Tưởng
Niệm Cố Tổng Thống Jimmy Carter: Tôn Vinh Nhân Cách Và Tính Nhân Bản
12/01/2025
HÌNH
:
https://vietbao.com/images/file/IdLviecy3QgBADdz/jimmy-carter.jpg
Một
số người tham dự chương trình tri ân & tưởng niệm cố Tổng Thống Jimmy
Carter do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM) tổ chức vào sáng ngày Thứ Năm 9
Tháng 1 Năm 2025 tại Lavender’s Hall có nhận xét rằng đây là một sự kiện cộng
đồng có nhiều điểm đặc biệt. Buổi lễ bắt đầu gần như đúng giờ, và chỉ diễn ra
trong vòng một tiếng đồng hồ. Đây là một sự kiện cộng đồng hiếm hoi không mang
màu sắc đảng phái, tôn giáo. Trong hơn sáu mươi phút, những người tham dự tỏ
lòng ngưỡng mộ nhân cách và lòng thương người của Tổng Thống Jimmy Carter, người
được xem là vị ân nhân vĩ đại của cộng đồng người Việt tị nạn.
Trong
một đoạn phim tóm lược tiểu sử của Tổng Thống Jimmy Carter, ban tổ chức tóm tắt
những việc làm mà ông đã làm cho cộng đồng người Việt tị nạn. Ông lãnh đạo nước
Mỹ từ năm 1977 đến 1980, là giai đoạn làn sóng người tị nạn Đông Nam Á (chủ yếu
là người Việt Nam) đang dâng cao hơn bao giờ hết, trở thành một cuộc khủng hoảng
nhân đạo thu hút sự chú ý toàn thế giới. Bất chấp xu hướng không chấp nhận người
tị nạn Việt Nam của người dân Mỹ vào thời điểm đó, Tổng Thống Carter liên tiếp
có những hành động để giúp đỡ người tị nạn. Vào năm 1977, ông ký đạo luật
HR7769, cho phép người Việt tị nạn được chuyển từ tình trạng tạm dung sang qui
chế tị nạn, chính thức được công nhận là thường trú nhân, để sau này trở thành
công dân Hoa Kỳ. Vào năm 1978, ông ra lệnh cho Đệ Thất Hạm Đội cứu vớt hoặc hỗ
trợ những con thuyền vượt biên của người Việt. Đến năm 1979, ông vận động Quốc
Hội thông qua Dự Luật Tị Nạn, để chính ông ký thành luật vào năm 1980. Đạo luật
này cho phép tăng gấp ba lần số người tị nạn Đông Dương được nhận vào Hoa Kỳ hằng
năm. Nó cũng là cơ sở pháp lý của những chương trình cho phép người Việt Nam được
chính thức đi định cư tại Hoa Kỳ, trong đó có chương trình ra đi có trật tự
(ODP) bao gồm chương trình HO…
Để
bảo vệ cho những quyết định nhận người tị nạn Việt Nam của mình, Tổng Thống
Carter từng phát biểu rằng người Việt Nam đã từng là đồng minh của Hoa Kỳ. Họ
là những người đáng thương, tìm đến Hoa Kỳ vì ở quê hương họ bị tước đoạt tất cả
các quyền con người. Nhưng ông thấy ở họ một tinh thần phấn đấu đáng khen ngợi,
có tinh thần tự lập, sẽ không phải là gánh nặng của nước Mỹ. Hàng triệu người
Việt ngày đang sinh sống tại Hoa Kỳ đã đến quê hương mới này thông qua những
chương trình của Tổng Thống Carter. Gọi ông là đại ân nhân không có gì quá
đáng.
Lòng
thương yêu con người của Tổng Thống Jimmy Carter đã phải trả giá bằng sự nghiệp
chính trị, khi ông ký Đạo Luật Tị Nạn vào đúng năm bầu cử 1980. Các cuộc thăm
dò vào thời đó cho thấy 62% người dân Mỹ không tán thành Đạo Luật Tị Nạn; 57%
phản đối chính sách nhập cư của ông. Thất cử vào năm đó, ông trở về làm công
dân thường cũng với một tấm lòng nhân bản như thế, tiếp tục thực hiện những
công việc vì hòa bình, vị nhân sinh. Ông nhận giải Nobel Hòa Bình vào năm 2022.
Ông Châu Thụy, giám đốc điều hành VHM, trong bài diễn văn tuyên bố lý do tổ chức
buổi lễ nói rằng nhiều người có mặt trong buổi tưởng niệm hôm đó đã đến Mỹ, trở
thành công dân Mỹ là nhờ ông Carter. Ông nhớ lại vào cuối thập niên 1970s khi
còn ở Việt Nam, ông thường nghe lén đài VOA, BBC, biết được tin Đệ Thất Hạm Đội
nay đang cứu vớt thuyền nhân trên biển. Nhờ vậy mà ông đã quyết tâm vượt biên để
tìm đến bến bờ tự do. Ông Jimmy Carter xứng đáng là sứ giả của tình nhân loại.
Để
thay lời cảm tạ, đạo diễn Đức Nguyễn thực hiện một đoạn video ngắn thật cảm động.
Ông nhắc lại cuộc hành vượt biển đầy may mắn của mình, chỉ kéo dài trong bốn
ngày, và được tàu hải quân Hoa Kỳ USS Long Beach vớt. Thời đó, thuyền nhân gặp
tàu hải quân Mỹ giống như được trúng số, vì nghiễm nhiên sẽ được đi định cư ở Mỹ.
Trong đoạn video có hình ảnh những đứa trẻ chơi đùa với lính hải quân trên tàu.
Đạo diễn Đức Nguyễn kể lại thời được tàu Mỹ cứu ông còn bé xíu. Lính Mỹ hỏi ông
muốn được ăn một ngày mấy bữa, ông trả lời “bốn”. Nhưng chỉ sau một ngày, ông
nói hai là đủ rồi. Đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông. Từ địa
ngục lên đến thiên đường chỉ trong một khoảnh khắc. Cuối đoạn video hiện lên những
giòng chữ đánh máy: “I’m here because of this man’s heart… Thank you
Mr.President…”
Nhạc
sĩ Nam Lộc phát biểu rằng mình có may mắn được phục vụ trong chương trình trợ
giúp người tị nạn Việt Nam ngay từ năm 1975. Ông được ký hợp đồng làm việc với
chương trình này từ tháng 12 1975 đến tháng 12 1976. Thời đó người Mỹ không
thích người tị nạn; chương trình trợ giúp người định cư chỉ dự định thực hiện
trong một năm. Trong khi làn sóng người vượt biển thì cứ tăng dần: 5,000 người
đến được các trại tị nạn trong năm 1976; 16,000 trong năm 1977; 86,000 trong
năm 1978…
Nhạc
sĩ Nam Lộc nhớ lại trước tình cảnh đồng bào của mình vượt biển ngày càng nhiều
trong khi nước Mỹ thì chưa sẵn sàng đón nhận, người Việt ở Washington DC đã tổ
chức biểu tình ở trước Tòa Bạch Ốc. Đích thân Tổng Thống Jimmy Carter ra tiếp
người biểu tình, lắng nghe nguyện vọng của họ. Cũng có thể từ đó mà các quyết định
liên quan đến việc tiếp nhận người Việt tị nạn được bắt đầu và kéo dài nhiều
năm sau đó.
Đạo
Luật Tị Nạn xóa bỏ qui định những người Việt đã từng nhận trợ cấp xã hội sẽ
không được thay đổi tình trạng di trú để trở thành thường trú nhân. Qui định
này đã giúp hàng trăm ngàn người Việt tị nạn trở thành công dân Hoa Kỳ. Cũng lấy
cảm hứng từ tấm lòng nhân từ đối với người tị nạn của Tổng Thống Jimmy Carter,
từ năm 1977 bà Khúc Minh Thơ đã thành lập Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt
Nam, vận động trong nhiều năm để các cựu tù nhân chính trị và gia đình được đến
định cư ở Hoa Kỳ. Tấm lòng nhân từ không có màu sắc đảng phái. Ông Nam Lộc nói
đi dự đám tang của Tổng Thống Carter có nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ; hy vọng họ
sẽ học được phần nào về nhân cách của con người đáng kính trọng này.
Trước khi chương trình kết thúc bằng lễ thắp nến cho Tổng Thống Jimmy Carter,
Nhạc sĩ Nam Lộc hát lại ca khúc Người Di Tản Buồn mà ông sáng tác trong giai đoạn
người Việt bỏ nước ra đi ở cao trào vào cuối thập niên 1970s. Nghe ca khúc này
trong buổi lễ tưởng nhớ đến vị ân nhân của người Việt tị nạn mà cảm thấy nao
lòng:
Chiều
nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa...
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu...
https://vietbao.com/images/file/dSr3tucy3QgBANUQ/w600/hung-nam-loc.jpg
Nhạc
sĩ Nam Lộc trình bày ca khúc Người Di Tản Buồn. (Ảnh: Việt Báo)
Doãn
Hưng
No comments:
Post a Comment