Sunday, January 12, 2025

HỆ LỤY NÀO TỪ CHÍNH SÁCH 'THỢ SĂN TIỀN THƯỞNG' GIAO THÔNG? (BBC News Tiếng Việt)

 



Hệ lụy nào từ chính sách 'thợ săn tiền thưởng' giao thông?

BBC News Tiếng Việt

10 tháng 1 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9wlz4l0rwvo

 

Người báo tin vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng đang là sự kiện gây nhiều dư luận tại Việt Nam.

 

Cụ thể, nghị định 176/2024 khuyến khích người dân phản ánh các vi phạm giao thông đường bộ để được thưởng 10% số tiền phạt, trong đó mức thưởng cao nhất lên đến 5 triệu đồng.

 

Nghị định 'thưởng' này được ban hành và có hiệu lực cùng lúc với nghị định 'phạt' – Nghị định 168/2024, tăng các mức phạt như vượt đèn đỏ, leo lề, chạy ngược chiều... lên cao hàng chục lần. Cá biệt có mức phạt cao gấp 50 lần so với mức cũ – gây nhiều tranh cãi.

 

Theo các chuyên gia, điều đáng nói là trong khi cây gậy xử phạt đang được thực hiện rất nghiêm túc, thì củ cà rốt tiền thưởng lại vẫn chưa có hướng dẫn chi trả.

 

Tâm điểm các bàn luận trên mạng xã hội hiện nay không chỉ xoay quanh các mối lo ngại về mức phạt cao mà BBC News Tiếng Việt đã phản ánh, mà còn xoáy vào chuyện sẽ hình thành một 'nghề' mới - "thợ săn tiền thưởng" – có thể gây chia rẽ, nghi kỵ trong cộng đồng; đồng thời làm gia tăng nạn mãi lộ không chỉ giữa người vi phạm với cảnh sát mà giữa cả người vi phạm và người tố giác.

 

 

Mục tiêu tối thượng

 

Trước câu hỏi mà dư luận đang đặt ra về mục tiêu ban hành nghị định 176/2024 này, luật sư Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật ATN & Cộng sự, từ Hà Nội, cho rằng mục tiêu tối thượng ban đầu là nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân vào công tác xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo trật tự xã hội của nhà nước. Việc thưởng không phải là mục tiêu chính mà chỉ mang tính khuyến khích.

 

Đồng tình với ý kiến nói trên, nhưng luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Thế giới Luật pháp, cho rằng chính sách tiền thưởng như thế không phải là cách tiếp cận bền vững vì có thể tạo ra động cơ sai lệch, thậm chí "tiềm ẩn những mặt trái về đạo đức xã hội".

 

"Chính sách này có thể tạo ra "nghề mới" - săn lỗi để kiếm tiền. Điều này không phản ánh đúng tinh thần của pháp luật, vốn hướng tới xây dựng ý thức tự giác tuân thủ luật chứ không phải dựa vào sự giám sát, tố giác lẫn nhau.

 

"Chưa kể, chính sách này khuyến khích người dân theo dõi, quay phim người khác, có thể vi phạm quyền riêng tư - một quyền được Hiến pháp bảo vệ. Chúng ta cần cân nhắc giữa lợi ích công và quyền cá nhân.

 

Theo ông Sơn, văn hóa "chỉ điểm" không lành mạnh này có thể gây chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết trong cộng đồng và tạo tâm lý "làm tiền" từ việc phát hiện lỗi của người khác, :chuyển từ hối lộ cho cảnh sát giao thông sang hối lội cho người phát hiện vi phạm."

 

"Nếu người dân tuân thủ một luật vì sợ bị phát hiện và bị phạt nặng thì đó không phải là mục tiêu cuối cùng của pháp luật, theo luật sư Sơn.

 

Ông Sơn còn cho rằng xét về lâu dài nghị định 176/2024 có thể gây bất lợi cho đảng và nhà nước ở nhiều phương diện.

 

Theo vị luật sư này, đầu tiên là về mặt tâm lý cá nhân, người dân đang phải sống trong tâm trạng lo âu thường trực vì sợ bị phát hiện vi phạm.

 

"Họ luôn cảm thấy bị theo dõi, giám sát bởi những "thợ săn vi phạm". Khi mức phạt quá cao so với thu nhập, nhiều người rơi vào trạng thái stress, trầm cảm và dần mất niềm tin vào tính công bằng của pháp luật", ông Sơn nói.

 

Ở phương diện kế tiếp là về gia đình, với mức phạt quá cao có thể đẩy những người vi phạm và gia đình họ vào cảnh "kiệt quệ về tài chính".

 

"Nhiều người có thể phải vay nặng lãi để nộp phạt, con cái có nguy cơ phải bỏ học, mâu thuẫn gia đình tăng cao do áp lực tiền bạc. Đặc biệt khi phương tiện bị tạm giữ, nguồn thu nhập của cả gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Sơn giải thích.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/5f30/live/2ac9c2b0-cf00-11ef-94cb-5f844ceb9e30.png.webp

Luật sư Phùng Thanh Sơn

 

Về phương diện xã hội, ông Sơn lo ngại chính sách mới sẽ khiến cho xuất hiện "nghề săn lỗi" vi phạm để kiếm tiền. Điều này, theo ông, không chỉ làm suy giảm văn hóa đoàn kết cộng đồng mà còn tạo ra một "thị trường ngầm" môi giới giảm tiền phạt. Hệ quả là, khoảng cách giàu nghèo càng bị đào sâu khi cùng một mức phạt nhưng tác động rất khác nhau đến các nhóm thu nhập.

 

"Đáng lo ngại nhất là những hệ lụy về mặt chính trị. Khi ngày càng nhiều người bị đẩy vào cảnh túng quẫn, họ có thể rơi vào tâm lý không còn gì để mất. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch kích động, gây mất ổn định xã hội. Khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân có nguy cơ bị nới rộng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách", ông Sơn nhấn mạnh.

 

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng một chính sách cần được xây dựng dựa trên nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh kinh tế, phải tạo được sự hài hoà trong xã hội và trên hết, phải được người dân ủng hộ, nếu không sẽ bị đào thải.

 

Theo cả hai luật sư, thay vì áp dụng chính sách thưởng tiền, nhà nước nên sử dụng đội ngũ tuyên truyền vốn rất đông đảo của mình để giáo dục ý thức cho người dân, cải thiện hạ tầng giao thông và tăng cường năng lực của lực lượng chức năng.

 

"Chúng ta cần hướng tới việc người dân tự giác tuân thủ vì hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của luật pháp, mới là giải pháp căn cơ và bền vững," luật sư Sơn nói.​​​​​​​​​​​​

 

 

Thực hiện cách nào

 

Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng để một luật hay quy định có khả thi hay không thì cần phải có hướng dẫn thi hành chi tiết, và điều này cần phải được xây dựng trước khi ban hành.

 

"Luật càng chi tiết tỉ mỉ thì càng có khả năng cao áp dụng trong thực tế. Với nghị định 176 này, nếu không có quy định chi tiết thì không ai dám chi thưởng và không người dân nào được nhận thưởng cả," ông Tuấn nói.

 

Quy định chi tiết cũng giúp việc giám sát chi thưởng trở nên khả thi, theo ông Tuấn.

 

"Chẳng hạn, để đối phó với việc dàn dựng vi phạm giao thông nhằm chia nhau tiền thưởng thì cơ quan có thẩm quyền phải có nghĩa vụ xác minh tính chân thực của từng trường hợp chứ không phải cứ ai báo cáo lên là có tiền. Nếu đã xác định được rồi thì áp dụng cơ chế thưởng", ông Tuấn nói.

 

Trước không ít ý kiến băn khoăn về chuyện cùng một vi phạm nhưng có nhiều người cùng báo cáo thì tiền thưởng sẽ "chia" như thế nào, ông Tuấn giải thích rằng có thể áp dụng Luật Dân sự.

 

Theo đó, luật này quy định nếu nhiều người cùng báo cáo một sự việc vào cùng một thời điểm hoặc cách nhau một khoảng thời gian nhất định mà hợp lý, hợp pháp thì số tiền thưởng sẽ được chia đều.

 

"Như vậy, miễn là dân trình báo đúng và quy định của nhà nước chi tiết, chặt chẽ, thì hoàn toàn có thể áp dụng được vào đời sống. Ngược lại, nếu không có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể, minh bạch, thì dư luận sẽ không tin tưởng, không ủng hộ, và chính sách sẽ thất bại", ông Tuấn nhận định.

 

Khi một chính sách mới ra đời, "áp dụng thử nghiệm có sự khập khiễng là điều bình thường", theo ông Tuấn, "nhưng có hợp pháp và hợp lòng dân không lại là chuyện khác."

 

Ông Tuấn cho rằng quy định đã ban hành rồi thì nên áp dụng, sau đó đánh giá tác động của chính sách lên cộng đồng.

 

Trong khi đó, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng "gian lận là điều khó tránh khỏi nếu việc cung cấp thông tin vi phạm và chi thưởng không được người dân giám sát theo thời gian thực."

 

Để hạn chế tối đa việc gian lận, và xác định được ai là người cung cấp thông tin đầu tiên, ông Sơn nói với BBC News Tiếng Việt rằng cần tập trung vào bốn giải pháp chính.

 

Thứ nhất, ông Sơn cho rằng cần xây dựng một cổng thông tin thống nhất, và người dân chỉ được nộp thông tin qua cổng này, không chấp nhận các kênh khác. Mỗi người chỉ được tạo một tài khoản duy nhất và phải xác thực bằng căn cước công dân.

 

Thứ đến, cần xây dựng quy trình thẩm định chặt chẽ các video, hình ảnh người dân cung cấp, theo đó mỗi thông tin phải được ít nhất hai cán bộ độc lập thẩm định và chịu trách nhiệm về việc thẩm định hình.

 

"Họ sẽ kiểm tra tính nguyên gốc của video, ảnh thông qua phần mềm chuyên dụng, đối chiếu với dữ liệu camera giám sát và xác minh tọa độ, thời gian thực của các bằng chứng", ông Sơn nói.

 

Tiếp đến, việc chi thưởng chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt: phải là người đầu tiên cung cấp thông tin về vụ việc đó, bằng chứng phải rõ ràng và không bị chỉnh sửa, không phải là cán bộ công chức liên quan, và quan trọng là vụ việc đã được xử phạt thành công.

 

Cuối cùng, ông Sơn nhấn mạnh, toàn bộ quá trình chi trả phải công khai, minh bạch. Chỉ chi trả qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt.

 

"Danh sách người được thưởng phải được công khai và người dân có thể tra cứu trạng thái xử lý thông tin của mình. Tất cả hồ sơ phải được lưu trữ đầy đủ để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát", theo ông Sơn.

 

--------------------------

Tin liên quan

·         

Bộ Công an sửa đổi quy định giám sát cảnh sát giao thông, ảnh hưởng thế nào?

6 tháng 10 năm 2024

·         

Giao thông Thái Lan: Vì sao tài xế không bấm còi inh ỏi như ở Việt Nam?

1 tháng 12 năm 2023

·         

Việt Nam: Đô thị ‘muốn thông minh’ mà giao thông còn hỗn độn

12 tháng 12 năm 2022

 

===================================================

 

Phạt nặng giao thông: xử phạt hay trừng phạt?

BBC News Tiếng Việt

8 tháng 1 năm 2025

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9830el5y8no

 

Một nghị định mới của Chính phủ Việt Nam về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ đang gây tranh cãi trong dư luận khi tiền phạt quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.

 

HÌNH :

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a9f9/live/e19e9410-cd62-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

 

Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2025, đã nâng mức phạt lên rất cao so với mức phạt cũ.

Xét về số tiền, một số lỗi vi phạm bị phạt lên tới 80 triệu đến 100 triệu đồng, còn xét về tỷ lệ, một số mức phạt trong quy định mới hiện gấp 50 lần so với trước.

Không chỉ phạt tiền, người vi phạm có có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu biển số, phương tiện, trừ điểm giấy phép lái xe v.v...

Chỉ sau hai ngày đầu tiên thực thi Nghị định 168, có tới 33 tỷ đồng tiền phạt đã được thu cho ngân sách nhà nước.

Mức phạt cao diễn ra trong bối cảnh thông tin Bộ Công an được giữ 85% số tiền phạt đặt ra các câu hỏi về mục đích nhằm bảo đảm cho người dân tuân thủ luật giao thông hay là thu ngân sách, từ đó làm dấy lên lo ngại sẽ nảy sinh tiêu cực giữa người vi phạm và cảnh sát giao thông.

 

.

BBC News Tiếng Việt phỏng vấn luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp tại TP HCM, về một số vấn đề đang được dư luận đặt ra đối với các mức phạt trong nghị định này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/bf7c/live/baf1fe30-cc0c-11ef-9fd6-0be88a764111.png.webp

MỨC PHẠT GIAO THÔNG, TỪ 1/1/2025

 

 

BBC: Theo ông, vì sao cần có chế tài quá mạnh, và dường như quá đột ngột, như vậy, đặc biệt là khi thu nhập của người lao động ở Việt Nam còn chưa cao?

 

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Nếu chế tài không đủ mạnh thì không đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa, từ đó không thể nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông nhằm giảm số lượng tai nạn giao thông.

Về nguyên tắc, tôi ủng hộ chế tài phải đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa nhưng phải ở mức hợp lý và tương xứng với thu nhập, không làm cho người vi phạm phải kiệt quệ kinh tế.

Nếu vì mục đích răn đe, phòng ngừa mà đưa ra mức phạt vượt quá sự chịu đựng của xã hội thì về lâu dài nó sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy:

- Mức xử phạt cao gấp nhiều lần thu nhập có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào vòng xoáy nghèo đói khi phải thanh lý tài sản, vay mượn để nộp phạt.

- Việc mất phương tiện đi lại dẫn đến giảm khả năng lao động, từ đó thu nhập càng sụt giảm và khó khăn kéo dài.

- Chênh lệch về khả năng chi trả giữa các nhóm thu nhập đối với cùng một mức phạt đang làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo, tạo ra những bất bình đẳng mới trong xã hội.

- Áp lực tài chính quá lớn khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress kéo dài, trầm cảm và mất niềm tin vào tính công bằng của pháp luật.

- Xuất hiện các "dịch vụ" phi pháp như môi giới giảm tiền phạt, cho vay nặng lãi nhắm vào những người gặp khó khăn.

- Thay vì tăng ý thức tuân thủ, mức phạt quá cao có thể thúc đẩy hành vi trốn tránh tinh vi hơn hoặc tìm cách "chung chi" với cán bộ thực thi.

- Tiền phạt quá cao thì sẽ trở thành trừng phạt chứ không còn xử phạt nữa. Khi đó, mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan thực thi ngày càng sâu sắc, làm suy giảm hiệu quả của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 

Theo một số bài báo, ở Singapore, hành vi vượt đèn đỏ bị xử lý nghiêm khắc với mức phạt tiền tối đa là 400 SGD (gần 7,5 triệu đồng) đối với xe máy và 500 SGD (9,3 triệu đồng) đối với xe hơi. Mức phạt này chưa đến 0,5% tổng thu nhập bình quân năm của người dân (hơn 79.000 USD/năm).

Còn ở Việt Nam thu nhập bình quân đầu người năm 2024 vào khoảng 4.500 USD/năm (tương đương 112.500.000 đồng/năm) nhưng mức phạt lên đến 20.000.000 đồng cho hành vi đó, tương đương 17,78% tổng thu nhập năm.

Ở Việt Nam, một năm mà tài xế bị chừng năm lỗi vi phạm thì xem như cả năm đi làm nhịn ăn, nhịn uống chỉ để đóng phạt mà thôi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8d9f/live/42c82b90-cd7f-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

 

BBC: Ông có nghĩ mức phạt nặng đồng nghĩa với việc người dân tuân thủ luật hơn không?

 

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Việc áp dụng mức phạt quá cao khiến người dân tuân thủ vì sợ bị phạt nặng hơn là vì ý thức tự giác, dẫn đến tình trạng họ chỉ chấp hành khi có sự giám sát của lực lượng chức năng.

 

Thay vì dựa vào nỗi sợ, văn hóa giao thông cần được xây dựng trên nền tảng ý thức từ nội tâm của mỗi người dân, khi họ hiểu rõ việc tuân thủ luật là vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.

 

Khi người dân đã thấm nhuần văn hóa tôn trọng pháp luật, việc thực thi sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ dựa vào các biện pháp cưỡng chế và trừng phạt. Singapore là một minh chứng.

 

Như đề cập trên, mức phạt cho hành vi vượt đèn đỏ ở Singapore chưa đến 0,5% tổng thu nhập bình quân đầu người nhưng ý thức chấp hành pháp luật của người dân Singapore rất cao.

 

Mục tiêu cuối cùng của việc thực thi pháp luật phải là xây dựng được ý thức tự giác từ trong nội tâm mỗi người dân, để họ tự nguyện tuân thủ như một thói quen, một nét văn hóa, chứ không phải vì nỗi sợ bị trừng phạt.

 

.

BBC: Người dân đã có những phản ứng khi mức chế tài phạt quá cao trong khi hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng...

 

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Tôi nghĩ người dân có quyền phản ứng khi mức phạt quá cao so với thu nhập của người dân mà hạ tầng giao thông còn quá nhiều bất cập.

Có người dẫn chứng mức phạt của Singapore, Hoa Kỳ để biện minh cho mức phạt của Việt Nam.

Tuy nhiên, họ quên rằng hạ tầng giao thông Việt Nam so với Singapore, Hoa Kỳ còn kém xa, thu nhập người dân Việt Nam kém hơn Singapore, Hoa Kỳ hàng chục lần!

 

.

BBC: Có ý kiến cho rằng sở dĩ phạt nặng như vậy là muốn tạo thêm nguồn thu nhập cho cảnh sát, khi 85% tiền xử phạt giao thông được phân bổ cho Bộ Công an?

 

LS Phùng Thanh Sơn: Tôi chưa rõ quy chế sử dụng quỹ này như thế nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần minh bạch hơn trong việc sử dụng nguồn thu từ xử phạt.

Nguồn thu này nên được đầu tư trở lại cho hạ tầng giao thông, tuyên truyền và giáo dục ý thức.

Điều này sẽ tạo niềm tin cho người dân.

 

..

BBC: Về phía cơ quan công quyền, liệu có xảy ra các tiêu cực khi người vi phạm thay vì đóng phạt cao sẽ tìm cách đưa tiền cho cảnh sát giao thông?

 

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Tôi nghĩ điều đó sẽ làm gia tăng tiêu cực.

Ví dụ, nếu trước đây một người bị phạt năm triệu đồng, trong khả năng chịu đựng của họ, thì họ có thể sẵn sàng đóng phạt mà không đút lót.

Nay mức phạt tăng lên 20 triệu đồng, ngoài sức chịu đựng của họ, thì chắc chắc họ phải chọn giải pháp thỏa hiệp "cắt nửa vầng trăng" với cảnh sát giao thông thôi.

 

..

BBC: Ông nghĩ có cách nào tốt hơn để không phải tăng nặng mức xử phạt mà vẫn bảo đảm được mục đích tuân thủ giao thông của người dân không?

 

Luật sư Phùng Thanh Sơn: Tôi nghĩ cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp:

Xây dựng lộ trình tăng phạt phù hợp với thu nhập của người dân và áp dụng mức phạt khác nhau giữa các nhóm cư dân. Một người nông dân ở quê lên thành phố, không rành đường rất dễ bị xử phạt, thu nhập họ thấp nhưng lại là người có nguy cơ bị phạt cao hơn dân thành thị. Đây là một nghịch lý. Cần phải có mức chế tài khác nhau theo khu vực cư trú của người vi phạm.

Chính quyền cũng cần rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo bất hợp lý, nâng cấp đèn tín hiệu theo hướng thông minh, tự động điều chỉnh theo lưu lượng.

Thêm nữa, cần phát triển ứng dụng thông báo tình trạng giao thông theo thời gian thực cho người dân, phát triển mạng lưới giao thông công cộng để giảm áp lực của các phương tiện cá nhân, đồng thời cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông nói riêng và pháp luật nói chung.

 

MỨC PHẠT VỚI XE MÁY

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1ee5/live/da881ba0-cc14-11ef-9fd6-0be88a764111.png.webp

 

MỨC PHẠT VỚI Ô TÔ

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/16b0/live/b5fd0e00-ccb2-11ef-9fd6-0be88a764111.png.webp

 

 






No comments: