ tổng thống lần 2.

 

Ông Trump giữ quyền sở hữu tập đoàn kinh doanh của gia đình trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, từ 2017-2021. Con trai thứ của ông, Eric Trump, người tham gia ký kết hợp tác ở Việt Nam hôm 25/9, nói với Reuters rằng sẽ có một “bức tường rất lớn” ngăn cách hoạt động kinh doanh của Trump Organization với chính phủ Hoa Kỳ. Theo ghi nhận của giới truyền thông, Trump Organization hôm 10/1 công bố một kế hoạch nói rằng sẽ giới hạn sự tham dự của ông Trump vào các quyết định điều hành và một vài khía cạnh kinh doanh khác một khi ông chính thức trở thành tổng thống.

 

Việt Nam phải ‘thực tế’

 

Liệu chính quyền của ông Trump có cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trừng phạt Hà Nội vì thặng dư thương mại nếu điều đó gián tiếp gây nguy hiểm cho khu nghỉ dưỡng chơi golf của gia đình ông Trump?

 

Nhận định về khả năng này, ông Hiebert cho rằng dự án “rất lớn” nhưng “không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi nhưng là yếu tố hữu ích khác mà Việt Nam có thể có trong quan hệ với ông Trump và gia đình của ông ấy cũng như tập đoàn kinh doanh.” Tuy nhiên, theo ông Hiebert, dự án này có thể không hoàn thành trong nhiệm kỳ tới của ông Trump.

 

Trong khi đó, ông Thắng cho rằng, ông Trump là “một tổng thống chú trọng giao dịch làm ăn” và sẽ phải “suy nghĩ hai lần” khi đưa ra một quyết định liên quan.

 

“Nhưng còn quá sớm để khẳng định chính quyền Trump 2.0 có trừng phạt Hà Nội vì lý do thặng dư thương mại hay không,” vị cựu đại sứ Việt Nam ở Hà Lan nói. “Mọi tương tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được đặt trên quy tắc có đi có lại. Vấn đề không chỉ là lợi ích của Tập đoàn Trump, mà còn là ‘đồng tiền bát gạo’ của nhiều ‘cánh chim đại bàng khác’ đã và sẽ đến lót ổ ở Việt Nam,” ông Thắng nói, ngụ ý tới các tập đoàn lớn của Mỹ, như Intel, Meta, Google, Tesla hay Nvidia đang và sẽ sản xuất tại Việt Nam.

 

Còn theo Tiến sĩ Hợp, dự án tỷ đô của gia đình Trump là lớn nhưng “không quá quan trọng để tác động đến đường lối chính sách của chính quyền Trump trong 4 năm tới.”

 

Theo vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu về chính sách của Việt Nam và Đông Nam Á, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ chỉ tốt lên trong những năm tới. Ông Hợp cho rằng ông Trump là một người thực tế và sẽ chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ.

 

“Ông Trump không nhìn vào cái tên. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy ông Trump không nhắc gì đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện,” Tiến sĩ Hợp nói. “Ông ấy sẽ không coi trọng bất kỳ mối quan hệ là gì hay tên nó là gì mà nó không mang lại (lợi ích) cho chiến lược của ông ấy.”

 

Ông Trump đến Việt Nam hai lần trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống, gồm chuyến thăm chính thức tới Hà Nội sau khi dự thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng cuối năm 2017 – khi đó ông mời chào các lãnh đạo Việt Nam mua máy bay và tên lửa Mỹ – và chuyến thăm thứ 2 tới Hà Nội để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho việc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng nhưng không thành. Hình ảnh ông vẫy cờ Việt Nam tại Hà Nội được truyền thông trong nước đăng tải rầm rộ lúc đó.

 

Do đó, theo Tiến sĩ Hợp, Việt Nam cũng sẽ phải “thực tế” để đáp ứng những yêu cầu của ông Trump, nhất là về những tranh chấp thương mại.

 

Theo cả Tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu Hiebert và cựu Đại sứ Thắng, Việt Nam sẽ cần phải giảm thiểu thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ cũng như xóa bỏ được hình ảnh Việt Nam là “trạm trung chuyển” cho các mặt hàng Trung Quốc tránh thuế Mỹ, để có thể tránh được bất kỳ nguy cơ áp thuế nào của ông Trump.

 

 

 

.

Tại sao Mark Zuckerberg bất ngờ « xoay chiều », ủng hộ Donald Trump ?    

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 11/01/2025 - 12:21

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20250111-t%E1%BA%A1i-sao-mark-zuckerberg-b%E1%BA%A5t-ng%E1%BB%9D-xoay-chi%E1%BB%81u-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-donald-trump

 

Một sự kiện bất ngờ tại Mỹ hôm 07/01/2025 : Mark Zuckerberg, chủ nhân tập đoàn Meta, công ty sở hữu các mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp, thông báo chấm dứt Fact-checking, « chương trình phát hiện tin giả » được triển khai từ năm 2016 đối với các nội dung đăng tải trên các mạng xã hội của Meta tại Mỹ.

 

HÌNH :

Logo Facebook, mạng xã hội của công ty Meta, thuộc sở hữu của Mark Zuckerberg. © Michael Dwyer / AP

 

Tại sao Mark Zuckerberg lại quay ngoắt 180 độ sau khi chính ông từng cho là tin giả đã góp phần giúp Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ nhất ? Tại sao Mark Zuckerberg chuyển sang ủng hộ Trump, cho dù trước đó, chính chủ nhân tập đoàn Meta đã khóa tài khoản Facebook và Instagram của nhà tỷ phú sau vụ bạo loạn nhắm vào điện Capitol hôm 06/01/2021 ?

 

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên hay lần duy nhất Mark Zuckerberg có thái độ « xoay chiều ». Hôm 02/01/2025, Mark Zuckerberg đã bổ nhiệm Joel Kaplan, một người thân cận với Donald Trump, làm người phụ trách bộ phận quan hệ công chúng của Meta. Dana White, một người có tiếng trong giới võ thuật tổng hợp MMA, chủ tịch giải đấu Ultimate Fighting Championship (UFC), cũng là một nhân vật thân thiết với Donald Trump, thì được Mark Zuckerberg đưa vào Hội đồng quản trị của tập đoàn Meta. Chính Mark Zuckerberg cũng hứa sẽ hợp tác với tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, thậm chí đã tài trợ 1 triệu đô la cho lễ nhậm chức của Donald Trump ngày 20/01.

 

Theo bình luận của Kara Swisher, một chuyên gia Mỹ về Silicon Valley, được thông tín viên RFI David Thomson từ Miami trích dẫn, Meta như vậy chắc chắn đã ngả sang phong trào MAGA « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » do Donald Trump khởi xướng.

 

Cũng trên đài RFI Pháp ngữ ngày 09/01/2025, chuyên gia David Colon, tác giả cuốn sách « Chiến tranh thông tin », giải thích thêm về những lý do khiến chủ nhân Meta « xoay chiều » sang Donald Trump :

 

« Mark Zuckerberg đã bị Donald Trump trực tiếp đe dọa công khai và đích danh là sẽ phải kết thúc cuộc đời trong ngục tù. Nền tảng mạng xã hội của ông đã bị các cử tri ủng hộ Donald Trump và các dân biểu Cộng Hòa theo tư tưởng Trump dọa phá hủy.

 

Đó là những người đã hiểu sai, khi cho rằng cuộc chiến chống thao túng thông tin là kiểm duyệt, rằng các phương tiện tự động hóa bao gồm việc chỉ ra các nội dung sai lệch cũng là một phương tiện kiểm duyệt, và rằng các biện pháp đã được triển khai trong một số trường hợp để làm giảm mức độ lan truyền của các nội dung độc hại hoặc các nội dung có thể gây ra những tác hại rất nghiêm trọng cũng là một hình thức kiểm duyệt thông tin.

 

Vậy nên, mối quan tâm của Mark Zuckerberg là bảo vệ các lợi ích của mình trước chính quyền Donald Trump. Và ở đây, thêm một lần nữa, như đã nhiều lần xảy ra trong lịch sử mạng xã hội Facebook, việc bảo vệ lợi ích của Mark Zuckerberg, vị chỉ huy duy nhất trên boong tàu, được đặt lên trên lợi ích của người dùng Facebook, cao hơn lợi ích của xã hội và sự kết nối của xã hội, cũng như trên cả lợi ích cơ bản của nền dân chủ ».

 

 

Đặc nhiệm Anh và nghi án "cấp phép" giết người Afghanistan

 

Lính đặc nhiệm Anh bị nghi ngờ vô cớ sát hại 80 người Afghanistan trong thời gian lực lượng này được triển khai để chống quân Talibans hồi những năm 2010-2013. Một cuộc điều tra đang được tiến hành. Để bảo đảm tính minh bạch, hôm 08/01 ủy ban điều tra đã công bố bản tóm tắt 7 cuộc nói chuyện của các nhà điều tra với một số binh lính và sĩ quan Anh được điều sang Afghanistan vào thời đó.

 

Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin cho biết chi tiết :

 

« Ngay từ năm 2010, một số binh sĩ đã bày tỏ nhữnglo ngại với cấp trên. Những mối lo ngại này đã được trình bày lại với thẩm phán phụ trách cuộc điều tra : theo họ, ở Afghanistan, lực lượng đặc nhiệm Anh đã giết người vô cớ. Trẻ vị thành niên, trẻ em dưới 16 tuổi, những người không có vũ khí hoặc những người không có liên hệ với Taliban, lại chính là những mục tiêu chính thức bị quân đội Anh nhắm tới. Nghiêm trọng hơn nữa, một số vụ giết người dường như đã được ngụy tạo để tạo ấn tượng rằng họ đã tự vệ chính đáng. Thậm chí, trong các doanh trại, nhiều binh sĩ còn khoe khoang thành tích phá kỷ lục giết người Afghanistan.

Những cáo buộc này cũng phù hợp với những gì mà đài BBC điều tra suốt nhiều năm về các hành vi ngược đãi, lạm dụng chức vụ của lực lượng đặc nhiệm Anh ở nước ngoài. Cuộc điều tra của tư pháp, với các phiên điều trần được tổ chức kín để bảo vệ danh tính của các nhân chứng, phải xác định xem liệu việc quân đội Anh giết hại 80 người Afghanistan có hợp pháp hay không và liệu bộ tổng tham mưu đã có hành động phù hợp sau khi được cảnh báo hay không ».

 

Một số thành viên lực lượng đặc nhiệm Anh cũng bị tố cáo về các hành vi ngược đãi, lạm dụng quyền hạn tại Libya và Syria. »

 

 

Matxcơva và tân chính quyền Damas vẫn đàm phán về căn cứ quân sự Nga ở Syria

 

Ngày 08/01 là tròn 1 tháng từ khi chế độ của nhà độc tài Bachar Al Assad sụp đổ ở Syria, chính quyền Nga vẫn đang thương lượng với tân chính quyền Damas, thuộc lực lượng Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) đã lật đổ Assad, về việc tái triển khai các lực lượng của Nga tại Syria.

 

Dưới chế độ cũ, các đội quân của Nga hiện diện ở quốc gia đồng minh Trung Đông này từ năm 2015. Điện Kremlin cũng muốn duy trì hai căn cứ quân sự gần Tartous và Lattaquié. Đây là các căn cứ « chiến lược » của Matxcơva ở Trung Đông và có vai trò quan trọng đối với các hoạt động quân sự của lính đánh thuê của Nga tại châu Phi.

 

Đặc phái viên RFI Manon Chapelain ngày 09/01/2025 gửi về bài tường trình từ Lattaquié, gần căn cứ không quân Nga ở Hmeimim :

 

« Ở lối vào căn cứ không quân Hmeimim, có một tấm hình lớn chụp tổng thống Nga Vladimir Putin. Phía dưới chân, những người lính Nga đi tới đi lui với đôi tay buông thõng. Khoảng 10 chiến binh của lực lượng HTS đứng đối diện họ. Pháo phòng không chĩa về phía binh lính Nga. Thật khó để có được bất kỳ thông tin nào, dù là nhỏ nhất, ở đây. Họ đã nhận lệnh không được nói chuyện với các nhà báo. Một chiến binh tên là Abu Haidi cuối cùng đã đồng ý nói chuyện với chúng tôi.

 

Abu Haidi cho biết : « Vẫn còn người Nga ở bên trong căn cứ. Nếu không có gì thay đổi, lính Nga theo dự kiến ​​sẽ rời đi vào cuối tháng 01/2025, nhưng cũng có thể là sang đầu tháng 02. Bên trong căn cứ còn có rất nhiều vũ khí và thiết bị pháo binh. Họ đã bắt đầu tháo dỡ thiết bị. Mỗi ngày các đoàn xe, mỗi đoàn 6-7 xe rời khỏi đây theo nhiều đợt. Ngoài ra, còn có các phi cơ quân sự, máy bay dân dụng, máy bay chở hàng và trực thăng cất cánh từ đây. Tôi đoán là họ đi về phía cảng Tartus, nhưng tôi cũng không chắc lắm ».

 

Tổng cộng có khoảng hơn 10 chiến binh của lực lượng HTS đi tuần quanh căn cứ. Hầu hết đều chống Nga, họ đến từ Idleb, cứ địa của lực lượng nổi dậy đã bị Matxcơva oanh kích trong một thời gian dài. Vì thế, ở đây người nào cũng có ánh mắt u ám, thái độ thù hằn được trông thấy rõ. Họ chuẩn bị tinh thần là các vụ xô xát sẽ nổ ra vào bất cứ lúc nào.

 

Bất chấp một vài hành vi khiêu khích của lính Nga, một binh sĩ giấu tên nói : « Chúng tôi từ chối liên lạc với họ. Chúng tôi có rất ít thông tin về những gì đang diễn ra bên trong căn cứ. Chỉ có ban chỉ huy các chiến dịch quân sự liên lạc với họ ».

 

Theo người lính giấu tên này, các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn giữa chế độ mới của Ahmed al-Sharaa và điện Kremlin để xem liệu Matxcơva có thể duy trì các căn cứ quân sự của Nga ở Syria hay không. Nhưng hiện chưa bên nào cho biết đàm phán có đạt bước tiến nào không ».

 

 

Ô nhiễm tràn dầu : Putin chỉ trích các quan chức chưa nỗ lực khắc phục

 

Gần 1 tháng trôi qua kể từ khi 2 con tàu chở dầu bị chìm ở biển Đen làm tràn dầu, nạn thủy triều đen ở Nga và bán đảo Crimée, vùng lãnh thổ mà Matxcơva chiếm của Ukraina, vẫn chưa được khắc phục. Tổng thống Nga Vladimir Poutin cuối cùng đã thay đổi thái độ, công khai chỉ trích các quan chức. Trước đó, trong cuộc họp báo cuối năm 2024, chủ nhân điện Kremlin chỉ thừa nhận là dầu máy tràn ra bờ biển Nga là « một thảm họa sinh thái », nhưng trong cuộc họp đầu tiên của chính phủ năm 2025, ông Putin khiển trách ê kip của ông chưa có đủ nỗ lực để khắc phục « thủy triều đen ».

 

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri ngày 10/01 gửi về bài tường trình :

 

« Việc khiển trách công khai, nhất lại là về chủ đề sinh thái, là điều hiếm hoi Vladimir Putin làm. Nguyên thủ quốc gia Nga đã khiển trách toàn bộ ê-kip của ông, đặc biệt là bộ trưởng bộ Tình Trạng Khẩn Cấp, Alexander Kurenkov.

 

Vladimir Putin phát biểu : « Theo những gì tôi thấy và theo những thông tin mà tôi đã nhận được, tôi kết luận rằng tất cả mọi biện pháp đang được triển khai để giảm thiểu các thiệt hại rõ ràng là chưa đủ. Tôi xin nhắc lại một lần nữa : Ban đầu, họ thông báo với chúng tôi là rằng tất cả những việc này chỉ cần được thi hành ở cấp vùng, sau đó họ lại kết luận là công việc khắc phục phải được thực hiện ở cấp liên bang, rồi thì sau đó họ lại đề nghị phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn liên bang ... ».

 

Hiện giờ, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu liên quan đến bờ biển của vùng Krasnodar của Nga và bán đảo Crimée mà Nga sáp nhập của Ukraina hồi năm 2014, đặc biệt là Sebastopol, thành phố cảng lớn nằm cách nơi 2 tàu chở dầu bị chìm khoảng 250 km.

Bất chấp chiến dịch dọn dẹp quy mô lớn, với sự tham gia của hàng ngàn người, theo nhà chức trách, tình hình vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn, trong khi mùa du lịch cao điểm bắt đầu từ tháng 5 ».

 

 

Hỏa hoạn Los Angeles: Siêu sao Hollywood mất nhà phải chạy nạn

 

Nước Mỹ cũng đã trải qua những ngày đầu năm 2025 không may mắn. Cho đến 09/01, sau 3 ngày hỏa hoạn tại California, đã có ít nhất 5 người chết vì các đám cháy. Từ hôm thứ Ba 07/01, ít nhất 2.000 ngôi nhà và tòa nhà đã bị tàn phá, hơn 100.000 người phải sơ tán. AccuWeather ước tính thiệt hại vật chất lên tới 57 tỉ đô la. 

 

Chiều 07/01/ 2025, đám cháy đầu tiên bùng lên ở khu rừng trên núi phía tây bắc của Los Angeles, thành phố lớn thứ hai Hoa Kỳ, gần « khu nhà triệu đô » Pacific Palisades, và ở Altadena. Palisades Fire không chỉ là trận hỏa hoạn tàn khốc nhất từng xảy ra ở Los Angeles, mà gió Santa Ana thổi mạnh đã khiến lửa lan nhanh, làm bùng lên nhiều đám cháy khác đe dọa Los Angeles.

 

Nhiều người, kể các siêu sao, ở kinh đô điện ảnh Hollywood đã phải sơ tán, nhà cửa bị lửa thiêu rụi, trong đó phải kể đến nhà của diễn viên Anthony Hopkins, tỉ phú Paris Hilton, Laettia, vợ góa của danh ca Pháp Johnny Hallyday … Tại Hollywood, nhiều bộ phim đang quay phải tạm ngừng.

 

Nhiều sự kiện điện ảnh bị đình hoãn. Thông báo đề cử giải Oscars danh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ bị đẩy lui 2 ngày, đến hôm 19/01. Lễ trao giải Critics Choice Awards, dự kiến diễn ra Chủ Nhật 12/01, cũng bị hoãn. 

 

Các vụ cháy khủng khiếp đến mức tổng thống Joe Biden đã phải hủy chuyến công du Roma và Vatican để đến Los Angeles hôm 08/01 gặp gỡ lực lượng cứu hộ và tìm hiểu tình hình hỏa hoạn.

 

Thông tín viên Loïc Pialat ngày 09/01/2025 gửi về bài phóng sự từ Altadena :

 

« Với chiếc mặt nạ phòng chống độc N95 trên mặt, Mark nhìn vào vài chục chiếc xe ô tô bị thiêu rụi trong gara ở cuối phố nhà mình. Cả một con phố với những ngôi nhà bị tàn phá, trong đó có cả nhà của ông. Ngôi nhà của ông đã không thể chống đỡ được vụ hỏa hoạn Eaton do gió thổi mạnh với vận tốc lên tới 80 km/giờ.

 

Ông Mark nói : « Ngọn lửa lan nhanh như vậy là do gió mạnh như vũ bão. Ngay cả trước khi ngọn lửa bùng lên thì đã có rất nhiều thứ bị thổi bay lên trong không khí. Thật là đáng sợ ».

 

Ở Altadena, có những khu phố ở dưới chân núi và phía xa hơn nữa, đã đổ nát hoàn toàn. Peter bước đi trên những gì còn sót lại của ngôi nhà nơi ông đã sinh sống từ 50 năm qua. Ông kể lại : « Khi phải sơ tán, tôi đã sợ rằng mình sẽ chết, bởi vì xảy ra kẹt xe và mọi người lái xe rất ẩu ».

 

Ở phía cao hơn trên con đường dẫn lên núi, Jason đang chụp ảnh đống đổ nát của ngôi nhà của ông. Jason thực sự không biết tại sao lại ra nông nỗi này. Ông nghĩ rằng các công ty bảo hiểm sẽ hỏi tại sao lại vậy. Ông đã di tản cùng với vợ và hai con, khi ngọn lửa vẫn còn ở cách đó rất xa.

 

Jason nói : « Khi sống ở miền nam California, chúng tôi biết rằng có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt là khi chúng tôi ở gần núi như thế này. Nhưng ngay cả khi đám cháy đã bùng lên, tôi cũng không thể tưởng tượng được nó lại có sức tàn phá khủng khiếp đến như vậy ».

 

---------------------

Các nội dung liên quan

 

HOA KỲ - MẠNG XÃ HỘI

Tập đoàn Meta chấm dứt các biện pháp chống tin giả trên mạng Facebook tại Mỹ

 

PHÂN TÍCH

Từ "24 giờ" thành "6 tháng" : Trump bỏ ảo tưởng dễ dàng chấm dứt chiến tranh Ukraina

 

ĐIỂM BÁO

Những tham vọng « đế quốc » của Donald Trump

 

 

 

 

 


No comments: