Wednesday, January 15, 2025

1975 - KHI XUÂN VỀ PHƯỚC LONG KHỞI ĐẦU HOÀNG HÔN CỦA VNCH (TS Nguyễn Tiến Hưng / Người Việt Online)

 



1975 – Khi Xuân về Phước Long khởi đầu hoàng hôn của VNCH

Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng

January 6, 2025 : 7:26 PM

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/1975-khi-xuan-ve-phuoc-long-khoi-dau-hoang-hon-cua-vnch/

 

Miền Nam Việt Nam là miền đồng bằng, ít có địa điểm cao, cho nên Phước Long với địa hình nhiều đồi núi, rừng dày là một địa điểm chiến lược. Tháng Ba, 1965, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ Đà Nẵng thì chỉ ba tháng sau, toán Công Binh Mỹ Seabee Team 1104 và bốn đại đội VNCH đã mau chóng xây dựng một căn cứ quân sự gần Đồng Xoài (Đôn Luân, một trong bốn quận lỵ của tỉnh Phước Long). Lập tức một trận chiến đã xảy ra vào nửa đêm ngày 9 Tháng Sáu, 1965.

 

Giao tranh ác liệt kéo dài ba ngày, nhưng phía quân đội VNCH đã là bên thắng cuộc: “Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime, hay Đức Cơ, Đồng Xoài Bình Giã…”

 

Gần 10 năm sau, một trận chiến ác liệt nữa lại đến với Phước Long, cũng bắt đầu từ Đồng Xoài. Pháo binh VNCH ở lợi thế trên cao cùng với những đơn vị Địa Phương Quân chống trả mãnh liệt trước lực lượng áp đảo của quân đội Bắc Việt. Nhưng trung ương đã hết đạn, cạn xăng, và cũng chẳng còn quân trừ bị để tiếp viện. Phước Long thất thủ ngày 6 Tháng Giêng, 1975 sau gần bốn tuần lễ giao tranh, khởi đầu buổi hoàng hôn của nền Cộng Hòa.

 

Phước Long là trận chiến định mệnh, vì Washington không những không có hành động nào để yểm trợ đồng minh, mà còn phát đi những tín hiệu phủi tay. Thấy vậy, Hà Nội, với sự yểm trợ dồi dào của Liên Xô, đã lấy quyết định cuối cùng là tổng tấn công miền Nam

 

Bài này trả lời câu hỏi tại sao lại có cuộc tổng tấn công vào mùa Xuân năm 1975 chứ không phải Xuân năm 1974 hay 1976, và diễn tiến ở hậu trường, cùng những hệ lụy của trận Phước Long.

 

                                                               ***

 

Đã vào mùa thu…mùa thu năm 1974.

 

“Tháng Mười, 1974, trời cuối Thu đã bắt đầu lạnh, gợi cho cán bộ quân sự chúng tôi nhớ đến mùa chiến dịch sắp tới,” Tướng Văn Tiến Dũng, nguyên tổng tham mưu Trưởng quân đội Bắc Việt, viết trong hồi ký “Đại Thắng Mùa Xuân” (1976). Ông tiết lộ động cơ nào đã thúc đẩy Hà Nội quyết định tiến hành cuộc tấn công miền Nam vào mùa Xuân 1975.

 

Tháng Tám, 1974 tại Washington xảy ra hai sự kiện quan trọng:

 

-Tổng Thống Richard Nixon phải từ chức ngày 8 Tháng Tám, 1974.

 

-Quốc Hội Mỹ cắt viện trợ quân sự cho VNCH từ trên $1.614 tỷ (tài khóa 1972-1973) xuống  $1.026 tỷ, (tài khóa 1973-1974), rồi xuống $700 triệu (tài khóa 1974-1975).

 

Bộ Chính Trị ‘thẩm định’ tình hình miền Nam

 

Như đã đề cập trong cuốn “Bức Tử VNCH – Kissinger và 9 Thủ Đoạn Nham Hiểm” (viết tắt là BTVNCH), Tướng Dũng đã ghi lại về những phiên họp kéo dài vào mùa Thu 1974 khi Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương họp để bàn về việc gấp rút thay đổi chiến lược và nghe Bộ Tổng Tham Mưu trình bày kế hoạch tác chiến.

 

[Lưu ý độc giả: Khi trích dẫn cuốn sách của Tướng Dũng chúng tôi đã thay đổi một số từ ngữ có tính cách mạ lỵ, thí dụ như những chữ “của hắn,” “của chúng,” “ngụy,” v.v… Ngoài ra, chữ “ta” và “địch” ở đây là trích dẫn thẳng từ cuốn sách đó chứ không phải nhìn từ phía VNCH]

 

Trong những buổi họp này, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam (từ 1976 đổi thành Đảng CSVN) đã bàn về việc khẩn cấp thay đổi chiến lược: “Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương họp nghe Bộ Tổng Tham Mưu trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược…với những bản đồ, biểu đồ, bảng so sánh các số liệu treo khắp bốn bức tường trong phòng họp. Qua nghe báo cáo và thảo luận, hội nghị nhất trí đánh giá tình hình miền Nam gọn trong năm điểm (tác giả thay đổi một vài chữ cho dễ hiểu hơn):

 

–Một là miền Nam ngày một suy yếu cả về quân sự, chính trị, lẫn kinh tế. Lực lượng ta đã mạnh hơn địch ở miền Nam.

 

–Hai là Mỹ càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong nước và trên thế giới, khả năng viện trợ cho miền Nam ngày càng giảm bớt cả về chính trị và kinh tế…chẳng những phải giảm bớt viện trợ mà còn khó có thể nhảy lại vào miền Nam…

 

–Ba là ta đã tạo được một thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, đã tăng cường được lực lượng và dự trữ vật chất, đã hoàn chỉnh được hệ thống đường giao thông chiến lược và chiến dịch (đường mòn Hồ Chí Minh).

 

–Bốn là ở đô thị đã có phong trào đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ, độc lập dân tộc, đòi lật đổ Thiệu.

 

–Năm là nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

 

Điểm 2 là quan trọng nhất. Ông Dũng viết:

 

“Mỹ giảm viện trợ làm cho kế hoạch tác chiến và xây dựng lực lượng của Sài Gòn không thể thực hiện được theo ý muốn. Trong tài khóa 1972-1973, Mỹ viện trợ $1.614 tỷ về quân sự. Tài khóa 1973-1974 chỉ còn $1.026 tỷ và tài khóa 1974-1975 giảm xuống còn $700 triệu.”

 

Viết như vậy là Tướng Dũng đã dùng đúng những con số về tình hình viện trợ mà chính cá nhân tác giả – sau chuyến đi Washington mùa Hè 1974 – đã trình với Tổng Thống Thiệu, và còn thêm rằng “trên thực tế thì VNCH cũng chẳng có $700 triệu, vì con số thật thì chỉ là $500 triệu (sau khi trừ đi các chi tiêu của cơ quan DAO ở Sài Gòn).” Với mức lạm phát là 37% vảo năm 1974 thì con số này hầu như vô nghĩa.

 

Tướng Dũng còn dùng luôn cả những từ ngữ “đặc biệt” trong bản báo cáo. Thí dụ như hai chữ “tài khóa” là để chỉ “năm tài chính” của Mỹ (Fiscal Year). Đó là một khái niệm kế toán không mấy quen thuộc, ngay cả đối với miền Nam và chắc chắn là rất xa lạ đối với miền Bắc. Tướng Dũng dùng luôn cả cách viết. Thí dụ như “1974-1975,” thông thường thì chỉ dùng “Fiscal Year 1974” (Tài Khóa 1974). Nhưng để cho giới hữu trách miền Nam hiểu rõ hơn, thì thay vì viết “Tài khóa 1974,” chúng tôi đã viết thành “Tài Khóa 1974-1975” (vì nó bắt đầu từ ngày 1 Tháng Bảy, 1974 tới 30 Tháng Sáu, 1975). Như vậy là ông Dũng đã “sao y chính bản!”

 

Ông viết thêm: “Nguyễn Văn Thiệu phải kêu gọi quân đội chuyển sang cung cách tác chiến theo ‘kiểu con nhà nghèo.’  Lý do là vì hỏa lực đã sút giảm gần 60% vì thiếu bom, đạn, khả năng di động cũng giảm đi 50% vì thiếu máy bay, xe cộ, và nhiên liệu.”

 

Hai con số 60% và 50% mà ông Dũng nói đến cũng chính là những con số mà chúng tôi, và sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH đã trình Tổng Thống Thiệu.

 

Chiến đấu theo “kiểu con nhà nghèo”

 

Tháng Hai, 1975 trong buổi họp với một dân biểu Mỹ và Phó Đại sứ Wolfgang Lehmann, Tổng Thống Thiệu đã đặt vấn đề là Mỹ nên  hỗ trợ miền Nam để sớm chuyển sang “chiến đấu kiểu con nhà nghèo.”

 

Tại sao phải thay đổi ? Ông cắt nghĩa là vì trong chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, Mỹ đã giúp đào tạo quân đội và chiến đấu theo mô hình của Mỹ, mô hình của con nhà giàu. Đó là dựa vào hai yếu tố nòng cốt: Di động tính (dùng trực thăng và máy bay không vận C-130) và hỏa lực (đại pháo). Bây giờ thì cả hai yếu tố này không còn nữa. Vậy cần phải chuyển gấp sang “chiến đấu kiểu con nhà nghèo.” Ông Dũng đã lập lại nguyên văn “khái niệm” đó.

 

Hà Nội thay đổi chiến lược

 

Trong bối cảnh ấy (và nhờ những tin tức nhận được qua liên hệ Kissinger và Dobrynin – xem Chương 17 Nối Dài trong cuốn “Bức Tử VNCH,” Hà Nội đã thay đổi chiến lược, từ tập trung vào “tái thiết kinh tế” miền Bắc chuyển sang “tổng tấn công miền Nam.”

 

Sau Hiệp Định Paris, một Kế Hoạch Ngũ Niên 1976 – 1980 đã được Hà Nội soạn thảo với mục tiêu “tập trung toàn lực quốc gia, mọi ngành, mọi cấp, tiến tới phát triển đột phá về nông nghiệp’ giúp giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm thiếu hụt trầm trọng, và để tái thiết hạ tầng cơ sở bị phá hủy vì chiến tranh.” (Xem: Nguyễn Tiến Hưng, Economic Development of Socialist Viet Nam, 1955-1980, Chương 10 – Preager Publishers, 1977).

 

Bây giờ, sau cuộc họp của Bộ Chính Trị như đề cập ở trên, Hà Nội đi đến quyết định tổng tấn công miền Nam. Trong cuốn sách Việt Nam, Những Sự Kiện Lịch Sử 1945-1975 (Hà Nội – Giáo Dục xuất bản) trang 527 ghi lại “Nghị quyết lịch sử” về kế hoạch hai năm 1975-1976 giải phóng hoàn toàn miền Nam, và chuẩn bị “chớp thời cơ để giải phóng miền Nam trong năm 1975.”

 

Nhận được đầy đủ thông tin tình báo, Đại Sứ Graham Martin đã báo cáo về Washington. Ngày 26 Tháng Tư, 1975, tức là chỉ còn bốn ngày trước khi sụp đổ, ông Martin gởi công điện cho Ngoại Trưởng Henry Kissinger – như để ghi lại cho lịch sử, vì ông là chứng nhân cuối cùng ở tại chỗ.

 

Ông viết: “Thế rồi, bỗng nhiên cái đáy thùng rơi xuống, Quốc Hội bỏ phiếu chuẩn chi chỉ có một nửa số tiền quân viện và kinh viện. Thấy vậy, Hà Nội thẩm định lại và quyết định tăng áp lực quân sự. Trước một cơ hội tốt, Liên Xô liền tăng ngay viện trợ quân sự – tăng lên gấp bốn lần trong tam cá nguyệt đầu năm nay – và đã khích lệ Hà Nội thật chính xác rằng chiến dịch tuyên truyền đang được tung ra sẽ tiếp tục làm xói mòn ý chí và quyết tâm của Hoa Kỳ đến mức giúp Hà Nội có thể thu lượm được những thành công đáng ngạc nhiên.”

 

Thực ra thì cũng không cần ông Martin báo cáo, vì qua mối liên hệ “mật thiết” Kissinger-Dobrynin (Đại sứ Liên Xô ở Washington) và đường giây điện thoại 24/24 giữa hai người thì Kissinger đã biết rõ Hà Nội thay đổi chiến lược và việc Liên Xô gấp rút tăng viện gấp bốn lần cho miền Bắc. Ngược lại, Hà Nội cũng biết hết về ý chí xói mòn của Hoa Kỳ qua liên hệ Dobrynin-Kissinger (như đề cập trong cuốn BTVNCH).

 

Tuy nhiên, khi quyết định tấn công, Hà Nội vẫn e ngại về việc Mỹ có thể trở lại. Tướng Dũng viết:  “Hội nghị lần này có một vấn đề được đặt ra và thảo luận sôi nổi: Liệu Mỹ có khả năng đưa quân trở lại miền Nam khi ta đánh lớn dẫn đến nguy cơ sụp đổ của quân đội miền Nam không?”

 

Bộ Chính Trị kết luận: “Ta vẫn đề phòng khả năng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân, hải quân…”

 

Để cho chắc ăn, Hà Nội quyết định đi tìm câu trả lời ngay trên chiến trường: Tấn công Phước Long.

 

                                                          ***

 

Trong cuốn hồi ký “Những Ngày Cuối Của VNCH,” Đại Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng VNCH,  ghi rõ nhiều chi tiết về trận này như sau: “Trong hai năm 1973-1974, CSBV không chiếm được một tỉnh hay phần đất nào của VNCH. Có lúc họ đã nghĩ đến chuyện đánh Tây Ninh hay Kontum, nhưng phòng thủ của hai tỉnh đó nằm ngoài khả năng quân sự của cộng sản. Không còn mục tiêu nào, cộng sản chuyển hướng về Phước Long.”

 

“Đầu Tháng Mười, 1974, qua tin tức thâu thập từ tình báo, phản gián, hồi chánh viên và tù binh, Bộ Tổng Tham Mưu đã biết được kế hoạch CSBV chuẩn bị đánh chiếm Phước Long, cho nên đã không phải là một bất ngờ, ngoài ước đoán của chúng ta. Nhưng cái khó nó bó cái khôn, trung ương hết còn khả năng tiếp viện.”

 

Đêm ngày 13 Tháng Mười Hai, 1974, quân đội Bắc Việt khai hỏa ở Phước Long (tỉnh lỵ là Sông Bé), nằm khoảng 100 cây số ở Đông Bắc Sàigòn. Tỉnh này gồm bốn quận: Đôn Luân, Đức Phong, Bố Đức, và Phước Bình với dân số khoảng 40,000 gồm một số lớn đồng bào Thượng sống ở các buôn, rẫy hẻo lánh. Đây là một khu vực ở vị trí cô lập, luôn cần tiếp tế từ Sài Gòn bằng những chuyến công-voa định kỳ.

 

Lực lượng của VNCH ở Phước Long rất khiêm nhượng, chỉ gồm Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, và bốn trung đội Pháo Binh lãnh thổ, tổng cộng khoảng 4,000 người.

 

Lực lượng của CSBV ở thế thượng phong vì gồm hai sư đoàn bộ binh, và các trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không, và các đơn vị đặc công. Họ lại có những vũ khí và phương tiện truyền tin tối tân dược Liên Xô cung cấp.

 

Khởi đầu, Sư Đoàn 7 Bắc Việt đánh vòng ngoài, tấn công quận lỵ Đôn Luân ở phía Nam thị xã Phước Long do một tiểu đoàn Địa Phương Quân trấn giữ. Với yểm trợ của Không Quân, lực lượng trú phòng đã đẩy lui được nhiều đợt tấn công. Đêm hôm sau, quân đội BV ngừng, không đánh Đôn Luân nhưng tập trung tấn công quận lỵ Đức Phong và Bố Đức. Cả hai đã thất thủ nhanh chóng.

 

Được trực thăng vận chuyển, Tiểu Đoàn 2/7 (thuộc Sư Đoàn 5) và 10 khẩu pháo tới tiếp viện, Ngày 16 Tháng Mười Hai, lực lượng Phước Long phản kích, chiếm lại quận lỵ Bố Đức. Nhưng đêm ngày 23 Tháng Mười Hai, Sư Đoàn 7 Bắc Việt tràn ngập Bố Đức lần thứ hai, và đêm 25 Tháng Mười Hai, sau khi đã nã hơn 1,000 trái pháo, tấn công thành công Đôn Luân.

 

Sáng ngày 1 Tháng Giêng, 1975 quân đội Bắc Việt dốc toàn lực tấn công thị xã Phước Long. Dù mọi loại pháo đã bị tê liệt và số quân chẳng còn bao nhiêu, lực lượng miền Nam chống trả quyết liệt.

 

 

Ngày cuối cùng của Phước Long

 

Ngày 5 Tháng Giêng, Liên Đoàn 81 Biết Kích Dù (hai đại đội, chừng 250 người) được thả xuống tiếp viện, nhưng vừa tới nơi đã bị xe tăng của Bắc Việt áp đảo, bị thương vong khoảng một nửa.

 

Ngày 6 Tháng Giêng, quân Bắc Việt pháo trên 1,000 quả đạn, dọn đường cho trận cuối cùng vào Phước Long. Lực lượng trú phòng tiếp tục chống cự, nhưng nửa đêm hôm đó Phước Long đã thất thủ sau khi cầm cự được gần bốn tuần – từ 13 Tháng Mười Hai, 1974 tới 6 Tháng Giêng, 1975.

 

Trong cuộc chiến kéo dài 20 năm, Phước Long là tỉnh lỵ đầu tiên bị mất.

 

 

Tại sao không tiếp viện cho Phước Long?

 

Ngày 2 Tháng Giêng, 1975 tại Dinh Độc Lập, Tổng Thống Thiệu triệu tập khẩn cấp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để họp với Trung Tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu III. Tướng Đống trình bày kế hoạch tăng viện cho Phước Long. Nhưng sau cùng – như ông Viên viết lại:  “Trung ương không thể thỏa mãn nhu cầu vì nhiều lý do, đặc biệt là vì không còn lực lượng trừ bị nào và cũng không thể rút đơn vị nào khác đang trấn giữ các vị trí quan trọng.”

 

Nơi đây chúng tôi xin mở ngoặc để ghi thêm về việc hết quân. Đầu năm 1975 chúng tôi nghe Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình (tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và tổng giám đốc Trung Ương Tình Báo VNCH, hiện sống ở San Jose, California) nói: “Tôi phải đưa Cảnh Sát Dã Chiến đến đóng ở Vườn Tao Đàn để bảo vệ Dinh Độc Lập vì những đơn vị bảo vệ Dinh đã được di chuyển ra chiến trường rồi!”

 

Nghe vậy chúng tôi thật ngỡ ngàng vì cứ tưởng là quân đội VNCH gồm trên một triệu quân nhân – một sự kiện mà cho tới bây giờ nhiều người – nhất là truyền thông Mỹ – vẫn nói như vậy. Thực ra thì số quân tác chiến chính quy chỉ có 13 sư đoàn hay khoảng 130,000 quân nhân. Còn lại là Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Đã từ mấy năm, VNCH yêu cầu Mỹ giúp trang bị thêm hai sư đoàn để làm lực lượng trừ bị. Năm 1974 chúng tôi cũng đã nối tay với ĐT Cao Văn Viên để vận động thêm, nhưng không thành công vì các nghị sĩ, dân biểu Mỹ luôn nói rằng: “Các ông đã có hòa bình rồi, vậy nên giải ngũ chứ không phải tăng thêm quân.”

 

Về chuyển vận, khả năng không vận bị thu hẹp tối đa. Theo Tướng Viên thì tất cả có 32 máy bay chuyển vận C-130, nhưng vì hư hỏng, thiếu phụ tùng, giới hạn về số giờ bay (thiếu xăng) nên mỗi ngày chỉ sử dụng được từ bốn đến tám chiếc trên toàn lãnh thổ. Ông thêm: “Chưa bao giờ miền Nam lại cảm thấy bất lực như lúc này: Không có quân tăng viện mà nếu có thì cũng không còn phương tiện chở quân tăng viện và chở đến cho kịp thời.”

 

Về tiếp tế, Không Quân tiếp tục thả xuống tới 10 lần nhưng phạm vi kiểm soát của lực lượng trú phòng đã co lại, đồ tiếp tế lọt vào tay đối phương rất nhiều. Sau cùng vì hết quân bắt buộc phải bỏ Phước Long để tập trung lực lượng giữ Tây Ninh.

 

Ngày 6 Tháng Giêng, Phước Long thất thủ.

 

Ngày 8 Tháng Giêng, Bộ Chính Trị hạ lệnh cho quân đội vượt qua ranh giới Bến Hải để tấn công.

 

Hà Nội đánh giá chiến thắng

 

Tướng Dũng viết tiếp trong hồi ký: “Chiến thắng này còn cho thấy rõ hơn về đế quốc Mỹ trong ý đồ và khả năng can thiệp của họ vào miền Nam Việt Nam…Ngày nay Mỹ đã yếu thế đến mức không thể muốn làm gì thì làm.”

 

“Chiến dịch đường số 14 – Phước Long thắng lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng…Quân chủ lực của miền Nam không còn đủ sức hành quân giải tỏa quy mô lớn để lấy lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng mà ta đã chiếm trên các vùng rừng núi và giáp ranh. Bọn hiếu chiến ở Lầu Năm Góc dọa ném bom trở lại miền Bắc… Nhưng rồi cuối cùng Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Schlesinger bắt buộc phải bỏ qua “sự kiện Phước Long” và tuyên bố: “Đây chưa phải là một cuộc tiến công của miền Bắc Việt Nam.”

 

Như vậy, câu hỏi “liệu Mỹ có can thiệp trở lại hay không” đã có được câu trả lời dứt khoát trên chiến trường.

 

Sau Phước Long, ngày 24 và 25 Tháng Giêng, 1975 Tổng Thống Thiệu cay đắng gửi hai lá thư liên tục cho Tổng Thống Gerald Ford yêu cầu gấp rút tăng viện.

 

Ông viết:  “Khi chúng ta đang tiến gần đến kỷ niệm hai năm ngày ký Hiệp Định Paris 27 Tháng Giêng, 1973, tôi muốn lưu ý ngài đến tình hình vô cùng nghiêm trọng mà đất nước chúng tôi đang phải đối mặt… Vì miền Bắc tiếp tục nhận được một lượng lớn thiết bị và đạn dược từ các nước Cộng Sản để theo đuổi cuộc tấn công tại miền Nam Việt Nam, chúng tôi phải dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để cung cấp thiết bị và đạn dược cần thiết cho việc phòng thủ của chúng tôi. Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi đã phải chấp nhận những thất bại chỉ vì hỏa lực và thiết giáp áp đảo của Cộng Sản.

 

Về phía VNCH, quân đội chúng tôi đã phải đếm từng viên đạn để chiến đấu dược lâu hơn… Tôi hy vọng rằng ngài sẽ có thể thuyết phục Quốc Hội và nhân dân Hoa Kỳ rằng việc cắt giảm và hạn chế viện trợ cho VNCH sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sự tồn tại của đất nước này, và còn làm cho những cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ hòa bình tại Việt Nam mất hết ý nghĩa…”

 

Tổng Thống Thiệu nóng lòng chờ đợi từng giờ, nhưng một tháng sau, ngày 26 Tháng Hai, 1975 Tổng Thống Ford mới trả lời! Văn thư lại do Ngoại Trưởng Henry Kissinger soạn thảo. Ông là  người đã quyết tâm “bức tử VNCH.” Chỉ cần sắp xếp làm sao để quốc gia này tồn tại thêm vài năm sau Hiệp Định Paris. Hiệp định này ký Tháng Giêng, 1973 thì đến Tháng Giêng, 1975 là đúng hai năm. Cho nên Phước Long chính là “ga cuối đường tàu” của Kissinger.

 

Dù trong giờ phút cực kỳ nguy nan, thay vì nói đến tăng thêm quân viện, văn thư lại kết luận:“Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng việc thực thi Hiệp Định Paris, cùng các cuộc điều đình trực tiếp giữa các phe phái Việt Nam, là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấm dứt cuộc đổ máu tại Việt Nam.”

 

                                                          ***

 

Nhìn sang Âu Châu ngày nay, tuy cuộc chiến Ukraine và cuộc chiến Việt Nam khác hẳn nhau – cả về bản chất lẫn hoàn cảnh lịch sử –  ta vẫn có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu sự “cắt giảm quân viện cho Ukraine” và lập trường “điều đình trực tiếp giữa các phe phái” có phải là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấm dứt cuộc đổ máu tại  quốc gia này hay không? Sau thỏa thuận hòa bình, nếu có, do tân Tổng Thống Donald Trump làm trung gian vào mùa Xuân 2025, liệu Ukraine có sớm hết đạn dược để bảo vệ hòa bình? [đ.d.]

 

 






No comments: