Tuesday, January 14, 2025

KẸT XE Ở VIỆT NAM TỪ MỘT NGHỊ ĐỊNH GÂY PHẪN NỘ (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Kẹt xe ở Việt Nam từ một nghị định gây phẫn nộ

Hiếu Chân/Người Việt

January 14, 2025 : 7:02 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/ket-xe-o-viet-nam-tu-mot-nghi-dinh-gay-phan-no/#google_vignette

 

Những ngày qua, trong lúc người Mỹ vật lộn với thiên tai bão lửa và bão tuyết thì người Việt trong nước lại khốn khổ khốn nạn với nhân tai: nạn kẹt xe kinh hoàng bắt nguồn từ một quyết định ngu ngốc của nhà cầm quyền: Nghị Định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ban hành ngày 26 Tháng Mười Hai, 2024, và có hiệu lực chỉ vài ngày sau đó.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/01/A1-Ket-xe-Viet-Nam-1536x1024.jpg

Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở Việt Nam, xe hơi và xe gắn máy giành nhau từng chỗ trống để nhúc nhích. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

 

Một quy định tàn bạo

 

So với Nghị Định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được thi hành đến cuối năm 2024, các mức xử phạt bằng tiền theo Nghị Định 168 tăng lên gấp nhiều lần. Ví dụ, đối với xe gắn máy “không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông” (tức vượt đèn đỏ) mức phạt tăng từ 1 triệu đồng ($39) lên 6 triệu đồng ($236), mức thấp nhất của khung hình phạt, “chạy quá tốc độ trên 20 km/h” tăng từ 5 triệu đồng ($197) lên 8 triệu đồng ($315); “lạng lách, đánh võng” tăng từ 8 triệu đồng ($315) lên 10 triệu đồng ($394). Đối với xe hơi, mức phạt cao nhất lên tới 50 triệu đồng ($1,969) cho lỗi “lạng lách, đánh võng”… So với thu nhập, mức phạt lỗi vi phạm giao thông tương đương với từ một đến năm tháng lương!

 

Không chỉ đưa ra các mức phạt quá tàn bạo, Nghị Định 168 còn đặt ra những quy định khó hiểu, như người đi bộ qua đường phải “vẫy tay” ra hiệu, người lái xe gắn máy chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi phía trước sẽ bị phạt tiền từ 8 ($315) đến 10 triệu đồng ($394) và bị tước bằng lái xe từ 10 đến 12 tháng; lái xe liên tục suốt bốn tiếng đồng hồ, lái xe quá 10 tiếng một ngày hoặc 48 tiếng một tuần cũng bị phạt từ 3 ($118) đến 5 triệu đồng ($197), dù chẳng ai biết sẽ nghỉ ở đâu khi các tuyến xa lộ không có trạm dừng, thậm chí không có cả làn đường dừng khẩn cấp cho xe bị trục trặc máy móc!

 

Quái đản nhất là Nghị Định 168 có điều khoản khuyến khích người dân chụp ảnh quay phim các trường hợp vi phạm luật giao thông rồi báo cho công an để lãnh thưởng, mức thưởng bằng tiền lên tới 10% số tiền xử phạt nhưng không quá 5 triệu đồng ($197) mỗi vụ! Quy định này biến toàn dân thành “chỉ điểm,” thành tai mắt của công an, rình rập đồng bào để trục lợi! Nghe thật quen tai vì trong thời Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc (1953-1956), nông dân đã được khuyến khích đấu tố địa chủ phú nông, càng đấu tố mạnh thì càng được chia “quả thực” nhiều! Đây cũng là sách lược của cộng sản, biến mâu thuẫn giữa người dân với nhà cầm quyền thành mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để dễ bề cai trị!

 

Vì sao kẹt xe?

 

Công bằng mà nói, giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn từ lâu đã là cơn ác mộng cả với người địa phương. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2024 mà Tổng Cục Thống Kê công bố vào ngày 6 Tháng Giêng, 2025, thì năm 2024 cả nước đã xảy ra 23,484 vụ tai nạn giao thông, làm 10,944 người chết và 17,342 người bị thương – tương đương với thương vong của vài sư đoàn lính bộ binh. Tình trạng sáng ra đi làm đi học rồi không về nhà nữa từ lâu đã là nỗi lo sợ ám ảnh mọi gia đình.

 

Chấn chỉnh giao thông sao cho văn minh hiện đại để người đi làm đi học được an toàn là chuyện phải làm, càng sớm càng tốt. Một quan chức Bộ Công An giải thích trên báo Nhân Dân: “Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt việc tăng mức xử phạt để kiềm chế tai nạn giao thông.” Nghe ra thì việc ban hành Nghị Định 168 là hợp lý. Nhưng có thật vậy không?

 

Nhà cầm quyền Việt Nam xưa nay thường đổ lỗi giao thông hỗn loạn do “ý thức của người dân kém” và coi xử phạt thật nặng là cách lập lại trật tự an toàn giao thông. Nhưng thực tế giao thông hỗn loạn là do nhiều nguyên nhân, đứng đầu là năng lực yếu kém của chính họ trong quản trị xã hội. Tại các đô thị lớn dân số gia tăng không ngừng trong khi đường sá không được mở mang tương xứng, xe gắn máy và xe hơi là phương tiện đi lại chủ yếu vì phân bổ dân cư bất hợp lý, thành phố nhiều ngõ ngách và giao thông công cộng yếu kém. Đã vậy, nhà chức trách còn cho xây dựng vô số cao ốc văn phòng, chung cư nhiều tầng trong nội thành nên đường sá đã hẹp còn bị tắc nghẽn liên tục do hàng vạn người ra vào.

 

Sài Gòn chẳng hạn, được quy hoạch cho khoảng nửa triệu dân, nay đã có hơn 10 triệu người và mỗi năm tiếp nhận thêm gần nửa triệu người di cư từ nơi khác đến. Thành phố này thu vào ngân sách khoảng 445,000 tỷ đồng ($17.5 tỷ) mỗi năm, nhưng dành 79% để “đóng hụi chết” cho Hà Nội nên luôn thiếu tiền để phát triển đường sá, bệnh viện, trường học. Một tuyến tàu điện từ chợ Bến Thành ra Suối Tiên, chưa tới 20 km mà phải làm mất 16 năm do thiếu vốn. Chỉ có ngày Tết, người nhập cư về quê sum họp gia đình, người địa phương đi du lịch các nơi thì Sài Gòn mới thông thoáng, còn ngày thường mà Sài Gòn không kẹt xe là chuyện lạ!

 

Đổ thừa cho “ý thức người dân kém” mà lờ đi những nguyên nhân về quản trị xã hội của nhà cầm quyền là luận điệu quen thuộc chỉ để che giấu bản chất vừa ngu vừa tham của chính họ. Chẩn đoán sai nguyên nhân, đề ra giải pháp sai nên khi nhà cầm quyền gia tăng xử phạt, buộc người dân phải chấp hành các quy định nghiệt ngã của họ, sự lộn xộn đã thay bằng sự tắc nghẽn trầm trọng, còn tai hại hơn nhiều. Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn khác thực tế đã trở thành những “bãi đậu xe khổng lồ,” kẹt cứng.

 

Những ngày này, trên các mạng xã hội và cả trên báo chí do nhà nước quản lý có vô số hình ảnh, video cho thấy những con đường không còn chỗ đặt chân, xe hơi và xe gắn máy giành nhau từng chỗ trống để nhúc nhích. Đã có vô vàn những cảnh ngộ dở khóc dở cười khi lái xe phải “tè” vào chai nước vì không còn cách nào khác, xe cứu thương lẫn cứu hỏa nằm chết dí giữa biển xe cộ đang chật vật nhích từng chút một, thậm chí những cảnh thật đáng phẫn nộ khi người mắc lỗi phải khóc lóc quỳ lạy viên cảnh sát giao thông xin tha khoản phạt bằng thu nhập cả tháng của họ, có thể đẩy cả gia đình vào cảnh đói khát!

 

Các nhà kinh doanh còn cảnh báo thiệt hại khủng khiếp cho nền kinh tế mà tình trạng tắc đường, kẹt xe gây ra. Khi hàng trăm ngàn chiếc xe nằm giữa đường không nhúc nhích được thì bao nhiêu triệu giờ làm việc của người lao động bị bỏ phí, bao nhiêu chuyến hàng bị chậm trễ gây gián đoạn sản xuất kinh doanh? Kinh tế đình trệ ngày giáp Tết là hậu quả nhãn tiền mà những kẻ soạn thảo, ban hành Nghị Định 168 đã không tính tới. Thiệt hại cho sức khỏe và tâm thần của người dân cũng là những thiệt hại khó mà đo đếm được.

 

“Cùng tắc biến?”

 

Rõ ràng việc tăng mức xử phạt vi phạm tàn bạo như Nghị Định 168 không phải là lời giải cho bài toán giao thông. Nhưng tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại gấp rút ban hành và thực thi một quy định làm cả nước phẫn nộ như vậy?

 

Nếu để ý Quốc Hội cho Bộ Công An được trích lại và sử dụng 85% khoản tiền phạt thì rõ ràng nghị định này chỉ làm “ấm túi” những kẻ đứng đường “cướp có môn bài.” Số liệu đăng trên báo nhà nước cho thấy, trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị Định 168, cảnh sát giao thông đã thu được 28 tỷ đồng ($1.1 triệu) tiền phạt, sau sáu ngày thu được hơn 187 tỷ đồng ($7.4 triệu), chưa tính những khoản lớn hơn nữa mà người phạm lỗi chi riêng cho cảnh sát không thể hiện trong sổ sách. Có người nói, ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, muốn lấy lòng lực lượng công an, nơi ông xây dựng sự nghiệp và thăng tiến, giúp ông loại trừ các đối thủ chính trị, thâu tóm và duy trì quyền lực tuyệt đối.

 

Một lý do khác có thể là do nhà cầm quyền cộng sản muốn thử thách sức chịu đựng của người dân. Guồng máy công an trị của ông Tô Lâm đã bao phen hành động càn rỡ, bất chấp đạo lý và pháp luật mà không gặp sự phản kháng đáng kể nào, từ vụ đang đêm đột kích vào thôn Hoành xã Đồng Tâm, giết chết ông Lê Đình Kình một cách dã man cách đây đúng năm năm đến những vụ “đổi thẻ căn cước” tùy tiện, bắt bớ tràn lan những người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, thậm chí cử đặc vụ ra nước ngoài bắt cóc những người bất mãn với chế độ mà trong nước không ai dám lên tiếng phản đối.

 

Sau nhiều thập niên dưới chế độ Cộng Sản tàn ác một cách tinh vi, phần lớn người dân Việt có tâm lý cầu an, “không quan tâm tới chính trị,” hờ hững với tự do, dân chủ, nhân quyền vì nghĩ đây là những khái niệm trừu tượng, không thiết thân với đời sống. Phải đến khi nồi cơm tấm áo của họ bị đạp đổ họ mới thấm thía nỗi uất ức của những người bị tước đoạt tự do và phẩm giá. Mấy ngày gần đây có nhiều người không chịu nổi nữa đã lên mạng xã hội bộc bạch nỗi uất ức của họ, dù chỉ dám nói bóng gió để tránh bị chụp mũ chống phá chế độ.

 

Nỗi uất ức tập thể bị dồn nén quá đáng sẽ dẫn đến xã hội căng thẳng và có thể nổ tung bất cứ lúc nào. “Cùng tắc biến” – xã hội Việt Nam đã bị đẩy đến đường “cùng” mà nạn kẹt xe kinh hoàng là một ví dụ; song có sớm “biến” được hay không, “biến tắc thông” hay không là chuyện chưa biết trước được. Phép thử của ông Tô Lâm có vẻ quá đà, sắp tới có thể ông ta sẽ tìm cách “xả nén” để tránh bùng nổ. Nhưng nếu mọi người cứ cắn răng cam chịu nỗi thống khổ thì dân tộc này quả vô vọng và đám cầm quyền chóp bu cứ yên tâm kê cao gối mà ngủ, sẽ chẳng có ai dám thách thức uy quyền của họ. [qd]

 

 

 

 


No comments: